Chuyện ít biết về ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”

Thứ Ba, 30/04/2019, 10:47
“Như có Bác trong ngày vui đại thắng” không chỉ là một ca khúc, mà đó còn là sự tri ân, là tiếng lòng của ông với miền Nam rồi bỗng vỡ òa khi “thành đồng Tổ quốc” được hoàn toàn giải phóng.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên là tác giả của nhiều ca khúc viết về đề tài cách mạng nổi tiếng. Gắn với sự kiện giải phóng miền Nam, ông ghi dấu đặc biệt với một chuỗi các tác phẩm, trong đó, ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” như một đỉnh cao “vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc và khẳng định ý chí quyết thắng của người Việt Nam” cho tới ngày nay.

“Như có Bác trong ngày vui đại thắng” chứa đựng nhiều điều mà ngay cả tác giả cũng chưa lý giải được thấu đáo, như: tại sao bài hát lại viết trong khoảng thời gian nhanh như thế; ca khúc đã dự đoán sau “30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông” thì kháng chiến sẽ thành công. “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” không chỉ là một ca khúc, mà đó còn là sự tri ân, là tiếng lòng của ông với miền Nam rồi bỗng vỡ òa khi “thành đồng Tổ quốc” được hoàn toàn giải phóng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, đầu tháng 4-1975, khi đang công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc đó nhà báo Trần Lâm - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác một tác phẩm lớn để mừng ngày đất nước toàn thắng. 

Nhận nhiệm vụ, ông đã phác thảo một bản hợp xướng bốn chương, gồm: Miền Bắc lũy thép, miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy, Toàn thắng. Nhưng suy nghĩ, ông lại thấy bản hợp xướng không phù hợp. “Nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng, nên tôi quyết định dừng ý tưởng” - nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ.

Vào 21h ngày 28-4, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin phi công (anh hùng Nguyễn Thành Trung) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Sau tin đó, bao cảm xúc hồi hộp, vui sướng trong ông cứ tuôn trào, và lập tức, ông đã viết. 

Chỉ chưa đầy hai tiếng, từ 21h30 đến 23h, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết xong bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” mà không phải sửa một chữ nào. “Khi viết xong ca khúc này, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, như thể đã trả được món nợ tinh thần mà tôi trăn trở từ bao lâu rồi” - nhạc sỹ chia sẻ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Đến trưa 30-4, sau khi nghe tin miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Tổng Giám đốc Trần Lâm cho gọi nhạc sỹ lên để báo cáo về nhiệm vụ được giao từ trước. “Gặp anh Trần Lâm ở cầu thang cơ quan, vui mừng đến rơi nước mắt, tôi đã hát ngay bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Vừa nghe xong, anh Trần Lâm liền đề nghị cho thu thanh ngay bài hát để phát trong bản tin thời sự đặc biệt chiều hôm đó” - nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại.

Ngay trong chiều 30-4, ca khúc được lãnh đạo đài cho dàn hợp xướng 40 người tập luyện để kịp phát thanh. Nhạc sỹ xúc động kể lại: “Chưa có buổi thu thanh bài hát nào ở Đài TNVN mà từ người kéo đàn đến nhạc trưởng cũng như ca sĩ đều rưng rưng nước mắt như thế. Khi ca khúc được thu âm xong thì chính tôi và anh Trần Lâm cũng khóc”.

Cứ sau một bản tin thông báo thắng trận tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế là bài hát lại vang lên hào hùng. Khi Đài Phát thanh Giải phóng Sài Gòn phát ca khúc, chính nhạc sỹ cũng ngỡ ngàng, bởi ông và Đài TNVN vẫn chưa kịp gửi bài hát và băng thu thanh vào Sài Gòn. Rồi, người Sài Gòn đã ngân nga điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!” hòa chung vào niềm vui giải phóng.

Ngày 2-5-1975, trên Báo Nhân Dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có bài viết nêu bật ý nghĩa của chiến thắng lịch sử với nhan đề “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Mười năm sau ngày giải phóng, nhạc sỹ Phạm Tuyên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho ca khúc này. Đây là một sự kiện chưa từng có khi nhạc sỹ được tặng Huân chương nhờ một bài hát.

Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vẫn sống mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam. Ca khúc chính là tiếng reo vui của một con tim và được hàng triệu triệu con tim cộng hưởng. Tuy nhiên, “Như có Bác trong ngày vui địa thắng” chỉ là một trong số những món nợ tinh thần mà vị nhạc sỹ gắn với những kỷ lục này đã gửi lại cho miền Nam.

Trước đó, năm 1969, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gửi vào miền Nam ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ” cho những đồng nghiệp đang hoạt động phong trào thanh niên; rồi “Hát cho đồng bào tôi nghe” ra đời hưởng ứng phong trào tranh đấu chống Mỹ cứu nước bằng văn nghệ của học sinh, sinh viên miền Nam trên mặt trận văn hóa, tư tưởng được tổ chức và lãnh đạo bởi Đảng, Trung ương cục miền Nam và Mặt trận Giải phóng miền Nam. 

“Tiếng hát những đêm không ngủ” của Phạm Tuyên được các nhạc sỹ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn... đưa vào đời sống và trở thành một trong những ca khúc chính cổ vũ phong trào học sinh - sinh viên miền Nam.

Mười năm sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sỹ Phạm Tuyên lại gửi tới thành phố Hồ Chí Minh ca khúc “Thành phố mười mùa hoa”, tràn ngập sức sống và lạc quan để nhìn tới tương lai. Ông thổ lộ: “Hồi đi bộ đội, tôi ao ước một ngày được cùng đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Thành phố phương Nam này chính là động lực để tôi có những sáng tác mà mình tâm đắc nhất”.

Nhưng, in đậm dấu nhất trong số các sáng tác của nhạc sỹ Phạm Tuyên viết về giải phóng miền Nam chính là “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Dấu ấn được tạo nên không chỉ bởi ca khúc ra đời trong một thời khắc đặc biệt, mà giá trị của ca khúc còn thể hiện ở ngay trong nội dung có tính chất dự báo của nhạc phẩm.

Gần 50 năm sau khi bài hát ra đời, ngày nay, mỗi khi cầm tấm pano in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lá cờ đỏ sao vàng cùng dòng chữ tiếng Việt và tiếng Anh “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, đôi mắt của người nhạc sĩ già vẫn  nhòa đi vì hạnh phúc. Bài hát tuy ngắn nhưng có sức nặng trong lòng mỗi người dân đất Việt và cũng là thông điệp chiến thắng của thời đại Hồ Chí Minh gửi tới bạn bè quốc tế…

Vũ Cảnh
.
.
.