Giới thiệu nhiều hiện vật giá trị lịch sử cao về Cách mạng tháng Tám

Thứ Sáu, 14/08/2020, 19:00
Ngày 14/8, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, trên 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị lịch sử cao sẽ được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề “Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử”.

Đây là hoạt động do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020).

Triển lãm chuyên đề về Cách mạng Tháng Tám tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Triển lãm bao gồm 3 phần chính. Phần 1 chủ đề “Mùa thu lịch sử”, trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Sưu tập truyền đơn được phát hành trước Tổng khởi nghĩa năm 1945 

 Phần 2 chủ đề “Sức mạnh niềm tin” giới thiệu những hình ảnh, hiện vật phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. 

Phần 3 chủ đề “Tiếp bước vinh quang” trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân và quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Góc triển lãm "Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử"

Tại triển lãm, Ban Tổ chức giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử cao. Trong đó, bộ sưu tập truyền đơn, báo chí phát hành trước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (bao gồm: Truyền đơn của Việt Nam Độc lập Đồng minh phát hành, kêu gọi đồng bào đánh Pháp – Nhật giành độc lập, năm 1945; Truyền đơn “Đứng lên! Toàn dân kháng chiến! Toàn dân kháng chiến! Trường kỳ kháng chiến” của Tổng bộ Việt Minh phát hành năm 1946; Truyền đơn “Kính cáo đồng bào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Báo Cờ Giải phóng; Báo Cứu quốc; Báo Nước Nam mới; Báo Quân Giải phóng…).

Vũ khí thô sơ tự vệ trưng bày tại triển lãm

 Bộ sưu tập vũ khí thô sơ tự vệ gồm gươm, giáo, mác, kiếm… của nhân dân sử dụng trong ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Bộ sưu tập Sắc lệnh, văn bản của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành trong những năm đầu của chính quyền cách mạng gồm: Sắc lệnh số 05-SL của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc bãi bỏ cờ Quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam; Sắc lệnh số 14-SL về việc ấn định thời hạn và thể lệ cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội; Diễn văn khai mạc và báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…). 

Bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập

Bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.

Triển lãm chính thức mở cửa đón khách tham qua từ ngày 18/8 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội. 

Trong quá trình phục vụ khách tham quan, Bảo tàng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Phun khử khuẩn phòng Triển lãm; khách đến tham quan thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch cồn...


N.Hoa
.
.
.