Bài 1:

Thị trường tranh Việt: May nhờ, rủi chịu?

Thứ Năm, 11/08/2016, 08:37
Đã sau hơn nửa tháng kể từ khi hơn chục tác phẩm được giới thiệu đến công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung bị xác định là giả mạo, dư luận vẫn chưa ngớt ồn ào. Người trong cuộc mệt mỏi, còn trái bóng trách nhiệm tiếp tục bị chuyền hết từ đơn vị, cơ quan chức năng này sang cơ quan chức năng khác.


Tối 9-8, chúng tôi liên lạc với họa sĩ Thành Chương, một trong số những người phản ứng gay gắt trong vụ việc cho là tranh giả lọt vào Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa qua. Họa sĩ cho biết ông đang rất mệt mỏi và cũng chỉ biết chờ đợi kết quả xử lý từ các cơ quan chức năng.

Nổi tiếng là một trong những gương mặt thuộc lớp họa sĩ đương đại có tác phẩm bị làm giả nhiều nhất trên thị trường, họa sĩ Thành Chương đã bức xúc khi phát hiện tác phẩm “Chân dung cô Kim Anh” của mình bị đổi tên thành “Trừu tượng” và để tên tác giả Tạ Tỵ đưa ra trưng bày tại triển lãm.

Ngay sau đó, ông đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, họa sĩ cũng khẳng định, ông chỉ dừng ở việc làm đơn tố cáo mà không kiện ra tòa vì cho rằng việc kiện ra tòa án là thuộc quyền của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ.

Đơn vị cho thuê địa điểm triển lãm – Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh mặc dù đã tổ chức Hội đồng thẩm định và khẳng định 15 trong 17 bức tranh được trưng bày là giả mạo, 2 bức tranh còn lại là mạo danh chữ ký của tác giả.

Bảo tàng cũng thông báo toàn bộ số tranh sẽ bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý. Chỉ có điều, cơ quan chức năng nào xử lý vụ việc và có kết quả cuối cùng thì đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời. 17 bức tranh trong triển lãm vẫn “ung dung” theo chủ sở hữu rời bảo tàng.

Một trong số các bức tranh bị xác định là giả mạo trong triển lãm tai tiếng “Những bức tranh từ châu Âu về”.

Chia sẻ về những lùm xùm xung quanh vụ triển lãm, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, ông Vi Kiến Thành cho biết: Pháp luật Việt Nam hiện nay đã khá đầy đủ để có thể xử lý vấn đề. Thế nhưng, theo thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh thì Thanh tra sở không thể xử lý vi phạm đối với ông Vũ Xuân Chung vì ông Chung đã có cam kết các tác phẩm được trưng bày hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của mình và chịu trách nhiệm trước công luận về tính nguyên gốc của tác phẩm. Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng không thể bị xử lý vì triển lãm đã được Sở Văn hóa, Thể thao cấp phép tổ chức.

Riêng Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh – đơn vị cấp phép cho triển lãm và phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này lại có vẻ đứng ngoài “tầm ngắm” của dư luận.

Theo nguồn tin của chúng tôi, vụ việc đã được chuyển đến cơ quan điều tra của TP Hồ Chí Minh, sau đó là Cục An ninh văn hóa, thông tin, truyền thông. Song, hiện tại, vụ việc không có tiến triển nhiều vì được xác định xử lý dân sự.

Lý do là triển lãm đã được cấp phép và chủ sở hữu cũng mới chỉ trưng bày cho mọi người cùng thưởng lãm, không tổ chức mua bán nên không thể xác định là ông Chung có ý định lừa bán tác phẩm giả mạo.

Chưa kể, ngay nhiều thành viên trong hội đồng thẩm định tranh do Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức trước đó cũng thừa nhận việc xác định các tác phẩm trong triển lãm là tranh giả hay thật hoàn toàn qua so sánh với bút pháp, cách vẽ của họa sĩ và dựa vào cảm quan của từng người. Để xử lý đúng theo luật thì cần có sự thẩm định chính xác bằng khoa học.

Tiếp tục lần theo “quả bóng trách nhiệm”, chúng tôi được biết, với các triển lãm lâu nay tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều bảo tàng khác nói chung thì các bảo tàng đều có hội đồng thẩm định cố định.

Với các triển lãm bị nghi vấn có nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đơn vị sẽ có hội đồng thẩm định mở rộng gồm hội đồng thẩm định của bảo tàng và một số thành viên là những người được cho là am hiểu về những tác phẩm, hiện vật được đưa ra triển lãm.

Riêng vụ lùm xùm “Những bức tranh từ châu Âu về”, nguyên nhân là do họa sĩ Thanh Bình – người thường chủ trì hội đồng thẩm định của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đi vắng. 

Ông Vũ Xuân Chung còn có giấy tờ xác nhận các tác phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy là ông Hubert, người được đánh giá là có uy tín ở nhiều quốc gia về thẩm định tranh. Tuy nhiên, dư luận trong giới sưu tầm tranh lâu năm tại Việt Nam lại đặt vấn đề rằng, nếu các tác phẩm trong triển lãm này có thể nhận diện là giả mạo dễ như thế thì một nhà sưu tập lão luyện sẽ khó có thể trở thành nạn nhân.

Dù rằng tranh giả, tranh thật trên thị trường vẫn đang giống như “mê hồn trận” nhưng không loại trừ trường hợp cả người chơi tranh, người sáng tác lẫn những người không mấy am hiểu về hội họa vô tình hay cố ý “tiếp tay” cho những hoạt động thiếu lành mạnh của thị trường tranh Việt.

Ngọc Nguyễn
.
.
.