Làm nhỏ hay làm lớn?

Thứ Hai, 13/05/2024, 12:21

LTS: Khát vọng là vô biên và hầu như không ít người còn mang một khát vọng trở nên vĩ đại. Nhưng để vươn mình, phải chăng chỉ có chăm chăm tập trung vào làm những việc được xem là "Lớn" mà bỏ qua những việc "Nhỏ" nhưng hứa hẹn nhiều hiệu quả tiềm năng?

Lạm phát thông điệp

Trong một hội thảo về AI (trí tuệ nhân tạo), diễn giả kể chuyện về chatGPT, sau đó hướng dẫn qua cách thức sử dụng một vài phần mềm có ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác đang thịnh hành, và cuối cùng kết bài bằng một thông điệp khái quát: hiểu những công cụ này là chìa khóa để cụ thể hóa khát vọng "vì một Việt Nam hùng cường".

Làm nhỏ hay làm lớn? -0

1. Trong một cuộc nói chuyện khác về blockchain mà mình từng tham gia, tôi cũng bắt gặp những thông điệp tương tự. Các nhà tổ chức và diễn giả biến thuật ngữ này thành một dạng cây đũa thần. Đất nước sẽ thế này, hoặc thế kia, nhờ một vài người biết về blockchain, hay "nghịch" thành thạo một vài ứng dụng được cho là đã được "áp dụng blockchain".

Cách đây vài năm, trong cơn sốt làm mạng xã hội, một mạng xã hội du lịch tuyên bố rằng đến năm 2024, họ sẽ đạt mốc 2 tỷ người dùng và vượt qua Facebook.

 Điểm chung của các sự kiện kiểu này là mọi người nhanh chóng nhận ra sự rỗng ruột của nó. Các mạng xã hội "đao to búa lớn" giống như một miền đất chết, không có người dùng. Các công cụ liên quan AI hay blockchain được đào tạo trong một khóa học ngắn không đủ nội hàm để trở thành một nghề mới.

Khi phỏng vấn một vài người làm giám đốc/nhà tổ chức các dự án/sự kiện kiểu này, tôi thường nhận về một câu trả lời rất thực tế: vì nhu cầu truyền thông, quảng bá, các thông điệp đưa ra cần thực sự mạnh mẽ. Nó liên quan đến những chuyện rất tế nhị, như là kêu gọi nguồn vốn chẳng hạn.

Thông điệp, trong guồng quay này, đơn giản là một câu chuyện được kể sao cho thật thuận tai, thậm chí không cần nội hàm làm cơ sở. Đơn giản là trong thời đại đổi mới, người ta cứ nghĩ rằng lúc nào cũng phải đưa ra các thông điệp mang tính cách mạng, mới dẫn dắt được hành động.

2. Trong một thế giới quá đề cao đổi mới (innovation), chúng ta chứng kiến sự lạm phát kinh khủng của các thông điệp. Những hình thức lao động bị cho là cũ hơn không được đánh giá cao và đánh giá không đúng giá trị, nhất là những người sửa chữa và bảo dưỡng các công nghệ hiện có, những thứ đã được "đổi mới" từ lâu.

Trong vài năm gần đây, các học giả xã hội học đã tiến hành một số nghiên cứu về những người làm các công việc "cũ hơn" này. Ví dụ điển hình là những người đang ngồi lọc các nội dung khiêu dâm, rượu chè và bạo lực trên Internet: họ đều hưởng lương rất thấp với các điều kiện làm việc tồi tệ, dù họ làm trong một lĩnh vực mà AI đến giờ vẫn bó tay. Và thực tế là hầu hết lao động của con người, từ giặt giũ, thu gom rác, quản lý vệ sinh và chuẩn bị thức ăn, đều thuộc loại này: bảo trì (maintain), chứ không phải cách mạng gì cả.

Vài năm trước, Đại học SUNY Polytechnic Institute (Utica, Hoa Kỳ) đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn thu hút 40 học giả tên tuổi đáp lại một câu hỏi: "Có nguy cơ nào không nếu chúng ta dịch chuyển nghiên cứu ra khỏi đổi mới để hướng nhiều hơn về việc duy trì?"

Kết quả là các nhà sử học, khoa học xã hội, kinh tế gia, nghệ sĩ và cả nhà hoạt động xã hội đã đáp lại: nguy cơ là không nhiều. Thực tế cho thấy các chi phí đổi mới sẽ giảm đi một nửa nếu việc duy trì được đảm bảo tốt. Nền tảng tốt là cơ sở cho những phát kiến đúng trọng tâm.

3.Năm 2017, mạng xã hội số một hành tinh đã đổi thông điệp sứ mệnh của mình từ "Dịch chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ" sang "Dịch chuyển nhanh với hạ tầng ổn định". CEO Mark Zuckeberg giải thích rằng Facebook cần phải ổn định hơn là không thể chấp nhận chuyện "nhân viên thực tập mắc lỗi nhỏ làm sập web và làm chúng tôi thiệt hại hàng triệu USD mỗi phút".

Từ trạng thái lạm phát các thông điệp mạnh mẽ chuyển sang chuyển tải các thông điệp bình thường hơn đòi hỏi sự chuyển hóa lớn về tư duy, và quan trọng hơn, đưa sự chú ý vào nội hàm của hành động hơn là cố đánh bóng nó bề ngoài.

Nghĩ về sự thay đổi của Facebook và nhìn lại những dự án đang lấy Facebook làm tham chiếu, có lẽ chúng ta còn chưa bắt đầu hành trình chuyển hóa này, mà lạm phát thông điệp là một tín hiệu rõ ràng cho sự nông nổi của những dự án chỉ ưu tiên đổi mới, mà không chú ý đến nội hàm.

Phạm An 

Thái độ với việc nhỏ

Nhiều cán bộ ra trước tòa thanh minh rằng họ đã ký sai, duyệt sai vì "mong muốn phát triển kinh tế địa phương". Nhưng họ toàn ký sai trong các ngành xây dựng, dịch vụ và khai thác khoáng sản. Chẳng thấy ai vì trăn trở với nông nghiệp mà xé rào.

anh bai duc hoang.jpeg -0
Một góc làng chài Vung Viêng.

Rời khỏi du thuyền lớn thăm quan Vịnh Hạ Long, bạn sẽ leo lên ca-nô nhỏ, vào thăm các làng chài xưa cũ. Nhiều làng nổi từng tồn tại trên mặt vịnh cả trăm năm, trước khi chính quyền di dời họ vào đất liền vì lý do môi trường. Nay, những nơi đó được biến thành các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Hướng dẫn viên của bạn sẽ tự hào giới thiệu: "Trước mắt anh chị là doanh nghiệp hiệu quả nhất Quảng Ninh, thậm chí là hiệu quả nhất Việt Nam. Vì có đến 90% số lao động của hợp tác xã không biết chữ".

Bà con xã viên thuộc thế hệ trước, vẫn sinh ra và lớn lên trên mặt nước, đa phần không được đi học. Thế mà tập hợp lại xây dựng hợp tác xã, nuôi thủy sản, chèo đò cho khách du lịch, vẫn có lãi. Thậm chí còn thành điểm sáng kinh tế của vịnh. "Tôi lên NHK của Nhật rồi này, có Xi Xi gì của Mỹ nữa, cả đài Đức nữa", Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ du lịch vạn chài Hạ Long tại Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long nói. Người ta có thể lên CNN trả lời phỏng vấn mà không cần biết tên CNN.

Cái tứ "doanh nghiệp hiệu quả nhất Việt Nam" của anh hướng dẫn viên, vốn chỉ là một sự cường điệu vui, thực ra rất đáng suy ngẫm. Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dù nhận được đầu tư thấp hơn so với các ngành khác.

Trong nhiều thập niên, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản liên tục giảm. Từ năm 2001 đến nay, tổng số lao động nông nghiệp tại Việt Nam đã giảm khoảng 40%, từ 24,4 triệu người xuống còn 14,1 triệu.

Cũng suốt nhiều năm, số doanh nghiệp nông nghiệp luôn ở mức "tí hon" so với công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cùng với đó, là tỷ lệ dư nợ tín dụng luôn thuộc hàng thấp nhất: thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đến tháng 2/2024, chiếm khoảng 7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Tỷ lệ này nhiều năm qua thường xuyên đi ngang hoặc giảm.

Lao động sụt giảm, cho vay không nhiều, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn liên tục tăng trưởng, thậm chí năm 2023 còn đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Nghĩa là mỗi người làm nông nghiệp Việt Nam ngày càng làm ra nhiều giá trị hơn, với mức đầu tư ít hơn. Ta có thể thấy được vô số ví dụ chỉ bằng việc  lướt mạng hàng ngày: rất nhiều trong số họ giờ không còn là lao động nông nghiệp thuần túy nữa. Họ đã làm thương mại, dịch vụ. Họ tự bán nông sản của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Họ tự thiết kế các sản phẩm du lịch để bán cho du khách về thăm vùng.

Trong mệnh đề của những người hướng dẫn viên trên vịnh Hạ Long, về việc "không biết chữ" nhưng "có lãi", bao hàm một nghịch lý. Ở vế đầu, chúng ta có một định kiến phổ biến: những ngư dân kia, trong bộ quần áo chống nắng sùm sụp của họ, "bán mặt cho biển bán lưng cho trời ", luôn bị "nhìn xuống", mang một vị thế thấp bé có tính lịch sử.

Ở vế sau, chúng ta có một doanh nghiệp có lãi, thậm chí lãi bền vững. Khách muốn tham quan lồng cá lắm lúc còn phải xếp hàng. Một doanh nghiệp có lãi, nuôi sống được lao động, là mơ ước của nền kinh tế.

Khi đọc báo, xem mạng, bạn vẫn sẽ nhận ra cái vị thế "thấp bé" của nông nghiệp ở rất nhiều nơi. Không ai nói thẳng ra, nhưng từ thống kê về dư nợ tín dụng, cho đến các chính sách phát triển vi mô.

Chưa thấy lãnh đạo địa phương nào bị kỷ luật vì "rộng tay" với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Khi ra tòa, họ có một luận điểm phổ biến, về việc mình đã phê duyệt cái dự án đó sai quy trình, là do nóng lòng muốn phát triển kinh tế địa phương. Nhưng họ toàn rộng tay với các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và khai khoáng. Hay nói thẳng ra, những ngành có chênh lệch địa tô cao, có thể tạo ra đồng tiền ngay trước mắt, là nhóm ngành "thúc đẩy" nhiều cán bộ làm trái quy định để rồi… bị khởi tố nhiều nhất.

Có ai đó sẽ đùa rằng lần cuối cùng một cán bộ phải làm kiểm điểm vì "xé rào" làm nông nghiệp có lẽ là từ năm 1965, thời ông Kim Ngọc làm khoán hộ ở Vĩnh Phúc. Giờ mở báo ra chỉ thấy người ta "xé rào" vì bất động sản, xây dựng và du lịch.

Khi nhìn vào các đại án ngân hàng, cũng không thấy ai vi phạm hoạt động tín dụng vì nóng lòng muốn phát triển nông nghiệp. Các khoản vay hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng được giải ngân trái pháp luật chỉ thấy căn cứ vào sổ đỏ "đất vàng". Khi nói đến "đất vàng" ta hiểu rằng đó là đất thổ cư quận Nhất, quận Hoàn Kiếm, đất dự án khu đô thị đã được cấp phép, chứ không ai hiểu đó là các mảnh đất nông nghiệp màu mỡ.

Đất nông nghiệp được định giá theo khung của nhà nước thì chỉ vay được rất ít tiền. "Chính sách của nhà nước có, nhưng tới ngân hàng thì không vay được, rất khó khăn", đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ phát biểu trên Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đầu năm 2023.

Có một thái độ ở quy mô xã hội cần nghiêm túc xem lại với những "cánh chim cuối đàn". Khi đọc những lời kêu gọi về phát triển công nghệ cao, đọc những mục tiêu sáng ngời về du lịch-dịch vụ, ta phải tự hỏi: thế còn nông nghiệp đang được đối xử thế nào.

Bạn có thể thử thực hiện khảo sát của riêng mình. Ví dụ, với nhóm từ khóa "cho vay, làm nông nghiệp, khó", bạn sẽ thu được đâu đó 60 triệu kết quả trên Google, nhẩn nha đọc cũng hết 10 năm.

Đức Hoàng

Đừng chê nhỏ quá không làm

Ở Việt Nam hôm nay, có lẽ kiếm tìm thông tin về những thứ to tát, những đại dự án, những tầm nhìn vĩ đại… là một việc quá dễ. Nhưng ở chiều ngược lại 180 độ, kiếm tìm hiệu quả, mức độ thành công của những thứ lớn lao ấy lại thấy rất ít. Chúng ta ưa nói đến những thứ lớn lao. Chúng ta ngưỡng vọng những gì vĩ đại, đặc biệt, duy nhất. Nhưng chúng ta chưa tìm ra được con đường, hoặc không có đủ nỗ lực trọn vẹn để chinh phục con đường.

anh bai ha quang minh.jpeg -0
Chiếc bánh chưng nặng khoảng 4,3 tấn được làm từ 3 tấn gạo nếp, 3 tạ đường, 3 tạ đỗ, 5 tạ lá dong, 50kg dầu ăn, 1,5 tạ lạt buộc, 25m3 nước sạch, 10 tấn củi, lập kỷ lục năm 2014.

Hãy đơn cử như "Công nghiệp văn hóa", một cụm từ quen tai được nhắc đến thường xuyên thời gian qua. Cách đây gần 30 năm, ngành văn hóa đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng Công nghiệp văn hóa (CNVH) ở Việt Nam. Và cho tới tận hôm nay, chúng ta vẫn chỉ nhắc đi nhắc lại về "tầm quan trọng" của CNVH hay "sâu sắc" hơn một chút thì đặt ra câu hỏi kiểu "Cần gì để xây dựng CNVH?". Đó toàn là những thứ được nhắc lại từ ý tưởng của thế hệ trước, những người đã có một tầm nhìn cho tương lai. Thế hệ kế tiếp không bồi dưỡng được gì thêm, chỉ loay hoay trên nền móng cũ. Dường như chúng ta chưa hiểu hết CNVH là gì và chính sự không hiểu ấy lại càng khiến chúng ta phức tạp nó lên bằng ngôn từ nhiều khi là đại ngôn.

Chỉ cần gõ cụm từ "Công nghiệp văn hóa" trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, chúng ta sẽ nhận về 325 triệu kết quả mà 236.000 trong số ấy là các bài báo. Số lượng bài báo viết về CNVH đủ giàu kiến thức thực sự là quá hiếm. Và vô vàn trong số đó là những bài "chẳng hiểu gì" về CNVH cả. Ấy vậy mà chúng vẫn xuất hiện. Vì sao? Vì cụm từ kia thời thượng, có vẻ cao cấp, có vẻ minh chứng được người viết nó có am hiểu. Nói thẳng, chúng ta đang dùng rất nhiều đại ngôn kiểu như CNVH chỉ để làm trang sức lòe loẹt cho bản thân mà thôi.

Hãy thử tìm hiểu tại sao Google từ một website công cụ tìm kiếm miễn phí lại trở thành một đế chế công nghệ hàng đầu trên thế giới, chúng ta sẽ nắm bắt được thực tế CNVH vận hành thế nào. Chính tìm hiểu một cách nghiêm túc về một ví dụ cụ thể như thế (Google), nhất là về cách mà doanh nghiệp này định nghĩa lại công nghiệp quảng cáo toàn cầu từ truyền thống dịch chuyển sang công cụ kỹ thuật số và đặc biệt là cách nó tự chuyển hóa mình thành một đại lý quảng cáo (agency) gần như độc quyền, chúng ta sẽ hiểu thế nào là CNVH. Hoá ra, khái niệm ấy chẳng to tát gì, nó chỉ là một khái niệm nằm trong phổ quát khái niệm về một chu trình vận hành kinh tế hoàn chỉnh mà ở trong đó, văn hóa chính là sản phẩm. Chấm hết.

Với kinh nghiệm gần 30 năm hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc, được hợp tác đủ mọi đối tác nhỏ lớn cả trong nước lẫn quốc tế, tôi mạnh dạn dám khẳng định rằng ngành công nghiệp âm nhạc (một phần nhỏ trong tổng thể CNVH) của Việt Nam vẫn còn quá sơ khai, manh mún và có nhiều cái thậm chí là… phi lý. Nhưng ít ra, sản phẩm âm nhạc đã bắt đầu bán được, và đó chính là điều kiện tiên quyết để tạo dựng nên cả một ngành. Không có sự tồn tại, luân chuyển tạo giá trị của một sản phẩm được định danh cụ thể, sẽ không thể có một ngành xoay quanh nó. Đó là lý thuyết đơn giản.

Vậy thì tại sao bao nhiêu năm qua, chúng ta cứ phức tạp hóa nó lên, làm cho nó có vẻ thật kỳ vĩ trong khi từng thứ nhỏ nhất, chi tiết nhất của thị trường văn hóa, chúng ta lại bỏ trống và tạo ra cả một tài nguyên trù phú cho các doanh nghiệp nước ngoài khai thác? Đơn giản, người Việt thích cái gì đó thực sự "oai". Nấu cái bánh chưng cũng phải cả tấn. Xây một ngôi chùa cũng phải nghĩ đến mấy chữ "to nhất" (ít ra là Đông Nam Á). Ám ảnh về kỷ lục đã biến chúng ta thành những người ám ảnh theo đuổi bề ngoài mà bỏ qua thực chất bên trong, với những chi tiết bé nhỏ mà lại có khả năng mang hiệu quả vô cùng lớn.

Tôi không thể nào quên hai chữ "vĩ đại" mà một ông chủ một tập đoàn truyền thông tôi quen biết thường nhắc đi nhắc lại với bạn bè, với nhân viên của mình, mỗi khi tập đoàn của ông bắt đầu một việc gì đó. Nhấn mạnh "vĩ đại", có lẽ ông muốn để người đối diện hình dung ra tầm quan trọng, sự lớn lao, sự kỳ vĩ mà ông theo đuổi. Nhưng có một điểm, mà tôi từng tranh luận nảy lửa với ông rất nhiều lần, chính là luật chơi. Ông nói về việc muốn đánh bại ông lớn này, ông lớn kia trên thế giới mà quên mất rằng, doanh nghiệp của ông đang chơi bằng luật chơi chính các ông lớn ấy đặt ra.

Và câu nói tôi vẫn luôn dành cho ông mỗi lần gặp mặt chính là "Chỉ khi anh có thể tạo ra được một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, khác biệt đủ để định ra luật chơi của anh thì may ra anh mới có cơ may thắng được các đại gia cấp toàn cầu. Nhược bằng không, nếu còn chơi bằng luật chơi của họ, cứ làm những việc nhỏ nhưng đảm bảo thành tựu lớn còn hơn anh ạ".

Câu chuyện kể trên còn dẫn tới một ví dụ rất đáng tham khảo khác nữa, chính là sự nở rộ của các nền tảng OTT ở Việt Nam. Sơ sơ, mỗi công ty, tập đoàn truyền thông, viễn thông, truyền hình đều có một nền tảng OTT riêng. Đầu tư một nền tảng OTT là tốn kém vô cùng. Nhưng ai cũng cùng một suy nghĩ "Tôi có nhiều nội dung tốt, tôi sẽ là Vua". Ít ai nhìn ra rằng, ngay cả đại gia như Netflix cũng phải vật vã trường kỳ bao nhiêu năm trời mới có thể tạo ra được một chút thói quen xem Netflix của người Việt Nam. Mà về kho nội dung, dám nói Netflix "chấp tất" các nền tảng OTT Việt. Và đã từng có một ông chủ nền tảng chia sẻ riêng với tôi rằng "Giá như tất cả các nhà (ám chỉ những nhà đầu tư OTT) ở Việt Nam mình cùng ngồi lại với nhau, xây dựng 1 nền tảng duy nhất thôi, cùng chia sẻ lợi ích trên đó với những nội dung các bên đóng góp vào, chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo ra một đối thủ đáng gờm với ngay cả Netflix".

Giấc mơ lớn, khát vọng lớn, chinh phục lớn luôn là những thứ chính đáng và bất kỳ ai cũng có quyền hướng tới chúng. Nhưng đánh giá bản thân mình, môi trường của mình, điều kiện của mình, năng lực của mình để thực hiện cái lớn đó hay là làm những thứ nghe thì có vẻ vô danh song lại mang các hiệu quả xuất sắc lại là câu chuyện hoàn toàn khác. 

Đầu tư để biến Việt Nam trở thành một trong số những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và đầu tư để Lý Sơn trở thành hòn đảo thu hút du khách bậc nhất thế giới là một dạng  ví dụ trong vô vàn ví dụ mà chúng ta có thể đặt ra. Hoặc giả, giữa việc đua tranh để có cái hư danh "gạo Việt Nam ngon nhất thế giới" với chuyện hoàn thiện hóa câu chuyện thương hiệu đang vô cùng mập mờ liên quan đến loại gạo, giống lúa ST25, việc nào quan trọng hơn? Khi mà gạo ST25 thương hiệu nhái giả đang đầy rẫy, rõ ràng chuẩn hóa nó là thứ mang lại vô vàn lợi ích, không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả nhà sản xuất. Khổ một nỗi, cái việc ấy dường như nhỏ quá. Mà ở Việt Nam hôm nay, cái gì nhỏ quá, thường thì người ta chê không làm.

Hà Quang Minh

.
.
.