Những di sản Fumio Kishida và con đường không trải hoa hồng

Thứ Hai, 26/08/2024, 10:30

Trung tuần tháng 8/2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố ông sẽ không tham gia cuộc đua tranh cử chức Chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào tháng tới để chịu trách nhiệm về vụ bê bối quỹ đen của đảng. Tuyên bố này đồng nghĩa với lời từ chức thủ tướng vào tháng 9 tới.

Việc ông Kishida từ chức đánh dấu một thời điểm quan trọng trong bối cảnh chính trị không chỉ của đất nước mà còn cả khu vực và quốc tế, bởi những tác động sâu sắc của những thay đổi sắp tới đối với các mối quan hệ ngoại giao và ảnh hưởng của Nhật Bản.

Cơ sở của những cam kết

Sau ngã rẽ này là cuộc đua tìm người thay thế ông Fumio Kishida nắm chức Chủ tịch LDP và tiếp đến là vị trí người chèo lái nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Những di sản mà ông để lại trong 3 năm cầm quyền cùng bối cảnh hiện nay cho thấy con đường phía trước khó trải hoa hồng.

Những di sản Fumio Kishida và con đường không trải hoa hồng -0
Tổng thống Yoon Suk-yeol, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida tại Trung tâm Moscone, San Francisco, tháng 11/2023. Ảnh: Yonhap.

Các cam kết về tăng cường chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy tỷ lệ sinh và thực hiện chuyển đổi xanh của Thủ tướng Kishida đòi hỏi chi tiêu lớn song vẫn thiếu lộ trình tài chính rõ ràng hoặc vấp phải sự phản đối của công chúng, do đó tạo ra một gánh nặng không nhỏ cho chính phủ sắp tới.

Về chi tiêu quốc phòng, kế hoạch của Thủ tướng Kishida yêu cầu thêm 14.600 tỷ yên (99,1 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới. Khoản tài trợ này dự kiến sẽ đến từ nhiều nguồn, bao gồm hơn 5.000 tỷ yên từ thu nhập ngoài thuế, 3.500 tỷ yên từ thặng dư ngân sách và hơn 3.000 tỷ yên từ các khoản cắt giảm chi tiêu khác. Tuy nhiên, việc tăng thuế để tài trợ cho kế hoạch quốc phòng, bao gồm thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp và thuế thuốc lá cao hơn, vẫn chưa được thực hiện và không rõ thời điểm cụ thể. Doanh thu thuế đạt mức cao kỷ lục năm thứ tư liên tiếp trong tài khóa trước, làm dấy lên một số khuyến nghị hoãn tăng thuế. Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng những bê bối gần đây trong Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ ít nhiều góp phần vào sự chậm trễ này.

Nhật Bản đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, một vấn đề đã được Thủ tướng Kishida tập trung giải quyết bằng cách phân bổ 3.600 tỷ yên (gần 24 tỷ USD) cho các nỗ lực này, bao gồm các khoản đầu tư bằng tiền mặt và mở rộng dịch vụ giáo dục. Một phần trong số này sẽ được tài trợ thông qua khoản phí tính vào bảo hiểm y tế. Dù việc tăng phí bảo hiểm y tế nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí với một phần lớn hơn của dân số cao tuổi, nhưng đề xuất này lại gặp phải sự phản đối từ những người cho rằng điều này sẽ đẩy thêm gánh nặng cho người lao động.

Sáng kiến "chuyển đổi xanh" của Thủ tướng Kishida nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 yêu cầu phát hành 20.000 tỷ yên (khoảng 138 tỷ USD) trái phiếu trong vòng 10 năm tới. Mục tiêu đầy tham vọng này có thể thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, song phải thừa nhận kế hoạch tài chính cho khoản tiền này còn thiếu rõ ràng và vẫn chưa có lộ trình chi tiết về việc tài trợ từ thuế carbon và các hệ thống đấu giá cụ thể

Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Kishida cũng tích cực tìm cách hỗ trợ ngành công nghiệp chip nội địa, với sự kiện tiêu biểu là Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phê duyệt khoản hỗ trợ bổ sung lên đến 590 tỷ yên (3,9 tỷ USD) cho liên doanh sản xuất chip Rapidus nhằm vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc đảm bảo tài trợ cho các dự án này cũng đang gặp phải thách thức tài chính lớn, đặc biệt khi vấn đề ngân sách đang có nhiều căng thẳng.

Nhiều bài toán khó

Một trong những thách thức lớn nhất đối với người kế nhiệm ông Kishida là việc quản lý vấn đề tài chính công trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và áp lực từ các khoản chi tiêu cao.

Rõ ràng, việc tăng thu thuế để tài trợ cho các cam kết chính sách luôn là một vấn đề nhạy cảm và đầy tranh cãi. Các khoản thuế dự kiến sẽ giúp tài trợ cho chi tiêu quốc phòng và các chương trình hỗ trợ tỷ lệ sinh, giải pháp này dễ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng và các nhóm lợi ích. Một số chính trị gia và nhà phân tích cũng khuyến nghị hoãn tăng thuế để tránh tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt khi doanh thu thuế đạt mức cao kỷ lục

Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) về việc tăng lãi suất dài hạn đã làm tăng chi phí trả nợ cho chính phủ. Điều này không chỉ gia tăng gánh nặng tài chính mà còn có thể làm giảm khả năng chi tiêu cho các chương trình chính sách khác. Thực tế này cho thấy người kế nhiệm Thủ tướng Kishida sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc duy trì chi tiêu cho các cam kết chính sách và quản lý nợ công một cách bền vững

Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề dân số già hóa nghiêm trọng và việc gia tăng tỷ lệ sinh là một ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách để đạt được mục tiêu này có thể gặp khó khăn do sự phản đối từ các nhóm lợi ích và vấn đề tài chính. Cải cách hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ các gia đình trẻ có thể là chìa khóa giải những bài toán khó này, dù không dễ dàng.

Trong bối cảnh tài chính, kinh tế và xã hội khó khăn, LDP cũng đối mặt với sự chia rẽ nội bộ và hàng loạt các cuộc tranh cãi cũng như bê bối. Để duy trì sự đoàn kết trong đảng và bảo vệ uy tín, "người được chọn" sắp tới cần phải xây dựng một chiến lược chính trị rõ ràng. Sự đồng thuận trong đảng và khả năng quản lý các nhóm áp lực sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự ổn định chính trị và tiếp tục thực hiện các chính sách quan trọng. Điều này cũng sẽ góp phần tạo động lực quan trọng trong việc tăng tỷ lệ ủng hộ của cử tri và niềm tin trong xã hội về các chính sách, có thể có phần khó khăn, mà chính phủ buộc phải thực thi trong tương lai.

Những di sản Fumio Kishida và con đường không trải hoa hồng -0
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại sự kiện tưởng niệm nạn nhân Thế chiến 2 ở Tokyo, tháng 8/2024. Ảnh: Getty Image.

Xoay chiều đối ngoại

Khi Nhật Bản trải qua quá trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo, những hiệu ứng lan tỏa sẽ không chỉ được cảm nhận trong quan hệ song phương với các đồng minh, đối tác như Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc, mà còn cả trong động lực rộng lớn hơn của các mối quan hệ khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh chính trị nội bộ Nhật Bản xảy ra nhiều biến động, cộng đồng khu vực và quốc tế chắc chắn phải quan tâm chặt chẽ những thay đổi trong ban lãnh đạo có thể tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản và vai trò của nước này trên trường quốc tế.

Nhiều ý kiến đã cảnh báo sự thay đổi trong giới lãnh đạo có khả năng sẽ dẫn tới sự thay đổi lập trường của Nhật Bản về các vấn đề quan trọng trong khu vực, như Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp quần đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima) với Hàn Quốc và tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra liên quan tới Quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc) với Nga.

Mối quan hệ 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn cũng đứng trước nhiều thách thức khi các đối tác tại Trại David của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, đều chuẩn bị rời nhiệm sở. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ mới với những người kế nhiệm ông Biden và ông Kishida, người mà ông đã nỗ xây dựng mối quan hệ thông qua nhiều cuộc họp. Nhiều ý kiến nhìn nhận mối quan hệ đối tác an ninh 3 bên có thể phụ thuộc nhiều hơn vào nhà lãnh đạo tiếp theo của Mỹ và rằng ưu tiên chính sách đối ngoại của Tokyo dự kiến sẽ vẫn nhất quán dưới thời nhà lãnh đạo tiếp theo. Thêm vào đó, Nhật Bản có xu hướng đồng thuận với Mỹ trong việc xây dựng quan hệ đối tác đa quốc gia và lập trường hữu nghị trong chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol hoàn toàn có thể đảm bảo kỳ vọng về chiều hướng không có quá nhiều thay đổi của mối quan hệ và hợp tác 3 bên này.

Thực tế, khi lãnh đạo vẫn xuất thân từ LDP, nhiều nhà quan sát nhìn nhận dù có thể có các điều chỉnh về đối nội, cơ bản nhà lãnh đạo kế nhiệm Thủ tướng Kishida vẫn lựa chọn giữ nguyên các đường lối đối ngoại hiện nay. Tất nhiên, vấn đề đặt ra vẫn là làm thế nào để cân bằng các lợi ích kinh tế và chiến lược trong bối cảnh căng thẳng khu vực và quốc tế tiềm ẩn nhiều biến số như hiện nay.

Thủ tướng Kishida quyết định từ chức do sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng, áp lực trong nội bộ đảng và một loạt bê bối tham nhũng dẫn đến những chỉ trích cho rằng chính phủ bất lực khi không thể giải quyết các vấn đề quan trọng ở trong nước. Những thành quả mà ông để lại là không thể phủ nhận song đi kèm với đó cũng là những hứa hẹn và dự định chưa thể hoàn thành. Phần còn lại thuộc về người kế nhiệm và đó là "gánh nặng" hay "bước đệm", tất cả vẫn còn chờ xem!

Thái Hân
.
.
.