“Giải mã” bí mật hai cửa vòm được phát hiện ở Kinh thành Huế

Thứ Sáu, 03/07/2020, 12:06
Qua các dẫn liệu, Trung tâm BTDT Cố đô Huế khẳng định, các cửa pháo (pháo môn) ở Đông thành Thủy Quan gồm 15 chiếc, trong đó có 13 pháo môn hình tròn ở trên thành cống và 2 pháo môn - cửa đặt đại pháo ở hai bên mặt thành của Đông thành Thủy Quan hiện nay.

Liên quan đến việc 2 cửa trái, phải Đông thành Thủy Quan được lộ ra sau khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực Thượng Thành thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu và người dân địa phương, sáng 3/7, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, qua nghiên cứu tư liệu, Trung tâm khẳng định 2 cửa vòm nói trên là 2 Đại pháo môn (nơi đặt đại pháo).

Châu bản triều vua Tự Đức (1869) ghi chép việc bắn pháo và mở cửa cống Đông thành Thủy Quan khi thuyền Ngự của vua đi qua.

Qua nghiên cứu sử liệu triều Nguyễn về các thông tin về chức năng phòng thủ, thì Đông thành Thủy Quan có 13 pháo môn ở phía trên (Ngự chế Ngự Hà bi ký), hoặc có các Đại pháo xưởng môn (ở Đại Nam nhất thống chí). Trong quá trình tìm hiểu, phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm BTDT Cố đô Huế phát hiện trong Châu bản triều vua Tự Đức có đề cập một số vấn đề thú vị liên quan đến Đông thành Thủy Quan.

Văn bia Ngự chế Ngự Hà bi ký (1836) có đề cập đến Đông thành Thủy Quan và bố trí 13 pháo môn (cửa pháo) ở phía trên.

Cụ thể, tại Châu bản triều Nguyễn, mục Tấu của Khoa đạo Phạm Tự Cường về việc binh lính Đông thành Thủy Quan chậm trễ mở cửa để thuyền Ngự đi qua. Bản tấu này biên soạn ngày 12 tháng 08 năm Tự Đức thứ 22 (1869) thuộc quyển Tự Đức 208, tờ số 53 đã dịch tóm tắt bản tấu được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia) cho thấy, trong các nhiệm vụ được giao, quân lính Phụng Hộ sứ ở Đông thành Thủy Quan có chức năng bắn pháo hiệu để mở áp quan (cửa cống) khi có thuyền Ngự đi qua. 

Cùng đó, việc chậm trễ mở cửa cống của binh lính vì “cửa cấm là nơi cơ nghiêm”, phải bắt thuyền Ngự đợi lâu bị trách phạt rất nghiêm. Điều đó càng khẳng định vị thế trọng yếu của các đơn vị quân lính đóng binh bảo vệ khu vực Đông thành Thủy Quan.

Hình ảnh những pháo môn (13 chiếc) ở trên lan can cửa Đông thành Thủy Quan tức cầu Lương Y hiện nay.

Điều này trùng khớp với 2 Đại pháo môn mà linh mục Léopold Michel Cadière gọi tên là cửa Tả và cửa Hữu của Đông thành Thủy Quan cùng 13 pháo môn (dạng lỗ tròn) trên lan can của cầu Lương Y (tức Đông thành Thủy Quan) đã tạo thành 15 pháo môn - lá chắn quân sự bảo vệ khu vực này, tạo nên một hệ thống phòng thủ chắc chắn cho khu vực Đông Bắc Kinh thành Huế. 

Năm 1933, linh mục Léopold Michel Cadière có đề cập đến địa danh và bản đồ cập nhật vị trí cửa Tả, cửa Hữu của Đông thành Thủy Quan (số 121 trên bản đồ Kinh thành Huế) trong cuốn Kinh thành Huế và tại thời điểm đó 2 cửa thành đã bị bít lại. Trên bản đồ này, cửa Tả và cửa Hữu của Đông Thành Thủy Quan chính là 2 pháo môn (cửa đặt đại pháo) đã được Ardant du Picq khảo tả trong bài “Les Fortifications De La Citadelle De Hue” (Những đồn lũy của Kinh thành Huế) vào năm 1924. 

Cửa vòm bên phải Đông thành Thủy Quan còn khá nguyên vẹn.

Qua các dẫn liệu trên, Trung tâm BTDT Cố đô Huế khẳng định, các cửa pháo (pháo môn) ở Đông thành Thủy Quan gồm 15 chiếc, trong đó có 13 pháo môn hình tròn ở trên thành cống và 2 pháo môn - cửa đặt đại pháo ở hai bên mặt thành của Đông thành Thủy Quan hiện nay. Đông Thành Thủy Quan là vị trí chiến lược đặc biệt trong tổng thể bảo vệ của Kinh thành Huế. Với vị thế chiến lược bảo vệ quan trọng như vậy nên hệ thống pháo môn được dựng lên dày đặc như được mô tả qua các nguồn thư tịch.

Cửa thành bên trái Đông thành Thủy Quan được người dân bịt kín.

Trước đó, Báo CAND Online thông tin, sau khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực Thượng Thành, nhiều người dân khi đi qua đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP Huế đến cầu Lương Y khá bất ngờ khi nhìn thấy một cửa thành còn khá nguyên vẹn nằm bên phải Đông thành Thủy Quan được xây dựng bằng gạch vồ theo lối kiến trúc cổng vòm xuyên thành dày khoảng 60cm, rộng 80cm, cao 100cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Bước qua cửa thành này là tuyến phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà. Cửa thành thứ 2 nằm bên trái Đông thành Thủy Quan, phía trước là căn nhà của gia đình bà Lê Thị Đào (SN 1951, ở số 126 đường Xuân 68, TP Huế).

Qua cửa vòm bên phải Đông thành Thủy Quan là tuyến phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà.

Theo phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm BTDT Cố đô Huế, đầu năm 2020, phòng tiếp tục khảo sát lại Thượng Thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên Thượng Thành sau khi người dân đã di chuyển đến khu quy hoạch. Song song với việc khảo sát, Trung tâm đã làm biển cảnh báo để đơn vị thi công chú ý các vị trí cần thận trọng khi thu dọn hạ giải nhà cửa trên Thượng Thành, trong đó có khu vực 2 cửa Đông thành Thủy Quan.


Anh Khoa
.
.
.