Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo với 'Ký ức làng'

Thứ Bảy, 03/10/2015, 17:41
Cả nhà đều theo nghiệp điện ảnh, duy chỉ mình Nguyễn Hữu Bảo (phu quân của ngôi sao điện ảnh, NSND Như Quỳnh) lại làm nhiếp ảnh và cũng rất thành công với nhiều triển lãm trong nước và quốc tế.

“Ký ức làng” khai mạc tối 2/10 là triển lãm đầu tiên nghệ sĩ nhiếp ảnhNguyễn Hữu Bảo (NSNA NHB) mang đến một không gian làng quê truyền thống nhẹ nhàng, sâu lắng, giầu cảm xúc giữa lòng Hà Nội, để ai đến đây, cũng như bắt gặp một phần quá khứ, một phần trải nghiệm của chính mình với bâng khuâng yêu dấu, qua những bức ảnh không chỉ là sự chặt chẽ về bố cục, xử lí ánh sáng, mà là ở vẻ đẹp tâm hồn.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét “Ký ức làng” là triển lãm "thuộc diện bắt buộc phải xem". Quả thật, “Ký ức làng” như một cách nối dài văn hóa truyền thống ở nơi đô thị, bởi “muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng”.

Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông:

+ 64 bức ảnh ở triển lãm, dĩ nhiên là một sự lựa chọn kỳ công đầy tâm đắc từ kho ảnh của một nhiếp ảnh gia như ông. Nhưng, bức nào ông tâm đắt nhất, hay có những kỷ niệm gắn bó nhiều nhất hay không?

NSNA NHB: Mỗi bức ảnh đều là cảm xúc, góc nhìn của tôi, nên không có bức nào nhất, bức nào nhì. Mỗi bức ảnh đều có câu chuyện riêng của nó. Tất cả các nhân vật mà tôi chụp, trừ NSND Y Moan, còn lại, tôi không quen biết ai, mà chỉ là gặp tình cờ trên đường “thiên lý”, nhưng nhìn vào thấy gần gũi thân thương. Bởi thế, tôi không thể trở lại tìm họ, để biết rồi cuộc sống, số phận của họ ra sao.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.

+ Với chủ đề “làng”, mà nhiều người sẽ hình dung là những ngôi làng thuần Việt của Bắc Bộ, nhưng triển lãm lại có khá nhiều bức ảnh về vùng Tây Nguyên, hẳn cũng mang chủ ý của tác giả?

NSNA NHB: Tôi muốn nói đến làng –nơi những người dân bình thường sinh sống, mà ở Việt Nam thì bản, buôn cũng là làng. Mặc dù tôi có nhiều ảnh về châu thổ sông Hồng, nhưng tôi muốn giới thiệu với khán giả những nét khác nhau của các cộng đồng người Việt. Vì thế, “Ký ức làng” gồm có 4 khu vực: làng châu thổ sông Hồng, làng miền biển, làng miền núi phía Bắc và làng Tây Nguyên. Cảnh chỉ là nền cho câu chuyện chính yếu về con người.

Bức “Kẻng bom” gây chú ý tại “Ký ức làng”.

+ Những bức ảnh được trải rộng ở nhiều vùng đất nước, trong những thời khắc khác nhau, kể những câu chuyện về số phận người nông dân, nên nhìn vào đó, có thể thấy được những dấu ấn lịch sử của nhiều làng quê. Ông đã mất bao lâu để có bộ ảnh mang đến một điểm nhìn khác về làng này?

NSNA NHB: Bộ ảnh được thực hiện từ năm 1993 về đây. Mỗi bức ảnh đều chỉ ghi lại những cảm xúc, những gì gần gũi với tâm hồn, tình cảm của tôi. Những bức ảnh về đồng bằng sông Hồng nhiều nhất, vì tôi hiểu nhất. Làng –châu thổ sông Hồng cũng là cái lõi của làng Việt, văn hóa Việt, vì nó ra đời từ thuở lập nước. Từ đây, văn hóa làng của dân tộc lan dần đến các vùng đất khác.

+ Lê Thiết Cương cho rằng“nhiếp ảnh Hữu Bảo như một cái chớp mắt dài lâu” quả có lý. Những bức ảnh đẹp như tranh phảng phất chất thơ của ông không phải của một người lãng du đi qua phong cảnh mà chứa nội hàm sâu sắc. Những bức ảnh đều là đen trắng và có bức nào là dàn dựng?

NSNA NHB: Tôi chụp ảnh như một người mải chơi. Trong cuộc chơi đó tôi luôn tìm lại cội nguồn, xem cái gì còn-mất, cái gì đáng mất- đáng còn. Một số bức chụp phong cảnh nhưng thực ra không phải phong cảnh thuần túy, mà thông qua phong cảnh, nói đến số phận con người.

Chân dung làng chính là chân dung những con người ở làng Bức ảnh chụp quả bom treo ở đình Diềm, ngôi làng tổ quan họ ở Bắc Ninh, là một vỏ quả bom từ hồi chiến tranh, giờ  được mang ra làm kẻng, treo ở đình là nơi rất thiêng liêng và đó là sự tương phản trong câu chuyện mà tôi muốn nói tới.

Bức này tôi tặng Quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa để bán đấu giá, xây nhà cho các gia đình có người thân hy sinh khi bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Tôi không bao giờ chụp dàn dựng, dù tôi không phản đối chuyện đó.

Mỗi bức ảnh của tôi đều là khoảnh khắc mà tôi chộp được. Tôi chỉ chụp những gì mình hiểu nhất. Theo tôi, một bức ảnh đẹp là phải đa chiều về thông tin chứ không phải thuần túy duy mỹ. Tôi dùng ảnh đen trắng, trước hết là do sở thích cá nhân, hơn nữa, đen trắng triệt tiêu tất cả màu sắc và chỉ còn sự thật. Vẫn bức ảnh đó nếu có màu sắc sẽ khác với khi ngắm ảnh đen trắng. Tôi tôn trọng sự trung thực và điều đó là đủ đẹp rồi.

Những bức ảnh về làng.

+ Là người Hà Nội gốc, nhưng trong ngôi nhà ở trung tâm phố cổ, đồ vật cũng được ông trưng bày theo cách truyền thống và triển lãm này cũng cho thấy văn hóa làng quê đậm đặc trong tâm hồn rất tĩnh của người nghệ sĩ. Điều này hẳn có lý do?

NSNA NHB: Có người Việt nào trên dải đất này, kể cả những người đẻ ở thành phố, những người hiện đại hôm nay, lại không có cội rễ làng trong máu của mình? Tôi thích những gì thuộc về văn hóa truyền thống. Như tôi không dùng đồ pha lê mà dùng đồ bằng đất nung, hay đồ gốm, cũng không sử dụng đệm mút mà dùng chõng tre, vì những thứ đó gần gũi với tôi. Quê gốc của tôi ở Từ Sơn, Bắc Ninh và cho dù được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, tôi vẫn thích được giới thiệu mình là một người làng hơn. Bởi tôi luôn ý thức đó mới chính là gốc gác của mình. Làng chỉ là cái vỏ, nội dung của làng phải là con người.

+ Sau “Ký ức làng” ông có dự định sẽ “xả” bớt kho ảnh của mình bằng triển lãm nào không?

NSNA NHB: Có chứ. Giờ là “Ký ức làng”, rồi sẽ là “Ký ức Hà Nội” và ký ức về một khoảng thời gian hay vùng đất nào đó mang dấu ấn sâu đậm.

+ Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.