Khi tương lai dần trở thành chuyện của quá khứ

Chủ Nhật, 14/07/2024, 19:23

Hơn 1.000 ngày Taliban nắm quyền lực ở Afghanistan là chừng đó thời gian hơn một triệu trẻ em gái không còn cơ hội tới trường, hàng triệu người khác phải chật vật sinh tồn trong điều kiện thiếu thốn. Mắc kẹt trong một đất nước bị cô lập, nhiều phụ nữ Afghanistan cạn dần hy vọng về tương lai.

Một nửa dân số bỗng "biến mất"

Hơn 3 năm trước, Asma, một thiếu nữ Afghanistan khi đó 15 tuổi, miệt mài học tập với ước mơ sẽ đậu vào một trường đại học có tiếng tại quê nhà, và bằng con đường giáo dục đi tìm tương lai tươi sáng hơn ở một đất nước mà vốn đã chịu nhiều đau thương sau hàng thập kỉ xung đột. Nhưng một ngày tháng 5/2021, lớp học của Asma rung lên dữ dội vì tiếng nổ lớn. Thức dậy trong bệnh viện với vết thương nặng, Asma sốc nặng khi nhận tin 85 người, chủ yếu là các bạn học nữ của cô, thiệt mạng trong vụ đánh bom.

Sau 90 ngày, tháng 8/2021, sức khỏe của Asma dần hồi phục, còn Taliban tiến vào giành thủ đô Kabul, người ta nói với Asma rằng, rời bệnh viện, cô không còn được tới trường nữa. Đã hơn 1.000 ngày trôi qua, Asma cùng khoảng 1,2 triệu nữ sinh trung học trên khắp đất nước Afghanistan vẫn bị cấm đi học và phải tuân thủ những quy định khắt khe về trang phục, cách sống mà Taliban áp đặt.

Khi tương lai dần trở thành chuyện của quá khứ -0
Binh sĩ Taliban đứng canh khi phụ nữ Afghanistan xếp hàng nhận hàng cứu trợ ở Kabul năm 2023.

Mất đi cơ hội đổi đời bằng con đường giáo dục, nhiều người trong số các nữ sinh sau đó còn bị buộc phải kết hôn sớm, hứng đủ thiệt thòi. Với Asma, cô bị ép kết hôn với một người đàn ông mà mình chưa từng gặp mặt. Asma van nài cha mẹ đừng ép cô kết hôn. "Tôi nói với cha mẹ về việc học tập và ước mơ tương lai, họ chỉ cười và đáp: "Khi Taliban đến, con gái sẽ chẳng đời nào được đi học nữa đâu. Hãy 'biết thân biết phận' và kết hôn đi", Asma kể.

"Sau đám cưới, gia đình chồng tôi nói rằng, họ đã trả tiền để mua tôi. Bởi vậy, tôi cần ở nhà và làm việc". Bước sang tuổi 18, Asma mang thai đứa con đầu lòng. "Khi biết con mình sẽ là con gái, bầu trời trước mắt tôi sụp đổ. Con bé sẽ chẳng bao giờ đạt được bất cứ ước mơ nào trong đời".

Benafasha, một thiếu nữ kém Asma 2 tuổi, không chỉ bị ép lấy chồng sớm mà còn hứng chịu bạo lực gia đình nghiêm trọng. Benafasha đến tòa án do Taliban điều hành với mong muốn nhận được sự bảo vệ. Nhưng thay vì giúp cô tách khỏi người chồng bạo lực, Benafasha bị đưa thẳng vào nhà giam. "Thẩm phán đứng về phía chồng Benafasha. Họ nói với cô ấy, chừng nào Benafasha vẫn từ chối sinh sống cùng chồng, cô ấy sẽ phải tiếp tục ngồi tù", chị gái Benafasha kể lại.

Trong khi đó, bà Marzia, mẹ của nữ sinh có tên Arzo, 15 tuổi, nói rằng, con gái bà ngày càng khép kín và buồn bã vì không được đi học. "Con bé ít nói và ngủ hầu hết thời gian", cô Marza tiết lộ. "Tôi luôn mơ ước con gái mình sẽ được học hành và trở thành bác sĩ để có thể tự lập".

Ngoài cấm nữ sinh tới trường, Taliban cũng ngăn phụ nữ làm việc trong tất cả tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả làm việc cho LHQ và đóng cửa thẩm mĩ viện. Các bộ sưu tập trang phục sặc sỡ, thời thượng dành cho phụ nữ tại các cửa hàng bị thế chỗ bởi những bộ đồ cổ điển đơn sắc. Theo Guardian, những chính sách khắt khe của Taliban đã tách hầu hết phụ nữ - chiếm 49,5% dân số Afghanistan, khỏi đời sống xã hội thông thường.

Một cuộc khảo sát của Liên hợp quốc (LHQ) tháng 12 năm ngoái cho thấy, 76% phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan thừa nhận họ có sức khỏe tinh thần ở mức "kém" hoặc "rất kém", thường xuyên mất ngủ, trầm cảm, lo lắng và đau đầu. Gần 1/5 trẻ em gái và phụ nữ thừa nhận, họ không được phép gặp bất cứ ai khác ngoài những thành viên gia đình trong nhiều tháng. Một cuộc khảo sát khác do tổ chức thăm dò Bishnaw tiến hành tại Afghanistan chỉ ra rằng, 8% những người được hỏi xác nhận họ biết ít nhất một phụ nữ hoặc trẻ em gái tìm cách tự tử kể từ tháng 8/2021.

Về lao động nữ, năm 2021, nữ giới Afghanistan chiếm 29,3% trong tổng số khoảng 400.000 công chức khắp đất nước. Tỷ lệ này tương đồng với nhiều quốc gia ở Nam Á và thậm chí còn cao gấp 3 lần so với tỷ lệ ở nước láng giềng Pakistan. Trước khi Taliban nắm quyền, các nữ nghị sĩ chiếm 27% số ghế Quốc hội Afghanistan. Nhưng chỉ sau 3 năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Afghanistan đã sụt giảm chóng mặt, theo Tổ chức Lao động Quốc tế.

Một nền kinh tế không thể vận hành ổn định nếu không có sự tham gia của lực lượng lao động nữ. Cùng với tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế, tình hình lũ lụt, động đất, tuyết lở, lở đất và thời tiết nắng nóng nghiêm trọng, nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp của Afghanistan ngày càng sa sút. Năm 2024, 23,7 triệu trong tổng số 41 triệu dân Afghanistan cần nhận hỗ trợ để duy trì cuộc sống. Trong đó, hơn 14 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Ngân hàng Thế giới (WorldBank) thống kê, 48% dân số Afghanistan sống ở mức nghèo.

Khi tương lai dần trở thành chuyện của quá khứ -0
Người Afghanistan chờ vượt biên sang Pakistan sau khi Taliban nắm quyền vào năm 2021.

Phụ nữ Afghanistan tha phương tìm tương lai

Để có thể tiếp tục theo đuổi việc học tập, nhiều nữ sinh Afghanistan không còn cách nào khác ngoài lựa chọn rời bỏ quê hương. Tại Iran, số lượng nữ sinh đến từ nước láng giềng Afghanistan đang gia tăng mỗi ngày. Iran hiện tiếp nhận khoảng 40.000 sinh viên Afghanistan theo học tại các trường đại học, chủ yếu là nữ giới. Guardian tiết lộ, từ năm 2015, Tehran ban bố sắc lệnh rất nhân đạo, theo đó cho phép bất cứ trẻ em gái Afghanistan nào cũng có thể theo học tại các trường công lập ở Iran.

Số liệu của Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho thấy, ngoài sinh viên, khoảng 600.000 trẻ em gái Afghanistan đã ghi danh vào các trường công lập của Iran trong năm học 2023 - 2024. Nhiều cơ sở giáo dục Iran đã đề nghị giáo viên làm việc 2 ca/ ngày, để đảm bảo không em học sinh nào bị bỏ lại.

Với ngôn ngữ chung và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, Iran trở thành nơi dừng chân lý tưởng của nữ giới Afghanistan muốn theo đuổi học tập. Tại Iran có khoảng 4,5 triệu người tị nạn Afghanistan sinh sống và 1/3 trong đó là trẻ em. Theo WorldBank, tỷ lệ phụ nữ Iran biết chữ là 85%, trong khi tỷ lệ này của Afghanistan mới đạt khoảng 23%, dù ngành giáo dục được đầu tư mạnh mẽ trong suốt 20 năm Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh tại quốc gia Nam Á.

Hasina, nữ sinh người Afghanistan đang theo học ngành bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Y khoa Iran ở thủ đô Tehran, cho biết, cô rất ngạc nhiên khi phụ nữ ở Iran có thể làm giáo sư, bác sĩ và nhiều ngành nghề khác. Dù học phí không rẻ, nhưng cô có thể tự trang trải cuộc sống nhờ công việc làm thêm. "Tôi nhớ gia đình và quê hương. Sẽ chẳng có gì bù đắp được những năm tháng mà Taliban đã đánh cắp từ những người phụ nữ Afghanistan như tôi", Hasina nói.

Nhưng không phải người Afghanistan có cơ hội học tập cởi mở ở mọi nơi họ đến. Ở biên giới giữa Afghanistan và Pakistan, hàng nghìn người Afghanistan cũng xếp hàng chờ đóng dấu lên hộ chiếu để bắt đầu đi tìm "miền đất hứa". Nhà chức trách Pakistan năm ngoái lên kế hoạch trục xuất khoảng 1,7 triệu người Afghanistan không có giấy tờ hợp lệ, theo hãng tin France24. Hiện có khoảng 3,5 triệu người tị nạn Afghanistan sinh sống ở Pakistan, đặt ra nhiều thách thức cho Islamabad, vốn cũng đang đối mặt không ít khó khăn do kinh tế sụt giảm.

Đáng chú ý, trong số những người Afghanistan ở Pakistan, có không ít người đang chờ tái định cư ở Mỹ, Anh, Đức hoặc Canada. Nếu bị trục xuất, họ có thể đánh mất cơ hội. Số liệu của cơ quan di trú IOM của LHQ cho thấy, từ giữa tháng 9/2023 đến tháng 5/2024, đã có hơn 575.000 người bị trục xuất hoặc tự nguyện trở về Afghanistan và con số này đang gia tăng. "Một ngày ở Pakistan bằng ba năm ở Afghanistan… Tôi thà chết ở Pakistan còn hơn quay lại Afghanistan", Gul, một phụ nữ Afghanistan 55 tuổi, người đã sống ở Pakistan hơn 30 năm, nói với New Humanitarian. "Ở Afghanistan không có thịt hay khoai tây. Mọi thứ đều đắt đỏ đến mức người ta chẳng đủ tiền mua rau".

Với số ít phụ nữ Afghanistan có cơ hội đặt chân đến những quốc gia phát triển hơn ở châu Âu hay Bắc Mỹ, họ cũng đương đầu với không ít thử thách khi chưa được cấp quy chế pháp lý để trở thành công dân những quốc gia đó. Với một số người, trải nghiệm phải chia ly khỏi gia đình không dễ để chấp nhận.

"Taliban đã chia rẽ gia đình chúng tôi", nữ nhà báo Afghanistan Zahra Joya nói với Guardian từ London (Anh). Theo nhà báo Joya, trong những ngày hỗn loạn năm 2021, cô và 3 chị em gái được di tản tới London, trong khi cha mẹ cô mắc kẹt tại trại tị nạn ở Pakistan, còn hai người anh chị khác chưa thể rời Afghanistan. "Bố, mẹ, anh, chị tôi đã không thể đi cùng chúng tôi. Chúng tôi thậm chí chưa thể nói lời tạm biệt. Mẹ tôi mất đi những đứa con chỉ trong một buổi chiều. Tôi sợ rằng mình sẽ không bao giờ được gặp lại họ nữa".

Nguyễn Viết
.
.
.