Chuyện tách, nhập tỉnh

Thứ Tư, 04/08/2021, 21:15

Sau thời kỳ chia tách tỉnh, xu hướng chia nhỏ để quản lý đã bắt đầu thay đổi. Cùng với việc sáp nhập địa giới cấp xã, huyện thì việc nghiên cứu sáp nhập, hợp nhất địa giới hành chính cấp tỉnh lại được đặt ra. Nhìn lại lịch sử, chuyện tách nhập diễn ra sôi động ở nhiều thời kỳ.

Ngày 19-7, trước những thông tin về vấn đề sáp nhập tỉnh đang được dư luận quan tâm, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cho biết, chưa đề nghị lên Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Hiện tại, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211/2016 và tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần phải lấy ý kiến rộng rãi, qua nhiều vòng.

Đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

Trước đó, Bộ Nội vụ có văn bản lấy ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/ UBTVQH13 về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, việc sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 (NQ1211). Theo đó, Bộ Nội vụ cũng lấy ý kiến về việc thí điểm sáp nhập một số tỉnh không đạt chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo NQ1211. Trong giai đoạn 2022-2025 chỉ hoàn thiện khung thể chế để thực hiện sáp nhập các tỉnh. Việc tổ chức sáp nhập một số tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Về chủ trương sáp nhập các tỉnh, sẽ thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trước mắt, sẽ thí điểm sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển. Theo dự thảo về đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được xây dựng, đối với tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập thì phải có quy mô dân số từ 900.000 người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi, để không sáp nhập phải có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Chuyện tách, nhập tỉnh -0
 Bản đồ hành chính các tỉnh phía Bắc, nhiều tỉnh có diện tích rất nhỏ như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên… Nguồn: bandohanhchinh.com

Như vậy, dù hiện tại Bộ Nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào nhưng việc lấy ý kiến, soạn thảo các nội dung, kế hoạch có liên quan cũng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nhìn lại lịch sử, đã có nhiều lần chia tách rồi sáp nhập ranh giới tỉnh, thành phố, trong đó có những địa phương lúc thì về tỉnh này, lúc lại “nhập khẩu” tỉnh khác, chia tách lần một, rồi lần hai, lần ba. Trong khi có tỉnh như Thanh Hóa, thời kỳ nào cũng “vững như bàn thạch”, không bị sáp nhập, hợp nhất với bất kỳ tỉnh nào.

Thời kỳ 1945-1946 có 69 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương. Năm 1961, Quốc hội mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm một số xã của Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Năm 1962, 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc; tỉnh Kiến An nhập vào thành phố Hải Phòng; tái lập 2 tỉnh Lai Châu, Sơn La từ Khu tự trị Thái Mèo và thành lập tỉnh Nghĩa Lộ thuộc khu tự trị Tây Bắc. Năm 1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Năm 1965, 2 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái; 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định hợp nhất thành tỉnh Nam Hà, 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Tây. Năm 1968, 2 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng; 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Cuối năm 1975, 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng; 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh; 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình; 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên; 3 tỉnh Lào Cai, Nghĩa Lộ (trừ 2 huyện Bắc Yên, Phù Yên nhập vào tỉnh Sơn La) và Yên Bái hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn; 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1976, thêm một loạt phía Nam tiến hành hợp nhất. Lúc này, cả nước có 38 tỉnh, thành phố. Năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình, một phần huyện Mê Linh và Sóc Sơn. Cùng năm, tách tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Cả nước có 39 tỉnh thành. Năm 1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh, cả nước có 40 tỉnh thành.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xu hướng tách tỉnh lại bắt đầu. Lần lượt các tỉnh đã được nhập trước đó lại được tách ra, như Hà Sơn Bình tách ra thành 2 tỉnh là Hà Tây và Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành 2 tỉnh Nam Hà, Ninh Bình; tỉnh Hà Tuyên tách ra thành 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; tỉnh Hoàng Liên Sơn tách ra thành 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách ra thành 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum... Có tỉnh sau khi tách lần một thì thời gian sau lại tách lần hai như Nam Hà tách ra từ Hà Nam Ninh, sau đó Nam Hà lại tách thành Hà Nam và Nam Định...

Có thể thấy, khi tách tỉnh thì quan điểm chung vẫn là chia nhỏ theo địa lý, địa hình, văn hóa để quản lý được tốt hơn, để phát huy tiềm lực, thế mạnh từng địa phương, thay cho gộp kiểu “nhà chung” vốn cồng kềnh, nhiều ý tưởng, lại dễ sinh cục bộ, khó quản lý. Tuy nhiên, khi nhập tỉnh, các nhà quản lý cũng có cơ sở giải thích như nhập tỉnh để tinh gọn bộ máy, nhân lực, để phát huy sức mạnh tổng hợp theo vùng, địa phương, để phát huy thế mạnh đầu tư... Từ cuối thập niên 80 đến nay, xu hướng tách tỉnh diễn ra ở nhiều giai đoạn. Cùng với đó là tách huyện, tách xã. Cho đến năm 2004, việc tách tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra với việc tỉnh Lai Châu cũ tách ra thành 2 tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên. Tỉnh Đắk Lắk tách thành Đắk Lắk mới và Đắk Nông, thành lập thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Đến 2008, khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, con số 63 tỉnh, thành ổn định từ đó đến nay.

Tuy nhiên, việc tách tỉnh, tách huyện, tách xã đã thay đổi bằng xu hướng ngược lại (sáp nhập, hợp nhất) theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Theo Bộ Nội vụ, qua việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, các địa phương trên cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã. Vấn đề sáp nhập địa giới cấp tỉnh sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với cấp huyện, xã. Hiện nay, chưa có danh sách tỉnh nào sẽ hợp nhất, tuy nhiên nếu theo dự thảo của Bộ Nội vụ về quy mô dân số và diện tích ở miền núi và đồng bằng thì nhiều người đã hình dung ra một số tỉnh nằm trong diện “khoanh vùng”. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, 10 tỉnh dân số ít nhất là: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang. Về diện tích tự nhiên, 10 tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước là: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình. Trong khi đó, hiện tỉnh Bắc Ninh đã có đề án trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai. Nay, khi câu chuyện tách nhập được xới lại, cũng có ý kiến cho rằng, Bắc Ninh với diện tích bé nhất nước (chỉ 823,1 km²), so với Hà Nội (3.359 km²) thì chỉ bằng khoảng ¼. Trước đây, tỉnh Hà Tây vốn có nhiều khác biệt với Hà Nội, nhất là địa hình phía Tây đồi núi nhưng đã sát nhập vào Hà Nội. Vậy tỉnh Bắc Ninh với diện tích chỉ bằng 2-3 quận, huyện của Hà Nội hiện hành, nên chăng nhập tỉnh này vào Hà Nội thay cho việc nâng lên thành phố thuộc Trung ương? Vị trí từ trung tâm Hà Nội đến huyện xa nhất của Bắc Ninh cũng chỉ mấy chục km, điều kiện văn hóa, xã hội nhiều điểm tương đồng, nhiều khu vực của Bắc Ninh trước đây cũng từng thuộc Hà Nội.

Ngày trước, một người dân ở phía Bắc tỉnh Bình Trị Thiên để vào tỉnh lị là Huế phải đi gần 300 km, mất rất nhiều thời gian. Nay giao thông phát triển vượt bậc, cùng với đó là công nghệ thông tin, khái niệm đường sá, liên lạc không còn là sức ép nặng nề. Trong khi đó, có những địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam, đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh bằng ô tô, thời gian không vượt quá 1 giờ. Quy mô một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà “chưa đi đã tới, chưa nhìn đã hết” là quá bé nhỏ, không phù hợp với thời kỳ công nghệ số và giao thông tân tiến.

Như vậy, việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý, nhất là sửa đổi Nghị quyết 1211/2016 vì đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi.

An Nhi
.
.
.