“Nước cờ Hậu” của EU

Thứ Năm, 14/11/2024, 10:37

Ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ xe điện (EV). Trong bối cảnh này, việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp thuế nhập khẩu đối với xe điện từ Trung Quốc đã trở thành một vấn đề nóng hổi, thu hút sự chú ý từ các nhà phân tích kinh tế, chính trị gia và người tiêu dùng.

Với mức thuế có thể lên tới 35%, động thái này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường ôtô châu Âu mà còn gây ra những biến động lớn trong quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc, cũng như làm thay đổi cục diện ngành xe điện toàn cầu.

Khói từ những “đống lửa”

Trung Quốc, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và năng lực sản xuất lớn, đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới. Theo báo cáo từ Ủy ban châu Âu, thị phần xe điện Trung Quốc tại thị trường EU đã tăng từ 3,9% vào năm 2020 lên 25% vào tháng 9/2023. Xu hướng này đem lại cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, song  lại gây ra những lo ngại về khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ôtô châu Âu và nguy cơ mất việc làm cho hàng triệu công nhân trong ngành.

“Nước cờ Hậu” của EU -0
Xe điện do Trung Quốc sản xuất tập kết tại cảng Zeebrugge (Bỉ).     

Trước thực trạng này, EU đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng để xác định xem các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có được hưởng trợ cấp lớn – thậm chí là bất công - từ chính phủ hay không. Năng lực sản xuất dự phòng của Trung Quốc ước tính là 3 triệu xe điện mỗi năm, gấp đôi quy mô thị trường EU. Với mức thuế 100% tại Mỹ và Canada, thị trường châu Âu rõ ràng là thị trường cực kỳ tiềm năng cho nguồn hàng này.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát chính sách thương mại của liên minh, khẳng định thuế quan là cần thiết để chống lại những gì họ cho là trợ cấp không công bằng của Chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nước này từ tài chính ưu đãi và hỗ trợ khác, cũng như đất đai, pin và nguyên liệu thô với giá thấp hơn giá thị trường. Những lợi thế này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ôtô châu Âu và gây thiệt hại cho khoảng 2,5 triệu việc làm trong ngành, cùng với 10,3 triệu việc làm phụ thuộc. Đây cũng chính là “động lực” để EU áp thuế nhập khẩu với mục tiêu bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và duy trì việc làm.

Ngày 29/10/2024, EU quyết định tăng thuế có thể lên mức 45,3% đối với xe điện Trung Quốc. Ngoài mức thuế 10% hiện hành đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, EU sẽ áp thêm thuế mới từ khoảng 7,8 hoặc thậm chí là 35,3% cho một số công ty cụ thể và các nhà sản xuất khác được cho là không hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày 30/10/2024 và kéo dài trong 5 năm tới.

Thực tế không phải toàn bộ các nước EU ủng hộ các biện pháp này và đã có những cảnh báo về nguy cơ “chiến tranh lạnh kinh tế” với Trung Quốc.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là Đức, nơi có các thương hiệu ô tô lớn như BMW, Volkswagen và Mercedes-Benz, đã lên tiếng phản đối quyết định này. Họ lo ngại rằng các biện pháp bảo hộ này có thể gây thiệt hại cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu và làm giảm sức cạnh tranh của các nhà sản xuất trong khu vực. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ôtô Đức Hildegard Mueller thậm chí còn nhấn mạnh đây là “một bước thụt lùi đối với thương mại toàn cầu tự do cũng như đối với sự thịnh vượng, duy trì việc làm và tăng trưởng ở châu Âu".

Volkswagen vừa công bố kế hoạch đóng cửa ít nhất 3 nhà máy ở Đức và cắt giảm hàng chục nghìn việc làm, trước đó cho rằng thuế quan sẽ không cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ôtô châu Âu. Các nhà sản xuất ôtô lớn cảnh báo rằng thuế có thể làm giảm khả năng cạnh tranh không chỉ ở châu Âu mà còn trên thị trường toàn cầu. Họ nhấn mạnh rằng EU cần tìm kiếm các giải pháp mang tính hợp tác, thông qua đàm phán, hơn là các biện pháp bảo hộ để phát triển bền vững ngành công nghiệp xe điện.

Ngay sau khi EU công bố quyết định áp thuế, Chính phủ Trung Quốc cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ. Trung Quốc đã khởi động các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu, bao gồm rượu brandy, thịt lợn và sản phẩm từ sữa. Trung Quốc cũng đang xem xét khả năng áp dụng thuế đối với các xe động cơ xăng có dung tích lớn nhập khẩu từ châu Âu. Điều này có thể dẫn đến một chuỗi các biện pháp trả đũa, gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Khơi mào “chiến tranh kinh tế”?

Các khoản thuế không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc mà còn gây khó khăn cho các thương hiệu châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc.

Việc áp thuế sẽ tác động trực tiếp đến giá xe điện Trung Quốc tại châu Âu. Trong ngắn hạn, giá xe điện có thể tăng lên, và giảm sức tiêu thụ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chọn cách chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì thị phần, trong khi các nhà sản xuất châu Âu phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với môi trường cạnh tranh mới. Nếu các nhà sản xuất Trung Quốc quyết định giảm lợi nhuận để duy trì thị phần, giá vẫn có thể giữ ở mức cạnh tranh.

Để giảm thiểu tác động của thuế, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu xem xét việc xây dựng nhà máy sản xuất tại châu Âu. BYD đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Hungary; Chery cũng đang hợp tác với các đối tác châu Âu để phát triển sản phẩm. Việc chuyển dịch sản xuất này không chỉ giúp họ tránh thuế mà còn tạo ra cơ hội đầu tư mới cho thị trường châu Âu.

Nếu các hãng xe Trung Quốc gia tăng sản xuất tại châu Âu, số lượng xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu sẽ giảm. Ngành công nghiệp ôtô khu vực toàn cầu có thể sẽ chứng kiến sự chuyển dịch về mặt sản xuất và tiêu dùng, khi các công ty cố gắng điều chỉnh để đối phó với các chính sách và bối cảnh thương mại mới.

Hiệu ứng cánh bướm

Một trong những mục tiêu lớn của EU là giảm lượng khí thải nhà kính và đạt được các mục tiêu bền vững trong ngành công nghiệp ôtô.

EU đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể về giảm khí thải carbon dioxide (CO2). Theo Thỏa thuận Xanh châu Âu, EU có mục tiêu là giảm 55% lượng khí thải so với năm 1990 vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Một phần quan trọng của chiến lược này là tăng cường việc sử dụng xe điện. Theo Ủy ban châu Âu, xe điện giá rẻ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. Nếu giá xe điện cao, nhiều người tiêu dùng có thể sẽ chọn giữ lại xe cũ, dẫn đến việc kéo dài thời gian sử dụng xe động cơ đốt trong.

Năm 2023, giá trung bình của xe điện tại châu Âu khoảng 38.000 euro, trong khi đó, một số mẫu xe điện giá rẻ từ Trung Quốc có giá khoảng 25.000 euro. Nếu các mẫu xe giá rẻ này không còn – hoặc giảm, người tiêu dùng sẽ phải chọn giữa các mẫu xe đắt tiền hơn, một thực tế dễ làm chậm quá trình chuyển đổi và ảnh hưởng đến mục tiêu khí thải của EU. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nếu thị phần xe điện không tăng lên và vẫn chỉ chiếm khoảng 25% như hiện nay, lượng khí thải từ giao thông có thể giảm chỉ khoảng 10% vào năm 2030 thay vì 30% như dự kiến.

Đặt trong bối cảnh đó, EU cần xem xét các biện pháp khuyến khích sản xuất xe điện giá rẻ trong khu vực để đảm bảo rằng người tiêu dùng có đủ lựa chọn. Các chính sách như trợ cấp cho xe điện, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển có thể giúp thúc đẩy sản xuất và cải thiện khả năng tiếp cận của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, EU có thể tìm kiếm hợp tác với các nhà sản xuất xe điện lớn để phát triển các mô hình xe giá rẻ phù hợp với thị trường châu Âu, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh thay vì quá lệ thuộc vào một nguồn cung.

Nhiều kinh nghiệm và chính sách một số quốc gia đang áp dụng có thể đem lại một số khuyến nghị để EU cân nhắc.

Chính phủ Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích việc sử dụng xe điện, bao gồm các khoản tín dụng thuế lên đến 7.500 USD cho người tiêu dùng mua xe điện. Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu lắp đặt 500.000 trạm sạc xe điện trên toàn quốc vào năm 2030, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất xe điện nội địa thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nghiên cứu, với mục tiêu tăng cường năng lực sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Anh đã công bố kế hoạch cấm bán xe động cơ đốt trong mới từ năm 2030 và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho xe điện, bao gồm trợ cấp cho người tiêu dùng và phát triển cơ sở hạ tầng sạc. Chính phủ nước này cũng cam kết đầu tư 1,3 tỷ bảng cho việc phát triển xe điện và công nghệ sạch.

Nhật Bản đang thúc đẩy một kế hoạch lớn để phát triển xe điện, trong đó có mục tiêu đạt 100% doanh số bán xe mới là xe điện vào năm 2035, ban hành các các chính sách khuyến khích như trợ cấp cho người tiêu dùng và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ pin.

Còn tại Trung Quốc, chương trình xe điện quốc gia gồm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như trợ cấp cho việc sản xuất và mua xe điện. Nước này đặt mục tiêu xe điện chiếm 20% tổng doanh số bán xe vào năm 2025. Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng sạc, với hàng triệu trạm sạc đã được lắp đặt trên toàn quốc và rất nhiều hỗ trợ mạnh mẽ dành cho các doanh nghiệp nội địa như BYD và NIO.

Trong bối cảnh thị trường xe điện đang phát triển mạnh mẽ, cả EU, Trung Quốc và những quốc gia đang hướng tới thúc đẩy ngành công nghiệp “xanh” này đều cần phải xem xét lại chiến lược thương mại để tìm ra những giải pháp hợp tác nhằm đạt được mục tiêu chung là phát triển một cách bền vững và hiệu quả.

Thái Hân
.
.
.