Hàn Quốc loay hoay với khủng hoảng dân số

Chủ Nhật, 14/05/2023, 13:52

Trong căn hộ nhỏ ở ngoại ô Seoul, vợ chồng Kwon Jang-ho và Cho Nam-hee đang cẩn thận tính toán khoản chi tiêu cho cậu con trai 17 tháng tuổi Ju-ha. Áp lực nuôi con trở nên “dễ thở” hơn với cặp vợ chồng trẻ nhờ loạt chính sách hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc. Nhưng dường như không phải người trẻ nào cũng muốn đón nhận sự hỗ trợ đó, khi cuộc sống “riêng tôi” giờ đây được đề cao hơn cuộc sống “chúng ta” tại xứ sở kim chi.

1001 cách giải bài toán khó

“Nuôi con ở Hàn Quốc có thể trở nên dễ thở hơn nếu bạn không mua những thứ không cần thiết và tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ chính phủ”, phát thanh viên Kwon Jang-ho chia sẻ với Al Jazeera khi trên bàn ăn của gia đình cô vẫn đang ngổn ngang những hóa đơn chờ thanh toán. “Trong tòa nhà của chúng tôi, thậm chí còn có một trung tâm do chính quyền địa phương tài trợ cho phép bạn mượn miễn phí nhiều thứ như đồ chơi hay xe đẩy. Ai mà không thấy nó hữu ích cơ chứ. Thật tốt khi chính phủ cung cấp một số hỗ trợ cho những gia đình dù muốn sinh con, nhưng thật ra, vẫn có những yếu tố khác cần xem xét khi đối diện vấn đề tỷ lệ sinh thấp tại nước tôi”, Kwon bày tỏ.

Hàn Quốc loay hoay với khủng hoảng dân số -0
Kwon Jang-ho và Cho Nam-hee thống kê chi tiêu hàng tháng họ dành cho cậu con trai 17 tháng tuổi. Ảnh: Al Jazeera.

Bước sang năm 2023, với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, Hàn Quốc đang phải đối mặt với thảm họa nhân khẩu học. Vào năm 2022, số trẻ sơ sinh trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc là 0,78, giảm thấp hơn cả mức thấp kỷ lục trước đó là 0,81 vào năm 2021. Tỉ lệ này ở các nước phát triển – với số ca sinh cần thiết để giữ ổn định dân số - thường nằm ở mức 2,1.

Để đảo ngược xu hướng này, chính quyền trung ương và địa phương của Hàn Quốc đang nỗ lực hỗ trợ các khoản thanh toán và các lợi ích khác cho tất cả các sản phụ hoặc các cặp vợ chồng. So với các nước châu Âu nổi tiếng với hệ thống phúc lợi xã hội phát triển, nhiều nước trong số đó đã thực hiện cơ chế “tiền thưởng cho em bé” để đối phó với tỷ lệ sinh thấp, Hàn Quốc thậm chí đã đưa ra những chính sách hào phóng hơn cả. Kể từ năm 2022, các bà mẹ đã nhận được khoản thanh toán bằng tiền mặt trị giá 2 triệu won khi sinh con (1 USD = 1.337 won).

Các gia đình đồng thời nhận được 700.000 won/ tháng hỗ trợ nuôi trẻ sơ sinh cho đến khi tròn 1 tuổi và 350.000 won/ tháng cho trẻ dưới 2 tuổi, theo đề án tới năm 2024. Bên cạnh đó, chính phủ hỗ trợ thêm 200.000 won/ tháng với các gia đình có con nhỏ chưa đến tuổi học tiểu học, cộng thêm các khoản thanh toán bổ sung dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và cha mẹ đơn thân. Các lợi ích khác bao gồm chi phí y tế cho phụ nữ mang thai, điều trị vô sinh, dịch vụ trông trẻ và thậm chí cả chi phí hẹn hò cũng được chính phủ áp dụng.

Bài toán liệu có nằm ở con số?

Nhưng việc chính nỗ lực bảo trợ tài chính có thể làm giảm bớt những khó khăn về nhân khẩu học của Hàn Quốc hay không vẫn chưa thực sự rõ ràng. Vấn đề lúc này không nằm ở chính sách của chính phủ, mà là ở quan điểm sống của các công dân trẻ nước này.

Cho Joo-yeon, một phiên dịch viên tiếng Hàn 39 tuổi ở Seoul, đã kết hôn được 10 năm, cho biết có con chưa bao giờ là một lựa chọn đối với cô và không có sự hỗ trợ nào của chính phủ có thể thay đổi suy nghĩ của cô. “Có con sẽ là một trách nhiệm to lớn bởi nền tảng cuộc đời nằm ở cách cha mẹ nuôi dạy, đó là một tiêu chuẩn lớn. Tôi chưa bao giờ muốn trở thành một người mẹ. Tôi sẽ không hy sinh sự nghiệp của mình vì một đứa trẻ”, Cho nói với Al Jazeera.

Chồng của Cho, Nam Hyun-woo, là một giám đốc sáng tạo trong ngành quảng cáo và cặp đôi rất trân trọng thời gian bên nhau mặc dù cả hai đều có cuộc sống công việc bận rộn. “Chúng tôi thích sự nhàn rỗi về tài chính mà chúng tôi có, chúng tôi không phải lo lắng về việc gửi con đến trường học đắt tiền hay suy nghĩ về việc tiết kiệm thêm. Chúng tôi có thể phung phí cho bản thân và coi tự do là sự xa xỉ mà mình có”, Cho chia sẻ.

Đối với nhiều người Hàn Quốc, lựa chọn không kết hôn hay sinh con đơn giản là vấn đề sở thích. Trong một cuộc khảo sát do Văn phòng điều phối chính sách của chính phủ Hàn Quốc thực hiện vào năm ngoái, 36,7% những người trong độ tuổi 19–34 bày tỏ quan điểm không muốn có con. Tại Seoul, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các thành phố và tỉnh trong cả nước, cứ 10 thanh niên thì có 6 người trả lời như vậy trong một cuộc khảo sát của Tổ chức Phụ nữ & Gia đình Seoul. Trong số những phụ nữ trẻ Hàn Quốc, chỉ 4% coi hôn nhân và việc làm cha mẹ là thiết yếu, trong khi hơn một nửa coi hai điều đó không quan trọng trong cuộc sống của họ, theo dữ liệu khảo sát từ Hiệp hội nghiên cứu phúc lợi xã hội Hàn Quốc.

Hàn Quốc loay hoay với khủng hoảng dân số -0
Đối với nhiều người Hàn Quốc, lựa chọn không kết hôn hay không sinh con đơn giản là vấn đề sở thích. Ảnh: Reuters.

Cô Yoo Young Yi, 30 tuổi, đang làm việc tại một công ty tài chính ở thủ đô Seoul chia sẻ: "Vợ chồng tôi rất thích trẻ con nhưng nếu sinh con, chúng tôi buộc phải hy sinh rất nhiều. Vì vậy, khi phải đưa ra chọn lựa, chúng tôi nhất trí tập trung nhiều hơn cho bản thân". Bà ngoại của Yoo có 6 người con, mẹ cô sinh 2 người nhưng bản thân cô lại không muốn sinh con. Theo Yoo, cho đến khi vào đại học, cô rất muốn có con. Tuy nhiên, ý nghĩ này đã thay đổi từ khi cô chứng kiến sự vất vả của các đồng nghiệp nữ: "Các đồng nghiệp nữ thường phải vào nhà vệ sinh để điện thoại về nhà hỏi thăm con hoặc về sớm khi con ốm đau. Trong khi các đồng nghiệp nam thì không tất bật như vậy. Sau khi chứng kiến những điều này, tôi nhận ra rằng sự tập trung cho công việc sẽ giảm đi rất nhiều nếu có con", cô bày tỏ.

Lời giải thực sự đến từ đâu?

Vào năm 2022, số liệu do Al Jazeera cung cấp cho thấy chỉ có 192.000 cặp đôi kết hôn ở Hàn Quốc, phần nào phản ánh quan điểm muốn độc thân của nhiều người trẻ xứ sở kim chi. Các chuyên gia cho rằng, có những vấn đề, thậm chí là định kiến đã khiến các gia đình trẻ sợ có con, còn những người trẻ thì sợ kết hôn, trong đó gồm văn hóa làm việc mệt mỏi, chi phí giáo dục và nhà ở cao ngất, và bất bình đẳng giới.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tờ Joongang Ilbo vào đầu năm nay, 27,4% số người được hỏi cho biết họ tin rằng gánh nặng chi phí chăm sóc trẻ em là lý do chính dẫn đến tỷ lệ sinh thấp. Các lý do được trích dẫn khác bao gồm tình trạng mất việc làm, nhà ở không ổn định và các yếu tố kinh tế khác.

Theo Giáo sư Song Da-yeong thuộc Đại học Quốc gia Incheon, trợ cấp tiền mặt không phải là giải pháp lâu dài để giải bài toán khủng hoảng dân số của Hàn Quốc. “Nuôi con không phải chỉ xoay quanh vấn đề cung cấp tài chính trong hai năm đầu đời của đứa trẻ, mà còn là các phúc lợi xã hội khác cho đến khi lũ trẻ trưởng thành”, Giáo sư Song vạch ra thực tế mà các hộ gia đình phải đối mặt.

Với cặp vợ chồng trẻ Kwon Jang-ho và Cho Nam-hee, những lo ngại về các thách thức lớn hơn khi con vào lớp 1 đã được họ tính đến từ bây giờ - khi con vẫn chưa tròn 2 tuổi. “Đối với những người sống ở các thành phố lớn và có khát vọng cao, sự cạnh tranh ngày càng tăng để gửi con cái của chúng tôi đến những trường tốt nhất. Bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chi tiền cho các “hagwon” (các học viện tư nhân sau giờ học mà nhiều phụ huynh đăng ký cho con họ từ khi mới 5 tuổi)”, Cho nói.

Vì thế, cặp vợ chồng này chọn sống ở Ilsan, cách Seoul khoảng 25 km để giảm bớt các áp lực liên quan tới việc nuôi dạy con. Vào năm 2022, mức chi tiêu của người Hàn Quốc cho giáo dục tư nhân đạt kỷ lục mới, với tổng chi tiêu hàng năm lên tới 26.000 tỷ won (19,6 tỷ USD) và gần 80% học sinh nhận được một số hình thức giáo dục tư nhân. “Luôn có áp lực phải đi trước những người khác”, Kwon nói.

Bên cạnh những áp lực xây dựng và nuôi dưỡng môi trường học tốt nhất cho con, theo giáo sư Song, chính phủ cần tập trung vào việc tạo ra một môi trường nơi cha mẹ có thể cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái, thay vì chỉ hỗ trợ tài chính. Cần nhấn mạnh thêm rằng, Hàn Quốc đang là nước có số giờ làm việc nhiều nhất trong số các nước phát triển. Tỷ lệ chênh lệch lương theo giới của Hàn Quốc cao nhất OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) trong suốt 26 năm qua đã phản ánh định kiến xã hội còn tồn tại ở nước này, ngăn cản phụ nữ trên con đường sự nghiệp.

“Cần có một chính sách linh hoạt như cho phép sử dụng hết thời gian nghỉ phép của cha mẹ, giảm giờ làm và sắp xếp công việc linh hoạt”, Giáo sư Song nói, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu về một môi trường nơi phụ nữ không bị “đuổi khỏi thị trường lao động” sau khi sinh con. Mặc dù quan điểm gia trưởng truyền thống của Hàn Quốc đang dần thay đổi, phụ nữ vẫn thường được kỳ vọng - và trong một số trường hợp cảm thấy bị bắt buộc - phải trở thành bà mẹ toàn thời gian sau khi sinh con.

Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ vượt qua ngưỡng của một xã hội siêu già hóa vào năm 2025. Khi đó, số người già từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 1/5 dân số. Những lời giải dựa trên con số tài chính dường như đã không còn phù hợp với bài toán dân số ở xứ sở kim chi, bởi nhận thức và mối lo của những người trẻ giờ đây đã khác.

 Cho Joo-yeon, phiên dịch viên dự định không có con, tin rằng cấu trúc xã hội và nhận thức cần phải được thay đổi để giải quyết tỷ lệ sinh ngày càng thấp của Hàn Quốc, bởi: “Không chỉ một người, một chính phủ hay một thế hệ cần phải thay đổi; sự thay đổi cần nhiều hơn thế”. 

An Nhiên
.
.
.