Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng văn học 2017 và kết nạp hội viên mới
Sẽ giải quyết tốt chính sách xã hội đối với văn nghệ sĩ
Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2017, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, năm 2017 là năm Hội Nhà văn Hà Nội có nhiều hoạt động để lại ấn tượng. Cụ thể, Hội đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII; xây dựng và thông qua Điều lệ Hội với nhiều nội dung cụ thể hơn, đổi mới hơn; thông qua phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu ra một Ban chấp hành (BCH) có số lượng đông hơn, độ tuổi trẻ hơn…
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2017. |
Ngay sau Đại hội, BCH nhiệm kỳ XII đã xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của BCH, Quy chế Giải thưởng, Quy chế kết nạp hội viên; thành lập các hội đồng văn học và các ban công tác của Hội. Điểm mới của nhiệm kỳ này là có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng; các Chủ tịch Hội đồng và Trưởng Ban công tác hội đều do Ủy viên BCH đảm nhiệm nhằm bảo đảm cao hơn tính thông suốt, thống nhất và trách nhiệm của các thành viên BCH…
Các đại biểu dự buổi lễ. |
Về nhiệm vụ công tác năm 2018, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, Hội sẽ tổ chức một số hoạt động chính như: Chuẩn bị xây dựng Tuyển tập văn học Hà Nội thời kỳ Đổi mới; xây dựng lại website của Hội thành phương thức thông tin đa phương tiện hiện đại; xây dựng Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội; làm việc với thành phố để giải quyết tốt chính sách xã hội đối với văn nghệ sĩ; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ hỗ trợ Văn học, xã hội hóa nhiều hoạt động liên quan tới văn học, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động Hội…
Lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội cùng lãnh đạo NXB Văn học tặng hoa, trao Bằng Giải thưởng văn học 2017 cho nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải. |
Tôn vinh 3 tác phẩm xuất sắc nhất
Nhận xét về các thể loại được xét trao giải, nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Trưởng Ban sáng tác cho biết, trong số những cuốn lý luận phê bình tham gia giải, Hội đồng Lý luận phê bình đã xem xét, phân tích và bỏ phiếu giới thiệu vào chung khảo 3 cuốn (đạt tỉ lệ phiếu quá bán). Cuối cùng, Hội đồng chung khảo thống nhất (với số phiếu tuyệt đối 8/8) trao giải cho tập phê bình – đối thoại văn học của nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải.
Các tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội chuyên ngành văn xuôi. |
Nhà thơ Trần Quang Quý khẳng định: “Trang sách, mạch đời” của Phạm Khải tuy không dày dặn nhưng có quan sát rộng, lại cụ thể, cách tiếp cận mới, sau mỗi cảm thấu, bình luận tác phẩm là các bài phỏng vấn tác giả; kết hợp nhuần nhị giữa tiểu luận và báo chí để soi chiếu dưới nhiều góc cạnh sáng tác của mỗi nhà văn.
Về giải thưởng dành cho thể loại văn xuôi, nhà thơ Trần Quang Quý cho biết, tác phẩm tiêu biểu năm nay là tiểu thuyết “6 ngày” của nhà văn Tô Hải Vân viết về nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống hiện tại. Với kết cấu đa chiều, lồng ghép giữa không gian và thời gian, truyện lồng truyện, nhà văn Tô Hải Vân đã gói trọn cả một thế giới nhân gian phong phú, với muôn vàn câu chuyện vừa bi vừa hài, có lý nhưng cũng vô lý, một cách hóm hỉnh…
Thơ dự giải của Hội Nhà văn Hà Nội trong hai năm qua có vẻ bình lặng hơn, mặc dù đội ngũ sáng tác thơ luôn áp đảo so với đội ngũ các nhà văn của các thể loại khác. Trong sự bình lặng ấy, Hội đồng thơ đề xuất 5 tập thơ để Hội đồng Chung khảo xem xét, bầu chọn giải thưởng nhưng cuối cùng, Hội đồng chung khảo quyết định không trao giải thưởng thơ vì các tác phẩm do Hội đồng Thơ đề xuất không hội đủ các yếu tố về nội dung lẫn nghệ thuật.
Về văn học dịch, từ 10 tác phẩm dịch được các nhà xuất bản, thành viên Hội đồng và dịch giả gửi dự giải, Hội đồng văn học dịch đã chọn ra 4 tác phẩm có kết quả bỏ phiếu quá bán, giới thiệu lên Hội đồng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã họp xét giải, tập trung vào cuốn “Búp bê”, cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Boleslaw Prus, người Ba Lan. Đây là tác phẩm có dung lượng lớn (2 tập, mỗi tập trên 600 trang khổ lớn), đã được dịch giả Nguyễn Chí Thuật dịch công phu trong một thời gian dài, chất lượng bản dịch bảo đảm tính chính xác và tinh thần của nguyên tác.
Nhà thơ Trần Quang Quý cho biết, năm nay, việc xét giải thưởng và kết nạp hội viên được thực hiện cho cả hai năm 2016 và 2017 với tinh thần trách nhiệm cao, cách làm việc thận trọng và minh bạch, đúng quy trình, quy chế từ các Hội đồng chuyên môn. Những tác phẩm được trao giải đều phải đạt 75% số phiếu bầu trở lên (chứ không phải quá bán như trước đây), thể hiện đòi hỏi cao về chất lượng của Hội đồng Chung khảo, gồm các thành viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội.
Ngoài 3 tác phẩm được giải thưởng chính thức (đã nhắc ở trên), để ghi nhận và cổ vũ các tác giả bước đầu đến với văn học nhưng có tác phẩm để lại ấn tượng tốt, BCH Hội Nhà văn Hà Nội quyết định trao tặng thưởng tiểu thuyết đầu tay xuất sắc cho tác phẩm “Hồi ức lính” của tác giả Vũ Công Chiến.
Thượng tá, nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND. |
Thay mặt các tác giả đoạt Giải thưởng, phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải chia sẻ: “Giải thưởng văn học của Hội nhà văn Hà Nội là một giải thưởng được dư luận chú ý. Bản thân tôi cũng như các tác giả đoạt giải hôm nay đều cảm thấy vinh dự và trân trọng tinh thần làm việc thẳng thắn, khách quan, công tâm của Hội đồng Chung khảo và tập thể BCH. Tôi biết, với cuốn sách của tôi, các anh chị đã soi xét, đánh giá ở nhiều góc độ, từ cách tiếp cận sao cho gần gũi với thực tế cuộc sống, rồi về thái độ dấn thân, sự đổi mới… Giải thưởng là sự ghi nhận, nhưng quan trọng hơn, sau Giải thưởng, tác phẩm đó có đi vào được cuộc sống hay không mới thực sự khẳng định được giá trị và cái duyên của tác phẩm”.
Đại diện cán bộ, phóng viên chúc mừng Thượng tá, nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND. |
Cũng tại buổi lễ, Hội Nhà văn Hà Nội đã trao quyết định kết nạp 33 Hội viên mới thuộc 4 chuyên ngành, trong đó: thơ có 15 tác giả; văn xuôi có 13 tác giả; lý luận phê bình có 2 tác giả và dịch thuật có 3 tác giả. Trong 33 tác giả nói trên, lực lượng Công an có 3 hội viên được kết nạp, gồm: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng biên tập Báo CAND và Truyền hình CAND, Chủ tịch Chi Hội Nhà văn Công an; Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo CAND; Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu, cán bộ Ban Thư ký tòa soạn Báo CAND.
Nhà văn, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Phạm Khải là người sống cùng thời với văn chương” “Nhà thơ Phạm Khải vào nghiệp văn rất sớm. 28 tuổi anh đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đầu tiên anh làm thơ và sau này anh viết tiếp lý luận, phê bình. Về cuốn phê bình, đối thoại văn học “Trang sách, mạch đời” của Phạm Khải, chúng tôi đánh giá cao cách viết của tác giả, một cách viết rất linh hoạt, vừa là phê bình, vừa là chân dung, vừa là đối thoại, làm cho người đọc hiểu thêm được những chuyện hậu trường, bếp núc, phía sau con chữ và giúp cho người đọc có được cái nhìn sâu hơn, rộng hơn. Một điểm nữa mà Hội đồng bình chọn đánh giá rất cao và bản thân tôi hay dùng cụm từ: Anh là người sống cùng thời với văn chương. Anh nắm bắt các hiện tượng văn chương, tác giả, tác phẩm rất kịp thời. Cuối cùng, theo tôi, cách viết của anh đã làm bật lên được thần thái của các tác giả, tác phẩm và qua đấy người ta nhìn thấy được cả dòng chảy của văn chương”. |