Hội đua thuyền rồng chào xuân trên sông Lô
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùng 4 Tết người dân địa phương và du khách lại đổ về bên bờ sông Lô, đoạn chảy qua cầu Nông Tiến, Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang để theo dõi hội đua thuyền rồng. Dù đầu giờ chiều chương trình mới bắt đầu nhưng từ trưa đã có rất nhiều người xuất hiện để vãn cảnh xuân và cũng để chọn trước vị trí đẹp.
Theo kinh nghiệm hàng năm, cứ đến giờ thuyền đua thì người xem ken chặt vào nhau, tới muộn thì đành... đứng ngoài nghe tiếng hoặc phải tới những chỗ xa rất khó xem. Dọc hai bên bờ dòng Lô giang, hàng ngàn người hào hứng cổ vũ. Càng về gần tới đích, nhịp mái chèo càng nhanh, những tiếng reo hò theo đó càng lúc càng lớn. Cảm giác dù đứng trong không gian rất rộng nhưng những âm thanh cuồng nhiệt ấy vẫn đè lên lồng ngực tới mức khó thở. Và trong một khoảnh khắc, không khí im lặng đến kỳ lạ để ngay sau đó cảm xúc của người xem vỡ òa khi đội thắng cuộc được gọi tên.
Nhắc về truyền thống, ông Bùi Văn Sỹ, đội trưởng đội đua phường Hưng Thành cho biết, hội đua thuyền trên sông Lô vào dịp Tết cổ truyền đã có từ rất lâu. Chỉ nhớ ngày trước bắt nguồn từ phong trào đua thuyền nhỏ của các xóm làng sống dọc hai bên bờ sông, cho tới hơn chục năm trở lại đây địa phương phát triển thành hội đua thuyền rồng tổ chức quy mô và công phu. Lượng người xem cũng theo đó tăng theo từng năm.
Các tay đua đang sải mái chèo đưa thuyền về đích. |
Nhận thấy hội đua thuyền được hưởng ứng bởi đông đảo bà con nhân dân, thu hút sự tham gia của nhiều phường, xã và là một hoạt động vui chơi đầu năm ý nghĩa, mang đậm màu sắc truyền thống dân tộc nên UBND Thành phố Tuyên Quang đã quyết định duy trì và phát triển lễ hội này.
Hội đua thuyền năm nay có sự góp mặt của 13 đội đua từ trong địa bàn thành phố, gồm xã Tràng Đà, Lưỡng Vượng, Phú Thượng, phường Tân Quang, Hưng Thành,... Xuất phát từ bến phà Nông Tiến, các đội sẽ di chuyển tới soi Tình Húc rồi quay lại, quãng đường có chiều dài 2,5km. Cuộc đua chia làm bốn đợt, theo hình thức loại dần các đội có kết quả thấp nhất.
Một tháng trước khi bắt đầu, tất cả các đội sẽ được thông báo chuẩn bị và tổ chức tập luyện trong 3 buổi. Tất nhiên các đội có thể tự tăng thêm số buổi luyện tập, tùy theo mức “tham vọng” đoạt giải. Toàn bộ thuyền được đóng đồng nhất theo một tiêu chuẩn. Cụ thể, thuyền có chiều dài hơn 10 mét và sơn màu sắc khác nhau. Trên thuyền có tất cả 26 thành viên, gồm một đội trưởng hô nhịp phía trước, một người chỉnh lái phía sau, còn lại giữa thuyền là 24 thành viên chèo thuyền được chia đều hai bên. Tất cả những người được tuyển chọn đều rất giỏi bơi lội, sức khỏe dẻo dai. Đội hình này sẽ được duy trì hàng năm.
Một điểm thú vị là các đội sẽ bốc thăm ngẫu nhiên để chọn thuyền và mái chèo chứ không chọn trước. Nhận được con số của thuyền nào thì sử dụng thuyền ấy, điều này đảm bảo tính công bằng cho tất cả các đội. Giải nhất năm nay được trao cho đội đua phường Hưng Thành, giải nhì thuộc về xã Lưỡng Vượng, và giải ba là phường Nông Tiến.
Tất cả các đội tham gia đều nhận được tiền thưởng, riêng ba đội về đầu sẽ nhận thêm cúp, cờ lưu niệm. Theo lệ, đội nhất mỗi năm sẽ được cử đi thi đấu đua thuyền tại Lễ hội Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.
Anh Trương Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố Tuyên Quang cho biết: “ Vì đặc điểm là một địa phương miền núi, có cuộc sống gắn liền với sông suối nên hội đua thuyền trên sông Lô của tỉnh Tuyên Quang tổ chức mang ý nghĩa đoàn kết cộng đồng, đề cao ý chí kiên cường, bản lĩnh của nhân dân Thành phố Tuyên Quang trước thiên nhiên”.