Đông Á với cuộc chiến sinh con

Thứ Tư, 13/03/2024, 19:37

Tỷ suất sinh thấp và suy giảm dân số đang gia tăng đến mức báo động với các quốc gia ở khu vực Đông Á, đến mức những biện pháp khẩn cấp đã được tính tới.

Tỷ suất sinh thấp kỷ lục

Ngày 28/2/2024, Văn phòng thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố dữ liệu dân số với những con số giật mình. Theo đó, trong năm 2023, số ca sinh của đất nước này giảm 7,7% so với năm trước đó, xuống còn 287.848. Dựa trên dân số hiện tại của Hàn Quốc là hơn 51 triệu người thì tỷ lệ trẻ sinh ra trong năm 2023 của đất nước nằm ở khu vực Đông Á này là chỉ đạt khoảng 5,5 ca sinh/ 1.000 người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì đây là tỷ lệ sinh thấp nhất trong lịch sử thế giới từng được ghi nhận ở một quốc gia.

Những chỉ số khác được đem ra để so sánh là tỷ lệ sinh trên một cặp vợ chồng cũng ở mức thấp kỷ lục, chỉ 0,81 (thấp hơn so với chính kỷ lục cũ của Hàn Quốc vào năm 2022 là 0,84). Đáng lo là tỷ lệ này được dự đoán sẽ còn giảm sâu hơn nữa trong năm 2024, xuống còn 0,68 trẻ, mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ khuyến nghị 2,1 trẻ để đảm bảo thay thế dân số. Tương ứng với mức sinh thấp này là sự suy giảm dân số. Trong năm 2023, dân số tự nhiên của Hàn Quốc đã giảm 67.072 người. Sự suy giảm dân số có chậm lại đôi chút do Hàn Quốc đã nhập cư thêm 35.321 công dân mới trong năm qua. Tuy nhiên, đây đã là năm thứ 3 liên tiếp dân số của Hàn Quốc tăng trưởng âm.

Đông Á với cuộc chiến sinh con -0
Dân số già là gánh nặng với an sinh xã hội.

Như Hàn Quốc, Nhật Bản, đất nước có 122 triệu dân, cũng vừa phải chứng kiến năm thứ 8 liên tiếp suy giảm dân số. Theo số liệu được Chính phủ Nhật Bản công bố hôm 27/2 vừa qua, số ca sinh tại Nhật Bản năm 2023 đã giảm 5,1% so với năm 2022, xuống còn 758.631 trẻ. Trong khi đó, số cặp đôi kết hôn năm 2023 lần đầu tiên giảm xuống dưới 500.000 cặp sau 90 năm, dấu hiệu cho thấy đà giảm sinh sẽ không dừng lại.

Bất chấp dân số thế giới vẫn đang tăng lên thì xu thế giảm sinh đang diễn ra trên toàn thế giới. Thống kê của WHO cho thấy trong 70 năm qua, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm 50%. Một ghi nhận vào năm 1950 cho thấy, trung bình mỗi gia đình sẽ có 5 đứa trẻ nhưng vào năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 2,4. Ở một số nước tiên tiến, tỷ lệ này hiện chỉ khoảng 1,6. Trong đó, tỷ lệ của những nước nằm ở khu vực Đông Á lại đặc biệt thấp, chỉ vào khoảng trên dưới 1 bao gồm cả Trung Quốc.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp số trẻ sinh ra dưới 10 triệu và lần đầu tiên mức giảm dân số lên tới hơn 2 triệu người trong một năm (một kỷ lục mà ngay cả trong những giai đoạn xảy ra chiến tranh cũng khó bằng), và đây đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với các quốc gia này.

Nguy cơ lớn

Tháng 1/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thừa nhận đất nước "đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội" do tỷ lệ sinh giảm. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, với tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 1,5 và độ tuổi trung bình của người dân tăng nhanh khiến đà tăng dân số chững lại đã ghi nhận nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu rơi vào đình trệ. Gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn khiến cho thu nhập thực tế của người dân bị giảm đáng kể trong khi dân số già không kích thích được tiêu dùng làm lực đẩy nền kinh tế giảm. Thậm chí, thiếu lao động đang trở thành một "vấn nạn" đối với nền kinh tế từng được kỳ vọng sẽ vươn lên đứng đầu thế giới này.

Mới đây nhất, trong năm 2023, nền kinh tế Nhật đã đánh mất vị trí thứ 3 thế giới vào tay người Đức, và xu hướng suy giảm còn tiếp tục khi động lực tăng trưởng không có nhiều. Từ năm 2015 tới nay, khoản chi lớn nhất của Nhật Bản luôn là dành cho phúc lợi xã hội, làm giảm khả năng đầu tư cho những lĩnh vực khác. Đây chính là điều mà các quốc gia đi sau như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan đều đang muốn tránh.

Một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ suất sinh của khu vực Đông Á giảm nhanh chính là sự giàu lên của các quốc gia này. Vào những năm 1970, tỷ suất sinh của Nhật là khoảng 2, do đó có đủ số trẻ sơ sinh giữ cho tổng dân số phát triển. Con số này bắt đầu giảm rõ rệt khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 10.000 USD/người vào giữa những năm 1980. Một thập kỷ sau tỷ suất sinh chỉ còn 1,5 và tiếp tục giảm đến ngày nay. GDP Hàn Quốc và Đài Loan đã vượt qua 10.000 USD vào những năm 1990, một thập kỷ sau đó tỷ suất sinh cũng chỉ còn 1,5. GDP Trung Quốc năm 2019 qua 10.000 USD và tỷ suất sinh cũng bắt đầu giảm từ đó.

Các nhà phân tích tại Trung tâm Đông-Tây từng làm một nghiên cứu và kết luận: "Khi mức sống được cải thiện làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng có thể hy vọng rằng con cái của họ sẽ sống đến tuổi trưởng thành". Điều đó khiến họ sinh ít con hơn. Tăng trưởng kinh tế cũng mở rộng các cơ hội giáo dục. Điều đó có nghĩa là phụ nữ thấy mình có thể đóng góp nhiều hơn vai trò truyền thống của người nội trợ và người mẹ. Họ có thể chọn tránh kết hôn và sinh con.

Nhưng thêm vào đó, khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, chi phí nuôi dạy con cái cũng tăng lên. Ông Michael Herrmann, cố vấn cấp cao về kinh tế và nhân khẩu học của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), nói rằng phụ nữ thường tìm cách cân bằng ba khía cạnh khi có con: cuộc sống gia đình và công việc; thu nhập và chi phí nuôi con; bình đẳng giới để nhận được sự chia sẻ gánh nặng chăm sóc. Ông nói: "Nếu hệ thống hoặc nền kinh tế không mang lại cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, họ có thể phải suy nghĩ kỹ về việc sinh con".

Điều đó đúng với các nước Đông Á, nơi phụ nữ thường cảm thấy bị buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp hoặc gia đình do những yếu tố văn hóa truyền thống. Kết quả là ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn không kết hôn. Khi xu hướng kết hôn và sinh con đã giảm quá sâu thì khả năng phục hồi dân số lại càng thấp do dân số đã "quá già". Hậu quả là khủng hoảng nhân khẩu học do tỷ lệ người cao tuổi lớn, đặt gánh nặng lên ngân sách về chi phí y tế và phúc lợi xã hội.

Đông Á với cuộc chiến sinh con -0
Tỷ suất sinh thấp tại các quốc gia Đông Á gây nhiều lo lắng.

Đau đầu khắc phục

Theo một nghiên cứu vào năm 2022 của Nikkei Asian thì dân số Đông Á đang giảm nhanh hơn mức dự đoán tới 10 năm. Ông Yoshimasa Hayashi, chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây đã thừa nhận: "Thời gian 6 năm tới là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng này". Điều đó đã bắt buộc Chính phủ Nhật phải hành động mạnh hơn. Chính phủ đang muốn tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em và lập hẳn một cơ quan mới để tập trung vào vấn đề này. Thủ tướng Kishida mới đây đã phát biểu trước Quốc hội: "Khi nghĩ đến sự bền vững và toàn diện của nền kinh tế và xã hội của quốc gia chúng ta, chúng tôi đặt hỗ trợ nuôi dạy trẻ em là chính sách quan trọng nhất của mình".

Năm 2016, Trung Quốc đã đảo ngược chính sách 1 con của mình nhưng dường như đã muộn khi dân số nước này đạt đỉnh vào năm 2021. Thanh niên Trung Quốc hiện cũng sợ sinh con bất chấp những khuyến khích từ nhà nước. Một số chuyên gia mới đây còn đề xuất phạt những người không sinh con và khen thưởng những người có con như một phần của chính sách dân số mới tại nước này.

Tại Hàn Quốc, các chương trình khuyến khích sinh sản đang được mở rộng. Năm 2021, cựu Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra một số chính sách nhằm khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, bao gồm cả ưu đãi tiền mặt cho các gia đình. Theo chương trình này, mỗi đứa trẻ sinh từ năm 2022 trở đi sẽ nhận được khoản tiền trị giá 2 triệu won để giúp trang trải chi phí trước khi sinh, khoản thanh toán sẽ tăng lên hàng tháng cho đến khi em bé tròn 1 tuổi.

Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang tích cực hỗ trợ cho nhân viên nữ của mình quay lại với thiên chức làm mẹ. Hãng sản xuất đồ lót Ssangbangwool thông báo hỗ trợ đến 40 triệu won cho nhân viên mang thai. Công ty xây dựng Booyoung Group đã quyết định thưởng cho nhân viên 100 triệu won một lần sinh con, đây là mức khuyến khích cao kỷ lục trong cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc. Để thúc đẩy những chương trình như trên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 27/2 đã ra chỉ thị cung cấp ưu đãi thuế và nhiều biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Dẫu vậy, để nhìn thấy kết quả của những chương trình này còn cần thêm nhiều thời gian nữa.

Tử Uyên
.
.
.