Độc đáo đón Tết cổ truyền xứ Huế

Thứ Tư, 10/02/2021, 11:28
Trải qua 143 năm dưới triều đại nhà Nguyễn, lịch sử tạo cho Huế những tập tục, lễ nghĩa truyền thống ngày Tết vô cùng phong phú mà đến nay vẫn được người dân xứ Huế gìn giữ, phát huy.

Từ xa xưa, phong tục đón Tết cổ truyền đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình người Việt. Trải qua 143 năm dưới triều đại nhà Nguyễn, lịch sử tạo cho Huế những tập tục, lễ nghĩa truyền thống ngày Tết vô cùng phong phú mà đến nay vẫn được người dân xứ Huế gìn giữ, phát huy như một bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất Cố đô…

Thời nhà Nguyễn, vua quan thường tổ chức lễ dựng nêu (Thướng tiêu) vào ngày 30 tháng Chạp, song ngày nay Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thường chọn ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm để tái hiện lễ dựng nêu, báo hiệu ngày Tết cận kề. 

Trong tiết trời vào xuân, chúng tôi tìm đến phủ Kiên Thái Vương nằm bên bờ sông An Cựu, đúng lúc ông Hoàng Trọng Đính (76 tuổi), người trông coi phủ đang quét dọn khuôn viên phủ để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thấy có khách vào phủ, ông Đính nghỉ tay, pha trà mời khách. 

Ông Đính kể, ông là cháu của Đoan Huy Hoàng Thái hậu (còn gọi là đức Từ Cung, vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại) nên từ năm 3 tuổi, ông đã theo người thân trong gia đình vào sinh sống ở Đại Nội. Vì thế dù đã lớn tuổi, ông Đính vẫn nhớ rõ về những tập tục, lễ nghi ngày Tết được tổ chức ở cung đình. 

Theo ông Đính, vào ngày 30 tháng Chạp, sau khi triều đình dựng nêu xong thì người dân mới được dựng nêu tại nhà mình để đón Tết. “Vào tối 30 tháng Chạp, đúng vào thời khắc giữa năm cũ chuyển sang năm mới, súng thần công trước Ngọ Môn bắn lệnh 9 phát để báo hiệu. Lúc này không khí Tết rộn ràng từ Hoàng cung đến khắp phố phường”, ông Đính nhớ lại ký ức Tết xưa ở Hoàng cung.

Ngày Tết ở xứ Huế mang đậm hương vị và nét đẹp văn hóa truyền thống.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay người dân xứ Huế vẫn gìn giữ những phong tục, lễ nghi truyền thống trong ngày Tết. Để đón năm mới, trước Tết, nhà nhà đều tất bật dọn dẹp, sửa sang, đặc biệt nơi thờ cúng tổ tiên được sửa soạn, bày biện các lễ vật, hoa quả. Tiếp đó, các gia đình đưa con cháu đi viếng mộ, thắp hương mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết. 

Và nói đến Tết cổ truyền xứ Huế, không thể không nhắc đến những món ăn dân dã được những người thợ, nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi tại địa phương làm nên như mứt gừng Kim Long, bánh tét làng Chuồn, bánh chưng Nhật Lệ…

Để tìm hiểu kỹ hơn về ẩm thực ngày Tết cổ truyền xứ Huế, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Tôn Nữ Thị Hà (78 tuổi, ở phường Thuận Thành, TP Huế). Bà Hà là chuyên gia ẩm thực cung đình nổi tiếng từng được tặng giải thưởng “Bàn tay vàng” cùng nhiều huy chương vàng tại các hội chợ ẩm thực trong nước và quốc tế về chế biến các món ăn cung đình. 

Theo nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà, qua nghiên cứu, bà biết được rằng, vào năm Minh Mạng thứ 9, trong mục lễ vật cúng Phật vào dịp Tết Nguyên đán của triều đình có nói đến các loại bánh in làm bằng bột nếp có hình rồng, hình phượng hoàng. 

Đến đời vua Tự Đức, nhà vua cũng yêu cầu đầu bếp làm các món ăn hình rồng, các loại bánh dâng cúng tổ tiên nên bà đã kỳ công nghiên cứu phục hồi các món ăn cung đình. 

Phát huy truyền thống đó, vào ngày Tết, không những nghệ nhân Hà, mà phụ nữ xứ Huế cũng trổ tài nữ công gia chánh, làm những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, nem tré, dưa món và các loại mứt, bánh. Mâm cơm cúng ngày Tết cũng được các gia đình chuẩn bị chu đáo, tươm tất, dù rất giản dị theo phong cách của người miền Trung song vẫn toát lên được vẻ cao sang qua bàn tay chế biến khéo léo, cầu kỳ của người phụ nữ xứ Huế.

Tiếp nối truyền thống cha ông để lại, ngày nay người Huế rất coi trọng việc cúng kiếng vào ngày Tết. Thông thường, các gia đình ở Huế bày biện lễ cúng ông Táo vào dịp 23 tháng Chạp; cúng ông tổ nghề từ ngày 25 tháng Chạp trở đi. 

Tiếp đó là lễ cúng nêu, rước ông bà tổ tiên về ăn Tết vào ngày 30 Tết và sau lễ cúng này, các thành viên con cháu trong gia đình thường quây quần bên mâm cơm Tất niên cuối năm để cùng nhau chia sẻ những việc làm trong năm cũ, cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

Mâm cỗ ngày Tết do nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà bày soạn.

Vào thời khắc gần đến năm mới, đêm 30 Tết, người Huế lại bày biện mâm cỗ để cúng giao thừa. Lễ vật cúng thường là đồ chay được gia chủ bày biện gọn gàng, tươm tất. Lễ cúng thường đúng vào thời khắc giao thừa để cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu trong gia tộc một năm mới mạnh khỏe, an khang, nhiều tài lộc. 

Từ ngày mồng 1 Tết trở đi, mỗi ngày người Huế đều làm một mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, sau là để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. 

Kết thúc 3 ngày Tết, các gia đình lại làm mâm cỗ cúng đưa tiễn ông bà, tổ tiên để chuẩn bị bắt đầu công việc trong năm mới. “Với người Huế, sự cầu kỳ, tỉ mẩn, khéo léo trong từng món ăn bày lên mâm cỗ cúng gia tiên vào ngày Tết thể hiện rõ nét gia phong trong mỗi nếp nhà”, nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà giải thích.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, Tết cổ truyền của người Huế mang những đặc điểm chung của người Việt Nam, song Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ nên việc đón Tết cổ truyền của người Huế ít nhiều mang ảnh hưởng phong vị của chốn cung đình thời Nguyễn. 

Việc chuẩn bị đón Tết của người Huế cũng lắm công phu và đầy đủ hơn so với những nơi khác, nhất là các món ăn ngày Tết của người Huế được làm rất cầu kỳ và tinh tế. Bên cạnh đó, truyền thống của người Huế vốn coi trọng tổ tiên khi nhiều người giữ thói quen dành ngày đầu tiên của năm mới để đi viếng mộ ông bà, tổ tiên và người thân. 

Đặc biệt, Tết là dịp sum họp đoàn viên, hướng về các mối quan hệ gắn kết gia đình. Ông Hải cho rằng, dù có sự thay đổi nhưng người Huế ngày nay vẫn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết và dựa trên nền tảng di sản truyền thống ấy để phát triển. 

Đặc biệt hơn, ngày Tết là dịp để xây dựng, củng cố quan hệ gia đình, gia tộc, cả cộng đồng cùng hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, từ đó nền tảng văn hóa của dân tộc được củng cố, sức mạnh dân tộc được bồi đắp. Và có thể xem đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của một dân tộc, một đất nước...

Vào thời khắc gần đến năm mới, đêm 30 Tết, người Huế lại bày biện mâm cỗ để cúng giao thừa. Lễ vật cúng thường là đồ chay được gia chủ bày biện gọn gàng, tươm tất. Lễ cúng thường đúng vào thời khắc giao thừa để cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu trong gia tộc một năm mới mạnh khỏe, an khang, nhiều tài lộc.
Anh Khoa

.
.