Karoshi – hay câu chuyện văn hoá công sở hậu COVID-19?

Chủ Nhật, 08/05/2022, 14:26

COVID-19 đang thay đổi cách người trẻ làm việc. Họ được lựa chọn hoàn thành công việc từ nhà thay vì chôn chân nơi công sở; được lựa chọn giờ giấc linh hoạt thay vì chấm công mỗi ngày trước cửa cơ quan.

Thậm chí, họ lựa chọn làm việc tới kiệt sức trong ngôi nhà của mình, thay vì ngủ gục tại văn phòng khi trời chưa kịp sáng. Những người trẻ “chạy deadlines”, vì đại dịch COVID-19, thêm một lần kéo trào lưu Karoshi trở lại.

Những bài toán riêng

Ba mươi năm trước, khi nhà xã hội học Junko Kitanaka lần đầu nhắc tới thuật ngữ “Karoshi”, thế giới vẫn coi đó như một hiện tượng văn hóa chỉ riêng có tại Nhật Bản. Karoshi trong tiếng Nhật có nghĩa là "chết vì làm việc quá sức".

3.jpg -0
Những người trẻ, với xu hướng khẳng định bản thân, đang sa đà vào cái bẫy làm việc quá sức do chính mình tạo ra. Ảnh: Getty

Trên thực tế, kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, sự chuyển dịch cơ cấu lao động của Nhật Bản đã khiến người ta tin rằng làm việc 70 giờ mỗi tuần, tương đương khoảng 14 tiếng mỗi ngày, được coi là "bình thường" và thậm chí là đáng tự hào. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vào cuối những năm 90, nhu cầu làm việc ngoài giờ tăng cao do các công ty Nhật Bản tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, khẩu hiệu “làm việc trọn đời”, vốn được các doanh nghiệp sử dụng triệt để, cũng khiến các nhân viên càng tận tâm hơn, theo Observatory.

Như một hệ lụy tàn khốc, câu chuyện về những nhân viên chết trong văn phòng sau chuỗi ngày làm việc quá sức, hay những người quyết định tự tử vì không thể chịu được áp lực công việc bắt đầu xuất hiện. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức, Nhật Bản phải áp dụng ngưỡng làm việc 40 giờ mỗi tuần từ năm 1987, đồng thời giới hạn thời gian làm thêm tối đa là 45 giờ mỗi tháng nhằm xóa bỏ thuật ngữ Karoshi. Song, ngay cả khi luật pháp được áp dụng, tình trạng làm việc tới kiệt quệ vẫn tăng lên, thậm chí được coi là văn hóa chốn công sở.

Theo thống kê của Asahi Shimbun năm 2021, hơn 6.000 công chức Nhật Bản đã làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy trong số hơn 8.900 công ty tăng ca nhiều từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, có đến gần 3.000 công ty đã phá vỡ giới hạn làm thêm. Cần phải nói thêm rằng, 80 giờ được coi là “lằn ranh karoshi” tại Nhật Bản, bởi vượt qua ngưỡng này, tính mạng của bất cứ nhân viên nào đều có thể gặp nguy hiểm.

Lằn ranh, đáng tiếc, lại giúp nhiều công ty vượt cửa hẹp, bởi theo luật pháp Nhật Bản, nếu một công ty gặp hoàn cảnh bất thường và nhân viên của họ đồng ý làm thêm giờ, họ được phép làm thêm giờ tối đa 80 giờ mỗi tháng. Japan Times trong một bài bình luận đã thừa nhận rằng, ngay cả khi dịch bệnh tràn đến, ngay cả khi thế giới đang vận hành theo cách mới để thích ứng với COVID-19, gánh nặng công việc của nhân viên Nhật Bản không hề thay đổi.

Cùng chung mẫu số

Khi Kitanaka trình bày về Karoshi với giới học thuật ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhiều người bày tỏ họ không thể hiểu tại sao lại có những người chết vì công việc. Nhưng ba mươi năm sau, khi đại dịch chết người COVID-19 bùng nổ, các học giả thế giới buộc phải lật lại nghiên cứu của Kitanaka của lần nữa, bởi những hệ lụy lây lan khởi nguồn từ Karoshi. Nhật Bản đã không còn là quốc gia duy nhất đối diện với thứ văn hóa công sở kỳ lạ này.

2.jpg -0
Trong guồng quay hối hả, những người trẻ liệu có kịp tỉnh táo, để không rơi vào cái bẫy Karoshi mà chính mình tạo ra? Tranh vẽ: Rroyce

Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện chỉ ra 745.000 người chết do đột quỵ và bệnh tim, là hệ quả của việc làm việc trên 55 giờ một tuần, trong năm 2016. Con số này cao hơn 30% so với năm 2000. Báo cáo kết luận rằng làm việc 55 giờ trở lên mỗi tuần có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 17%. Lần đầu tiên trên quy mô toàn cầu, làm việc quá sức được coi là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 số ca tử vong. Frank Pega, trưởng bộ phận kỹ thuật của WHO về nghiên cứu, nói rằng nguyên nhân này đã bị xem nhẹ suốt 20 năm qua.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bốn quốc gia nơi mọi người làm việc nhiều giờ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (33%), Mexico (29%), Colombia (26,6%) và Hàn Quốc (25,2%). Nhật Bản đứng ở vị trí thứ sáu, với 17.9%. Trong khi đó, một báo cáo hằng năm của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS về số giờ làm việc ở các thành phố cho thấy, người lao động ở Mumbai, Ấn Độ chính là những người làm việc chăm chỉ nhất thế giới, với thời gian làm việc trung bình lên tới 3.315 giờ/người/năm.

Trong số 77 thành phố được xếp hạng, Tokyo đứng ở vị trí thứ 32 với trung bình 1.997 giờ/năm. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, làm thêm giờ không tỷ lệ thuận với năng suất lao động. Theo đó, Mexico City là thành phố làm việc chăm chỉ thứ ba thế giới, trung bình 2.622 giờ/người/năm. Tuy nhiên, Mexico là nước có năng suất lao động thấp nhất trong số 38 quốc gia được liệt kê trong dữ liệu của OECD – 18.8 USD/1 giờ làm việc.

Còn Ireland là nước có năng suất lao động cao nhất, trung bình trong một giờ, một người dân tại đây làm ra được 84 USD. Và với mức trung bình hằng năm là 1.856 giờ lao động, người lao động ở Dublin (thủ đô của Ireland) lại thảnh thơi hơn rất nhiều so với người dân ở Mexico City. Nghiên cứu cũng kết luận rằng, số giờ làm việc vừa đủ sẽ tác động tích cực tới năng suất lao động. Và dĩ nhiên, làm việc quá tải đang tác động tiêu cực tới mức sống của người dân ở nhiều thành phố trên khắp thế giới.

Đáp án còn bỏ ngỏ

Bác sĩ Li Yuehua, làm việc tại Bệnh viện Tân Hoa xã Thượng Hải hơn 40 năm, chia sẻ rằng vào những năm 1980, những bệnh nhân đau tim mà bà điều trị thường ở độ tuổi 60 và 70. Sau đó, những bệnh nhân đến với bà ở độ tuổi 40 và 50. Gần đây, bà đã điều trị cho những bệnh nhân trẻ hơn rất nhiều, có người chỉ mới 26 tuổi. Trong khi đó, nghiên cứu y học Nhật Bản phát hiện ra rằng làm việc thêm nhiều giờ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch và mạch máu não khác.

Những người làm việc ngoài thời gian hơn 100 giờ trong một tháng, hoặc trung bình 2-6 tháng liên tục hơn 80 giờ một tháng dễ đối diện rủi ro về sức khỏe hơn”. Thế nhưng, một nghiên cứu vào năm ngoái, trên 3,1 triệu nhân viên ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông cho thấy ngày làm việc trung bình đã kéo dài thêm 48 phút. Nghĩa là, bỏ qua tất cả những cảnh báo sức khỏe, người trẻ đang chọn làm việc nhiều hơn.

Nhưng vì sao những người trẻ lại lựa chọn đánh đổi theo cách này? Theo Rea Celine Villa, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Philippines, “năng suất độc hại” là mong muốn luôn luôn làm việc hiệu quả và không muốn dừng lại mặc dù nhiệm vụ đã được hoàn thành. Những người trẻ, với xu hướng khẳng định bản thân, đang sa đà vào dạng làm việc này. “Một số người coi khả năng làm việc hiệu quả đồng nghĩa với khẳng định giá trị bản thân, điều này tạo ra một chu kỳ làm việc quá sức và căng thẳng, độc hại. Họ có thể cảm thấy cần hoặc buộc phải giữ cho mình bận rộn, bởi sự bận rộn cho thấy họ đang làm điều gì đó đúng đắn. Việc nhàn rỗi được coi là dấu hiệu của sự sa sút”, Villa nói. Đại dịch COVID-19 dường như làm trầm trọng thêm những suy nghĩ này. Mặc dù số nhân viên làm việc tại nhà tăng lên, nhưng theo nhà tâm lý học Villa, chính những người này có thể cảm thấy cần phải nỗ lực gấp đôi để chứng tỏ rằng đại dịch không khiến họ thất nghiệp hoặc tụt lùi.

“Làm việc tại nhà tạo ra rất nhiều kỳ vọng mà cá nhân tự áp đặt, như học một ngôn ngữ mới, làm bánh, tổ chức các sự kiện trên Zoom, tập thể hình…”, chuyên gia Villa chia sẻ.  Derek Thompson, cây viết của tờ The Atlantic, mô tả sự cuồng công việc này như một tôn giáo mới, trong đó “quan niệm của người Mỹ về công việc đã chuyển từ nghề sang sự nghiệp và giờ là sứ mệnh. Việc làm trước đây mang tính thiết yếu, dần chuyển sang địa vị xã hội và vươn lên tầm ý nghĩa cuộc đời".

“Đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể cách làm việc của nhiều người", Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nhận định. WHO cảnh báo rằng sự gia tăng của mô hình làm việc từ xa, kết hợp với sự bùng nổ của loại hợp đồng không giờ (không quy định sự ràng buộc về thời gian cũng như cam kết một thời gian làm việc nhất định), và các xu hướng làm việc khác trong tương lai có thể khiến số giờ làm việc trung bình của những người trẻ tăng lên trong tương lai. Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin một nữ nhân viên 22 tuổi làm việc tại công ty thương mại điện tử Pinduoduo, Trung Quốc qua đời sau khi làm việc nhiều giờ liền vào buổi tối. Nữ nhân viên này kiệt sức và ngã quỵ trên đường về nhà cùng đồng nghiệp lúc 1h30 sáng.

Cái chết của cô được cho là một trong những trường hợp tử vong vì văn hóa làm việc đến kiệt sức đã lan đến Trung Quốc. Giống như tại Nhật Bản, người ta đổ lỗi cho công ty đã vắt kiệt sức của cô. Nhưng theo Wired, vấn đề không chỉ nằm ở người sử dụng lao động. Mà đó là vấn đề mang tính hệ thống, là văn hóa công sở, trong đó năng suất lao động sẽ quyết định giá trị một cá nhân. Scott North, giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Osaka, người đã nghiên cứu về Karoshi trong 30 năm, nhận định vấn đề làm việc quá sức trong xã hội hiện đại thực ra là một hiện tượng rất bất thường.

Còn nhớ, năm 1930, nhà kinh tế học Keynes đã đưa ra dự đoán: 100 năm sau, loài người sẽ chỉ cần làm việc 10-15 giờ mỗi tuần. Nhưng hệ quả của Karoshi đã cho thấy lý thuyết ấy đang dần sai. Phải chăng những người trẻ đang trở nên “liều mạng” hơn, hay các doanh nghiệp đang tận dụng khát vọng khẳng định mình của người lao động, hay chính COVID-19 đang lộ rõ những mặt tối trong xã hội hiện đại? Trong guồng quay hối hả, những người trẻ liệu có kịp tỉnh táo, để không rơi vào cái bẫy Karoshi mà chính mình tạo ra?

An Nhiên
.
.
.