Tượng đài cát Bashar al-Assad
Rạng sáng 8/12/2024, các lực lượng đối lập ở Syria tuyên bố đã kiểm soát thủ đô Damascus, đánh dấu sự kết thúc 24 năm cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 7/2000, khép lại hơn 53 năm cầm quyền của gia tộc al-Assad (1971-2024).
Một kết quả có phần bất ngờ với dư luận bởi cuộc chiến dai dẳng tại đất nước Syria dường như vẫn đang ở tình trạng đóng băng nhiều năm nay, song thực tế đây là quá trình xuống dốc bắt đầu ngay từ những ngày đầu, và nhất là từ thời điểm cuộc cách mạng “Mùa Xuân Arập” lan tới quốc gia này năm 2011.
Hy vọng chớm tắt
Bashar al-Assad sinh ra trong một gia đình Alawite, nhóm thiểu số chiếm khoảng 10-15% dân số Syria nhưng kiểm soát phần lớn quyền lực. Cha ông, Hafez al-Assad, giữ chức tổng thống từ năm 1971-2000, và xây dựng một chế độ bị xem là độc tài, không dung thứ cho sự bất đồng chính kiến với sự đàn áp lan rộng và định kỳ của các cuộc bạo lực cực đoan của nhà nước.
Là người con trai thứ hai không được định sẵn để kế thừa “ngôi vị”, Bashar al-Assad theo học chuyên ngành nhãn khoa ở London cho đến khi anh trai ông là Bassel Assad, người được đào tạo để kế nhiệm Hafez, qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 1994. Assad trẻ tuổi nhanh chóng chuyển hướng sang ngành khoa học quân sự, và từng bước thăng tiến trong quân đội Syria.
Sau cái chết của Hafez al-Assad vào tháng 6/2000, chỉ mất vài giờ để Quốc hội Syria thay đổi hiến pháp để hạ độ tuổi đủ điều kiện ứng cử tổng thống từ 40 xuống độ tuổi của Assad khi đó là 34, một động thái cho phép ông kế nhiệm cha mình sau cuộc bầu cử không có phe đối lập vào tháng sau đó.
Nhiều nhà quan sát ở châu Âu và Mỹ thời điểm đó dường như rất phấn khởi trước viễn cảnh về một vị tổng thống mới, người tự giới thiệu là một nhà lãnh đạo trẻ trung, tươi mới, người có thể mở ra một chế độ ôn hòa, tiến bộ hơn. Assad đã kết hôn với Asma, một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư gốc Syria lớn lên ở London, vào năm 2000. Người bạn đời của Assad càng là lý do người ta kỳ vọng về một ngã rẽ mới cho Syria.
Ban đầu, Bashar al-Assad được kỳ vọng sẽ mang lại những cải cách về chính trị và kinh tế. Ông tuyên bố sẽ thúc đẩy các cải cách mở cửa, bao gồm việc tạo ra một nền kinh tế tự do hơn, giảm sự kiểm soát của nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế và chính trị, đồng thời hứa hẹn cải cách hệ thống chính trị Syria. Trong những năm đầu nắm quyền, Bashar al-Assad đã thực hiện một số cải cách nhất định, nổi bật là phong trào “Mùa xuân Damascus” (Damascus Spring) vào năm 2000-2001, cho phép tự do hơn trong các cuộc thảo luận chính trị, thúc đẩy các cuộc đối thoại về cải cách, và thả một số tù nhân chính trị, tạo ra hy vọng trong dân chúng và cộng đồng quốc tế rằng Syria sẽ tiến tới một chính phủ dân chủ hơn.
Tuy nhiên, “Mùa xuân Damascus” không kéo dài lâu. Lo ngại từ Đảng Baath cầm quyền về bất ổn trong chính trị và quyền lực đã dẫn đến việc đàn áp mạnh mẽ phong trào cải cách. Các cải cách chính trị bị đình trệ và không có sự thay đổi rõ rệt trong hệ thống chính trị của Syria. Bashar al-Assad sau đó củng cố quyền lực thông qua sự kiểm soát chặt chẽ các cơ quan chính phủ, quân đội và các cơ quan an ninh. Dù có một số cải cách kinh tế nhỏ và mở cửa thị trường hơn, nhưng chế độ này bị xem là sự độc tài, trong khi các quyền tự do cá nhân vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt. Những nhà đối lập, các tổ chức dân sự, và những người lên tiếng chỉ trích đều bị đàn áp.
Những hy vọng của phương Tây về một Syria ôn hòa hơn đã tan thành mây khói khi nhà lãnh đạo mới nhanh chóng duy trì mối quan hệ truyền thống của đất nước mình với các nhóm chiến binh, như Hamas và Hezbollah. Tổng thống Bashar al-Assad thường tái đắc cử với đa số phiếu áp đảo sau mỗi 7 năm, gần đây nhất là vào năm 2021 trong cuộc bầu cử mà Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy coi là “cuộc bầu cử gian lận”.
Tuột dốc
Chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad từ chối khuất phục trước các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt trong làn sóng “Mùa xuân Arab” năm 2011.
“Mùa xuân Arab”, chuỗi sự kiện một loạt các cuộc biểu tình và nổi dậy chống chính quyền bắt đầu vào cuối năm 2010 ở Tunisia và nhanh chóng lan rộng sang các quốc gia khác ở Trung Đông và Bắc Phi như Ai Cập, Libya, Yemen và Bahrain đã truyền cảm hứng cho cuộc biểu tình đòi hỏi cải cách chính trị, dân chủ và tự trị vào tháng 3/2011 tại Syria, ban đầu là ở Daraa, một thành phố ở miền Nam Syria, sau khi một nhóm thiếu niên bị bắt và bị tra tấn vì viết các khẩu hiệu chống chính phủ lên tường. Sự kiện này đã khiến một làn sóng phẫn nộ lớn trong dân chúng, và các cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước.
Ban đầu, những người biểu tình yêu cầu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện các cải cách về chính trị, chấm dứt tham nhũng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, những yêu cầu này nhanh chóng chuyển thành yêu cầu lật đổ chế độ khi chính quyền Assad đáp trả các cuộc biểu tình bằng các biện pháp đàn áp mạnh mẽ. Chế độ của Tổng thống Assad đàn áp các cuộc biểu tình, đồng thời tuyên bố rằng đây là những “cuộc nổi loạn của khủng bố” và cáo buộc các nhóm vũ trang nổi dậy có sự hậu thuẫn từ các thế lực bên ngoài. Mâu thuẫn càng thêm chất chồng khi phong trào phản kháng chuyển sang nổi dậy vũ trang. Các nhóm đối lập, ban đầu là các quân nhân đào ngũ và dân thường, đã thành lập các lực lượng vũ trang chống lại chính quyền Assad, mở ra một cuộc xung đột vũ trang kéo dài.
Cuộc nội chiến tại Syria không chỉ đơn giản là một cuộc nổi dậy nội bộ, mà còn phản ánh những vấn đề sâu rộng về chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước này. Tình hình trở nên phức tạp khi nhiều phe nhóm, gồm cả các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda, và nhiều cường quốc tham gia cuộc chiến. Điều này đã khiến cuộc chiến không chỉ là một cuộc đấu tranh giữa chính phủ Assad và các lực lượng đối lập mà còn trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các cường quốc quốc tế và khu vực, với sự tham gia của Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác.
Bàn cờ đảo lộn
Với sự hỗ trợ của Nga và Iran, chế độ của Tổng thống Assad đã dần giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực từ tay các lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, cuộc chiến kéo dài dai dẳng đã tàn phá nặng nề đất nước Syria. Syria trở thành đất nước bị phân mảnh, với nhiều vùng lãnh thổ rơi vào tay các nhóm quân sự hoặc lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Bashar al-Assad bị lật đổ cũng vì ông không còn được quân đội hậu thuẫn. Lực lượng trung thành với chế độ thực tế đã kêu gọi sĩ quan không chiến đấu và thậm chí có thông tin cho rằng Bộ Tổng tham mưu ra thông cáo nói rằng “chế độ Bashar al-Assad đã kết thúc”. Sau nhiều năm nội chiến, dù có sự hậu thuẫn từ bên ngoài, quân đội ngày càng yếu về sức chiến đấu và thiếu về trang bị, kiệt quệ về tinh thần.
Lý do thứ hai dẫn tới sụp đổ nhanh chóng của chế độ Assad là việc quân nổi dậy đã nắm bắt được cơ hội, tận dụng một chính phủ suy yếu trong khi các đồng minh chủ chốt của họ đang bận tâm rất nhiều đến các cuộc xung đột khác.
“Chiến dịch Răn đe xâm lược” khởi động từ 27/11. Chỉ sau 3 ngày, phe đối lập đã chiếm được Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Hayat Tahrir al-Sham (HTS), dưới sự lãnh đạo của Abu Mohammed al-Julani, là lực lượng đối lập lớn và có tổ chức nhất tại Syria, đã kiểm soát tỉnh Idlib trong nhiều năm, lôi kéo cả sự tham gia của nhiều nhóm đối lập vũ trang khác, như Mặt trận Quốc gia Giải phóng, Ahrar al-Sham Jaish al-Izza, Phong trào Nour al-Din al-Zenki, cùng các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Lý do thứ ba, cũng là yếu tố cốt lõi, nằm ở thực tế là trong nhiều năm, chính sự hỗ trợ từ Iran, Hezbollah và Nga đã giúp chính quyền Assad trụ vững.
Vai trò của Nga và Iran trong cuộc nội chiến Syria là rất quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến kết quả của cuộc xung đột. Cả hai quốc gia này đã đóng một vai trò quyết định trong việc giúp chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad duy trì quyền lực và giành lại những khu vực quan trọng từ tay các lực lượng nổi dậy và tổ chức cực đoan.
Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria vào tháng 9/2015, sau khi nhận thấy rằng chính quyền Assad đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ do các nhóm nổi dậy và tổ chức cực đoan, đặc biệt là tổ chức IS, đã kiểm soát nhiều khu vực ở Syria. Nga, với mục tiêu bảo vệ lợi ích chiến lược của mình ở Syria, đã quyết định đưa quân đội vào hỗ trợ Assad. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, cuộc chiến khốc liệt của Nga ở Ukraine kể từ năm 2022 đã hút cạn nhân lực và tài nguyên. Không giống như năm 2014, khi Moscow vào cuộc để “cứu” ông Assad, những nguồn lực này, từ vũ khí, máy bay chiến đấu, quân đội và cả “lính đánh thuê” hiện đều ở nơi khác.
Trong khi đó, Iran vướng chân với cuộc chiến với Israel, vốn leo thang đáng kể trong năm qua. Sự sụp đổ của Assad khiến Tehran mất chiều sâu và tầm ảnh hưởng chiến lược, làm phức tạp nghiêm trọng nhiệm vụ xây dựng lại mạng lưới đã bị hư hỏng nặng. Lực lượng ủy nhiệm chính của Iran là Hezbollah tại Lebanon, cũng từng hỗ trợ Assad trong quá khứ, bị tàn phá nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công và không kích của Israel. Quân nổi dậy đã tận dụng khoảng trống đó để tiến vào Syria và tính toán của họ đã được đền đáp, kết thúc bằng một cuộc hành quân không gặp phải nhiều sự kháng cự.
Có thể nói sự sụp đổ của chính quyền Assad là “tác dụng phụ” từ đại kế hoạch của Yahya Sinwar, người đã thiệt mạng sau các cuộc tấn công của Israel hôm 18/10/2024. Khi ra lệnh cho Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023, Sinwar nuôi mộng “cách mạng hóa” Trung Đông. Khu vực này rõ ràng đang tái định hình, nhưng không như dự định của Sinwar: Cuộc tấn công và những thành công đáng kinh ngạc của Israel đã khiến Hamas và phần còn lại của “Trục kháng chiến” của Iran trở thành đống đổ nát. Chế độ tại Syria cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó.