Làn gió mới với nền quân chủ nghìn năm của Đan Mạch
Người dân Đan Mạch chào đón năm mới với cảm xúc đan xen, khi Nữ hoàng Margrethe II bất ngờ tuyên bố thoái vị. Họ nuối tiếc hơn 5 thập kỷ nữ hoàng trị vì, song cũng mong chờ pha lẫn hoài nghi về người kế vị là Thái tử Frederik André Henrik Christian. Không phải chuyện cổ tích Andersen, sự chuyển giao ngôi vị mang tính lịch sử này sẽ thực sự định hình Hoàng gia Đan Mạch trong tương lai.
"Tôi không muốn nhốt mình trong pháo đài. Tôi muốn là chính mình, một con người", vị vua tương lai của Đan Mạch từng chia sẻ đầy táo bạo, cùng tuyên bố sẽ kiên định với phương châm sống ấy ngay cả khi được nhường ngôi.
Sinh năm 1968, 4 năm trước khi Nữ hoàng Margrethe II lên ngôi, Thái tử Frederik vốn từng sợ đặt mình vào vị trí của một vị vua. Ông học tiểu học tại Krebs' Skole ở Copenhagen và sau đó theo học tại Ecole des Roches, một trường nội trú ở Normandy, Pháp. Suốt quãng đời niên thiếu ấy, Thái tử Frederik dường như đã trải qua cảm giác cô đơn tột độ khi cha mẹ luôn phải ưu tiên nghĩa vụ với đất nước và nhiệm vụ hoàng gia hơn. Ông cũng từng cảm thấy khó chịu với sự chú ý quá mức của truyền thông và với chính cuộc sống hoàng gia. Vị thái tử trẻ tuổi lựa chọn "lấp đầy khoảng trống" với những đam mê có phần nổi loạn như xe hơi hay các bữa tiệc tại hộp đêm, tới mức ông được gọi là "hoàng tử tiệc tùng" vào những năm 1990.
Trong cuốn tiểu sử về Thái tử do Jens Andersen biên soạn, vị vua tương lai của Đan Mạch đã nói rằng, thời trẻ, viễn cảnh trở thành nhà vua là "một điểm yếu" bởi điều đó khiến ông bất an, nhút nhát và khó xử. Việc đứng đầu một trong những gia đình hoàng gia danh giá của châu Âu thực sự là áp lực, bởi nền quân chủ Đan Mạch đã tồn tại hơn 1.000 năm và là một trong những chế độ lâu đời nhất trên thế giới. Gia đình hoàng gia - tạo nên Hoàng gia Đan Mạch - cũng đã tồn tại hơn 1.000 năm. Quốc vương, nữ hoàng đại diện cho quốc gia với các nhiệm vụ truyền thống từ các chuyến thăm cấp nhà nước đến lễ kỷ niệm quốc khánh. Với vị thái tử trẻ tuổi, điều đó như đang đánh mất sự tự do của ông.
Nhưng, quan điểm của thái tử từng bước thay đổi, khi ông rời ghế nhà trường và theo học ngành khoa học chính trị tại Đại học Aarhus ở Đan Mạch. Trong thời gian học đại học, ông từng tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Harvard, Mỹ với cái tên Frederik Henriksen - cái tên được ghép giữa tên thật của ông và tên của cha ông Henrik de Monpezat. Vị Thái tử Đan Mạch, người có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức, đã quyết định che giấu thân phận mình bằng một cái tên khác, để né tránh truyền thông và thực sự sống cuộc đời sinh viên. Ông tham gia Phái đoàn Liên hợp quốc của Đan Mạch tại New York vào năm 1994 và nhận bằng thạc sĩ khoa học chính trị từ Đại học Aarhus một năm sau đó. Bài viết cuối cùng của ông tại giảng đường là một phân tích về chính sách nước ngoài của các nước vùng Baltic, nơi ông đã đến thăm nhiều lần trong thời gian học tập và nghiên cứu.
Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục tham gia quân đội Đan Mạch và có thời gian huấn luyện ở 3 quân chủng khác nhau. Theo chuyên gia lịch sử hoàng gia Gitte Redder, thái tử chỉ thật sự tìm được can đảm và tự tin trước công chúng khi ở tuổi gần 30. Thái tử từng phục vụ trong Quân đoàn Frogman của hải quân Đan Mạch - nơi ông có biệt danh là "Pingo" (Chim cánh cụt) - và trở thành một trong 4 binh sĩ hoàn thành mọi bài kiểm tra năng lực tại đơn vị này trong số 300 tân binh. Nhìn lại giai đoạn này, Thái tử Frederik chia sẻ rằng, khi ông quen thuộc hơn với vai trò và trách nhiệm hoàng gia, viễn cảnh trở thành một vị vua "đã chuyển từ sự sợ hãi sang choáng ngợp".
Cũng kể từ đó, ông dần trở nên nổi tiếng trong công chúng, không chỉ bởi hình ảnh hoàng gia, hay quá trình huấn luyện quân sự xuất sắc, mà còn bởi đam mê thể thao của mình. Năm 2000, làn sóng hâm mộ xuất hiện tại Đan Mạch khi Thái tử Frederik tham gia chuyến thám hiểm trượt tuyết kéo dài 4 tháng xuyên Greenland. Trước đó, ông từng có chuyến thám hiểm Mông Cổ năm 1986 và tham gia cuộc đua trượt tuyết xuyên quốc gia lớn nhất thế giới. Những chuyến phiêu lưu mạo hiểm từng khiến ông nhiều lần nhập viện, nhưng cũng giúp ông xây dựng quan điểm hiện đại và hướng đến môi trường.
Thái tử Frederik là hình ảnh biểu trưng điển hình của "thế hệ hoàng gia trẻ" - những người luôn bị đặt cuộc sống của mình dưới sự quan sát của truyền thông và cũng luôn ủng hộ quan điểm đương thời, trong đó nổi bật là chống biển đổi khí hậu. Với sự đam mê dành cho môi trường, Thái tử Frederik đã kín đáo đặt mình dưới cái bóng của Nữ hoàng Margrethe II trong hành trình ủng hộ và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong một bài phỏng vấn, Thái tử Frederik mô tả chuyến đi Bắc Cực đã thay đổi vĩnh viễn quan điểm của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu và khiến ông nhận ra rằng mình cần phải lên tiếng. Ông đã tham dự các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc và có nhiều bài phát biểu cũng như phỏng vấn về các vấn đề môi trường, nhấn mạnh tính cấp thiết phải hành động và gây áp lực buộc các nhà đầu tư sử dụng vốn theo cách giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.
Năm 2018, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình, thái tử đã phát động "Royal Run", một sự kiện chạy bộ trải dài khắp 5 thành phố lớn nhất của Đan Mạch với hơn 70.000 người tham gia. Sự kiện này gây ấn tượng mạnh với công chúng Đan Mạch và trở thành sự kiện thường niên của cả nước cho đến nay. Những người theo dõi hoàng gia ở Đan Mạch nhận ra rằng Hoàng tử Frederik đã thể hiện xu hướng hiện đại hóa chế độ quân chủ, khi ông có cách tiếp cận cởi mở và gần với người dân hơn. Đây là bước đệm quan trọng để ông tiếp nhận sự ủy thác từ nữ hoàng.
Trong lễ kỷ niệm 50 năm cầm quyền của Nữ hoàng Margrethe II vào năm 2022, Thái tử Frederik đã thề nguyện sẽ trở thành người xứng đáng tiếp bước nữ hoàng lãnh đạo Hoàng gia Đan Mạch: "Con sẵn sàng lèo lái con thuyền này khi thời điểm phù hợp. Con sẽ tiếp bước người, như người đã tiếp bước ông ngoại".
Giới chuyên gia nhận định, sự mẫu mực và tự tin trong tuyên bố ấy là thành quả của sự tôi luyện nhân cách, tri thức và tầm nhìn không ngừng của nhà vua tương lai. "Điểm mấu chốt là chúng ta không bao giờ được ngừng phát triển và hoàng gia phải tiếp tục là một tổ chức có ý nghĩa mà người Đan Mạch tự hào và ủng hộ", nhà vua tương lai từng tuyên bố, phần nào phản ánh quyết tâm và con đường mà ông sẽ dẫn dắt hoàng gia.
Nhà báo Gitte Redder nhận định, Thái tử Frederik đã là "một ngôi sao trong lòng nhiều người Đan Mạch" ngay cả trước khi ông lên ngôi. "Bản chất ngài là người cởi mở, tò mò và thực tế. Thái tử và công nương mong muốn chế độ quân chủ cũng phải phù hợp, hữu ích và có giá trị cho thế hệ trẻ trong tương lai", bà Redder nhận định. Cùng quan điểm này, chuyên gia Hovbakke Sorensen chia sẻ: "Người dân Đan Mạch luôn có cảm giác gần gũi khi gặp và nói chuyện với thái tử. Điều phù hợp với sự biến chuyển của thời gian cũng như tầm quan trọng của việc hoàng gia tự đổi mới và dần trở nên thân mật hơn".
Trên thực tế, một cuộc thăm dò do Đài Phát thanh DR của Đan Mạch thực hiện và công bố đầu năm 2024 cho biết tỷ lệ tán thành lên ngôi dành cho thái tử là hơn 80%. "Đây là những con số thực sự tốt và là bằng chứng cho thấy một gia đình hoàng gia đã sẵn sàng thay đổi ngai vàng khi thời điểm thích hợp", phóng viên Cecilie Nielsen của Đài DR bình luận. Chuyên gia Hovbakke Sorensen cho rằng, chế độ quân chủ của Đan Mạch đã phát triển nhanh hơn và cũng hiện đại hơn, với đơn cử một việc rằng lễ đăng quang của Vua Frederik vào ngày 14/1 sẽ không kéo dài hàng giờ, mà sẽ được gói gọn trong nghi thức trang trọng tại cung điện Christiansborg ở Copenhagen. Các nhà bình luận cũng cho rằng, Hoàng gia Đan Mạch sẽ bước vào một thời kỳ mới có phần khác biệt so với 5 thập kỷ trị vì của Nữ hoàng Margrethe II ngay sau khi Thái tử Frederik lên ngôi.
"Tôi đã quyết định rằng bây giờ là thời điểm thích hợp. Tôi sẽ thoái vị vào ngày 14/1 tới sau 52 năm thừa kế ngai vàng. Tôi sẽ nhường ngôi cho Thái tử Frederik", có lẽ lời tuyên bố của Nữ hoàng Margrethe II cũng là lời mở đầu cho một chương mới của hoàng gia, với kỳ vọng về một làn gió mới mang mùa xuân về cho Đan Mạch.