Chương trình “Giai điệu bình yên”:

Khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND bằng âm nhạc

Thứ Tư, 19/05/2021, 06:40
20h ngày 18/5, chương trình “Giai điệu bình yên” ra mắt khán giả trên kênh ANTV. 


Đây là chương trình do Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hợp với Cục Truyền thông CAND thực hiện, dự kiến sản xuất, phát sóng định kỳ 2 tháng/1 lần trên ANTV. Số đầu tiên với chủ đề  “Bác Hồ với CAND” cũng là chương trình đặc biệt mà Ban tổ chức thực hiện nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021).

Quà tặng đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ và khán giả

Theo Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, “Giai điệu bình yên” không phải là một chương trình biểu diễn nghệ thuật đơn thuần. Đây là hoạt động văn hóa, chính trị nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của CBCS CAND, xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nam “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Hình ảnh chương trình “Giai điệu bình yên” số 1.

Chương trình tôn vinh, giới thiệu rộng rãi các tác phẩm nghệ thuật về đề tài CAND của các văn nghệ sĩ, CBCS, đồng thời tạo sân chơi nghệ thuật mới, góp phần đa dạng hóa các chương trình giải trí trên truyền hình CAND. Format của chương trình được xây dựng theo hướng tăng cường tính tương tác, vừa đáp ứng nhu cầu của CBCS, công chúng, vừa phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND.

Theo đó, trong mỗi số phát sóng, khán giả không chỉ có dịp thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật về đề tài CAND, gắn với lực lượng CAND, mà còn có dịp tìm hiểu sâu rộng hơn về từng sáng tác, từ hoàn cảnh ra đời, những tâm tư tình cảm của tác giả, giá trị nghệ thuật và cả giá trị lịch sử của tác phẩm. “Đồng hành” với khán giả là Hội đồng nghệ thuật gồm các văn nghệ sĩ, những người có uy tín trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Các thành viên của Hội đồng sẽ cùng giao lưu, phân tích, bình luận về tác phẩm được giới thiệu.

Những chia sẻ về cảm nhận, cảm xúc khi xem chương trình của các diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng, các lãnh đạo cao cấp trong lực lượng CAND… sẽ góp phần giúp người xem không chỉ hiểu, yêu thích tác phẩm, mà còn hiểu, yêu mến lực lượng CAND hơn.

Trong số phát sóng đầu tiên, chương trình có sự đồng hành của Hội đồng nghệ thuật gồm các thành viên uy tín: PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ, NSND Trần Viết Thân, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu II; NSƯT Hà Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Nhiều bất ngờ, thú vị với nghệ sĩ, chiến sĩ và công chúng

Trong chương trình số 1, nhiều bất ngờ, thú vị được các nghệ sĩ, ê kíp dành tặng khán giả. Nói như chia sẻ của Thạc sĩ, Biên đạo múa Tuyết Minh, ngay sau khi xem các nghệ sĩ Nhà hát CAND biểu diễn ca khúc “Bài ca người chiến sĩ Công an”, lâu nay trong “làng” nghệ thuật, PGS.TS Đỗ Hồng Quân đã rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm rất thành công ở dòng nhạc giao hưởng, thính phòng.

Nhưng với “Bài ca người chiến sĩ Công an”, khán giả và người trong nghề có dịp thấy những thủ pháp nghệ thuật rất khác. Ở đoạn đầu, ca khúc khiến người nghe cảm nhận như đây là tiếng lòng của người dân. Sang đoạn thứ 2, khi dàn nghệ sĩ nữ cùng cất tiếng ca, người chiến sĩ CAND được tôn vinh bằng giai điệu với rất nhiều cảm xúc…

Thiếu tướng, PGS.TS.Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND thì chia sẻ, ông rất xúc động khi được nghe lại bài hát “Bài ca người chiến sĩ Công an”. Dưới góc nhìn của người trong cuộc, ông cho rằng, tác phẩm đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an thành công, bằng cả ca từ, giai điệu và nghệ thuật biểu diễn. Nghệ sĩ, nhạc sĩ đã truyền tải được cái cốt lõi nhất, bản chất của CAND Việt Nam, đó là "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Cũng trong chương trình, khán giả được biết thêm rằng, khi PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết “Bài ca người chiến sĩ Công an”, ông tự yêu cầu chính mình là không được lặp lại những nét đẹp, giai điệu, tiết tấu của các thế hệ trước.

Tìm hiểu đời sống của các CBCS, ông thấy đời sống của họ không thật là yên ả, nhịp nhàng như các giai điệu của hành khúc – thể loại âm nhạc vẫn thường được các nhạc sĩ chọn thể hiện khi viết về lực lượng CAND. Vì vậy, ngay trong những phần mở đầu, ông đã dùng những nhịp không bình thường, có sự khắc khoải, ngưng đọng, nhưng vẫn toát lên tinh thần luôn sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì nhân dân.

Không chỉ có khán giả, bản thân khách mời tham gia giao lưu cũng được mê đắm đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Sau khi xem Sao Mai Lê Anh Dũng biểu diễn ca khúc “Phiên gác đêm”, Thiếu tướng Phạm Tiến Cương, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ nói rằng, tác phẩm được tác giả viết từ một câu chuyện có thật. Nhiều chục năm qua, các thế hệ chiến sĩ lực lượng Cảnh vệ vẫn rất xúc động khi nghe ca khúc này. Mỗi lần nghe là lại hình dung Bác vẫn đang bên mình, đang nhắc nhở mỗi CBCS Cảnh vệ nói riêng, CAND nói chung phải thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho.

Dịp này, khán giả còn được biết, tác giả của “Phiên gác đêm” – Thượng tá Nguyễn Tiến Độ - cũng một người lính trong lực lượng Cảnh vệ, cũng đã từng trải qua rất nhiều phiên gác đêm. Các nốt nhạc cũng được ông “bật” lên rất nhanh, sau một chuyến “về nguồn”, được người dân địa phương kể lại những câu chuyện, kỷ niệm đẹp về tấm lòng, tình cảm của Bác Hồ đối với các chiến sĩ Cảnh vệ thời kháng chiến. Tác phẩm là sự kết hợp của cả những câu chuyện kể cùng ký ức chân thật của tác giả về lực lượng Cảnh vệ.

Chương trình cũng đã chuyển tải thành công rất nhiều tác phẩm khác: Từ làng Sen, Khắc ghi lời Bác, Đêm đò đưa nhớ Bác, Chúng con bên giấc ngủ của Người, Hành khúc người chiến sĩ Công an, Chúng ta là chiến sĩ Công an Việt Nam…

Cùng với những phân tích thấu đáo từ các thành viên Hội đồng nghệ thuật, khán giả có dịp lắng nghe nhiều chia sẻ của những khách mời giao lưu về tác phẩm, về những sự kiện lịch sử gắn với một số tác phẩm. Tất cả cùng làm nên những ý nghĩa đặc biệt, nói như NSND Lan Hương thì bằng âm nhạc, chương trình đã chuyển tải hình ảnh người chiến sĩ Công an đến gần hơn với công chúng, giúp nghệ sĩ, khán giả hiểu, yêu mến, tin tưởng hơn vào lực lượng CAND.

Ngọc Nguyễn
.
.
.