Người Việt đương đại: Đi tìm căn tính

Thứ Sáu, 30/09/2022, 13:03

Định nghĩa thế nào là căn tính người Việt thực ra không dễ. Nhưng chúng ta hãy thử tìm căn tính của người Việt đương đại bởi chỉ có minh định được căn tính ấy thì mới ngõ hầu kiếm tìm ra con đường phát triển thực tiễn nhất.

Sống như một người Việt

“Có hai chuyện quan trọng bạn cần phải nhớ: để ý để nhập gia tùy tục; và thứ hai, vẫn cố gắng giao tiếp bằng tiếng Việt, để con cái không quên đi gốc gác tổ tiên” – Anh Khoa, một Việt kiều Úc đã sống tại Melbourne gần nửa… thế kỷ, tán gẫu với chúng tôi về cuộc sống của người Việt tại Úc, trên chuyến xe bus mà chính anh là người cầm lái.

Người Việt đương đại: đi tìm căn tính -0
Ảnh: L.G

Gia đình anh đã đến mảnh đất xa xôi này 44 năm trước, và giờ có cả một cơ nghiệp vận tải tại Úc, với 4-5 chiếc xe chạy dịch vụ đủ loại. Một tháng trước, khi đoàn báo chí chúng tôi đến tham quan Melbourne theo lời mời của một hãng hàng không kết hợp với bang Victoria, anh là người đưa chúng tôi đi rất nhiều địa điểm trong hành trình. Trong bữa ăn, anh ngồi lẩy Kiều, đọc Chinh Phụ Ngâm, và trò chuyện với chúng tôi như thể một người hàng xóm vẫn ngồi ăn phở sáng, rồi ra quán nước đầu ngõ tán gẫu hàng ngày, chứ không phải một Việt kiều xa lạ đã di cư từ rất lâu và rất ít quay về Việt Nam.

Tôi hay gọi trải nghiệm này là “cảm giác Việt”. Trong một đêm giao thừa quá khứ, tôi lướt Facebook và bất giác dừng lại ở một bức ảnh có nem rán, gà luộc, nộm… tóm lại là một mâm cơm cúng quen thuộc, và ý nghĩa đầu tiên bật lên trong đầu là nó được chụp ở Việt Nam. Nhưng không phải. Cô bạn đăng ảnh lên trang cá nhân là một người Việt sống ở Đức từ lâu, một kiểu công dân toàn cầu, nói đa ngôn ngữ, thích xê dịch, khám phá khắp thế giới. Nhưng vào một khoảnh khắc quan trọng, chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau cùng một không gian, dù cách xa nhau cả chục ngàn cây số.

Trong một thời đại mà chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi vẫn có đất sống, anh Khoa hay cô bạn tôi có thể bị phán xét. Họ rời quê hương từ khi còn rất trẻ, đã lấy quốc tịch của một quốc gia khác, thậm chí rất ít khi quay về Việt Nam. Nhưng bạn phải gặp họ để thấy rằng địa lý chỉ là một lằn ranh mờ nhạt. Tất cả những con người này đều tạo cho tôi cảm giác rằng họ đã sống với một danh tính Việt không gì suy suyển nổi, bất chấp khoảng cách và thời gian.

Ngày nay, chúng ta có xu hướng phán xét một ai đó “vong bản” thông qua những biểu hiện quá nhỏ nhặt. Một thiếu niên thần tượng sao Hàn đến phát khóc: vong bản. Một người trẻ lỡ nói Quang Trung với Nguyễn Huệ là hai anh em: vong bản. Một ai đó xăm mình, ăn mặc lập dị: vong bản. Chúng ta thường đánh giá danh tính Việt qua địa lý, ngoại hình, và trí nhớ.

Nhưng một nghiên cứu tâm lý học nổi tiếng đã chỉ ra rằng tất cả những điều đó đều không quan trọng, trong việc tạo ra một danh tính (identity) trong mắt người khác: các nhà khoa học đã chọn ra đối tượng là những nhóm người bị các chứng 1) mất trí nhớ; 2) mất khả năng nhận biết đồ vật; 3) mất đi ham muốn; và 4) mất đi các lựa chọn đạo đức; để tiến hành khảo sát với bạn bè và người thân của họ. Đa số trả lời rằng các bệnh nhân ít giống bản thân họ nhất khi mất đi những lựa chọn đạo đức của họ.

Điều này phù hợp với một trường hợp kinh điển trong biên niên sử thần kinh học về bản chất của danh tính: Phineas Gage là một công nhân đường sắt Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 đã sống sót một cách thần kỳ sau khi bị thanh sắt cắm xuyên qua hộp sọ vì một vụ nổ. Trước tai nạn này, Gage là một người hiền lành, siêng năng. Sau khi thoát chết, anh ta trở nên cố chấp, hung hãn và thất thường. Bạn bè của Gage cũng phải thốt lên rằng “anh ta không còn là Gage nữa”.

Chính lựa chọn của bạn mới thực sự tạo ra danh tính của bạn. Điều khiến một Việt kiều như anh Khoa trở nên quen thuộc với tôi đơn giản là những lựa chọn mà tôi có thể bắt gặp ở bất cứ người Việt nào ở năm châu bốn bể: họ luôn tự tạo ra một không gian Việt như là chỗ “trú ẩn” trong những thời khắc hệ trọng, dù sống như một công dân toàn cầu, với môi trường văn hóa và các giá trị có thể rất khác biệt. Không ai bắt họ phải duy trì không gian ấy cả: anh Khoa vẫn có thể chỉ đối thoại với các con bằng tiếng Anh, và cô bạn tôi, thay vì nấu nồi măng và làm nem rán, vẫn có thể chọn rượu champagne và bánh chiên cho năm mới.

Họ có thể không nhớ lắm các sự kiện lịch sử, không thuộc nhiều bài hát Việt, không sống ở gần chúng ta, nhưng bằng cách này hay cách khác, vẫn chia sẻ với bất kỳ người Việt nào những thứ rất chung như thế. Danh tính Việt tồn tại theo cách này: bạn có thể sống theo cách bạn muốn, với những hệ giá trị rất khác nhau, ở khắp nơi trên thế giới này, nhưng vào một thời khắc hệ trọng, vẫn lựa chọn sống như một người Việt.

Phạm An

Người Việt đương đại, bạn là ai?

Đặt ra câu hỏi về căn tính (identity) của người Việt thực ra là một đánh đố đúng nghĩa. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, bản thân các thế hệ đã có những đặc trưng khác nhau và khó có thể nói thế hệ nào đủ sức làm đại diện cho diện mạo đương đại của cả một dân tộc. Nhưng nếu chỉ nhìn vào hiện tại và tương lai, có lẽ chúng ta nên nhìn vào thế hệ trẻ, dưới 25 tuổi, thay vì nhìn vào cả những thế hệ đi trước với câu mở đầu bất hủ nơi cửa miệng “thời còn trẻ chúng tôi…”.

Người Việt đương đại: đi tìm căn tính -0
Ảnh: L.G

Bỏ qua khác biệt thế hệ chỉ để minh định căn tính người Việt dựa trên đặc trưng của cộng đồng người Việt trẻ đương đại tức là chúng ta đã mạnh dạn chấp nhận xu thế thời thượng và tin tưởng rằng chính cái xu thế ấy sẽ xác lập ít nhất là diện mạo văn hóa người Việt trong một quãng thời gian đủ dài. Nhưng còn yếu tố địa lý thì sao? Cho dù đã có những xóa nhòa ranh giới khác biệt do địa lý bởi sự phổ cập của Internet đi chăng nữa, một người Việt ở Lạng Sơn chắc chắn không thể hoàn toàn đồng dạng về căn tính tập thể với một người Việt ở Lâm Đồng được. Nhưng có lẽ khác biệt không quá lớn như “cái thời xa xưa” nữa. Cái gọi là toàn cầu hóa đã tạo ra rất nhiều giao thoa, sao chép hành vi văn hóa, đặc biệt là ở cộng đồng trẻ. Không quá khó để nhận thấy những xu hướng thời thượng được phát tán cực nhanh khắp toàn cầu bất chấp nó xuất xứ từ đâu. Cái cách mà người trẻ tạo ra các “thách thức” (challenge) trên mạng xã hội minh chứng rõ nhất cho sự phổ cập này. Sống trong thời đại xu thời (theo “trend”), khát vọng tạo ra xu hướng đã khiến các cá nhân muốn tạo ra những thách thức đủ sức thu hút “quần hùng”. Điều đó đã tạo nên vô chừng những giống nhau đến nhàm chán thông qua các hành vi lặp lại bất chấp khoảng cách địa lý, văn hoá và ngôn ngữ.

Thế thì lựa chọn cách người Việt trẻ biểu hiện cái tôi của họ trên mạng xã hội, kiểu như Tiktok hay Facebook…, có phải là một phương thức điều nghiên hiệu quả nhất? Tất nhiên, mạng xã hội có thể không được xem là đại diện cho tất cả và các con số triệu views cũng không thể hiện được hành vi chung của cả cộng đồng nhưng nó thực sự rất đáng tham khảo. Cơ bản, mạng xã hội có thể giúp dẫn dắt hành vi và ai dám chắc những người không lộ diện khi theo dõi các nội dung thời thượng trên mạng xã hội lại không có cách hành xử giống như đám đông đang bám chặt vào một thị hiếu phổ cập nào đó?

Nếu vậy, chúng ta có thể rút ra được kết luận gì từ những hành vi chung nhất của người Việt trẻ đương đại trên mạng xã hội hôm nay? Hành vi chung nhất ấy không chỉ là thứ nội dung họ tạo ra mà còn là những gì họ quan tâm, bàn luận, chia sẻ và có xu hướng áp dụng nó vào trong đời sống thường ngày. Mỗi người sẽ có một góc nhìn đánh giá riêng để rút ra kết luận về căn tính Việt đương đại theo nhãn quan của mình. Tuy nhiên, sẽ không ít người cùng đi đến một kết luận là giới trẻ đang tốc độ hơn, thực dụng hơn và lược bỏ khá quyết liệt những gì được xem là truyền thống, thậm chí là ngay cả những thứ đã được công nhận là giá trị.

Cách đây chỉ vài ngày, một người Hà Nội sinh ra ở thập niên 70, dân phố cổ đúng nghĩa, đã có một nhận xét mà tôi phải giật mình. “Cách nấu của nhiều hàng ở Hà Nội bây giờ cũng bắt đầu lai lai cậu ạ, để phục vụ thế hệ sau này. Đó là nấu gì cũng vẩy thêm tí đường vào đấy, mất hết cả chất miền Bắc”. Chỉ một câu nói ấy thôi, tưởng như chỉ là một than thở nuối tiếc của người thế hệ cũ (mà chúng ta đã muốn lược bỏ từ đầu trong thảo luận này) nhưng đủ để giật mình. Cái vị trong ẩm thực vùng miền là thứ giá trị lớn lao vô cùng bởi chúng tạo nên cái đặc trưng, cái cá tính riêng biệt của người dân địa phương. Nhưng một khi chúng bị điều chỉnh một cách cưỡng ép để phục vụ thị hiếu số đông, nó đã cho thấy số đông đó mang căn tính thế nào. Họ thay vì gìn giữ giá trị chân truyền của địa phương, đã đánh đổi nó vì cái phổ cập chung của thời đại. Họ sợ lạc ra ngoài một cộng đồng rộng lớn, thường có cái tên mỹ miều là toàn cầu, và do đó, có thể dễ dàng chối bỏ những gốc gác gần gụi với mình nhờ vào sự bảo tồn của từng thế hệ đi trước.

Chính cái sợ hãi lạc ra khỏi thời đại ấy lại càng hun đúc thêm tính thực dụng trong giới trẻ.  Nhìn vào vẻ ngoài bảnh bao, sang chảnh của những người trẻ hôm nay, ngoài vẻ đẹp của sự đa dạng chúng ta còn có thể thấy thêm gì khác? Hãy thử xem các video phổ biến theo định dạng “định giá bộ đồ, phụ kiện trên người” vẫn lan truyền đầy rẫy trên các kênh mạng xã hội, hẳn nhiều phụ huynh của các sinh viên đại học phải giật thót mình. Những bộ đồ lên tới giá trị hàng chục triệu đồng được khoác lên mình những thanh niên trên 18 tuổi chưa từng làm ra một đồng lại đang được xem là thước đo giá trị của con người. Đáng giật mình hơn nữa, kiểu thức định giá nhau này bắt đầu lan xuống cả cấp học thấp hơn. Con nhà khá giả học trường quốc tế được định giá theo kiểu quốc tế; con nhà trung lưu học trường công, bán công, tư thục thì định giá theo kiểu trung lưu. Các cuộc ganh đua cũng gắt gao hơn. Và chắc có bạn đọc sẽ tưởng là phóng đại khi nghe chuyện những cô cậu mới 13-14 tuổi nhưng tới trường trong đôi giày Dior, LV, Hermes với giá vài ngàn USD không phải là của hiếm.

Trong lúc ấy thì giới trẻ đó quan tâm, hiểu biết chừng nào về những thứ được xem là định tính Việt mà cha, ông chúng vẫn luôn nâng niu? Hãy thử đưa một trích đoạn chèo cho một số người trẻ tuổi teen xem thử bao nhiêu phần trăm trong số họ có thể gọi đúng tên loại hình sân khấu này? Và hãy nghe thử cách hát cưỡng âm đầy méo mó của nhiều ca sỹ trẻ tuổi để so sánh với lối hát của Hàn Quốc chúng ta sẽ hiểu hơn. Họ cần hát giống như cách người Hàn Quốc đang hát vì sợ không được xem là thời thượng chứ không hề sợ người khác có hiểu mình đang hát cái gì hay không. Người Việt trẻ rõ ràng sợ lỡ cơ hội nhập cuộc với thế giới nhưng lại bỏ quên một điều quan trọng nhất: cái lõi Việt khi nhập cuộc để tránh việc mình bị lẫn vào đám đông đồng dạng một cách quá dễ dàng. Nói một cách nghiệt ngã, lớp trẻ dường như CHƯA (hy vọng là không phải KHÔNG) có ý thức bảo tồn văn hoá gốc của người Việt. Mà muốn đọc căn tính của ở một thời điểm nào đó, cần phải nhìn vào văn hóa trước tiên.

Rõ ràng, thực dụng, xu thời, tôn thờ vật chất, ưa thích sao chép bất kể có được phép hay không, sẵn sàng xé rào vi phạm đầy liều lĩnh bất chấp hệ quả… đang là những căn tính xấu mà thế hệ Việt trẻ tuổi đương đại đang mang trong mình. Tất nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Vẫn có không ít những người Việt trẻ còn giữ được những đặc trưng tốt đẹp và nối dài từ thế hệ trước. Nhưng số lượng họ không áp đảo và cơ bản nhất, họ chưa đủ sức tạo ra những trào lưu để những người khác đi theo mình. Trong lúc ấy, thế hệ trước thì bàng quan và thờ ơ mặc dù chính thế hệ trước có lỗi không nhỏ trong việc để thế hệ trẻ đương đại định hình một căn tính như ngày hôm nay.

Hà Quang Minh

Một người Việt cô đơn

Trên đường Sukhumvit, Bangkok, Thái Lan, bạn sẽ gặp những người bán trái cây và nước trái cây rong. Không thể không nhìn thấy họ: những xe nước nhiều màu sắc như một dạng “bất động sản” của khu phố ăn chơi nổi tiếng Đông Nam Á này. Năm mươi bath một chai nước mát, vị quýt hoặc lựu. Nó ở đó như thể một loại hình văn hóa truyền thống đã tồn tại nhiều thập niên, và những vị khách phương xa sẽ dễ tưởng rằng đây là một loại hình kinh doanh lâu đời của người Thái Lan.

Người Việt đương đại: đi tìm căn tính -0
Ảnh: Đình Nguyễn

Sự thật, đó đa phần là dân Thanh Hóa, Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Nhờ vào chính sách miễn thị thực cho người dân trong khối ASEAN, họ được vào Thái Lan mà không cần visa. Sau khi hết thời gian miễn thị thực, họ sẽ bắt xe lên biên giới, xuất cảnh rồi nhập cảnh lại, để “làm mới” dấu nhập cảnh và cứ thế cư trú, buôn bán ở mảnh đất màu mỡ này.

Bangkok tất nhiên sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn những ngôi làng miền Trung nắng hạn và bão lũ. Tổng doanh thu của một xe nước ở trên đường Sukhumvit có thể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Họ cần mẫn lấy trái cây trong chợ Klong Toei ở gần đó – thuê nhà trong khu ổ chuột nổi tiếng của thành phố này – rồi đẩy chiếc xe ra phố đèn đỏ nức tiếng châu Á, đứng quanh Soi 4 Sukhumvit bán cho khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Tôi đã thử tâm sự với một người bán nước trước cửa Soi 4. Công việc cũng không nhẹ nhàng, nếu bạn nhìn thấy chiếc xe hàng lớn mà anh phải phụ trách, nặng nề hơn nhiều so với xe bán cá viên chiên hay bắp xào (vốn hay được anh chị em ở Sài Gòn kéo bằng xe máy, còn ở đây phải đẩy bằng tay). Chất lượng sống trong khu chợ Kloeng Teoi thì đã nổi tiếng đất Thái Lan: đó là một tổ hợp lúp xúp những mái nhà tạm chen chúc, và đợt COVID vừa qua trở thành một thảm họa phòng dịch cộng đồng.

Nhưng anh bán nước trái cây trước cửa Soi 4 mà tôi nói chuyện, vẫn cho rằng sống ở đây sướng hơn. “Xã hội người ta văn minh hơn”, anh nói. Đó có lẽ là cảm giác chung của nhiều người Việt Nam khi đứng trước một xã hội tư bản giàu hơn nước mình. Nhưng tại sao? Vẫn phải đối mặt với tham nhũng, vẫn vất vả mưu sinh, kiếm được nhiều hơn nhưng vì chi phí đắt đỏ nên mỗi tháng họ cũng để ra được hơn chục triệu – tức là cũng tỷ lệ thuận với cái công sức chạy đôn chạy đáo lên xuống biên giới mỗi tháng thôi. Anh bắt đầu kể ra sự bức xúc với những vấn đề trong nước. Quan chức địa phương thế này, con người đối xử với nhau thế kia.

Tôi nhớ mãi cuộc nói chuyện đó. Tôi sẽ không có vấn đề gì với logic của việc kiếm được nhiều tiền hơn, thì sẵn sàng vất vả. Nhưng anh bán nước trái cây cương quyết quàng chuyện đó vào với vấn đề “thể chế”. Điều đó làm tôi khó hiểu. Vì cái vỉa hè anh đang đứng, trong một thập niên qua, là địa điểm bất ổn chính trị bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Cuộc đấu tranh chính trị nội bộ của nước Thái Lan đã kéo dài suốt từ thời hậu Thaksin, đến giờ chưa có hồi kết.

Sau này tôi tự lý giải: anh không thể bức xúc với các vấn đề của nước Thái Lan được. Từ khóa mấu chốt là thông tin. Trong cái xóm chợ ngụ cư của dân Việt Nam bên lề Bangkok, anh không thuộc về cộng đồng này, không đọc báo Thái Lan, không hiểu những tấm biểu ngữ mà dân biểu tình chăng đầy các con phố Bangkok. Nhưng anh vẫn có thể đọc mạng xã hội Việt Nam, đọc báo Việt Nam, và hẳn nhiên vẫn cảm thấy Việt Nam có nhiều vấn đề hơn so với xã hội này.

“Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, ý này của Karl Marx đã được dạy cho học sinh Việt Nam từ lúc còn ngồi trên ghế phổ thông. Vấn đề không phải là xã hội nào xấu xã hội nào tốt (tôi nghi ngờ rằng điều này có thể phân định được về mặt triết học), mà là quan hệ của anh bán nước trái cây với xã hội đó.

Trong ba thập kỷ, người Việt Nam và các chính sách phát triển kinh tế đã chuyển dịch từ những mục tiêu vĩ mô rất nhất quán, của việc bảo vệ và thống nhất đất nước, sang mục tiêu phát triển kinh tế. Từ chỗ những cái tôi phải hy sinh vì cái chung, sang việc được khuyến khích làm giàu cho cá nhân. Thế hệ của cha mẹ, mọi thứ đều để phục vụ “tập thể”. Thế hệ của anh bán nước, động lực sống là để làm giàu cho bản thân, rồi mới qua đó là cộng đồng.

Cuộc chuyển dịch từ cái Ta sang cái Tôi này rất đột ngột, và tôi tự hỏi: chúng ta đã đối thoại với từng cái Tôi, của những người nông dân ở các làng quê, của những con người một nắng hai sương mấy thế hệ chưa từng được nâng niu cái Tôi như thế nào? Câu trả lời rất dễ tìm thấy. Trên báo chí và truyền thông chính thống, những câu chuyện thành thị tràn ngập: giới trẻ,      showbiz, ăn gì chơi gì ở đâu. Trên mạng xã hội, vẫn là chuyện ăn chơi, showbiz hòa lẫn với những bức xúc về quản lý mà anh bán trái cây nhắc đến. Những tấm gương người nông dân làm giàu được viết một cách vô cảm, theo văn tuyên truyền. Các làng quê có nguy cơ tan rã vì thiếu cơ hội việc làm, và hàng triệu người di cư mỗi năm để tìm kiếm cơ hội, nhưng tương tác xã hội để giữ gìn thiết chế làng quê rất mong manh.

Khi nhận đề bài từ ban biên tập ANTG về “Căn tính của người Việt Nam hiện đại”, tôi chỉ chợt nhớ ra anh bán trái cây – người đứng giữa thành phố bất ổn chính trị nhất Đông Nam Á nhưng bức xúc với quê hương. Tôi tin rằng anh không phải là cá biệt. Và tôi tự hỏi, nếu nhìn vào chân dung con người đó, liệu ta có thể nói rằng một trong những căn tính của người Việt Nam hiện đại, chính là sự cô đơn?

Họ cô đơn vì xã hội không có đủ thảo luận về đời sống của họ, tinh thần cũng như vật chất? Họ cô đơn vì sau Đổi mới, họ được công khai lo cho cá nhân chứ không phải đặt tập thể lên đầu nữa, nhưng hệ thống lý luận, tuyên truyền thì vẫn chủ yếu từ nền tảng của thời “tập thể”? Họ cô đơn vì chúng ta chưa có đủ đối thoại xã hội về những cái Tôi – nên họ đành tự bươn trải, và chợt thấy hạnh phúc với một thành phố mà họ không phải đối thoại với ai, nên không cảm thấy cô đơn nữa?

Đức Hoàng

Phạm An - Hà Quang Minh - Đức Hoàng
.
.
.