Cơ hội khám phá nhiều báu vật khảo cổ học Việt Nam

Thứ Năm, 12/04/2018, 08:04
Ngày 12-4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” nhằm giới thiệu những thành tựu mà các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được trong 60 năm qua…


Theo đó, trưng bày sẽ lựa chọn, giới thiệu gần 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thế kỷ XVII - XVIII trên mọi miền đất nước nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Trong đó, chuyên đề “Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam” sẽ giới thiệu những hiện vật như: Rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa), thuộc thời đại Đá cũ; những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn, công cụ 1/4 cuội tìm thấy tại hang Muối - Hòa Bình năm 1965; Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn - Thanh Hóa), sưu tầm năm 1965; Công cụ chặt di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) khai quật năm 1969.

Trống đồng Sao vàng, một trong những cổ vật quý giá.

Đặc biệt, phần trưng bày này cũng giới thiệu những hình ảnh về cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964. Đây là cuộc khai quật lớn đánh dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác nghiên cứu Khảo cổ học giữa Việt Nam và Đức.

Tại Hang Hùm, các chuyên gia khảo cổ học người Đức và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu vết, những hiện vật thuộc hậu kỳ đồ đá cũ - văn hóa Sơn Vi.

Còn tại phần trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam” sẽ là bức tranh toàn cảnh Việt Nam khi bước vào thời kỳ kim khí với 3 trung tâm văn hóa lớn là Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam.

Điểm nhấn của trưng bày là chuyên đề “Khảo cổ học lịch sử” sẽ đưa người xem trải nghiệm một hành trình lịch sử từ các báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên đến các báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Trong đó, với báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên là các hiện vật được tìm thấy trong những ngôi mộ gạch thế kỷ I - III, những chứng tích của các cuộc nổi dậy chống phong kiến phương Bắc.

Chứng minh những yếu tố văn hoá Đông Sơn truyền thống vẫn được bảo tồn, phát triển bên cạnh sự giao lưu, tiếp nhận những thành tố văn hoá mới. Tiêu biểu là mô hình nhà, mô hình bếp lò bằng đất nung, được tìm thấy tại Thiệu Dương - Thanh Hóa, Nghi Vệ - Bắc Ninh, Cầu Giấy – Hà Nội.

Cũng tại phần trưng bày này, các báu vật Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn cũng sẽ được giới thiệu với những tác phẩm điêu khắc đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu - Quảng Nam, Tháp Mẫm - Bình Định như Sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, Phù điêu tu sĩ, bia Ponaga,… trong đó có những hiện vật đặc sắc do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Bảo tàng Bình Định khai quật; Nhóm hiện vật thuộc di tích Cấm Mít - Đà Nẵng do Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật năm 2012 như mảnh vàng hình voi, hạt chuỗi thủy tinh…

Đặc biệt đại diện cho những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam ở thời kỳ này là tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn- Quảng  Nam. Cùng với đó, không thể thiếu trong hành trình khám phá lịch sử là các báu vật thời kỳ Văn hóa Óc Eo- Phù Nam với các hiện vật như nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời … có niên đại thế kỷ III - thế kỷ VI, khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1993; Tượng phật bằng gỗ, tượng vishu bằng đá niên đại khoảng thế kỷ V, khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1997.

Và điểm nhấn kết thúc hành trình khám phá là các báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam. Đây là những hiện vật tại các di tích thành quách, đền đài đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện, nghiên cứu suốt hơn 60 năm qua.

Trong đó, phải kể đến phần trưng bày giới thiệu những hiện vật là những dấu tích thành cổ như ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành… Đặc biệt giới thiệu những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)…; giới thiệu những hiện vật gốm Chu Đậu (thế kỷ XV-XVI), đồ thủy thủ đoàn khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997-1999.

Ban tổ chức cho biết, các hiện vật được giới thiệu lần này là kết quả sau nhiều năm Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi nghiệp vụ với các bảo tàng quốc gia trên thế giới, trong đó có các bảo tàng khảo cổ học của Đức.

Trước đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số bảo tàng, di tích Việt Nam phối hợp với một số bảo tàng của Đức tổ chức trưng bày chuyên đề: “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức, từ tháng 10-2016 đến tháng 2-2018. Triển lãm được tổ chức hết sức thành công, góp phần đẩy mạnh hơn nữa chương trình hợp tác, trao đổi văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Đức.

Với hơn trên 300 hiện vật đặc sắc, đây là một trưng bày có quy mô lớn, số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, khảo cổ học Việt Nam với  những thành tựu to lớn. Trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 7-2018, tại số 1 Tràng Tiền (Hà Nội).

Vũ Cảnh
.
.
.