Bế mạc Trại sáng tác văn học lần thứ II

Thứ Sáu, 12/04/2019, 16:09
Ngày 12-4, bên bờ biển Nhật Lệ vùng cát trắng Quảng Bình, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ sơ kết cuộc thi và bế mạc Trại sáng tác Văn học lần thứ II về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2017-2020. 


Tham dự buổi lễ có Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Chủ tịch chi hội Nhà văn Công an; Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an, Tổng Biên tập Tạp chí CAND; Thượng tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Trưởng ban Thường trực cuộc thi; lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình cùng hơn 50 nhà văn, tác giả đến từ nhiều vùng miền, ngành nghề khác nhau của đất nước.

Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước trao đổi về việc sáng tác văn học nghệ thuật tại Lễ bế mạc Trại sáng tác.

Trại sáng tác Đồng Hới năm 2019 là trại viết lần thứ hai trong khuôn khổ cuộc thi được Bộ Công an tổ chức để tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn thai nghén, hoàn thành các sáng tác. Thành phần dự trại viết lần này khá phong phú, có các nhà văn nổi tiếng, các nhà văn lão thành và nhiều nhà văn trẻ tiềm năng lần đầu chạm ngõ với đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. 

Ngoài các nhà văn tham dự Trại sáng tác, Ban tổ chức cũng đã mời một số nhà lý luận phê bình văn học như Bùi Việt Thắng, Nguyên An và Lý Hoài Thu tham dự. Các nhà phê bình tham dự Trại sáng tác nhằm bước đầu thẩm định, đánh giá tác phẩm và trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng bản thảo dự thi.

Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái phát biểu tại buổi lễ.

Trong suốt 15 ngày bên bờ biển Nhật Lệ thơ mộng, hoang sơ, hầu hết các nhà văn tham dự Trại sáng tác đều có tác phẩm; bên cạnh đó có nhiều nhà văn, cây bút trong và ngoài lực lượng dù không dự Trại sáng tác nhưng cũng đã gửi tác phẩm tham dự cuộc thi. Đó là những tiểu thuyết, truyện đã được hoàn thành; là những tác phẩm đang được chỉnh sửa, dần hoàn thiện; có những nhà văn qua chuyến thực tế đã nảy sinh đề cương của những tiểu thuyết về đề tài người chiến sỹ CAND; một số nhà văn đã hình thành ý tưởng mới, cách khai thác mới về công việc, nhiệm vụ của người chiến sỹ Công an. 

Nhà văn, Đại tá Công an Nguyễn Đăng An sau khi hoàn thành tiểu thuyết “Mê cung” viết về công việc của chiến sỹ tình báo CAND cũng đã tìm thấy góc nhìn mới từ cuộc sống thực tế của các chiến sỹ CAND. Tác giả trẻ Hoài Băng đã hoàn thành tiểu thuyết “Những con giun trong thành phố”; hoàn thành đề cương tiểu thuyết “Hồng nhan”. Nhà văn Sỹ Chân đã hoàn thành tiểu thuyết phản gián “Kho báu của một điệp viên”. 

Các nhà văn, tác giả tham dự lễ bế mạc Trại sáng tác văn học tại Quảng Bình.
Thượng tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Trưởng ban Thường trực cuộc thi.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Đức qua trao đổi với các nhà văn đã có thêm cảm hứng và hoàn thành những trang cuối cùng tập ký “Chuyên án CM12” dựa theo cuốn hồi ký nghiệp vụ rất hấp dẫn về chuyên án phản gián này. Nhà văn Nguyễn Hiếu đã hoàn thành tiểu thuyết “Số phận kỳ quặc” đồng thời với sự lao động không mệt mỏi đã bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện một cuốn khác. 

Nhà văn Nguyễn Văn Học đã hoàn thành tiểu thuyết “Linh điểu”. Tác giả Vũ Thanh Lịch sau thời gian thực tế đã hoàn thành nốt những trang cuối bản thảo “Khoảnh khắc sống”. Tác giả Phan Lưu đã hoàn thành tiểu thuyết “Lý lịch không tốt và những tờ A4 cũ”. Nhà văn Đoàn Hữu Nam sau khi hoàn thành tiểu thuyết “Chạy trốn”, qua quá trình sinh hoạt tại Trại sáng tác đã quyết định viết lại tác phẩm dựa theo kết cấu mới, nay đã hoàn thành tiểu thuyết “Nghiệt ngã”. Đây cũng là một hướng đi thành công của Trại sáng tác trong quá trình nhận thức nhà văn. 

Các Nhà văn chụp ảnh lưu niệm tại Lễ bế mạc Trại sáng tác.

Nhà văn Hữu Phương dành thời gian hoàn thành tiểu thuyết “Hai người từ Mỹ trở về”. Nhà văn Phan Quế hoàn thành tiểu thuyết “Chúng sinh”. Tác giả Trần Lê An đã hoàn thành truyện mang tên “Sông thiêng” trong đó khải cứu toàn bộ chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng trị để tri ân đồng đội mình; ngoài ra bộ sưu tập tranh chân dung hơn 30 nhà văn dự Trại sáng tác là kỷ niệm anh dành tặng Nhà xuất bản CAND và các bạn văn của mình…

Các tác giả trong Công an: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Hồng Lam, Kim Cương, Thái Sơn, Lê Văn Phong đều đã gửi tác phẩm đến Ban tổ chức. Qua tham dự Trại sáng tác với chất sống và nguồn tư liệu ngồn ngộn, phong phú các nhà văn đang thai nghén cho nhiều tác phẩm xuất sắc.

Trao đổi với các nhà văn dự Trại sáng tác, Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước cho rằng: ngoài tiểu thuyết thì đề tài về chiến sỹ CAND có rất nhiều cá nhân điển hình để các nhà văn, tác giả viết truyện ngắn, bút ký…Trong cuộc chiến giữa thời bình với tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, nhiều chiến sỹ CAND đã hy sinh. Sự hy sinh đó nhiều khi không phải chỉ là ở tính mạng thấy được, biết được, mà sự hy sinh, mất mát nhiều khi ẩn khuất trong chính bi kịch cuộc sống, đó là có những chiến sỹ bị nhiễm HIV từ tội phạm ma túy bị nhiễm HIV chống cự, gây thương tích; có những chiến sỹ hàng tuần, hàng tháng trời theo vết chân đối tượng phạm tội, vì công việc phải giữ bí mật nên vợ hoài nghi.

Các nhà văn tham dự Trại sáng tác kính viếng các anh hùng, liệt sĩ ở Thành cổ Quảng Trị.

Có những hy sinh của chiến sỹ Công an chúng ta thấy được, biết được qua báo chí truyền thông, nhưng có những hy sinh âm thầm, lặng lẽ và đó là tư liệu mà chỉ văn học nghệ thuật nhất là thể loại truyện ngắn, ký…mới “vẽ” được, truyền tải được. 

Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho rằng: Kể từ năm 1997-1998, sau khi tổ chức Trại sáng tác Cây bút vàng đến nay, Bộ Công an luôn quan tâm đến văn nghệ sỹ nói chung và các tác giả sáng tác văn học, nghệ thuật liên quan đến đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Chính sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị liên quan, nên hàng năm nhiều tác phẩm có giá trị liên quan đến đời sống, công việc của cán bộ, chiến sỹ CAND được xuất bản.

Trong những ngày lưu lại ở vùng cát đầy nắng, gió Quảng Bình, ngoài thời gian sáng tác và chỉnh sửa tác phẩm, các nhà văn, tác giả đã đi thực tế tại Trại giam Đồng Sơn, thăm Cụm di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương, viếng các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, giao lưu, kết nối với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình và Tạp chí Nhật Lệ. 

Đặc biệt, dưới hình thức những salon văn chương, việc trao đổi kinh nghiệm viết luôn là một hoạt động thu hút được đa số nhà văn dự trại viết. Những buổi trao đổi cởi mở, sôi nổi về văn chương đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, những ý kiến đưa ra thảo luận đã đánh giá được thực trạng văn học về đề tài người chiến sỹ CAND, đồng thời mở ra hướng phát triển và tương lai đầy hứa hẹn về đề tài.

Thượng tá Trần Cao Kiều khẳng định: Có được thành công ở Trại sáng tác lần này chính là sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, tâm huyết của lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, sự phối hợp giúp đỡ của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Công an tỉnh Quảng Bình, Nhà nghỉ Hải Đăng, Trại giam Đồng Sơn, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, sự lao động, miệt mài sáng tạo của các nhà văn, tác giả tham dự Trại sáng tác, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của Ban Thường trực cuộc thi.

Dương Sông Lam
.
.
.