Sở hữu gần 9.000 lễ hội nhưng cơ quan quản lý và người dân đều... "thiếu đủ thứ"
+ Thưa ông, với gần 9.000 lễ hội trong cả nước, Việt Nam có thể coi là có quá nhiều lễ hội hay không và quan điểm của ông về điều này?
GS.TS Ngô Đức Thịnh: Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần nói với tôi rằng Việt Nam nhiều lễ hội quá, cứ thức dậy là đã thấy lễ hội. Nhưng tôi đã nói rằng, đó chính là cái hay nhất. So với các nước, Việt Nam đúng là có nhiều lễ hội. Nhưng, Thái Lan cũng là đất nước của lễ hội mà vẫn có các giáo sư đại học chuyên xây dựng lễ hội mới cho các địa phương.
Bởi lễ hội là một vấn đề của đời sống xã hội đương đại. Nhiều người nghĩ xã hội truyền thống mới cần, nhưng lễ hội cần cho cả xã hội đương đại, thậm chí còn cần hơn vì bây giờ có xu hướng phản hiện đại, níu kéo lại truyền thống. Văn hóa Việt Nam không có lễ hội thì không biết sẽ đi về đâu? Lễ hội là cách thức trao truyền văn hóa.
Chúng ta sinh ra trong gia đình được bố mẹ nuôi về mặt sinh học, dần dần tiếp thu văn hóa trong môi trường gia đình, rồi từ đó ra xã hội. “Mồng một tết nhà, mồng hai tết chợ, mồng ba tết đình” là như thế. Khi lớn lên, ra xã hội, ta lại tiếp tục nhận văn hóa từ cha anh rồi lại trao truyền văn hóa đó cho đàn em của mình, đảm bảo tính thống nhất của văn hóa.
Phải coi hồn dân tộc, trường tồn văn hóa dân tộc là ở lễ hội, để phản kháng lại các xu hướng văn hóa bên ngoài xâm nhập. Có nhiều lễ hội chính là “con đê” ngăn chặn xu hướng văn hóa phương Tây hóa. Lễ hội là phương tiện bảo vệ văn hóa dân tộc. Không nên băn khoăn nhiều hay ít lễ hội, mà đó là thực tại khách quan và phải thích ứng. Đi vào xã hội hiện đại, con người càng khát khao đời sống tâm linh và lễ hội sẽ giúp giải tỏa tâm lý đó. Chúng ta gìn giữ và khôi phục nhiều lễ hội chính là điểm mạnh, phù hợp với người dân. Còn những gì lễ hội chưa được là do chúng ta làm dở, chứ không phải do nhiều lễ hội.
+ Theo ông, tồn tại lớn nhất của lễ hội hiện nay là gì?
GS.TS Ngô Đức Thịnh: Thiếu hụt về hiểu biết lễ hội dẫn đến dễ bị lợi dụng và làm biến dạng lễ hội. Ở miền Bắc có chuyện thấy bát hương là chen chúc khấn vái. Vụ lợi đã xâm nhập đời sống tín ngưỡng, dẫn đến việc phát ấn, đặt nhiều hòm công đức ở các điểm tâm linh vv… Năm 2012, riêng ở đền Trần (Nam Định) đã có số tiền công đức tới 14 tỷ đồng.
Đời sống tín ngưỡng khi đã “dính” tiền vào là bị phá hỏng. Nhiều nơi phục dựng lễ hội nhằm vụ lợi, “chặt chém” du khách, khấn thuê, bán ấn vv… Trước đây, các điểm tâm linh chỉ có đĩa hoặc một hòm công đức, mang ý nghĩa đựng tiền giọt dầu, nay quá nhiều hòm công đức. Tâm lý đút lót tận tay dẫn đến nhét tiền vào tay tượng.
Đời sống tâm linh mà mang đời sống trần tục vào là mất hết ý nghĩa. Ở hậu cung nhiều điểm tâm linh, như đền Hùng, người dân do không đặt tiền lên ban thờ được nên vứt tiền trên sàn nhà thành lớp, mà người ta không nghĩ biện pháp thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của người dân như bố trí người tiếp lễ…
GS.TS. Ngô Đức Thịnh. |
+ Các nhà nghiên cứu, văn hóa đều thống nhất rằng, các vấn nạn của lễ hội hôm nay chủ yếu xảy ra ở miền Bắc, còn phía Nam thì không, hoặc ít có. Ý kiến của ông về điều này?
GS.TS Ngô Đức Thịnh: Điều đó là do miền Bắc, thời chiến tranh, đã có nhiều năm liền coi hoạt động lễ hội truyền thống là mê tín dị đoan nên hiểu biết về lễ hội bị đứt đoạn khiến người dân bị thiếu hụt tri thức lễ hội, không hiểu gì về lễ hội, tín ngưỡng và kinh nghiệm tổ chức. Ở Nhật, Hàn, Lào, Thái Lan… đều có cúng lễ nhưng trật tự, trong khi ở Việt Nam thì nhiều người cúng lễ mà không hiểu mình làm gì. Vì thế, cần phải thông tin, giáo dục để đưa lại tri thức lễ hội.
+ Việc khôi phục lễ hội hiện nay có nhiều cái phản cảm khiến dư luận bất bình. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
GS.TS Ngô Đức Thịnh: Cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân đều thiếu hụt tri thức về tín ngưỡng lễ hội. Tại một hội thảo quốc tế về lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, khi một đại diện của Việt Nam trình bày thì người ta hỏi: các anh nghiên cứu để làm gì và khi biết nghiên cứu để tư vấn cho Chính phủ ứng xử với lễ hội, họ đã rất ngạc nhiên bởi lễ hội là lẽ sống của văn hóa con người và Chính phủ các nước không làm thế.
Bộ VH,TT&DL có qui hoạch về lễ hội với việc phân cấp quản lý. Nhưng vấn đề là qui hoạch bỏ cái nào và giữ cái nào, khi mỗi lễ hội đều có nét văn hóa riêng của địa phương đó, không thể nói lễ hội lớn quan trọng hơn lễ hội làng. Chính việc phân cấp đã dẫn đến lễ hội đền Trần bị biến dạng hoàn toàn, khi vốn chỉ là lễ hội của một dòng họ, mang tính cung đình rồi dần “dân gian hóa”, nay thậm chí xuyên tạc vì lễ hội gốc không có việc “phát ấn, thưởng công”, nhất là việc in ấn mang tính trục lợi đã phá hoại lễ hội đền Trần.
Trước đây, nhà Nguyễn ứng xử tốt với lễ hội đền Hùng khi 5 năm tổ chức quốc giỗ một lần, còn lại, chỉ gửi gạo cho người dân vùng đó nấu xôi thờ cúng. Nay lễ hội này đang bị “Nhà nước hóa” và chính là lý do khiến nghi lễ Hùng Vương mãi mới được UNESCO công nhận, bởi họ băn khoăn việc người dân có được tham gia thực hành lễ hội không?
Hội Gióng cũng đã hỏng dần từ sau khi được UNESCO công nhận, dù lễ hội này đã gần gũi với dân gian hàng mấy trăm năm với nhiều điều thú vị. Nhà nước có vai trò quan trọng nhưng Nhà nước không nên làm chủ trong các lễ hội, mà chỉ nên giúp cho cộng đồng thực hiện vai trò làm chủ trong phát huy và phục hồi lễ hội.
+ Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục những điều này?
GS.TS Ngô Đức Thịnh: Trước đây lễ hội bị cấm đoán vì cho là mê tín dị đoan, nay cho phục dựng thì lại có xu hướng quá đà. Tín ngưỡng vốn lành mạnh, thiêng liêng, nhưng nay có nhiều vấn đề phản cảm. Song không nên dùng mệnh lệnh hành chính với tín ngưỡng tâm linh, mà phải bằng tuyên truyền. Nhà nước phong kiến có một cuốn sách hướng dẫn các phong tục và chỉ khen hay chê, chứ không xử phạt. Không nên “luật hóa” vấn đề tín ngưỡng.
Không cần phải có một Nghị định về tổ chức đám tang, vì nó là phong tục; hay không thể xử phạt được việc nhét tiền vào tay tượng; cũng không nên xử phạt việc đốt vàng mã, mà có thể xử theo Luật Phòng chống cháy nổ… Bộ VH,TT&DL cũng không được ra lệnh cho làng nào đó không được tổ chức lễ hội của họ, ví như chém lợn ở làng Ném Thượng, vì tính văn hóa của nó và quyền của người dân vì họ không làm trái luật.
Bởi vậy, nên vận động, thuyết phục bà con thực hiện nghi lễ như thế nào, vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa không gây phản ứng của dư luận. Hiện Nhà nước và các nhà khoa học - trong đó có chúng tôi - đang tự cho mình là có hiểu biết và bắt dân phải làm theo. Vấn đề cốt lõi là phải xác định chủ thể lễ hội là dân và tin vào nhân dân để trao trách nhiệm. Đó còn là tính nhân đạo và tính dân chủ. Khi Nhà nước giao quyền và người dân thực sự làm chủ các lễ hội thì những vấn nạn như thắp hương quá nhiều, sử dụng vàng mã vv… sẽ dần được khắc phục.
+ Cảm ơn ông!