“Hà Nội và những Cửa ô” qua tài liệu lưu trữ
Thông qua các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp, trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những Cửa ô” cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa ô và sự biến mất của hầu hết các Cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Trưng bày “Hà Nội và những Cửa ô” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Về trưng bày này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, Cửa ô - một kiến trúc rất nhỏ bé trong tổng thể các công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng lại lưu giữ trong mình một câu chuyện thật dài của Hà Nội. Đó là lịch sử, là chính trị, là văn hóa, là đời sống xã hội. Cửa ô gần gũi, thân thương trong kí ức bao người, nhắc ta về quá khứ vàng son của cha ông, để ta thêm trân trọng hiện tại và dựng xây tương lai.
Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Trưng bày “Hà Nội và những Cửa ô” giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh được lưu trữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Viện Thông tin Khoa học xã hội và đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hà Nội. Thông qua các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp, trưng bày tái hiện lịch sử các Cửa ô của Hà Nội. Bên cạnh đó, trưng bày giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.
Cụ thể, trưng bày gồm 3 chủ đề. Trong đó, chủ đề “Cửa ô xưa” giới thiệu về lịch sử hình thành các Cửa ô của Thăng Long - Hà Nội; kiến trúc; vai trò, công năng của các Cửa ô Hà Nội; sự biến đổi về tên gọi và số lượng các Cửa ô theo từng giai đoạn. Dưới sự tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các Cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy, Cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến ngày nay, lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng của các Cửa ô của Thăng Long - Hà Nội xưa.
Chủ đề “Cửa ô chiến thắng” kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các Cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố; những tài liệu, hình ảnh về những ngày tiếp quản của quân dân Thủ đô trên các ngành: Nội chính, trước bạ, canh nông, giao thông, bưu điện, thuế…
Chủ đề “Cửa ô Hà Nội hôm nay” làm nổi bật sự thay đổi diện mạo của Hà Nội sau những thay đổi địa giới hành chính; những định hướng quy hoạch Thủ đô của Đảng và Nhà nước đã giúp Hà Nội phát triển trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999)và là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (30/10/2019).
Trưng bày “Hà Nội và những Cửa ô” sẽ phục vụ công chúng đến Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội từ ngày 7/10.