Khắc khoải gánh hàng rong và những tiếng rao
Xem triển lãm, người ta có thể thấy được cả một Hà Nội sống động, thân thương và gần gũi trong những năm tháng chưa xa.
Thương nhớ Hà Nội xưa
Tháng 10, những cơn gió nhẹ buổi sáng mang theo cái lạnh heo may, dù năm nay đến muộn hơn, nhưng cũng đủ đáp ứng mong mỏi sự chờ đợi của những người yêu Hà Nội vào tiết trời mùa thu. Thu đến, người ta thấy phấn chấn, thích thú hơn khi ra đường. Và với những người yêu Hà Nội, ưa hoài niệm, thì triển lãm Gánh hàng rong và những tiếng rao, mặc nhiên mang lại sự thu hút.
Một Hà Nội của những ngày xa xưa, cái thời còn chưa đông đúc được tái hiện lại trong không gian triển lãm của Trung tâm ngôn ngữ và văn minh Pháp. Những bức ảnh chụp lại với bối cảnh trên đường phố Hà Nội xưa, xe cộ và con người đều thưa vắng. Người ta đi lại, mua bán vẫn bằng xe kéo hoặc đi bộ với gánh hàng rong trên vai, cùng những tiếng rao bán hàng. Hà Nội khi ấy với những làng nghề ven đô, người ta làm ra rất nhiều thứ để mang vào thành phố bán.
Người Hà Nội gốc kinh kỳ là những người sành ăn, mặc nhiên những hàng được mang từ ngoại ô vào phải là những sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất; có khi chỉ là những món ăn dân dã thôi, nhưng với đặc trưng riêng của hương vị, mới đáp ứng được nhu cầu của người Hà Nội tinh túy.
Hà Nội xưa, có khi những món ăn được rao chỉ là phở, nước chanh, tào phớ… mỗi món ăn có hương vị riêng, góp một phần làm nên thương hiệu của đặc sản các món ngon Hà Nội. Những cái tên chỉ mới đọc lên thôi, người ta thấy hiện ra cả những món ăn đặc trưng, truyền thống: cốm làng Vòng, phở Thìn, bánh cốm Nguyên Ninh.
Không gian của những bức ảnh chủ yếu ở Bờ Hồ và khu vực phố cổ, chợ Đồng Xuân, phố Tràng Tiền, Nhà hát Lớn. Những người phụ nữ nhuộm răng đen, áo yếm, váy nâu, khăn vấn, gánh trên vai sản phẩm của gia đình làm ra đi khắp các phố phường Hà Nội, cùng những tiếng rao đi kèm, trên vai là những đôi quang gánh. Họ rao rồi bán đủ thứ, từ cá tươi, phở gánh đến tôm khô, mía, siro, đến cả tiết canh lòng lợn.
Một Hà Nội của những năm 1920 - 1925 thật nhẹ nhàng, êm đềm, của những con phố, nhưng những phiên chợ bao giờ cũng gợi lên sự đông đúc, náo nhiệt. Dãy hàng cam, hàng tôm, hàng cá tấp nập người bán mua; hàng ăn đa số được người ta gánh trên vai, từ phở cho đến lòng lợn, tiết canh hay các loại bánh, nước chanh, phở dạo, quẩy…
Các cô gái đất Kinh kỳ là những khách hàng, với áo dài trắng, tóc buộc thả hờ ngang lưng xuất hiện trong những phiên chợ Tết, bên dãy hàng hoa lựa chọn những bông hoa đẹp nhất đã được lựa chọn để mang đến chợ hoa Tết. Hoa ngày xưa cũng ít giống, chỉ có nhiều những bông dơn, bông hồng hoặc cúc và Tết đến có thêm đào, mai; nhưng vẫn mang đặc trưng của những phiên chợ Tết Hàng Lược đã thành thương hiệu chợ hoa Tết đất Hà Thành.
Một gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội. |
Khắc khoải những tiếng rao
Những tiếng rao cũng góp phần làm nên một cái gì đó rất riêng của một Hà Nội cũ. Lớp trẻ ngày nay không thể hiểu được có những ngày tháng mà tiếng rao bán hàng bằng miệng đã vang vọng đến khắp ngõ ngách Hà Nội. Bởi ngày ấy xe cộ đâu có ồn ào, Hà Nội thật tĩnh mịch thì tiếng rao ấy mới vang vọng; chứ ngày hôm nay, giữa ồn ào xe cộ, người ta phải dùng loa phóng thanh mới đủ công suất để rao hàng.
Và những tiếng rao cũng thật đặc biệt với những mặt hàng đặc biệt, thật khó tưởng tượng với giới trẻ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. “Chum chậu bát sứ vỡ hàn không”; Nước vôi nóng ăn thuốc không”; “Ai bánh cuốn ra mua”; “Ai lông gà lông vịt, đồng nát bán đi”; “Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán nào”; “Ai giẻ rách sắt vụn bán không”.
Tôi còn nhớ, ấn tượng nhất trong những tiếng rao khi lần đầu tiên được ra Hà Nội, đó là tiếng rao bánh mì vào mỗi sáng sớm và đêm khuya. Ngày ấy, những năm 1990 đây thôi, bánh mì là món ăn sáng đầy thích thú của người dân Hà Nội và với mỗi chúng tôi, những người tỉnh lẻ ra thành thị học hành, thì món quà mang về mỗi chiều cuối tuần là bọc bánh mì nóng cho bố mẹ và các em ở quê.
Ngày ấy, người Hà Nội được đánh thức là bởi tiếng rao của những người bán bánh mì, chứ không phải tiếng còi xe cộ như bây giờ. “Ai bánh mì nóng đê”, chỉ cần nghe câu đó thôi là trong tôi lại mường tượng nguyên vẹn âm giọng đặc trưng của người bán bánh mì trong khu anh chị nhà tôi khi ấy. Người ta cứ đội thúng bánh mì trên đầu, được bao bọc cho nóng bởi chiếc bao tải. Nhưng từ bao lâu rồi tôi cũng không nhớ rõ những tiếng rao ấy đã mất đi rồi.
Hà Nội ngày nay, với sự đông đúc, nhộn nhịn và ồn ã, không còn là một Hà Nội của ngày xưa nữa; nhưng với những ai yêu Hà Nội và yêu cái đẹp của người Hà Nội, vẫn còn những khoảng không gian riêng để người ta được trở về với Ký ức đó. Vẫn còn những quán cà phê cũ kỹ trên phố cổ, ngồi trên tầng 2 có thể nhìn ra cả một sông Hồng lộng gió, hay có thể bao quát cả Hồ Gươm với Tháp Rùa; những công trình kiến trúc xưa như Tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ, trụ sở Ngân hàng, quán kem Tràng Tiền… để người ta có thể thảnh thơi, sống chậm và thả hồn…
Rồi những quán hàng ăn, mà chỉ cần là người sành một chút, hiểu về Hà Nội một chút là ta có thể biết tiếng để tìm đến thưởng thức chút hương vị ẩm thực xa xưa của Hà Nội, cũng như triển lãm Hàng rong và tiếng rao này, là mong muốn một phần quay lại với ký ức Hà Nội xưa, cho cuộc sống chúng ta một chút tĩnh tâm, lắng lại, tìm lại chút bồi hồi trong những ngày thu.