Khơi dậy tiềm năng du lịch những miền di sản: Thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm

Thứ Ba, 13/06/2017, 10:12
Ngoài 5 di sản được UNESCO công nhận, Thừa Thiên - Huế là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, thu hút du khách nhờ vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương, núi Ngự và các bãi biển Lăng Cô, Thuận An, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai… với nhiều tour du lịch hấp dẫn được khai mở trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đơn vị lữ hành hoạt động ở địa phương thì lượng du khách đến Huế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú và các đơn vị lữ hành còn thiếu sự liên kết. Các sản phẩm du lịch còn quá đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Nhiều du khách bày tỏ rằng, Cố đô Huế nhiều di tích, cảnh đẹp, song họ chỉ đến tham quan, sau đó vào Đà Nẵng để ăn uống, nghỉ lại. Bởi vì, ở Đà Nẵng dịch vụ du lịch, nhà hàng, quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ… giá cả “bình dân” hơn.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh liên kết du lịch với nhiều địa phương trong cả nước để xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến Huế. Một trong số đó là mô hình liên kết “3 địa phương, 1 điểm đến”, được Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với vùng đất di sản miền Trung, khi nơi đây có nhiều bãi biển đẹp tầm cỡ thế giới, các khu sinh thái, vườn quốc gia đa dạng sinh vật cảnh, nhiều lễ hội truyền thống như Festival Huế, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, hành trình di sản Quảng Nam...

Ngoài giới thiệu hình ảnh, tiềm năng du lịch, cả 3 địa phương đều triển khai nhiều phương án đảm bảo môi trường du lịch, giữ gìn ANTT, ngăn chặn nạn “cò mồi”, “chặt chém”, nâng ép giá du khách để tạo ra môi trường du lịch thân thiện, an toàn đối với du khách... Tuy nhiên, đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mô hình liên kết giữa 3 tỉnh, thành miền Trung chỉ mới dừng lại ở cấp độ quản lý nhà nước, các hiệp hội du lịch và trong các hoạt động cùng nhau xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn famtrip, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý, bồi dưỡng nhân lực... Trên thực tế thì các doanh nghiệp vẫn còn thiếu sự liên kết với nhau để tạo ra những sản phẩm du lịch dùng chung cho 3 địa phương.

“Cái khó hiện nay là sự thống nhất về cơ chế chính sách của 3 địa phương. Du khách họ chỉ nghĩ đến du lịch ở miền Trung chứ không phân biệt Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam nên rất ngạc nhiên khi cơ chế chính sách về dịch vụ, giao thông của mỗi địa phương khác nhau”, ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay.

Tìm hiểu thêm mới biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn mở liên kết du lịch với các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, tuy nhiên những hợp tác này chỉ mới phát triển ở mức độ nhất định, chưa có giải pháp, hành động cụ thể để triển khai nên việc liên kết chưa hiệu quả, dẫn đến bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút các đoàn khách du lịch về địa phương, gây mất nguồn thu chính đáng.

Du khách đến Cố đô Huế chưa tương xứng với tiềm năng du lịch là do thiếu sự liên kết giữa các vùng miền.

Nói về công tác liên kết phát triển du lịch, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam, thẳng thắn thừa nhận là “chưa đạt yêu cầu”. Việc liên kết phát triển du lịch ở các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa có sự đồng bộ cần thiết, trong khi đó sự liên kết phát triển du lịch giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành du lịch miền Trung mới đạt được một số kết quả bước đầu.

Theo ông Hài, từ năm 2005, Quảng Nam đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hằng năm, các bên đều họp bàn xây dựng kế hoạch cụ thể. Đến nay thì các địa phương đã có được website chung, tài liệu quản bá chung, logo chung,… Thời gian đến, công tác liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trọng điểm về du lịch sẽ được đẩy mạnh thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Riêng việc liên kết phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, chính quyền và ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam đang có nhiều động thái tích cực.

Đơn cử như, tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, đưa ra chủ đề “Hành trình kết nối di sản” nhằm mục đích hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ đó tạo sự hài hòa trong mối quan hệ rất nhạy cảm giữa bảo tồn và phát triển, giữa liên kết phát triển và phát triển tự thân, mục tiêu cuối cùng là đưa di sản thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế, các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt là các địa phương là vùng đất giàu di sản văn hóa và bãi biển đẹp, hoang sơ… Có giao thông thông thương với các nước trong khu vực. Việc liên kết phát triển du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào và các tỉnh miền Trung đã trở thành hiện thực, khi những năm gần đây, chuyện “một ngày ăn cơm 3 nước” Thái - Việt – Lào không còn là chuyện lạ đối với các đoàn du khách carnavan và các thương nhân trên dặm đường mở rộng thị trường.

Việc Lào, Thái Lan và Việt Nam đẩy mạnh kết nối, cùng hợp tác phát triển và sử dụng các tuyến đường số 8 và 12 ở các tỉnh miền Trung, cụ thể con đường “Du lịch sinh thái” sẽ mở ra những cơ hội rất to lớn để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, với chiều dài trên 600km đường biển, các địa phương nói trên đang sở hữu nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng, có giá trị để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, như Nhật Lệ, Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An...

Có thể nói, rất nhiều thế mạnh về phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung là điều không phải bàn cãi, song trên thực tế hiện nay, nguồn thu từ du lịch đóng góp vào ngân sách các địa phương vẫn rất hạn chế. Nguyên nhân là do các địa phương đang thiếu sự liên kết trong quản lý, kinh doanh du lịch.

Anh Trần Đình Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đang kinh doanh du lịch ở Pháp, cho rằng: “Nhiều lần khảo sát các điểm du lịch ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy, du lịch ở khu vực này chưa thể cất cánh do tư duy phát triển manh mún, làm theo kiểu chắp vá, thiếu sự liên kết giữa các địa phương, các trung tâm du lịch, lữ hành... Chính tư duy “mạnh ai người ấy chạy”, hoặc “cát cứ” trong việc tìm kiếm khách du lịch đang kìm hãm sự phát triển du lịch của khu vực này”.

A. Khoa – N.Thi – S. Lam
.
.
.