Nghiên cứu, quảng bá cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử nổi tiếng:

Góp phần giải bài toán thiếu kịch bản sân khấu, điện ảnh?

Thứ Bảy, 09/12/2017, 07:44
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng cho hay, những nhân vật lịch sử có nhiều công lao và cuộc đời “ngồn ngộn tư liệu” hấp dẫn cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật như danh nhân Lê Đại Cang nhưng chưa được quan tâm khai thác có rất nhiều...


Trong khi các đơn vị hoạt động sân khấu, điện ảnh liên tục than phiền thiếu kịch bản hay, không ít đơn vị sân khấu lớn mượn các câu chuyện, tác phẩm của nước ngoài về dàn dựng, người làm phim mua bản quyền của nước ngoài về sản xuất thành các phiên bản phim ăn khách thì rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước nhà không được quan tâm khai thác và cũng không được nhiều người biết đến. Đây là một khoảng trống đáng tiếc trong đời sống sáng tạo văn hóa nghệ thuật và khiến người làm nghề hôm nay có lỗi với tiền nhân, có lỗi với hậu thế.

Đó là khẳng định của Giáo sư Hoàng Chương ngày 8-12, nhân dịp trao đổi về việc tổ chức hội thảo khoa học về danh nhân Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội.

Theo Giáo sư Hoàng Chương, danh nhân Lê Đại Cang (1771-1847), còn gọi Lê Đại Cương, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu là Thường Chánh Thị, quê ở làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là một nhân vật lịch sử rất đặc biệt: làm quan qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, từng nắm giữ nhiều vị trí, từ tri huyện tới chức Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng thư, Tham tán đại thần…

“Hồng lâu mộng” – tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc vừa được đưa lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ông không chỉ có những đóng góp rất đáng quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn có nhân cách đặc biệt của một bậc quốc sĩ. 40 năm làm quan của ông có rất nhiều thăng trầm, từng được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở Hà Nội năm 1831. Khoa thi này đã chọn 20 cử nhân, trong đó Cao Bá Quát được chọn đỗ thứ hai nhưng sau đó bị triều đình đánh rớt vì nội dung bài thi bị cho là có tư tưởng không phù hợp.

Chỉ riêng khoảng thời gian Lê Đại Cang làm quan ở Bắc thành – Hà Nội đã có nhiều tư liệu thú vị, giàu “kịch tính” như chuyện ông được vua cử làm khâm sai xem xét xử các vụ án tồn đọng, những công lao đóng góp to lớn trong xây đắp hệ thống đê điều gồm hàng ngàn km đê ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hiện nay.

Đặc biệt, với khoảng thời gian hơn 4 năm phụ trách Nha đê chính Bắc thành, ông đã có đến 5 lần được vua ban thưởng, bị giáng chức rồi được thăng chức trở lại. Đây là những mảng tư liệu rất hay để các nhà văn, nhà biên kịch khai thác thành các tác phẩm, kịch bản sân khấu, phim lịch sử hấp dẫn.

Sử sách triều Nguyễn, các bộ Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam kiệt truyện chính biên và nhất là bộ Đại Nam thực lục đã ghi chép khá tỉ mỉ về hành trang làm quan của danh nhân Lê Đại Cang, với trên 200 đoạn, hàng vạn chữ. Trong văn chương, ông nổi tiếng là người cự phách, hiển đạt với một số tác phẩm được truyền tụng, trong đó có hai tập văn “Nam hành”, “Tục Nam hành”, tập thơ “Tĩnh ngu thi tập” và tập “Lê thị gia phả”. Tuy vậy, đến nay, không nhiều người biết đến ông.

Năm 2013, khi Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ”, có những nhà sử học, văn hóa học bày tỏ ngạc nhiên vì không ngờ ông có nhiều đóng góp cho đất nước như thế. Không ít người chỉ biết đến danh nhân qua văn chương mà thành tựu của ông về mảng này không nổi bật so với các đóng góp trong  xây dựng, bảo vệ đất nước.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng cho hay, những nhân vật lịch sử có nhiều công lao và cuộc đời “ngồn ngộn tư liệu” hấp dẫn cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật như danh nhân Lê Đại Cang nhưng chưa được quan tâm khai thác có rất nhiều.

Người sáng tác, có thể là do không chịu tìm hiểu lịch sử hoặc vì lý do nào khác mà chưa quan tâm khai thác các nhân vật như thế. Bên cạnh sự hấp dẫn về cuộc đời, nhân cách, qua các nhân vật này, thế hệ sau còn có thể tìm thấy nhiều tư liệu quý về văn hóa, ứng xử, bài học về trị quốc của tiền nhân.  Rất tiếc là đến nay, mảng tư liệu này vẫn là khoảng trống bị bỏ ngỏ.

Ý thức được điều đó nên trong quá trình nghiên cứu, tổ  chức các hội thảo khoa học, ban tổ chức luôn quan tâm mời gọi các văn nghệ sĩ tham gia tìm hiểu. Riêng với danh nhân Lê Đại Cang, những hoạt động bước đầu đã mang về một số kết quả nổi bật: trường ca “Người khiêng võng” của nhà thơ Thanh Thảo, kịch bản Tuồng “Hoạn lộ” của nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức đạt giải Nhì Kịch bản xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2016, kịch bản Tuồng “Quan khiêng võng” của nhà viết kịch Văn Trọng Hùng chuẩn bị được đưa lên sân khấu vào năm 2018…

Dự kiến, ngày 16-12, hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” sẽ được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Gần 100 nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ quan tâm tìm hiểu, đóng góp tham luận là một khởi đầu tốt đẹp, được hy vọng sẽ mang lại thêm nhiều tư liệu có giá trị về lịch sử, về danh nhân Lê Đại Cang nói riêng, khởi đầu tốt đẹp cho các chuỗi hoạt động tiếp theo của những người làm công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử nói chung trong công tác nghiên cứu lịch sử, các nhân vật lịch sử có nhiều công lao với đất nước, cũng như kêu gọi, khuyến khích các văn nghệ sĩ cùng đồng hành, sáng tác nhiều kịch bản sân khấu, điện ảnh hấp dẫn hơn, góp phần phổ biến, chuyển tải lịch sử cha ông một cách sinh động cho hậu thế.

N.Nguyễn
.
.
.