Nguy cơ khủng bố trỗi dậy tại khu vực Sahel

Thứ Tư, 28/08/2024, 12:15

Ngày 29/7/2024, “Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo” (Jama'at Nusrat al-Islam wal-Muslimeen - JNIM) - nhóm phiến quân Mali có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, đã tiến hành một cuộc phục kích quy mô lớn tại khu vực biên giới giữa Mali và Algeria nhằm vào nhóm lính đánh thuê Wagner, khiến hơn 80 binh sĩ Wagner thiệt mạng, đánh dấu tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay của lực lượng này tại châu Phi, đồng thời cũng cảnh báo khu vực Sahel đang đối mặt với nguy cơ trở thành đại bản doanh của các nhóm khủng bố.

Lịch sử hình thành JNIM

Sau khi Mỹ triển khai đồng loạt các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các nhóm khủng bố quốc tế, các tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới như Al-Qaeda và IS đã chuyển địa bàn hoạt động sang khu vực châu Phi và thay đổi phương thức hoạt động từ công khai sang hoạt động ngầm, đồng thời tăng cường liên kết với các nhóm thánh chiến ở Tây Phi, nổi bật nhất “Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo” (JNIM) ở Sahel – hiện là khu vực hoạt động mạnh nhất và địa bàn rộng lớn nhất của các phần tử khủng bố mượn danh thánh chiến.

Nguy cơ khủng bố trỗi dậy tại khu vực Sahel -0
Phiến quân Mali bên cạnh một xe thiết giáp của Wagner bị phá hủy sau cuộc phục kích hôm 28/7.

JNIM được thành lập năm 2017 sau sự sáp nhập của bốn nhóm “thánh chiến” hoạt động tại khu vực Sahel, có trụ sở tại Mali và hoạt động rộng khắp Tây Phi, bao gồm một số khu vực của Burkina Faso và Niger. Thủ lĩnh của JNIM là Iyad Ag Ghali, đối tượng bị Mỹ liệt vào danh sách Phần tử khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt từ năm 2013. Đến tháng 9/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ định JNIM là Lực lượng Khủng bố Toàn cầu được chỉ định đặc biệt.

JNIM là một tổ chức theo chủ nghĩa thánh chiến Salafi (Salafi-Jihadist) liên kết với hệ tư tưởng thánh chiến toàn cầu của tổ chức khủng bố al-Qaeda và lợi dụng sự chia rẽ và bất bình của địa phương để tăng sự ủng hộ của mình trong khu vực. Nhóm này tìm cách xây dựng một nhà nước Hồi giáo Salafi ở Tây Phi và triệt tiêu các ảnh hưởng của phương Tây khỏi khu vực. Ghali đã tuyên bố rằng chiến lược của JNIM là mở rộng sự hiện diện của mình trên khắp Tây Phi và đào tạo các chiến binh để chiến đấu chống lại kẻ thù của nhóm. JNIM thường xuyên tấn công các lực lượng an ninh Pháp, Liên hợp quốc và quân đội các nước ở Tây Phi, đôi khi dân thường địa phương và nước ngoài trong khu vực cũng trở thành nạn nhân từ các cuộc tấn công khủng bố của nhóm này.

Nguồn tài chính hoạt động của JNIM được kiếm từ nhiều nguồn phi pháp như những khoản tiền chuộc tù nhân bị chúng bắt giữ, đánh thuế người dân và doanh nghiệp địa phương theo yêu sách của chúng, buôn lậu vũ khí, ma túy…

Đứng đằng sau hàng loạt vụ khủng bố

Ngày 6/9/2023, JNIM đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào các lực lượng ở tỉnh Yatenga của Burkina Faso, làm hơn 50 người thiệt mạng, bao gồm 17 binh sỹ và 36 tình nguyện viên.

Sau đó một ngày, vào 7/9/2023, JNIM đã tiến hành đồng loạt 2 vụ tấn công khủng bố tại Mali. Vụ thứ nhất là vụ tấn công bằng rocket vào một tàu dân sự tại làng Abakoira ở vùng Tombouctou, phía Bắc Mali khiến hơn 60 dân thường thiệt mạng, đánh dấu một trong những vụ tấn công nhằm vào dân thường nghiêm trọng nhất xảy ra ở quốc gia Tây Phi này. Vụ thứ hai là vụ tấn công liều chết nhằm vào căn cứ quân sự của quân đội Mali tại phía Bắc nước này khiến ít nhất 15 binh sĩ Mali thiệt mạng.

Ngày 24/11/2023, JNIM đã tiến hành một cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự Niafounkecủa quân đội Mali ở phía Bắc nước này khiến hàng chục binh sỹ Mali thương vong và hai người bị bắt.

Trong năm 2024, nhóm thánh chiến JNIM tiếp tục tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, quân đội cũng như các công trình quân sự của các nước Tây Phi và cả dân thường địa phương. JNIM đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào ngày 11/6/2024 nhằm vào một đồn quân sự của Burkina Faso tại khu vực Mansila gần biên giới với Niger khiến hơn 100 binh sĩ Burkina Faso thiệt mạng. Đây là một trong những vụ tấn công chết chóc nhất mà quân đội quốc gia Tây Phi này phải gánh chịu. Và gần đây nhất, JNIM đã phối hợp với phiến quân Tuareg tiến hành cuộc phục kích gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng lính đánh thuê tư nhân Wagner của Nga vào ngày 29/7 vừa qua.

Nguy cơ khủng bố trỗi dậy tại khu vực Sahel -0
Binh sĩ Nigeria trong chiến dịch truy quét phiến quân Boko Haram tại Goniri, bang Yobe, Nigeria.

Nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố tại khu vực Sahel

Khu vực Sahel, vùng đất khô cằn phía Nam sa mạc Sahara nhiều năm qua đã trở thành điểm nóng bạo lực, khi các nhóm vũ trang thánh chiến liên tục mở rộng địa bàn và tăng cường hoạt động tại khu vực này. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Liên hợp quốc rút toàn bộ lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Mali từ ngày 31/12/2023 sau một thập kỷ hiện diện tại quốc gia này.

Nguyên nhân khách quan cho quyết định này xuất phát từ chính sự thất bại của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) trong việc ổn định tình hình tại Mali, thậm chí MINUSMA còn bị Chính phủ Mali chỉ trích  rằng lực lượng này “dường như đã trở thành một phần của vấn đề trong việc thúc đẩy căng thẳng tại Mali”. Chính quyền Mali đã đưa ra yêu cầu chấm dứt sứ mệnh của phái bộ Liên hợp quốc tại quốc gia này vào tháng 6/2023.

Trong khi các tổ chức khủng bố cực đoan không ngừng củng cố sức mạnh cả về nhân lực và vật lực thì Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã không ổn định được tình hình và chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố tại Tây Phi, đặc biệt là khu vực Sahel. Quân đội các quốc gia khu vực này như Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Chad cũng đều tỏ ra lép vế so với sức mạnh ngày càng gia tăng của các tổ chức khủng bố cực đoan đã khiến cuộc chiến chống khủng bố tại Sahel khó khăn hơn bao giờ hết, đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và lan rộng bất ổn trên khắp châu Phi.

Kể từ khi giành được độc lập vào những năm 1960, nhiều quốc gia ở Sahel đã phải chịu sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, xuất phát từ khâu quản lý yếu kém của chính phủ, cùng với suy thoái kinh tế và tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu. Sahel vẫn là điểm trung chuyển chính cho những người di cư từ châu Phi cận Sahara đến các quốc gia ven biển phía Bắc và đến châu Âu. Các điểm đen của bạo lực và thảm họa nhân đạo tại Sahel nằm ở các tiểu vùng Liptako-Gourma (nằm ở trung tâm Sahel, ngã ba biên giới giữa Mali, Burkina Faso và Niger) và lưu vực hồ Chad.

Tình hình bất ổn hiện nay một phần liên quan đến sự sụp đổ của nhà nước Libya năm 2011. Chính phủ dân sự Mali dưới thời Ibrahim Boubacar Keita đã để những tổ chức Hồi giáo nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động, giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tại miền Trung Mali và các nước láng giềng Burkina Faso và Niger. Liptako-Gourma kể từ đó đã trở thành điểm nóng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở Sahel.

Sự suy giảm của trong hợp tác chống khủng bố quốc tế và năng lực lãnh đạo yếu kém của chính phủ các nước tại khu vực đã để lộ ra khoảng trống an ninh vô cùng lớn. Đây là thời cơ cho chủ nghĩa khủng bố cực đoan có thể lợi dụng mở rộng địa bàn và gia tăng hoạt động tại các quốc gia trong khu vực, từ đó làm bệ phóng để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố trên khắp Tây Phi. Trong nhiều năm qua, khu vực Trung Sahel, bao gồm Niger, Mali và Burkina Faso là nơi đứng chân của hàng loạt các tổ chức khủng bố quốc tế và khu vực như chi nhánh Al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo (AQIM), JNIM, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Sahel (IS-Sahel) và Jama'atu Ahlussunnah Lidda'awati Wal Jihad (JAS).

Theo báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu năm 2024, Sahel hiện chiếm hơn một nửa số ca tử vong liên quan đến khủng bố trên toàn thế giới. 5 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khủng bố nằm ở khu vực này, trong đó Trung Sahel bị ảnh hưởng nặng nề nhất và Burkina Faso chứng kiến số ca tử vong tăng 68%. Mali và Burkina Faso, hiện đã vượt qua Iraq và Syria, nơi khai sinh ra ISIS, về số ca tử vong liên quan đến khủng bố. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đã nhiều lần kêu gọi thành viên thánh chiến di cư đến Châu Phi để hoạt động nhằm lợi dụng những lỗ hổng về an ninh và sự kiểm soát lỏng lẻo của chính phủ và quân đội các nước khu vực này.

Theo số liệu từ Liên hợp quốc, khoảng 17 triệu người ở Burkina Faso, Mali và Niger cần được bảo vệ và viện trợ nhân đạo vào năm 2024. Liên hợp quốc cũng ước tính rằng ít nhất 3 triệu người hiện đang phải di dời khởi nơi cư trú do bạo lực leo thang, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Các dịch vụ công bị ảnh hưởng nặng nề với khoảng 9.000 trường học và 470 cơ sở y tế không còn hoạt động.

Để đảm bảo an ninh, ổn định tình hình và tấn công tiêu diệt các phần tử khủng bố thánh chiến, thay vì đề nghị sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và lực lượng của quân đội Pháp, chính quyền quân sự Mali đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga. Và chỉ chờ có vậy, Tập đoàn Wagner ngay lập tức đã khỏa lấp vị trí của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và quân đội các nước (Pháp, Mỹ) sau khi những lực lượng này tuyên bố rút quân khỏi Mali để mở rộng ảnh hưởng, trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự tại Mali nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung. Tuy nhiên, sau vụ bị JNIM và phiến quân Tuareg phục kích, tấn công khiến 84 binh sĩ Wagner thiệt mạng hôm 29/7, Tập đoàn Wagner đã phải có cái nhìn thận trọng hơn về các chiến dịch quân sự của mình tại Tây Phi; đồng thời đã điều thêm 700 binh sĩ chi viện và tuyên bố sẵn sàng trả đũa những kẻ đã tiến hành vụ tấn công đẫm máu trên.

Những thách thức do chủ nghĩa khủng bố mang đến khiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phải lên tiếng kêu gọi thế giới khẩn trương hành động để ngăn chặn làn sóng khủng bố đang gia tăng ở châu Phi, nguy cơ lan rộng ra toàn thế giới. Chính phủ các nước châu Phi cần nâng cao năng lực cho các lực lượng đảm bảo an ninh  đồng thời cần tìm ra các giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố trong thời gian tới.

Minh Hà
.
.
.