Giải Cánh diều 2018: Hội tụ nhiều phim bứt phá, sáng tạo
- Phim Việt ra rạp: Cuộc đua rộn rã
- Phim Việt: Vẫn đành bóc ngắn cắn dài
- Chất lượng phim điện ảnh còn hạn chế
Tại buổi tọa đàm “Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018” diễn ra bên lề giải Cánh diều, các nhà quản lý, giới phê bình, nhà làm phim… có chung nhận định: Phim Việt ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng được nâng lên không ngừng. Nếu trước đây phim Việt chỉ có khoảng 10 phim/ năm thì bây giờ, mỗi năm nước ta có trung bình từ 40 đến 50 phim.
Trong đó, nhiều phim có doanh thu vượt mặt bom tấn Hollywood, nắm doanh thu trên 100 tỷ đồng như “Em là bà nội của anh”, “Siêu sao siêu ngố”, “Em chưa 18”, “Để mai tính 2”.
Đặc biệt, đầu năm nay, thị trường trong nước vui mừng khi đón nhận hai phim xác lập kỷ lục mới là “Cua lại vợ bầu” (190 tỷ) và “Hai Phượng” (200 tỷ). Nhiều bộ phim đã vươn ra thị trường nước ngoài gồm Mỹ, Canada, Trung Quốc, Australia như “Hai Phượng”, “Lật mặt 4 – Nhà có khách”…
NSND Đào Bá Sơn cho rằng nếu nhìn sự cạnh tranh khốc liệt với phim ngoại trong năm qua, có thể thấy phim Việt đã lớn mạnh như thế nào. Cụ thể, gần 40 phim nội phải đối đầu với 230 phim ngoại nhập, trong đó có nhiều phim bom tấn.
Phim “Song lang” được ban giám khảo giải Cánh diều 2018 đánh giá cao. |
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ngoài doanh thu, thời gian gần đây, phim Việt còn hướng tới những câu chuyện nhân văn, mang đậm tinh thần dân tộc. Nổi trội nhất phải kể đến “Song lang” – bộ phim đầu tay của đạo diễn Leon Quang Lê. Khai thác về cuộc sống của những người nghệ sĩ giữ lửa sân khấu cải lương, bộ phim là bài ca đẹp để người ta thêm yêu nghệ thuật dân tộc.
Dự giải Cánh diều năm nay còn có rất nhiều bộ phim từng gây ấn tượng với khán giả như “Trạng Quỳnh”, “Siêu sao siêu ngố”, “Người bất tử”, “Tháng năm rực rỡ”,…
PGS.TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh giải Cánh diều, đánh giá các phim dự giải đa dạng về nội dung, thể loại, mỗi phim sở hữu một vẻ đặc sắc riêng.
“Chúng tôi nhận thấy điện ảnh Việt năm 2018 nổi lên một đặc điểm: Nhà sản xuất đặt khán giả lên trên hết. Tiêu chí này giúp họ sản xuất ra những bộ phim hợp gu khán giả, tránh rủi ro. Tuy nhiên nó cũng dễ dẫn tới hệ lụy là chất lượng phim hời hợt, dễ dãi để chiều lòng công chúng. Ấy vậy mà điều này lại không xảy ra với các tác phẩm năm nay. Họ đưa khán giả lên trên hết nhưng không làm phim tùy tiện mà luôn cố gắng nâng cao chất lượng, dung hòa giữa thị trường và chuyên môn. Để thỏa mãn khán giả, họ ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất nhằm mang tới những thước phim đẹp mắt, âm thanh chuẩn hóa quốc tế. Cho đến nay thị hiếu khán giả đã thay đổi rất nhiều, nhận thức thẩm mỹ được nâng cao. Do đó, chúng ta có thể yên tâm khi dựa vào doanh thu của một bộ phim để đánh giá nó. Tóm lại, xem phim năm nay, chúng tôi thấy rất phấn khởi”, ông nhận xét.
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, trong tình hình nhà nước dần nhường sân cho tư nhân làm điện ảnh, phim ảnh nở rộ vì dường như ai có tiền đều đổ xô làm phim. Thế nhưng điều này không đáng lo vì qua thực tế, thị trường sẽ tự điều tiết. Hơn nữa, điện ảnh không phải là cuộc chơi đơn giản. Nếu tác phẩm nào lỗ, bị công chúng quay lưng thì nhà sản xuất phải rút kinh nghiệm để đem đến những tác phẩm sau hay hơn.
Trong số 14 phim điện ảnh dự giải, có nhiều bộ phim phản ánh chân thực cuộc sống của con người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là phái nữ như “Chàng vợ của em”, “Sếp tôi là nữ”, “Gái già lắm chiêu”… “Điều đáng mừng nữa là năm nay không hề có phim ma, hài nhảm dự giải.
Nụ cười trong phim Việt giờ đây nhẹ nhàng, duyên dáng chứ không còn khiên cưỡng. Lỗi “chính tả” trong phim cũng được hạn chế nên không gây khó chịu cho khán giả”, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho hay.
Dù có nhiều điểm sáng nhưng mùa giải này vẫn chưa xuất hiện nhiều phim giàu tính nghệ thuật cũng như phim khai thác sâu thể loại tâm lý xã hội mang đậm nhân văn. Các nhà chuyên môn cho rằng tiếng cười trong các phim như “Siêu sao siêu ngố”, “Trạng Quỳnh”, “Chàng vợ của em”… dù rất duyên dáng song nó vẫn dừng lại ở mức cười giải trí.
“Hài của mình chỉ là hài để cười, chưa đẩy được lên thành sự châm biếm thâm thúy, sâu cay. Các phim đã khai thác rất tốt đời sống hiện thực, gây xúc động cho người xem... thì nếu khai thác tốt tiếng cười, gửi gắm thông điệp sâu sắc thì phim càng được nâng tầm”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát phân tích.
Bên cạnh đó, dòng phim đi sâu vào tâm hồn, văn hóa dân tộc vẫn còn quá ít ỏi. Nhiều phim cố bắt chước phong cách Hàn Quốc, Mỹ… mà làm mờ đi bản sắc Việt.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho rằng chính vì nhà nước gần như nhường sân điện ảnh cho tư nhân nên đa số tư nhân chạy theo dòng phim dễ kiếm lợi nhuận mà thờ ơ với dòng phim khai thác giá trị văn hóa dân tộc. Để làm nên “Song lang”, Leon Quang Lê phải gõ cửa rất nhiều đơn vị và liên tục bị từ chối trước khi gặp được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Đa phần các nhà sản xuất ngại đầu tư cho dòng phim này vì khả năng sinh lời không cao.
Trong khi các nước phát triển đều có quỹ điện ảnh để hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ, nhất là những dự án tâm huyết với văn hóa dân tộc thì bao nhiêu năm qua, quỹ hỗ trợ điện ảnh của Việt Nam vẫn chưa thể ra đời. Sự chiếm lĩnh của tư nhân trong thị trường điện ảnh cũng khiến cho các phim nghệ thuật, phim tài liệu, hoạt hình không có cụm rạp riêng để trình chiếu.