Chuyến bay trên trời, băng ngầm dưới đất

Thứ Ba, 11/04/2023, 11:41

Vụ án “chuyến bay giải cứu” cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm lớn của lãnh đạo Bộ Công an với quan điểm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, xử nghiêm minh để lập lại trật tự, kỷ cương phép nước.

Khám phá, điều tra các vụ án đưa và nhận hối lộ vốn khó khăn, phức tạp thì trong vụ án này càng khó, phức tạp gấp bội khi “nhóm lợi ích” câu kết, móc nối ở nhiều bộ, ngành, địa phương, cả phạm vi trong và ngoài nước, liên quan nhiều cán bộ lãnh đạo với nhiều thủ đoạn đối phó…

“Chuyến bay giải cứu” hay vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có lẽ đi vào lịch sử tố tụng cả về tính chất, quy mô, sự phức tạp trong phạm tội cũng như phức tạp, khó khăn khi điều tra, phá án.

Cái từ “chuyến bay giải cứu” vốn nguyên nghĩa là chủ trương mang đậm tính nhân văn, nhân ái, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước với đồng bào trong khó khăn, đại nạn COVID-19 thì nay lại bị những vết nhơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng do chính những người có chức trách gây ra. Việc điều tra, làm rõ vụ án cho thấy những vấn đề lớn sau: Thứ nhất, “ma lực đồng tiền” xuyên thủng những quy trình, thủ tục tưởng như chặt chẽ với hàng loạt tầng nấc kiểm soát. Ở 5 bộ, ngành liên quan đều có các ban, bộ phận tham gia trong tổ công tác với các chức vụ, thành viên rất cụ thể, rõ ràng, có khâu trên, khâu dưới, nấc ngoài, nấc trong để thực hiện một quy trình “chuyến bay giải cứu”. Thế nhưng, các khâu tưởng như chặt chẽ đó, mọi thứ khó thể qua được, trừ một “kẻ đi săn” chính là tiền! Nhiều cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế “xin - cho” buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ...

Chuyến bay trên trời, băng ngầm dưới đất -0
Chủ trương nhân văn của “chuyến bay giải cứu” đã bị các nhóm lợi ích lợi dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại Văn phòng Chính phủ, một số cá nhân thuộc Vụ Quan hệ quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của Tổ công tác 5 bộ trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay, qua đó nhận hối lộ của doanh nghiệp.

Tại Bộ Ngoại giao, với nhiệm vụ chính là bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài và quản lý danh sách công dân Việt Nam đăng ký nhu cầu về nước nhưng khi các doanh nghiệp triển khai chuyến bay "combo" được cấp phép thì một số cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã yêu cầu doanh nghiệp chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước. Ở trong nước, Bộ Ngoại giao là đầu mối chủ trì xin duyệt cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp nhưng một số cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn không chỉ nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp để chấp thuận cấp phép chuyến bay mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa chi tiền hối lộ khi triển khai các chuyến bay, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và người dân. Hành vi nhũng nhiễu của những cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn tại Bộ Ngoại giao đã tạo ra “thị trường” mua bán giấy phép chuyến bay giữa doanh nghiệp với Bộ Ngoại giao và sang nhượng quyền được tổ chức các chuyến bay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Tại Bộ Giao thông - Vận tải, một số cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi, làm trung gian môi giới hối lộ hoặc nhận hối lộ để cấp phép bay tăng số lượng công dân về nước. Trong khi đó, Bộ Y tế là cơ quan được giao nhiệm vụ tham gia kiểm soát dịch bệnh và Cục Quản lý xuất - nhập cảnh, Bộ Công an là cơ quan giải quyết thủ tục cho công dân Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về nước, một số cán bộ cũng lợi dụng vai trò, chức năng, nhiệm vụ được phân công, cố ý tạo khó khăn, nhũng nhiễu để đòi hỏi, ép buộc các doanh nghiệp phải chi tiền mới chấp thuận giải quyết chuyến bay.

Tại các địa phương như Hà Nội, Quảng Nam..., một số lãnh đạo có thẩm quyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp khi phê duyệt chủ trương cách ly công dân về nước... Như vậy, với quy trình 5 bộ tham gia, những tưởng đông và nhiều như vậy là chặt chẽ thì rốt cuộc, doanh nghiệp nào làm đúng quy định, không có tiền “bôi trơn” thì mãi nằm vòng ngoài “chờ sung rụng”. Tương tự, công dân nào muốn có vé “bay giải cứu” mà không nộp tiền “chung chi” thì cũng “đợi mùa quýt sang năm”!

Thứ hai, hành vi phạm tội thể hiện sự câu kết chặt chẽ, nhiều tầng nấc và nhận tiền nhiều lần, số lượng lớn. Khi kết luận điều tra được công bố, nhiều người ngỡ ngàng với số tiền khủng mà một người với chỉ vai trò Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế lại có thể “ẵm” dễ dàng như vậy. Phạm Trung Kiên, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tiếp xúc, yêu cầu các cá nhân có liên quan “bôi trơn” với tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng. Kiên trở thành bị can nhận hối lộ lớn nhất trong vụ án. Tương tự, nhiều cá nhân có thẩm quyền thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ. Với chức vụ là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách Cục Lãnh sự, ông Tô Anh Dũng có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự. Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối để ông Dũng giải quyết các thủ tục liên quan. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, bị can Tô Anh Dũng đã nhận “bôi trơn” 21,5 tỷ đồng. Với chức vụ là Phó Cục trưởng phụ trách, quyền Cục trưởng và sau đó là Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Thị Hương Lan có trách nhiệm quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc tại Cục Lãnh sự. Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, nhiều đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đưa tiền để bà Lan giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay. Bà Lan đã nhận “bôi trơn” hơn 25 tỷ đồng.

Hay, với vai trò trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực, Nguyễn Quang Linh có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, trình Phó Thủ tướng Thường trực phê duyệt chuyến bay giải cứu. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra xác định, Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ gần 4,3 tỷ đồng của 2 đại điện doanh nghiệp. Sự câu kết trục lợi không chỉ diễn ra ở trong nước mà cả ở nước ngoài, liên quan nhiều cán bộ đại sứ quán. Ngay tại địa phương khi “bay giải cứu” về nước, việc thực hiện cách ly cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng vòi vĩnh, nhận hối lộ. Trong quá trình duyệt, ký chấp thuận cho một số công ty đưa công dân về cách lỵ tại địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã nhận hối lộ 5 tỷ đồng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận hối lộ hơn 2 tỉ đồng. Khi vụ án bị phanh phui, một người dù không có chức năng, nhiệm vụ trong việc điều tra, xử lý vụ án nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng “vào cuộc” và nhận tiền, hứa giúp “chạy án” cho 2 bị can.

Cơ quan An ninh điều tra xác định, tổng số tiền môi giới hối lộ ông Tuấn đã nhận là hơn 2,6 triệu USD (tương đương 61,6 tỉ đồng), trong đó, sau khi trừ đi số tiền 800.000 USD đã đưa hối lộ, ông phải chịu trách nhiệm việc “ỉm” số tiền 42,8 tỉ đồng.

Thứ ba, tính chất nghiêm trọng của vụ án không chỉ bởi số tiền khủng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước. Khi cơn bão chết chóc COVID-19 hoành hành, việc cứu tính mạng, sự sống của người dân là yêu cầu cao nhất và các chủ trương giải cứu, đưa công dân về nước đều nhằm thực hiện ý nghĩa nhân văn, cao cả đó. Bằng các biện pháp đưa công dân về nước tránh dịch là nhiệm vụ Nhà nước giao cho các bộ chức trách và địa phương, đó là nhiệm vụ, là yêu cầu cấp bách.

Thế nhưng, khi thực hiện, doanh nghiệp và người dân không chi tiền “bôi trơn” thì không thể “bay giải cứu”. Cùng với vụ Việt Á, vụ đưa, nhận hối lộ “bay giải cứu” ngoài gây thiệt hại vật chất hàng nghìn tỷ đồng, buộc doanh nghiệp và người dân phải chung chi vất vả thì hành vi xâm hại tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước, thiệt hại này là không thể đong đếm.

Thứ tư, vụ án cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm lớn của Bộ Công an với quan điểm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, xử nghiêm minh để lập lại trật tự, kỷ cương phép nước.

Khám phá, điều tra các vụ án đưa và nhận hối lộ vốn khó khăn, phức tạp thì trong vụ án này càng khó, phức tạp gấp bội khi “nhóm lợi ích” câu kết, móc nối ở nhiều bộ, ngành, địa phương, cả phạm vi trong và ngoài nước, liên quan nhiều cán bộ lãnh đạo; việc đưa và nhận hối lộ số tiền lớn, nhiều lần, kéo dài trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh. Những yếu tố đó cho thấy sức ép khi khám phá, điều tra là không hề nhỏ. Ngay việc xuất hiện người “không liên quan” nhưng cầm tới 2,6 triệu USD cho thấy các đối tượng sẵn sàng bằng các cách để gây sức ép, can thiệp, “chạy án”.

Nhưng, vượt lên tất cả, vượt lên mọi sức ép, mọi cám dỗ, Cơ quan An ninh điều tra dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an đã điều tra, làm rõ vụ việc, đưa ra ánh sáng một trong những vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình của lịch sử tố tụng nước ta.

Đăng Trường
.
.
.