Giám định tác phẩm nghệ thuật: Minh bạch hóa thị trường mỹ thuật

Thứ Bảy, 08/12/2018, 08:56
Sau một thời gian dài liên tục xảy ra tình trạng tranh giả mạo tên tác giả, nhái phong cách, sao chép trái phép, làm thị trường mỹ thuật Việt Nam trở lên méo mó trong mắt bạn bè thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Việc thành lập Trung tâm này được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường mỹ thuật. Dù rằng, thực tế sẽ có thể còn nhiều khó khăn.

Theo thông tin được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm công bố, Trung tâm có hội đồng thẩm định chuyên môn gồm nhiều tên tuổi uy tín trong giới như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Nguyễn Thành Chương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh… Đây là những người thẩm định tác phẩm khi các tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu.

Sau 7 ngày tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm sẽ quyết định ký hợp đồng giám định hay không. Sau 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận tác phẩm đề nghị giám định, Trung tâm sẽ có kết quả giám định bằng văn bản. Trong trường hợp kết quả vẫn tiếp tục bị nghi ngờ, Trung tâm sẽ phối hợp với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kiểm tra bằng các phương tiện khoa học công nghệ và kỹ thuật giám định khác.

Mặc dù được gửi gắm nhiều kỳ vọng trong việc giải quyết những tranh cãi về tranh giả mạo tên tuổi, phong cách tác giả nổi tiếng nhưng không được giải quyết triệt để thời gian qua nhưng vẫn không ít ý kiến quan ngại về mức độ thuyết phục và tính pháp lý của kết quả thẩm định. Bởi lẽ, với các tác phẩm của họa sĩ đương đại, sự mập mờ về độ thật giả của tác phẩm dễ xác định hơn.

Nhưng, tác phẩm bị mạo danh nhiều nhất thường tập trung ở thế hệ họa sĩ Đông Dương. Nhiều tác phẩm của họ chưa được công bố rộng rãi hoặc không phải thành viên nào trong hội đồng thẩm định cũng có cơ hội được tiếp xúc với các tác phẩm này.

Trao đổi quanh những vấn đề trên, ông Lê Thanh Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, giám định tác phẩm được chia làm 2 loại. Giám định chuyên môn do các thành viên hội đồng thẩm định của Trung tâm thực hiện, phục vụ việc công bố, phổ biến, triển lãm, kinh doanh và đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Giám định tư pháp là giám định do cơ quan Công an, tòa án, viện kiểm sát trưng cầu giám định để phục vụ cho một vụ án nào đấy.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho rằng, việc thành lập Trung tâm giám định chỉ mang tính chất định hướng và giúp họa sĩ cảm thấy tài sản của mình được đảm bảo. Thực tế, cũng chỉ có Việt Nam mới có Trung tâm giám định tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đứng ra thành lập.

Việc thành lập Trung tâm giám định tác phẩm nghệ thuật được kỳ vọng sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Trên thế giới, hoạt động này đều do các tổ chức phi chính phủ, cá nhân đứng ra thực hiện. Vì lâu nay, trong nước không có tổ chức, cá nhân nào chịu làm nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đứng ra triển khai. Khi vấn đề tranh giả, tranh nhái quá lớn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đi vận động cơ quan này cơ quan khác làm nhưng đều bị từ chối. Ngay cả các họa sĩ có uy tín, khi tác phẩm bị vi phạm bản quyền, họ rất tích cực phản ánh lên truyền thông song được mời vào hội đồng thẩm định, không ai muốn làm…

Chưa kể, việc thành lập Trung tâm Giám định rất khó khăn, nhất là về trang thiết bị kỹ thuật. Khi nhận quyết định thành lập Trung tâm Giám định, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã rất lo lắng. Trong đó, lo nhất là kinh phí vì chi phí để mua sắm trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giám định rất lớn. Cục dự định, cuối năm 2019, Trung tâm mới ra chính thức ra mắt và dành toàn bộ thời gian của năm 2018, năm 2019 để lo trang bị phương tiện kỹ thuật và con người sử dụng.

May mắn là sau đó, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã đồng ý phối hợp, đáp ứng các yêu cầu về phương tiện, kỹ thuật, người sử dụng phương tiện nên đã gánh được một phần rất nặng cho Cục. Đến nay, Cục chỉ lo phần hội đồng thẩm định và  các thành viên tham gia vào hội đồng cũng chủ yếu trên tinh thần đóng góp là chính. Lý do là kinh phí hoạt động Trung tâm rất hạn chế, trong khi sức ép thì lớn.

Trong quá trình vận động, đã có người từng nhận lời tham gia nhưng đến phút cuối lại từ chối vì ngại áp lực. May mắn là sau nhiều nỗ lực, Cục cũng vận động được những người đủ bản lĩnh, khả năng, chấp nhận “đứng mũi chịu sào” để tham gia vào hội đồng.

Ông Thành cũng cho biết, trước khi thành lập Trung tâm Giám định, Cục đã đi tham khảo nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Trung tâm Giám định tác phẩm nghệ thuật Hàn Quốc thành lập từ năm 2003, đến nay đã hoạt động được 15 năm, hội đồng thẩm định từng giám định một khối lượng tác phẩm rất lớn và chưa xảy ra trường hợp kiện tụng nào.

Tuy nhiên, với Việt Nam, khi mức độ tin cậy lẫn nhau còn ít, Trung tâm đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng về việc sẽ có những kết quả không được chấp nhận ngay và sẽ cần nhờ đến công tác giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Các thành viên của Trung tâm cũng xác định, việc thành lập và hoạt động của Trung tâm chỉ là giải quyết tình thế trước mắt. Khi có các tổ chức cá nhân đứng ra thành lập các Trung tâm giám định khác và đi vào hoạt động nề nếp, các thành viên sẽ rút ra khỏi hoạt động này.

Ngọc Nguyễn
.
.
.