Đưa xẩm "sống" gần hơn với người Hà Nội

Chủ Nhật, 12/04/2020, 09:53
Từ một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo bị thất truyền, nhờ đam mê và sự cố gắng không mệt mỏi của những người tâm huyết, xẩm Hà thành đã hồi sinh, lan tỏa mạnh trong đời sống tinh thần người dân Hà Nội. Không dừng lại ở đó, những người yêu xẩm Hà Nội còn đưa loại hình âm nhạc này "sống" gần hơn với nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Lan tỏa loại hình âm nhạc độc đáo

Từ khi không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, người dân Thủ đô và du khách rất hào hứng với chiếu xẩm tại đình Nam Hương - Tượng đài Vua Lê (đường Lê Thái Tổ) của nhóm Xẩm Hà Thành vào mỗi tối cuối tuần. Không chỉ có khách trong nước mà nhiều khách nước ngoài cũng say sưa với những làn điệu lúc sâu lắng, da diết, lúc vui tươi của các bài hát xẩm.

Mỗi khi kết thúc một bài, những tiếng vỗ tay không ngớt. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người khi muốn tìm đến nghệ thuật xẩm tại Hà Nội. Nhóm Xẩm Hà Thành luôn hấp dẫn khán giả bằng nhiều bài xẩm với các làn điệu khác nhau trong mỗi đêm biểu diễn.

Một điểm hát xẩm khác được nhiều du khách tìm đến là sân khấu biểu diễn âm nhạc truyền thống trước cửa chợ Đồng Xuân của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Trong nhiều loại hình âm nhạc truyền thống được biểu diễn tại đây, người ta dành một thời gian nhất định để biểu diễn các bài hát xẩm. Xẩm vốn là nghệ thuật dân gian biểu diễn tại đường phố. Vì vậy, chiếu xẩm tại chợ Đồng Xuân đã đưa xẩm trở lại gần đúng với không gian biểu diễn ban đầu.

Với những người cao tuổi sống ở khu phố cổ Hà Nội, mỗi đêm sân khấu trước cửa chợ Đồng Xuân sáng đèn, họ lại ra nghe những điệu xẩm cùng các loại hình nghệ thuật khác. Ông Nguyễn Tiến Phúc, phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, thủa xưa ông hay được nghe xẩm tàu điện. Vì vậy, khi ở đây có biểu diễn hát xẩm, ông thường xuyên đến nghe. Những bài hát xẩm đã gợi cho ông ký ức đẹp về một nhịp sống của phố phường Hà Nội thủa nào.

Khi nghệ thuật xẩm hoàn toàn thất truyền tại Hà Nội, các nhạc sĩ, nghệ sĩ yêu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là xẩm như nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng cùng với nghệ sĩ “đàn anh” như: Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch, nhạc sĩ Thao Giang, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Minh Khang... đã vực dạy môn nghệ thuật độc đáo này. Bởi với họ, chỉ đơn thuần một suy nghĩ: Nếu để thất truyền, bản thân họ cảm thấy có lỗi với các bậc tiền nhân.

Hơn nữa, loại hình âm nhạc dân dã, độc đáo này lại phổ biến ở khắp đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hà Nội chính là trung tâm của hát xẩm. Từ các cuộc điền dã sưu tập băng ghi lại bài hát xẩm của nghệ nhân Hà Nội thuở trước và sau này, mọi người đã tìm được ông Nguyễn Văn Gia, ở làng Phú Đô, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) là học trò cụ trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên để có thêm tư liệu về dòng xẩm Hà Nội.

Bên cạnh việc hoàn thành đĩa xẩm Hà Nội, những người tâm huyết với nghệ thuật này đã làm sống lại bằng một chiếu xẩm đầu tiên ở trước cửa chợ Đồng Xuân khi phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân đi vào hoạt động.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, đồng sáng lập nhóm Xẩm Hà Thành cho biết: Từ đó đến nay là hơn 15 năm, Hà Nội đã hình thành nên hàng chục câu lạc bộ, nhóm xẩm. Từ sức sống của xẩm Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đã hình thành nên các câu lạc bộ, nhóm hát xẩm. Lễ giỗ tổ nghề hát xẩm được những người yêu xẩm Hà Nội hồi sinh sau nửa thế kỷ vắng bóng.

Hát xẩm giờ đây trở nên quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội và du khách. Không chỉ các câu lạc bộ, nhóm xẩm hoạt động tích cực, nhiều nghệ sĩ cũng nhiệt huyết đưa xẩm đến công chúng thông qua hoạt động văn hóa, ra sản phẩm âm nhạc riêng về xẩm.

Hát xẩm đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội.

Tạo hơi thở mới cho hát xẩm

Xẩm có hơn 10 làn điệu và hơn 400 lời xẩm, trong đó các làn điệu phổ biến là: Xẩm thập ân, xẩm huê tình, xẩm chợ, xẩm sai, xẩm ngâm vịnh, xẩm tàu điện... Xẩm có thể được đặt tên theo không gian biểu diễn, đi từ chợ, đi tàu điện Hà Nội hay vào nhà trò; được đặt tên theo mục đích bài xẩm, đặt theo nội dung hoặc tên bài xẩm nổi tiếng, theo nguồn gốc…

Ngoài việc duy trì các làn điệu và lời xẩm truyền thống, hiện nay nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ xẩm ở Hà Nội đã tạo nên hơi thở mới cho xẩm để nó sống gần hơn với người Thủ đô và công chúng cả nước. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, những nghệ sĩ xẩm trẻ tuổi luôn quan tâm đến điều đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, anh và đồng nghiệp đặt nhiều lời mới để các bài xẩm chuyển tải được nét văn hóa, sinh hoạt của người dân, thậm chí mang tính thời sự phù hợp với bối cảnh đất nước. Để làm phong phú hơn nghệ thuật này, các nghệ sĩ còn khai thác nhiều chất liệu âm nhạc khác vào hát xẩm. Có thể thấy điều đó qua bài xẩm mang đậm dấu ấn Hà Nội như: Xẩm trà đá, Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà Thành…

Các bài xẩm phản ánh nhiều chủ đề được xã hội quan tâm như: Văn hóa giao thông, kêu gọi người dân lái xe không uống rượu bia. Trong bối cảnh, Đảng, Nhà nước đang quyết tâm phòng chống tham nhũng, Nhạc sĩ Thao Giang sáng tác bài xẩm Tiễu trừ tham nhũng… Mới đây nhất, khi cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác bài Tiêu diệt Corona, viết trên điệu xẩm sai, gửi vào đó niềm tin chiến thắng dịch bệnh.

Khẳng định hát xẩm là nghệ thuật của công chúng, nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cho biết, chiếu chèo ở chợ Đồng Xuân thường xuyên biểu diễn các bài xẩm mang nội dung mới, gần gũi với đời sống nhân dân. Việc sáng tác dựa vào nguyên lý phát triển của các cụ ngày xưa, đó là lấy vần thơ lục bát để chế ra sao cho bài xẩm mang tính thời sự cao.

15 năm biểu diễn ở địa điểm này, các nghệ sĩ xẩm đưa tới công chúng nhiều nội dung mới như: Cảnh đám cưới ở quê, xây dựng nông thôn mới, tình cảm gia đình, vấn đề chống tham nhũng… Ông cho rằng, thủa xưa các cụ đã sáng tạo những bài hát xẩm dựa vào bối cảnh xã hội, còn ngày nay không tiếp nối được mạch chảy đó sẽ lạc hậu hơn cả các cụ.

Bên cạnh đó, các nhóm xẩm nỗ lực đưa xẩm gần hơn với công chúng bằng việc cho ra mắt MV xẩm với bài cổ và lời mới. Các nghệ sĩ còn tổ chức nhiều chương trình biểu diễn trên sân khấu lớn, truyền dạy xẩm cho thế hệ trẻ, giới thiệu xẩm đến công chúng trong và ngoài nước.

Hà Nội đang đưa vào lộ trình để làm hồ sơ đưa nghệ thuật hát xẩm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bước đầu, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã kiểm kê các trung tâm, câu lạc bộ, số lượng người tham gia học và trình diễn nghệ thuật hát xẩm để thực hiện những bước tiếp theo. Các bước xây dựng hồ sơ, bảo tồn nghệ thuật hát xẩm sẽ sớm được tiến hành. Khi đó, xẩm Hà Nội sẽ được quan tâm và lan tỏa giá trị hơn nữa.

Đinh Thuận
.
.
.