Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Biệt động Sài Gòn - Một thời vang bóng

Chủ Nhật, 30/04/2023, 12:40

Sau gần 40 năm, bộ phim “Biệt động Sài Gòn” vẫn luôn được nhắc tới là tác phẩm hiếm hoi thuộc hàng kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn. Đây cũng là tác phẩm mang lại sự thành công, sức ảnh hưởng ngoài sự tưởng tượng của chính các thành viên trong ê kíp làm phim năm nào.

Từ dấu ấn trên phim

Dựa trên những tư liệu có thực về lực lượng biệt động thành ở Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ, bộ phim “Biệt động Sài Gòn” bao gồm 4 tập: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông”, “Trả lại tên cho em”. Ngay từ lần đầu ra mắt, bộ phim đã tạo thành hiện tượng đặc biệt của điện ảnh trên cả nước. Thành công của bộ phim đã góp phần đưa tên tuổi của nhiều nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng như: Thanh Loan, Hà Xuyên, Quang Thái, Thúy An, Thương Tín, Hai Nhất… Thậm chí, ánh hào quang từ thành công của bộ phim mang lại cho nghệ sĩ vẫn được duy trì cho đến tận hôm nay.

ĐB trang 26: Biệt động Sài Gòn - Một thời vang bóng -0

Tạo dấu ấn đặc biệt với khán giả trong vai ni cô Huyền Trang nên nhiều năm trở lại đây, NSƯT Thanh Loan vẫn luôn là một trong những tên tuổi thành danh từ phim “Biệt động Sài Gòn” được nhắc nhớ nhiều nhất trong mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vai diễn thành công và được nhắc nhiều đến mức không ít lần nữ nghệ sĩ cảm thán là trong sự nghiệp diễn xuất, bà còn nhiều vai diễn rất hay khác nhưng với số đông, nhắc đến NSƯT Thanh Loan thì gần như là chỉ nói đến vai diễn ni cô Huyền Trang. Nghệ sĩ Thương Tín – người vào vai người lính biệt động lãng tử Sáu Tâm cũng từng cho biết, ông không ngờ vai diễn của mình trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” lại thành công hơn rất nhiều vai diễn được ông dồn tâm sức trong nhiều tác phẩm khác. Ngay với đạo diễn Long Vân cũng không hẳn là ngoại lệ. Là đạo diễn nổi tiếng tài hoa, có nhiều tác phẩm điện ảnh rất thành công nhưng đạo diễn Long Vân vẫn nhấn mạnh rằng “Biệt động Sài Gòn” luôn là một trong những “đứa con tinh thần” đặc biệt nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Trò chuyện với chúng tôi trong những ngày đầu tháng 4 này, khi sức khỏe đã yếu, nhưng chỉ nghe nhắc đến tên bộ phim, đạo diễn lão làng linh hoạt trở lại. Ký ức về những ngày làm phim, từ chuyện tiếp cận và nhận sự hỗ trợ của chính các nguyên mẫu – những người lính trong lực lượng biệt động thành ở Sài Gòn cho đến chọn diễn viên, xử lý nhân vật sao cho thuyết phục nhất… được tái hiện qua lời kể của ông.

Đến hệ thống di tích trong đời thực

Đạo diễn Long Vân đã dành nhiều tâm huyết, sự sáng tạo, thậm chí không ngại tranh luận gay gắt với đồng nghiệp, khích tướng diễn viên nhằm tạo dựng nên một tác phẩm hoàn hảo nhất trong phạm vi có thể. Nhưng có lẽ, điều ông ít ngờ và hạnh phúc nhất là, con cháu của những người lính biệt động thành – nguyên mẫu trong phim lại luôn nhắc nhớ về bộ phim như một niềm tự hào của gia đình, gắn với cả một hệ thống di tích về biệt động Sài Gòn. Hơn thế, nhiều thành phần của hệ thống di tích này lại được đưa vào phục vụ công chúng, thu hút đông đảo du khách ở trong và ngoài nước. Chủ nhân của hệ thống di tích này là gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai – người lính biệt động trong vỏ bọc ông chủ thầu khoán ở phủ đầu rồng – Năm USOM – tỷ phú Mai Hồng Quế, đồng thời là người âm thầm tổ chức vận chuyển hàng tấn vũ khí, giấu trong hầm nhà ở nội đô, phục vụ Đội 5 biệt động đánh mục tiêu Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

ĐB trang 26: Biệt động Sài Gòn - Một thời vang bóng -0
Khách tham quan một số điểm di tích Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Trần Vũ Bình

Theo anh Trần Vũ Bình, con trai của ông Trần Văn Lai, ngay sau khi thống nhất đất nước, câu chuyện của ông Lai đã được kể lại chi tiết cho một số nhà báo quân đội. Ông Lai xây dựng được vỏ bọc vững chắc để hoạt động trong lòng địch, có sự hỗ trợ rất lớn từ người vợ đầu của ông là bà Phạm Thị Chinh - cháu gái của chủ tiệm vàng Phú Xuân, Vĩnh Xuân nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ. Theo chỉ thị của cấp trên, bà Chinh đứng ra nhận bảo lãnh cho 2 đồng chí bị địch giam cầm rồi đưa ra vùng tự do nên bị bắt, tra tấn, sau đó hy sinh. Sau giải phóng, bà Phạm Thị Chinh được công nhận liệt sĩ. Người vợ thứ 2 của ông Lai là bà Đặng Thị Thiệp cũng hỗ trợ chồng hoạt động cách mạng, làm liên lạc, làm hầm bí mật trong nhà. Để đảm bảo vỏ bọc cho ông Lai, nhiều năm, bà Thiệp chịu tiếng oan là vợ bé. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, ông Lai bị lộ, phải sống trốn tránh quân địch, tìm cách ra miền Bắc nhưng không thành, có thời điểm phải giả điên. Một mình bà Thiệp vừa lo cho các con, vừa nuôi chồng. Trong khi đó, tại tập đầu tiên của phim “Biệt động Sài Gòn” là “Điểm hẹn” có nhân vật Tư Chung, biệt danh của Hoàng Sơn - Tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn cùng người đồng đội là Ngọc Mai cũng đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có để hoạt động trong lòng địch. Dưới sự bảo trợ của người chú Ngọc Mai, họ trở thành chủ nhân hãng sơn Đông Á nổi tiếng. Với khả năng hoạt động tình báo và sự thông minh, mưu lược, “vợ chồng” Tư Chung - Ngọc Mai tạo lòng tin với nhiều tướng tá quan trọng của Việt Nam Cộng hòa và qua mặt cả tình báo Mỹ. Trong khi đó, để che mắt kẻ thù, người yêu của Tư Chung là Huyền Trang đã cải trang thành ni cô ...

Sau này câu chuyện về cuộc đời ông Trần Văn Lai và hai bà vợ được dư luận quan tâm, biết đến, nhất là khi anh Trần Vũ Bình – con ông Lai kiên trì đi tìm và mua lại những căn nhà mà ông từng mua và sử dụng làm địa điểm hoạt động, nuôi giấu cán bộ ra, vào hoạt động trong nội thành và giấu vũ khí phục vụ đánh Dinh Độc Lập năm 1968. Trong quá trình tu sửa, phục hồi các căn nhà này, anh Trần Vũ Bình tiếp tục phát hiện thêm các hệ thống hầm trú ém, thoát hiểm được thiết kế rất thông minh nên xây dựng thành các điểm di tích, xây dựng Bảo tàng Tình báo – Biệt động Sài Gòn – Gia Định, hình thành hệ thống di tích biệt động Sài Gòn, thiết kế các tour du lịch khám phá di tích giàu tính trải nghiệm. Ngoài hầm giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 tại căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3 – di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đang thu hút đông đảo khách tham quan, thời điểm chúng tôi viết bài này, 3 điểm di tích trong hệ thống di tích nói trên được khảo sát nhằm xem xét bổ sung vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Đây là nơi chứa vũ khí, che giấu cán bộ và cất tài liệu mật của đơn vị Biệt động 159 của Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Trong đó, nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1 là nơi chứa hộp thư bí mật, nơi giao liên, hội họp, giao nhiệm vụ, tài liệu của lãnh đạo nằm vùng chuyển thư từ, tài liệu ra miền Bắc và vào Chiến khu. Nhà số 368 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1 là bình phong mang tên hiệu vàng Phú Xuân, Vĩnh Xuân, có hầm ngầm, hầm đứng, dùng để chứa tài liệu, tiền vàng, và che giấu cán bộ, phục vụ trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước của gia đình liệt sĩ Phạm Thị Chinh (hay Phạm Thị Phan Chính) vợ của ông Trần Văn Lai. Nhà số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, là cơ sở Nghiệp đoàn Ngọc Quế, có hầm nổi tại phòng khách phía sau tầng thượng, là nơi bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế thùng xe để chở vũ khí, tài liệu, chất nổ từ chiến khu ra vào nội thành Sài Gòn. Hiện cơ sở này là Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Ngoài 3 di tích trên, anh Trần Vũ Bình còn cho biết, gia đình đang đề xuất xây dựng Bảo tàng trưng bày hiện vật của ông Trần Văn Lai và các chiến sĩ tình báo – Biệt động Sài Gòn tại quê hương của ông Lai là xã Vũ Đông, TP Thái Bình; đề xuất xây dựng 1 điểm di tích tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội – quê hương của bà Phạm Thị Chinh, người vợ đầu tiên của ông Lai.

Hoa Nguyễn
.
.
.