Trò chuyện với nhà báo Nick Ut – Tác giả bức ảnh “Em bé Napalm”

Thứ Hai, 18/06/2018, 19:04
Cũng phải vài lần hẹn, cuối cùng tôi mới gặp được nhà báo, nhiếp ảnh gia người Mỹ, gốc Việt, Nick Ut – tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” từng gây chấn động thế giới 46 năm về trước. 


Nhưng, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, ông đã kịp chia sẻ nhiều điều hữu ích và ý nghĩa không chỉ với riêng người làm báo.

Phóng viên (PV): Thưa nhà báo Nick Ut, ông về Việt Nam lần này thời gian không ngắn nhưng lúc nào cũng tất bật. Hình như ông đang có rất nhiều kế hoạch tại quê hương?

Nhà báo Nick Ut: Sau khi tham gia lễ trao tặng hiện vật cho Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày 1-6, tôi rời Hà Nội đi Ninh Bình, thăm lại một số nơi từng tác nghiệp trong thời chiến, thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình trong Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác rồi ra Đà Nẵng. 

Trong các chuyến đi, tôi thực hiện được khá nhiều ảnh về đất nước, con người Việt Nam. Tôi thấy đất nước mình đẹp quá, thay đổi nhiều quá, nhất là các khu chiến trường xưa. 

Tôi mới đi Trảng Bàng, Tây Ninh về; đây là nơi tôi chụp bức ảnh “Em bé Napalm” – Phan Thị Kim Phúc. Nhưng nói thật là trừ Trảng Bàng vẫn còn khá nhỏ bé, còn Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, lớn, hiện đại khiến tôi rất bất ngờ. 

Dọc đường từ Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh san sát các quán ăn. Không giống như xưa, chúng tôi rất khó tìm được quán bán đồ ăn. So với trước đây, TP Hồ Chí Minh rộng lớn quá, nhiều tòa cao ốc, đại lộ, tôi bị lạc giữa mê cung của các công trình. Mà hôm nay cũng đúng là ngày mà 46 năm trước tôi đã chụp “Em bé Napalm” đấy!

Nhà báo Nick Ut trao tặng chiếc máy ảnh đã gắn bó với ông nhiều năm cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

PV: Chắc ông khó có thể quên được khoảnh khắc ấy?

Nhà báo Nick Ut: Tôi nhớ rất rõ. Vào sáng ngày 8-6-1972, tôi theo cánh quân của Sư đoàn 25 (Quân đội Việt Nam Cộng hòa – PV) tới Trảng Bàng và thấy hàng ngàn người bỏ chạy vì bom đạn. 

Tôi đã chụp được rất nhiều hình ảnh, thấy rất nhiều người bị thương, bị chết. Tôi đang chuẩn bị lên xe về lại Sài Gòn để gửi hình cho tòa soạn (hãng tin AP) thì ít phút sau máy bay tới thả bom khiến cả lính và các phóng viên khác cũng bỏ chạy. 

Từ trong màn khói dày đặc, tôi thấy rất nhiều người dân chạy ra. Ý nghĩ đầu tiên là “Thôi chết! Trong đó còn dân”. Tôi thấy rất nhiều người hoảng loạn, chạy lại phía mình. Có người già, có trẻ em, có những người  còn bế trên tay các em bé bị thương, một người đàn ông bế một em bé khoảng 3 tuổi, đã chết. 

Sau họ là một bé gái trần truồng vừa chạy vừa gào thét trên đường. Tôi vừa bấm máy ảnh vừa tự hỏi, không biết vì sao cô bé lại không có quần áo. Khi cô bé đến gần, tôi mới thấy cả cánh tay mà cô bé đang giơ lên lẫn phần thân thể khác đều bị bỏng.

Dưới sức nóng hàng trăm độ, người dính bom Napalm sẽ bỏng rất nặng. Tôi đã đi chụp ảnh trực tiếp tại nhiều chiến trường, chứng kiến và chụp rất nhiều hình ảnh về cái chết nhưng nhìn cô bé như thế, tôi rất đau lòng. 

Tôi lấy áo mưa che tạm cho cô bé và gọi lái xe đưa đến bệnh viện gần nhất. Đấy là bệnh viện địa phương, ở Củ Chi. Khi đến nơi, bệnh viện từ chối nhận vì đã quá tải và nguồn thuốc thì cạn kiệt, đề nghị tôi đưa bé về bệnh viện nhi ở Sài Gòn. 

Từ Củ Chi về đến Sài Gòn phải chạy xe hết cả tiếng đồng hồ. Như thế, cô bé sẽ không thể chịu nổi. Tôi phải nói rất gay gắt, lấy thẻ nhà báo, nói tôi là phóng viên của một hãng quốc tế lớn chứ không phải báo địa phương. 

Nếu bác sĩ không tiếp nhận nạn nhân, ngày mai, hình ảnh cô bé và lời từ chối của bệnh viện sẽ được đăng tải cho cả thế giới biết. Có lẽ họ sợ bị đăng báo nên đã đồng ý. Sau đó tôi về Sài Gòn, rửa ảnh, gửi cho tòa soạn. Thực ra, tôi đã nghĩ, cô bé sẽ không qua khỏi.

PV: Nhiệm vụ chính của phóng viên, nhất là phóng viên chiến trường là thu thập thông tin và đưa về tòa soạn càng nhanh càng tốt. Trong bối cảnh đó, động cơ nào mà ông vẫn quyết liệt giúp đỡ cứu chữa cô bé bị bỏng Kim Phúc rồi mới làm tiếp nhiệm vụ của mình với tòa soạn?

Nhà báo Nick Ut: Tôi là con thứ 11 trong gia đình có 12 người con ở Long An. Anh Huỳnh Thanh Mỹ là người anh thứ 7 của tôi và cũng từng là phóng viên chiến trường, làm việc cho hãng tin AP. 

Tôi thường được anh cho xem những bức ảnh anh chụp sau mỗi chuyến đi, trong đó có rất nhiều hình ảnh ghi lại cảnh tượng khủng khiếp của chiến tranh. 

Anh nói với tôi, anh rất buồn khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh chiến tranh, chết chóc. Anh chỉ mong muốn có cuộc sống hòa bình, cố gắng chụp càng nhiều hình ảnh về chiến tranh để nhiều người cùng hiểu, đấu tranh cho hòa bình. 

Mong ước ấy dang dở vì năm 27 tuổi, anh mất trong một lần đi chụp ảnh ngoài chiến trường. Tôi tự nguyện thực hiện tiếp mong muốn ấy của anh. 

Cảnh tượng tại Trảng Bàng ngày 8-6-1972 chỉ là một phần rất nhỏ những hình ảnh kinh khủng về chiến tranh mà tôi từng chứng kiến. Lúc ấy tôi còn rất trẻ, mới 21 tuổi. Khi hành động như thế, tôi không kịp suy tính nhiều. 

Nhưng sau này nghĩ lại, tôi thấy mình vô cùng may mắn khi đã chụp bức ảnh và hành động như thế. 

Chắc là bạn biết câu chuyện về nhiếp ảnh gia Kevin Carter và bức ảnh “Kền kền chờ đợi” ghi lại khoảnh khắc em bé đói khát đang lê trên nền đất, đằng sau là con kền kền chực chờ em gục xuống để xông lên rỉa xác. 

Bức ảnh lột tả nỗi đau đớn ám ảnh nhân loại về nạn đói ở châu Phi, sau khi được đăng tải đã gây chấn động toàn thế giới. Kevin Carter vinh dự được trao giải Pulitzer nhưng sau đó anh đã phải tự tử vì bị dư luận lên án, cho rằng anh chỉ chăm chú chụp ảnh đăng báo mà không giúp đỡ nạn nhân. 

Thực tế, sự khủng khiếp của nạn đói với nỗi ám ảnh về cái chết ở châu Phi năm ấy cũng tương tự như sự khủng khiếp ở chiến trường Việt Nam những năm 1972.

Tôi đoán, sau khi chụp ảnh, Kevin Carter đã nghĩ, em bé ấy không thể cứu được. Nếu sau khi tôi chụp ảnh bé Kim Phúc mà không cứu giúp cô bé, có lẽ tôi cũng không thể sống tiếp được. 

Sau này, cách lựa chọn của tôi đã được rất nhiều nhà báo hưởng ứng: giúp đỡ người lúc cần thiết trước, hoàn thành công việc sau.

“Em bé Napalm” – bức ảnh khiến nhiều người thay đổi cách nhìn về chiến tranh Việt Nam năm 1972.

PV: Ông từng nói đây là bức ảnh đã thay đổi cả cuộc đời ông và nhân vật. Với Kim Phúc, có thể thấy sự thay đổi ấy rất rõ ràng là cô ấy đã thoát khỏi bàn tay tử thần, nổi tiếng và sống hạnh phúc. Với ông, sự tác động từ bức ảnh như thế nào?

Nhà báo Nick Ut: Bức ảnh mang lại cho tôi nhiều may mắn và cho cả Kim Phúc nữa. Sau khi đăng tải, bức ảnh đã gây chấn động dư luận. Nhiều người bắt đầu có cái nhìn thay đổi về cuộc chiến. 

Tôi được biết, Tổng thống Mỹ Nixon khi ấy đã nghi ngờ mức độ chân thực của hình ảnh. Có lẽ cũng vì thế nên chính quyền Mỹ không muốn Kim Phúc chết. Họ muốn cô sống để điều tra sự thật về bức ảnh. 

Còn với tôi, bức ảnh đó là sự thật không thể thật hơn về chiến tranh tại Việt Nam. Mọi nghi ngờ cũng đã được giải tỏa sau đó, khi một video do một người khác quay lại về cảnh máy bay ném bom được đăng tải. 

Tôi vinh dự được trao giải Pulitzer. Bức ảnh còn mang đến cho tôi rất nhiều thuận lợi trong công việc. Đi đến đâu tôi cũng được chào đón. Ngay cả sau này, khi làm việc tại Mỹ, bức ảnh đã giúp tôi tiếp cận với rất nhiều ngôi sao nổi tiếng. 

Ở Mỹ, việc gặp gỡ các ngôi sao này không dễ nhưng khi  biết tôi, ai cũng vui vẻ, gọi Nick Nick… Máy ảnh tôi sử dụng chụp “Em bé Napalm”, nhiều nơi đề nghị tôi chuyển nhượng cho họ mà tôi không đồng ý.

PV: Nhưng mới đây ông đã tặng lại cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam kèm theo một số hiện vật khác. Vì sao ông lại chọn nghĩa cử như thế?

Nhà báo Nick Ut: Tôi muốn mọi người, nhất là các em hiểu về lịch sử, về vai trò thực sự của báo chí và trân trọng cuộc sống hòa bình.

PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công với các dự định của mình!

Hoa Nguyễn (thực hiện)
.
.
.