Hy vọng mới từ Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn
Trong 2 ngày 26, 27/5/2024, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc lần thứ 9 được tổ chức tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc sau 4 năm trì hoãn. Kết thúc hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã ký tuyên bố chung gồm 38 điểm trên 6 lĩnh vực, hướng tới quan hệ đối tác toàn diện.
Tuy nhiên, những vấn đề vốn tồn tại lâu nay giữa các bên tiếp tục tác động ảnh hưởng đến quan hệ ba nước trong thời gian tới vẫn là điểm nổi bật thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Những vấn đề trọng tâm
Trong 2 ngày hội nghị, các bên đã tập trung thảo luận về 6 lĩnh vực chính bao gồm: hợp tác kinh tế và thương mại; giao lưu nhân dân; phát triển bền vững, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu; sức khỏe cộng đồng và xã hội già hóa; hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi số; cứu trợ và an toàn thiên tai. Ba nước nhất trí tăng cường hợp tác ba bên thực chất thông qua các cơ chế tham vấn liên chính phủ như các cuộc họp cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng liên quan đến từng nhóm lĩnh vực nêu trên, trong đó nhấn mạnh vấn đề kinh tế và bảo đảm an ninh khu vực.
Các bên xác nhận những nỗ lực chung trong lĩnh hợp tác kinh tế thương mại giữa ba nước đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng và ổn định của nền kinh tế khu vực và thế giới; tái khẳng định sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương cởi mở, minh bạch, toàn diện, không phân biệt đối xử và dựa trên luật lệ, với cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); xác định rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) một cách minh bạch, suôn sẻ và hiệu quả…
Về vấn đề bảo đảm an ninh khu vực, ba nước tái khẳng định rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán Bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á là trách nhiệm chung, khẳng định tiếp tục nỗ lực để tìm giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo ba bên cũng nhất trí thúc đẩy cơ chế "Hợp tác ba bên +" với 1 quốc gia hay thể chế khác như Hợp tác Trung, Nhật, Hàn + ASEAN nhằm mở rộng lợi ích sang các quốc gia và khu vực khác.
Hội nghị kết thúc và ra tuyên bố chung cho thấy cả ba nước đều khá thống nhất quan điểm nối lại đàm phán là cần thiết và bắt đầu từ những vấn đề ít gai góc đến những vấn đề nhạy cảm như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa ba nước là động lực chính thúc đẩy các bên nối lại đàm phán sau 4 năm gián đoạn nên đã chiếm phần lớn thời gian của chương trình nghị sự. Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, trong khi ở chiều ngược lại Nhật Bản là đối tác thứ hai và Hàn Quốc là đối tác thương mại thứ ba của Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa ba nước đang bị suy giảm đáng kể trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong 2 năm qua, đầu tư mới của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm và ít hơn 10 lần so với đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ. Còn với Hàn Quốc, đầu tư vào Trung Quốc năm 2023 đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Cũng như Nhật Bản, các công ty Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Mỹ nhằm tận dụng các ưu đãi thu hút đầu tư của Mỹ đối với sản xuất công nghệ cao.
Nguyên nhân chính để Trung Quốc mong muốn tổ chức Hội nghị lần này bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh đối đầu căng thẳng về thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu sắc và quyết liệt. Hiện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước những thử thách mới khi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục rơi vào vòng xoáy đối đầu nghiêm trọng, trong đó có việc tăng thuế trả đũa lẫn nhau, gây lo ngại về những tác động không mong muốn đối với cả hai bên cũng như thương mại toàn cầu. Theo đó, từ 1/8/2024, Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc cảnh báo sẽ có các biện pháp kiên quyết và đang có kế hoạch tăng thuế nhập khẩu ô tô từ Mỹ và Liên minh châu Âu.
Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh thân cận của Mỹ trên mọi lĩnh vực, trong đó có quan hệ kinh tế - thương mại và khoa học công nghệ. Chiều ngược lại, Trung Quốc hiện đang đối mặt với một nền kinh tế có dấu hiệu đình trệ ngay trong nội tại, bởi vậy nước này thay đổi lập trường, mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư với các nước láng giềng là các cường quốc kinh tế như Nhật Bản và Hàn Quốc, đó là một mục tiêu nhưng trúng hai đích, một mặt muốn tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước; mặt khác tạo một đối trọng về kinh tế - thương mại đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho các đồng minh trong khu vực.
Đối với an ninh khu vực, cả ba nước đều nhận thức được rằng cần có sự hợp tác, phối hợp nhằm đảm bảo an ninh của mỗi quốc gia cũng như khu vực và thế giới. Trung Quốc cho rằng các hoạt động hợp tác quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian qua là rất đáng lo ngại. Cục diện Đông Bắc Á đang có chuyển biến quan trọng, đặc biệt sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết được bất đồng xung quanh vấn đề nô lệ tình dục, cùng thắt chặt quan hệ hợp tác với Mỹ thông qua Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn tại Mỹ tháng 8/2023.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm hơn nữa và cần có các giải pháp hòa dịu nhằm hướng tới nối lại đàm phán về phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian sớm nhất. Kết quả Hội nghị cho thấy, lãnh đạo ba nước đã cam kết tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân, bao gồm cả phi hạt nhân hóa thông qua biện pháp chính trị.
Bên cạnh đó, căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh tranh chấp quần đảo Điếu Ngư mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku ở vùng biển Hoa Đông tiếp tục leo thang. Trước tình hình đó, ba nước đã xác định rõ và nhất trí cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á là trách nhiệm chung của các nước trong khu vực.
Kỳ vọng gì từ Hội nghị ba bên lần này?
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đánh giá hội nghị thượng đỉnh lần này thể hiện "khởi đầu mới" trong quan hệ giữa ba nước. Ông kêu gọi ba nước cùng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại, nêu cao tinh thần tự chủ chiến lược, thúc đẩy một thế giới đa cực và phản đối phân cực chính trị. Đồng thời nhấn mạnh, ba nước nên coi nhau là đối tác và nối lại toàn diện hợp tác ba bên với thái độ cởi mở và các biện pháp minh bạch, phù hợp với nguyên tắc không độc quyền và không phân biệt đối xử.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhắc lại, ba nước đã xác nhận tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sự ổn định an ninh khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của ba nước Đông Bắc Á. Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa rất quan trọng cho hòa bình của khu vực, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Dư luận quốc tế cho rằng, mặc dù chưa tạo được bước đột phá nào đáng kể, song Tuyên bố chung giữa ba nước là tương đối toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác, kể cả những nội dung gai góc như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực kiềm chế các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Điều thấy rõ nhất là Trung Quốc đang rất cần không gian hợp tác kinh tế, ngăn chặn các liên kết do Mỹ dẫn dắt gây bất lợi cho Trung Quốc ở khu vực. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cần thêm sự tự chủ chiến lược và coi an ninh khu vực Đông Bắc Á luôn là ưu tiên hàng đầu. Đây là những yếu tố cốt lõi để ba nước thu hẹp bất đồng, khoảng cách nhằm khởi động lại đàm phán thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới.
Hội nghị cũng đã tạo nền tảng vững chắc để ba nước từng bước thu hẹp bất đồng, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chiến lược của mỗi nước cũng như hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Cộng đồng quốc tế đang đặt niềm tin nhất định vào quan hệ hợp tác giữa ba nước Nhật - Trung - Hàn, bởi nó mở ra những cơ hội đối thoại nhằm giải quyết những bất đồng và thúc đẩy lòng tin lẫn nhau. Kết thúc Hội nghị, ba nhà lãnh đạo nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 tại Nhật Bản vào năm 2025. Đây là cơ hội mở ra một khởi đầu mới cho thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ba nước, góp phần tích cực vào duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.