Hà Nội lần đầu tiên cấp phép đấu giá cổ vật
- Những con tàu đắm và cuộc bán đấu giá cổ vật tại Hà Lan
- Đấu giá thành công nhiều tác phẩm nghệ thuật
- Đấu giá tác phẩm nghệ thuật: Cần giải pháp để “chống… chạy làng”
Ngày 10-7-2017, tại trụ sở Hội Luật gia Hà nội đã chính thức thông về phiên đấu giá một số cổ vật, tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao cùng bộ trang sức gắn đá quý Ruby sao, đầu tiên, do Công ty CP Đấu giá số 5 – Quốc gia tổ chức.
Theo đại diện của Công ty CP Đấu giá số 5 Quốc gia, đây sẽ là cuộc đấu giá chuyên đề cổ vật đầu tiên được UBTP Hà Nội cho phép theo Văn bản số 3110/UBND-KGVX ngày 27-6-2017. Cổ vật tham gia đấu giá bao gồm 01 Bình đồng văn hóa Đông Sơn, 01 Thạp gốm hoa nâu thời Trần, 01 Hộp pháp lam hoàng cung Triều Nguyễn.
Những cổ vật tham gia bán đấu giá. |
Ông Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty CP Đấu giá số 5 Quốc gia cho biết, Luật Đấu giá năm 2017 có hiệu lực đã tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động đấu giá nói chung và đấu giá cổ vật nói riêng. Bên cạnh việc tuân thủ Pháp luật về thủ tục đấu giá, cuộc đấu giá còn phải tuân thủ các pháp luật chuyên ngành, cụ thể ở đây là Luật Di sản. Các cổ vật tham gia đấu giá đều được thẩm định, đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Với việc đấu giá công khai theo luật định, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cuộc đấu giá sẽ minh bạch và công khai mang lại lợi ích cho các bên tham gia cũng như đóng góp đầy đủ cho ngân sách nhà nước.
Cũng trong buổi đấu giá này còn thực hiện đấu giá 05 pho tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và 01 Bộ trang sức gắn 02 viên đá quý Ruby sao Yên Bái, Việt Nam.
Ông Phùng Đắc Quản - Phó Chủ tịch xã phụ trách Làng nghề Kiêu Kị - cho biết, thông qua hoạt động đấu giá, người dân làng nghề mong muốn được quảng bá về nghề truyền thống sơn son thếp vàng, dát vàng của mình tới cộng đồng trong nước và quốc tế. Nghề dát vàng của Việt Nam là nghề truyền thống có một không hai trên thế giới về độ tinh xảo cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội đá quý Hà Nội, khẳng định: Hiệp hội Đá quý Hà Nội rất ủng hộ hình thức đấu giá theo Luật Đấu giá mới này. Nhu cầu đấu giá đá quý rất lớn và hoạt động đấu giá thường xuyên diễn ra với quy mô nhỏ, chưa chính thức. Hiệp hội đá quý sẵn sàng hợp tác với các công ty đấu giá để tổ chức các cuộc đấu giá công khai, chuyên nghiệp theo Luật Đấu giá.
Cuộc đấu giá cổ vật đầu tiên theo Luật Đấu giá mới dự kiến sẽ được thực hiện vào vào 20h00 ngày 19-8-2017 tại Khách sạn Hà Nội. Giá khởi điểm do người có tài sản xác định từ 100 triệu đến 1,7 tỷ đồng. Khách tham gia trả giá phải đặc cọc trước từ 15 đến 200 triệu đồng, tùy thuộc tài sản đấu giá.