Hãng phim truyện Việt Nam sẽ kinh doanh điện ảnh sau khi cổ phần hóa

Thứ Tư, 27/04/2016, 17:49
Ngày 27-4, với việc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam lên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để bán đấu giá cổ phần, các hãng phim Nhà nước đã chính thức bị xóa sổ.

Trước đó, quá trình cổ phần hóa các hãng phim nhà nước đã cơ bản hoàn tất. Việc cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước là một bước đi đúng qui luật, nhằm tạo cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh công bằng. Cổ phần hóa là con đường đưa điện ảnh thoát khỏi tư duy bao cấp, phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước và sống một cách èo uột với những bộ phim làm ra chỉ để… xếp kho, khi khoảng một thập kỷ lại đây, điện ảnh nhà nước đã đánh mất vai trò chủ đạo và dần không giữ được vị thế trước điện ảnh tư nhân.

Phim Nhà tiên tri do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất 

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện I, hay Hãng phim Giải Phóng thành Công ty cổ phần Phim Giải Phóng, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu thành Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu… đã không gặp khó khăn gì.

Chỉ có Hãng Phim truyện Việt Nam (PTVN)  sau khi lên sàn giao dịch vào ngày 14-4-2016, đã có những băn khoăn của nhiều nghệ sĩ. Đó là tại sao một hãng phim có lịch sử hơn nửa thế kỷ mà giá trị thương hiệu lại chỉ được đánh giá bằng 0? Giá trị khu đất của Hãng phim được định giá thế nào? Nhiều nghệ sĩ đã gắn bó với hãng phim truyện Việt Nam như NSND Minh Châu, đạo diễn Đức Việt còn đặt câu hỏi tại sao một Hãng phim tên tuổi, có bề dày kinh nghiệm lại đem bán cho một công ty “ngoại đạo” là Tổng công ty Vận tải thủy? Rồi Hãng phim sẽ hoạt động thế nào, còn làm phim nữa không khi mà cổ đông chiến lược nắm giữ 65% vốn điều lệ có thể quyết định việc không làm điện ảnh, mà sẽ chủ yếu kinh doanh trên mảnh đất vàng của Hãng PTVN?

Mặc dù thừa nhận rằng lâu nay Hãng phim chỉ chủ yếu sống bằng ngân sách bao cấp, giờ đây khi có chủ mới, Hãng sẽ buộc phải dựa vào năng lực tự thân với việc khai thác các kịch bản có chất lượng và cạnh tranh sòng phẳng với các hãng khác, nhưng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng PTVN cũng băn khoăn: Là cổ đông chính, Tổng Công ty Vận tải thủy cam kết là sẽ sản xuất phim. Vấn đề là mức độ đầu tư vào làm phim như một sản phẩm chính hay chỉ là một trong nhiều mảng kinh doanh? Điều này phải sau khi thành lập hội đồng quản trị mới định hướng được con đường tương lai của hãng”.

NSND Nguyễn Thanh Vân cũng lo ngại khi rồi đây, một hãng có bề dày sản xuất phim nhưng lại không có nhà sản xuất, không có nhà phát hành. Trong khi các hãng phim nổi tiếng trên thế giới đều hoạt động khép kín với hệ thống rạp, nhà đầu tư lâu dài, còn Hãng phim truyện Việt Nam thì chỉ có khúc giữa là sản xuất phim, còn lại thì chưa hề có nhân lực và kinh nghiệm. Đó là khó khăn thấy rõ và không biết bao nhiêu năm nữa Hãng mới có thể hòa nhập với thị trường.

Đại diện Bộ VHTTDL cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là do Công ty họp toàn thể cán bộ công nhân viên cùng với phối hợp cùng đơn vị tư vấn để xây dựng tiêu chí. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn cũng đã cam kết và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Bộ VHTTDL phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của Hãng PTVN sau khi đã lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo và Ban Chỉ đạo cổ phần hoá Hãng phim.

Với việc Bộ VHTTDL chỉ giữ 20% vốn trong Hãng PTVN sau khi cổ phần, nhiều người băn khoăn như vậy thì vai trò của Nhà nước liệu còn có thể điều hành Hãng PTVN tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong sản xuất phim điện ảnh?

Về vấn đề này, ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, thành viên Ban Đổi mới và phát triển Doanh nghiệp của Bộ VHTTDL, cho biết: Theo Quyết định của Thủ tướng về tiêu chí phân loại các doanh nghiệp nhà nước thì Hãng PTVN không thuộc đối tượng Nhà nước cần phải nắm giữ cổ phần. Nhưng từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của Hãng và nhằm ổn định tâm lý cho người lao động trong giai đoạn đầu sau khi chuyển sang cổ phần, nên tập thể Công ty đã đề nghị Bộ VHTTDL xem xét nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước sau cổ phần hoá là 20%.

Nhà nước quản lý thông qua thẩm định kịch bản và tổ chức đấu thầu những tác phẩm điện ảnh có nội dung phù hợp để đặt hàng hoặc chỉ định đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất tuỳ theo nhiệm vụ chính trị được giao. Thực tế, hoạt động điện ảnh của tư nhân rất phát triển và đã có những tác phẩm được đông đảo công chúng đón nhận.

Trước những lo lắng rồi đây đơn vị nắm giữ số lượng cổ phiếu chủ yếu của Hãng PTVN sẽ chuyển đổi theo chiều hướng kinh doanh chứ không phải làm điện ảnh, ông Trần Hoàng cho hay: Trong phương án cổ phần hoá Hãng PTVN đã được Bộ VHTTDL phê duyệt thì Công ty Cổ phần phải tiếp tục thực hiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh. Nhà đầu tư chiến lược cũng đã cam kết và đưa vào Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần là vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh, khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất do Hãng hiện đang quản lý, sử dụng cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.

Hiện Hãng đang được giao quản lý và sử dụng khu đất tại số 4 Thuỵ Khuê theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Nhưng đến nay, Hãng chưa ký được hợp đồng thuê đất với cơ quan quản lý nhà đất của Hà Nội.

Hơn nữa, tại thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hoá, UBND TP Hà Nội chưa chính thức thoả thuận phương án sử dụng đất tại số 4 Thuỵ Khuê, vì liên quan đến quy hoạch tại khu vực này, do Hãng chưa hoàn thành nghĩa vụ về thuế và quản lý sử dụng nhà, đất chưa đúng mục đích.

Hiện tại, Công ty Cổ phần chỉ được phép cải tạo các cơ sở sẵn có để phục vụ cho hoạt động sản xuất phim điện ảnh. Tới đây, Công ty cổ phần có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đóng thuế và quản lý, sử dụng khu đất theo quy hoạch của thành phố và hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội.

Thanh Hằng
.
.
.