Lao động trình độ cao đang ở đâu?
LTS: Đã và đang có những dịch chuyển rất lớn trong chuỗi sản xuất toàn cầu mà ở đó, Việt Nam là một mắt xích với nhiều thách thức rất lớn liên quan đến nguồn nhân lực trình độ trung và cao.
“Chảy máu” ở đâu?
Chí Khang tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí chế tạo máy ở một trong những trường đại học danh tiếng bậc nhất của TP Hồ Chí Minh, và ngay sau khi đủ trình độ làm việc, anh quyết định đi… xuất khẩu lao động bên Nhật.
Đấy là một trong những ngành được trả lương khá tốt theo mặt bằng chung: người mới ra trường có thể nhận lương 8-10 triệu/tháng, và 10-15 triệu nếu có 1-2 năm kinh nghiệm. Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cơ khí chế tạo máy cũng là một trong bốn nhóm ngành thu hút nhu cầu tuyển dụng lớn nhất, thậm chí thiếu nhân lực có tay nghề cao.
Chí Khang đi theo diện kỹ sư, nên không mất phí quản lý của nghiệp đoàn (môi giới), và chỉ phải chịu 50% tiền nhà và tiền thuế (thực tập sinh sẽ phải tự chịu 100%). Nhưng để đi được sang Nhật, anh đã phải đóng trước 4.500 USD, khoảng hơn một trăm triệu đồng.
Lương của Khang là 18 man (1 man bằng 10 ngàn yên Nhật), khoảng hơn 32 triệu. Để dành dụm, Khang (và đa số những người đi xuất khẩu lao động giống như anh) quyết định sẽ bóp gọn nhu cầu xuống tối thiểu: anh sẽ dành 3,5 man cho tiền nhà và đóng thuế, 4 man cho ăn uống, 7-8 man gửi về cho vợ con tiêu pha và chỉ 1 man cho chi tiêu lặt vặt.
Bằng cách này, sau hai năm, Khang để dành được khoảng 400 triệu mang về. Trừ đi hơn 100 triệu ban đầu lo phí hồ sơ và học tiếng Nhật, anh “lãi” 300 triệu. Một con số không to nhưng cũng chẳng phải là nhỏ. Quan trọng hơn, Khang hài lòng với lựa chọn của mình: “Anh nghĩ xem ở Sài Gòn, làm gì trong hai năm mà dành được từng ấy tiền?” – Anh nói với tôi.
Số tiền dành dụm mang về Việt Nam đó, Khang đầu tư một phần vào… một hệ thống fanpage để kiếm tiền online, và một phần khác vào tiền điện tử. Nó không liên quan gì đến công việc anh vừa làm ở Nhật. Sau hai năm, về chuyện chuyên môn, anh không có gì thay đổi so với khi bắt đầu đi xuất khẩu lao động: “Công việc của em chỉ cần làm theo đúng bản vẽ”. Cần trình độ đại học, nhưng không nâng cao trình độ.
Đấy chắc chắn không phải vấn đề của Khang, và những người chọn đi xuất khẩu lao động giống như anh. Sau hai năm, Khang có một số vốn tương đối để khởi đầu công việc mình mong muốn, và nuôi được vợ con no đủ. Anh đã tận dụng cơ hội đi xuất khẩu lao động không tệ.
Nhưng về mặt chính sách, đây thậm chí là một thất bại. Một thống kê khác cho thấy ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 32% (theo giá trị) nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, theo Bộ Công thương. Trong một lần tiếp xúc với một giám đốc doanh nghiệp ở khu chế xuất tại Bình Dương, tôi được biết rằng bộ phận tuyển dụng ở nhà máy anh đang điều hành năm nào cũng than thở thiếu kỹ sư chế tạo máy.
Có hai mục tiêu khi đề ra các chính sách về xuất khẩu lao động, từ phía cơ quan quản lý: một là giải quyết tình trạng việc làm cho người lao động, và hai là thu nhặt kinh nghiệm, nâng cao tay nghề nhờ đưa lao động trình độ cao sang các nước phát triển.
Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy rằng cả hai mục tiêu đều không đạt được, đặc biệt với trường hợp lao động bậc trung: trong nước vẫn thiếu nhân lực có tay nghề, và những người trở về từ các nước phát triển hơn cũng không phát triển được hơn là bao về mặt chuyên môn.
“Tiền lãi” sau quá trình đi xuất khẩu lao động, giống như trường hợp của Khang, thường đến từ chênh lệch về vật giá giữa hai quốc gia và lối sống tiết kiệm kham khổ nơi xứ người: “Nếu sống đúng như một công dân Nhật thì với mức lương của em chỉ đủ trả nợ thẻ tín dụng. Có đồng nghiệp người Nhật chưa vợ con gì nhưng tháng nào cũng phải mượn tiền ăn” – Khang nói.
Tính từ đầu năm đến 15/6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi xuất khẩu đã đạt gần 52 ngàn người, cao hơn số đi trong 10 tháng đầu năm 2021. 90% trong số này sẽ đảm nhiệm các công việc phổ thông, và chỉ 10%, giống như Khang, làm việc ở các ngành đòi hỏi nhân lực có chất lượng.
Nhưng chính con số ít ỏi này cũng đang có một nỗi đau trong lòng nó: những người có tay nghề, đang ở độ tuổi sung sức và minh mẫn nhất, chấp nhận sống vài năm kham khổ ở xứ người, vì cho rằng ở Việt Nam không còn những cơ hội tích lũy như thế.
Như đã nói, đấy không phải nỗi đau cá nhân. Mỗi người trong số họ đều hài lòng với lựa chọn của mình. Nhưng với một quốc gia đang ở độ tuổi lao động và cần thêm nhiều nhân lực chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước, đấy là điều đáng suy ngẫm.
Phạm An
Không phải đại học thì học làm gì?
Thiếu lao động trình độ trung cấp là một vấn đề được nêu ra đến nửa thập kỷ nay, nhưng một đứa trẻ vẫn chỉ được ca ngợi là “giỏi” nếu nó… vào được đại học.
“Học làm gì? Ai nuôi mà học? Đi lên chợ làm việc luôn thì ngày còn có mấy trăm nghìn”, người phụ nữ trung niên dài giọng.
Tôi vẫn ám ảnh với đoạn hội thoại ấy, ở một xóm nghèo ven sông gần 10 năm về trước. Xóm nghèo – và buổi tụ tập ấy là để nhận gạo từ thiện của một nhóm nhà hảo tâm từ phố lên. Trong lúc cân gạo, ai đó bàn về tương lai của một cô bé chừng mười lăm tuổi.
“Người ta có nuôi ăn. Học còn có cái nghề”, ông trưởng thôn nói. Ông vừa đưa ra ý tưởng cho con bé đi học trong trung tâm dạy nghề nấu bếp trên phố. Trung tâm ấy có chính sách nuôi ăn ở những học viên nghèo, với điều kiện họ phải làm việc, thực hành ở chuỗi nhà hàng của họ.
“Học xong chắc gì đã kiếm được việc làm. Đi làm luôn mà còn nuôi thân đi chứ còn gì nữa”, người hàng xóm vẫn cương quyết.
Con bé đứng dựa vào rặng chuối, không nói năng gì. Tôi biết rằng kịch bản mà bà hàng xóm nói sẽ diễn ra, còn ý tưởng của ông trưởng thôn chỉ là một suy nghĩ viển vông. Và tôi cảm thấy có điều gì đó mất đi – đó là lý do tôi nhớ đoạn hội thoại này lâu đến thế. Nó sẽ lên chợ đầu mối, làm bốc vác, chế biến rau củ hoặc bày ra một cái nia và tự bán thứ gì đó. Nó cũng có thể vẫn tự học, nếu có ý chí, và cải thiện vị thế kinh tế vào một lúc nào đó trong đời. Nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó rất quan trọng đã mất đi.
Nếu không phải bằng đại học, thì học liệu có ích gì không? Đó là câu hỏi nghiêm túc của rất nhiều phụ huynh nông thôn.
Nếu bạn đã tham gia vào một buổi tọa đàm của một gia đình nông thôn về việc định hướng học hành cho con, bạn sẽ nhận ra rằng “đại học” là một nỗi ám ảnh. Đến mức nó trở thành một hệ giá trị nhị phân: hoặc là đại học – hoặc là không học.
Trong quan niệm truyền thống, thứ thay đổi số phận của một con người, một gia đình hay thậm chí là một dòng họ, là tấm bằng chứ không phải nghề nghiệp. Học là để lấy tấm bằng – và tấm bằng chỉ có uy quyền khi nó là bằng đại học. Quan niệm đề cao tấm bằng, hay là thứ chủ nghĩa khoa cử này thấm đẫm vào xã hội ngay cả khi thực tế thị trường đã thay đổi.
Nếu bạn hỏi một doanh nghiệp sản xuất mới thành lập, rằng ở khía cạnh nhân sự, họ gặp khó khăn nhất khi tuyển vị trí nào – thì rất nhiều khả năng đó sẽ là vị trí quản lý kho vận.
Chúng ta đang sống trong một thời đại của những đơn hàng được “ship” đến tận cửa nhà, mỗi khách hàng đòi hỏi một luồng vận chuyển riêng. Hàng chục đến cả trăm đơn hàng mỗi ngày cần chăm sóc. Việc chăm sóc các luồng vận chuyển này, lại cực kỳ thiết yếu với trải nghiệm khách hàng – ai cũng sốt ruột hơn, đòi hỏi tốc độ cao hơn trong kỷ nguyên số.
Người phụ trách việc giao vận không cần phải là một siêu nhân có khả năng lập trình app vận chuyển mới; không cần là máy tính di động có thể tối ưu hóa lợi nhuận; nhưng cũng không thể là một lao động phổ thông phải học dùng bảng biểu Google từ đầu.
Ở những vị trí như vậy, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ, trình độ 12/12 thì hơi thiếu mà trình độ đại học lại hơi thừa (và không xứng đáng với 4 năm trên giảng đường học về kinh tế vĩ mô). Họ là một nhân sự mẫn cán, cần sử dụng thành thạo các phần mềm quản trị, hiểu được bài toán kinh doanh, nhưng không cần là một trí thức có khả năng đưa ra các giải pháp đột phá - có đưa ra doanh nghiệp cũng chẳng có nguồn lực mà thực hiện. Chủ doanh nghiệp nhỏ cũng không thể trả đến vài chục triệu mỗi tháng cho vị trí này.
Trong bài toán của một công ty sản xuất nhỏ, thì khâu thiết kế, sáng tạo sản phẩm chỉ cần làm một lần, hoặc vài lần mỗi năm; khâu tổ chức sản xuất và lên chiến lược kinh doanh thường do chính các ông chủ nai lưng ra làm. Nhu cầu về tri thức bậc cao, lao động có tư duy sáng tạo thực ra không nhiều bằng những lao động bậc trung, có khả năng vận hành các tác vụ có sẵn.
Nhiều chủ doanh nghiệp, trước các vị trí cấp trung như vậy, buộc phải lựa chọn: tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo vào và đào tạo từ đầu, hoặc tuyển dụng lao động trình độ đại học – và chấp nhận việc họ sẽ bỏ mình đi bất cứ lúc nào khi có cơ hội tốt hơn.
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ, minh họa cho việc thiếu đi các lao động bậc trung tại Việt Nam hiện nay. Điều tra lao động và việc làm năm 2019 cho thấy tỷ lệ lao động có trình độ Trung cấp là nhóm… ít thất nghiệp nhất. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có bằng đại học thường cao gấp 3 lần lao động có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng.
Nhưng cũng lại qua các cuộc điều tra, ta nhận thấy rằng việc học nghề tại các trường trung cấp, hoặc thậm chí cao đẳng rất ít hấp dẫn với phụ huynh và học sinh. Tại các trường trung cấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tỷ lệ bỏ học giữa chừng và không tốt nghiệp có thể lên tới 60%.
“Học nghề” trong quan niệm xã hội dường như vẫn là một nỗi thất bại – một lựa chọn bất đắc dĩ nếu không thi được đại học. Các trường nghề, trước tỷ lệ học sinh bỏ học cao, thường đưa ra giải pháp cải thiện chương trình học, động viên các em, hay nói như Hiệu trưởng trường Trung cấp Bách Khoa TP Hồ Chí Minh trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2020: “Phải dỗ nhiều hơn dạy”.
Nhưng có lẽ vấn đề không thực sự nằm ở việc dỗ những bạn học viên các trường trung cấp. Có một tâm lý xã hội lớn hơn cần thay đổi. Có một nỗi ám ảnh mang tên “chủ nghĩa khoa cử” – và hiện thân của nó là “có tấm bằng đại học” – cần phải xô đổ. Thị trường lao động, và tình trạng thiếu lao động bậc trung của cả nền kinh tế, phải là bài toán được giải bởi cả hệ thống giáo dục từ cấp phổ thông, bởi tuyên truyền vận động, và bởi cả báo chí, truyền thông.
Bao lâu rồi bạn không gặp một “Tấm gương nhà nghèo học giỏi” mà cái sự học giỏi đó không được thể hiện bằng… vào đại học?
Đức Hoàng
Tìm thầy thay thợ
Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" diễn ra hồi tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững”.
Chỉ đạo kể trên của Thủ tướng Chính phủ là vô cùng đúng đắn. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt đến mấy đi chăng nữa thì họ cũng khó có thể tuyển dụng đủ nhu cầu lao động trình độ cao cho mình. Câu trả lời rất đơn giản: Việt Nam đang thiếu trầm trọng những lao động trình độ trung và cao cấp.
Thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cũng chỉ tạo được bước chuẩn bị cho một tương lai xa, ít nhất là 5 năm tới. Với một môi trường lao động lý tưởng như thế, sự thúc đẩy của nhu cầu sẽ giúp định hướng học nghề, định hướng đào tạo cho những người lao động hiện tại (với tuổi đời còn trẻ) hoặc những thế hệ lao động trong tương lai. Trong khi đó, vấn đề trước mắt vẫn chưa được giải quyết tốt và hoàn toàn có thể khiến Việt Nam mất đi khá nhiều cơ hội trong giai đoạn chuỗi sản xuất trên thế giới có nhiều dịch chuyển như hiện nay.
Một ví dụ cụ thể nhất chúng ta có thể tham khảo chính là ngành may mặc. Trong nhiều năm qua, Việt Nam được xem là một trong những xưởng may lớn của khu vực, với rất nhiều đơn hàng từ các nhãn hàng quốc tế gửi tới các nhà máy ở các khu công nghiệp. Lao động ngành may mặc “đắt hàng” như tôm tươi và không ít nhà máy luôn rơi vào cảnh cứ sau Tết lại thiếu lao động trầm trọng. Chi phí lương rẻ là thứ đã tạo ra lợi thế này cho ngành may mặc của chúng ta. Nhưng lợi thế ấy không tồn tại lâu. Campuchia, Lào, Myanmar… đang nổi lên là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm khi giá nhân công của họ rẻ hơn chúng ta tương đối.
Trong bối cảnh ấy, các nhãn hàng quốc tế lại đang tìm cách dịch chuyển bộ phận phát triển mẫu từ các nhà máy của Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn những chủ hàng đều đánh giá cao khả năng sáng tạo và chi tiết của lao động Việt Nam ở lĩnh vực phát triển mẫu. Và lý do cơ bản của dịch chuyển ấy là gì? Một phần do giá nhân công Việt Nam cạnh tranh hơn Trung Quốc. Phần khác, nước bạn cũng đang có những thay đổi về chính sách phát triển sản xuất nhằm tập trung cho những ngành công nghệ tiên tiến.
Bình quân, lương tháng của một nhân viên mới vào nghề ở mảng phát triển mẫu rơi vào khoảng 1.000 USD/ tháng. Và để đào tạo họ lành nghề, doanh nghiệp cần ít nhất là 1 năm. Các thông số ấy cho thấy sức hút đối với lao động có trình độ trung, cao cấp là lớn đến mức nào. Nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các nhãn hàng chưa đưa hết bộ phận phát triển mẫu về Việt Nam là bởi họ không thể tuyển dụng đủ nhu cầu số lượng nhân viên đủ năng lực đáp ứng công việc khó khăn này. Đơn cử, một nhãn hàng của Mỹ mới vừa chia tay một chuyên gia về vải canvas trong bộ phận phát triển mẫu của mình do nhân sự ấy sang định cư ở nước ngoài và họ đã mất tới gần 1 năm trời mà vẫn chưa thể tìm được người thay thế ở mức độ tương xứng.
Và may mặc chỉ là một ví dụ rất nhỏ mà thôi. Các ngành công nghệ cao như điện tử còn thiếu nhân sự trầm trọng hơn nữa. Trong khi đó, lực lượng lao động phổ thông lại luôn dư thừa. Sự dư thừa này thể hiện bằng báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hồi 2022. Tính đến cùng kỳ này năm ngoái, Việt Nam mới chỉ có 26,2% lao động qua đào tạo. Và trong số những lao động qua đào tạo đó, tỷ lệ lao động trình độ cao cấp là bao nhiêu? Chúng ta chưa có con số cụ thể nhưng chắc chắn chúng ta có thể kết luận về sự thiếu hụt lực lượng lao động chất lượng này.
Hiện nay, tỷ lệ đầu tư FDI công nghệ cao ở Việt Nam chiếm 5%. 80% là công nghệ trung bình và 15% là công nghệ thấp. Nhìn vào tỷ trọng đó, chúng ta sẽ hiểu hơn nhu cầu nhân lực trình độ trung và cao cấp lớn mức độ nào. Nói thẳng, thị trường lao động Việt Nam quá dư “thợ” và cực kỳ thiếu “thầy”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc dịch chuyển sản xuất toàn cầu diễn ra hoàn chỉnh và đạt đến điểm cân bằng ổn định? Khả năng rất cao là chúng ta sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng dư thừa lao động cấp thấp và chưa đủ đáp ứng để trở thành một trung tâm sản xuất với các lao động trung và cao cấp của khu vực.
Thêm vào đó, việc thiếu hụt lực lượng lao động bậc trung và cao cấp cũng là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ các quyết định đầu tư nước ngoài. Từ đó, nó có thể tạo ra các tác động đáng ngại đối với nền kinh tế vốn dĩ đã bị tổn thương khá nhiều sau thời kỳ đại dịch.
Cần sự quan tâm của cả chính phủ, doanh nghiệp lẫn ngành giáo dục đào tạo trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ giảng đường. Nhưng cũng cần cả sự tỉnh táo của chính chúng ta, những bậc phụ huynh, trong việc giúp con cái hoạch định tương lai. Câu chuyện ám ảnh về “cái đích đại học” vẫn luôn không cũ. Đại học là một con đường tốt nhưng nó không phải là con đường duy nhất. Song, để các trường cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề đủ sức tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh, tự thân các trường ấy cũng phải nâng tầm của mình.
Và trong lúc cái tầm ấy chưa được nâng, đừng nên đao to búa lớn về những thứ như “4.0” thêm nữa…
Hà Quang Minh