Cảm nhận 30/4

Thứ Năm, 25/04/2024, 09:15

Hằng năm, cứ đến dịp 30/4, cả nước hân hoan mừng ngày chiến thắng. Mỗi thế hệ có một cách cảm nhận riêng về sự kiện đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Với tôi, cũng có cảm nhận riêng về ngày 30/4 trong ngót nửa thế kỷ qua...

1. 30/4/1975, tôi tròn 5 tuổi. Lúc đó, tôi và chúng bạn cùng trang lứa chưa nhận biết được hết mọi điều. Chúng tôi chẳng biết ngày 30/4 năm đó có ý nghĩa như thế nào, chỉ thấy người lớn vui mừng. Các bà, các cô, các chị ăn mặc đẹp hơn, rủ nhau đi mít tinh gì đó. Phố núi bé nhỏ, nhưng đâu đâu cũng rộn ràng, đỏ ngập cờ hoa. Còn mẹ tôi, dù vui, nhưng chỉ thấy bà im lặng. Chiều chiều, bà thường ra phía hiên nhà, ngóng mong điều gì đó...

Hóa ra, mẹ tôi ngóng chờ người con cả trở về sau ngày chiến thắng...

Sau này, cứ mỗi dịp đến ngày 30/4, mẹ tôi lại kể về những ngày xưa đó. Ngày ấy, anh cả tôi chưa tròn tuổi 18, đang học dở cấp 3, anh cùng mấy người bạn học rủ nhau trốn nhà đi bộ đội. Các anh vào đơn vị đặc công. Sau mấy tháng huấn luyện, họ lên tàu ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) Nam tiến. Gia đình cứ nhận thưa dần tin tức của anh cả. Những bà mẹ đêm ngày ngóng trông, hy vọng... Và, trong số bạn bè của anh cả, có người đã không bao giờ trở về.

Cảm nhận 30/4 -0
Thành phố Hồ Chí Minh sau 49 năm đất nước thống nhất.

Thế rồi, anh cả của tôi may mắn lành lặn trở về sau ngày đất nước thống nhất. Đêm ấy, nghe tiếng gõ cửa, linh tính mách bảo mẹ (hình như đêm nào mẹ cũng chờ...). Bà vùng dậy, bật tiếng, gọi đúng tên anh. Rồi bà dậy thắp đèn, lật đật ra mở cửa. Mấy anh em chúng tôi cũng thức giấc. Chúng tôi nép mình bên cột nhà, tò mò nhìn anh cả trong bộ quân phục. Lúc này mới thấy mẹ tôi thật sự vui. Sáng hôm sau, bà dậy thật sớm thổi cơm, rồi đi khắp xóm loan báo rằng con trai bà đã lành lặn trở về. Mấy cô, bác hàng xóm vội chạy sang chơi. Ai cũng vui mừng, hỏi han anh đủ thứ chuyện…

2. 30/4 của 10 năm sau. Chúng tôi học nốt những năm cuối cấp 3 rồi vào đại học...

Đất nước sau 10 năm thống nhất vẫn còn bộn bề gian khó của thời hậu chiến. Cả nước lại phải "chiến đấu" với “giặc nghèo đói” của nền kinh tế tự cung, tự cấp, cơ chế quan liêu, bao cấp. Những đảng viên kiên trung như bố tôi và anh cả, lại một lần nữa được tôi luyện ý chí... Anh cả của tôi sau khi phục viên, được ưu tiên cử đi học trung cấp và được phân công công tác ở một trường nghề của tỉnh. Anh vẫn thường kể lại, thời điểm đó, cả xã hội “chiến đấu” với “giặc nghèo đói” còn cam go hơn giặc ngoại xâm...

Sinh viên chúng tôi thời điểm đó cũng được nếm trải đủ thứ khó khăn. Từ quê ra thành phố để học đại học với cảnh đường sá ổ voi, ổ trâu chi chít. Bến xe, bến tàu chen chúc vì ít chuyến đi. Bữa cơm tập thể của lứa sinh viên chúng tôi chỉ có gạo kho ẩm mốc với “canh toàn quốc, nước chấm đại dương”. Có tháng, chúng tôi chỉ được ăn hạt bo bo... Có trường đại học trụ mãi, cuối cùng trong kho cũng hết sạch lương thực, đành cho sinh viên “tùy nghi di tản”... Công cuộc Đổi mới của Đảng ta như một luồng sinh khí mới, tạo động lực đưa đất nước thoát khỏi những gian khó, hội nhập và phát triển. Lứa sinh viên chúng tôi tốt nghiệp đại học, không còn được đặc ân “bao cấp” việc làm như trước đó (được phân công công tác). Tôi vào làm việc ở một báo Đảng địa phương. Rồi được đi học cao hơn và được nhà trường giữ lại làm giảng viên đại học.

3. Dịp 30/4 của 20 năm sau (1995), lần đầu tiên tôi được đi tàu Thống Nhất dọc chiều dài đất nước. Tàu đi từ ga Hà Nội, vô Huế, Đà Nẵng, rồi qua các tỉnh Nam Trung bộ và đến ga Sài Gòn. Cũng từ nhà ga này, cách đó gần 30 năm, anh cả của tôi và đồng đội từng lên tàu, hành quân dọc Bắc - Trung - Nam đi đánh giặc. 20 năm sau ngày giải phóng, đi tàu qua các tỉnh miền Trung, miền Nam giữa không khí của những ngày chiến thắng, cảm giác cứ lâng lâng.

Tàu dừng ở ga Huế, Đà Nẵng, đúng ngày những thành phố này được giải phóng. Tiếng loa phóng thanh ở các nhà ga vang lên khúc khải hoàn ca cùng với cơ hoa, băng rôn nhộn nhịp tưng bừng. Đến ga Sài Gòn cũng thấy rực rỡ cờ hoa. Thành phố chuẩn bị cho mít tinh kỷ niệm 20 năm giải phóng.

20 năm sau ngày đất nước thống nhất, các tỉnh miền Trung, miền Nam vẫn chậm phát triển. Thực ra, lúc này cả nước mới đang trong thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới, vẫn còn muôn vàn khó khăn, bị bao vây, cấm vận.

Đường sá hồi đó vẫn chỉ là mấy quốc lộ cũ, xuống cấp. Cầu cống cũng vậy. Giao thông đi lại Bắc - Trung - Nam chính yếu vẫn là đường sắt, với những đoàn tàu Thống Nhất cũ kỹ, chạy chậm chạp 52 hoặc 48 tiếng đồng hồ từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn. Một tuần cũng chỉ có vài chuyến tàu khách Thống Nhất Bắc - Nam rời ga. Ngành hàng không Việt Nam ở thời điểm đó mặc dù đã vào tuổi 40, nhưng sân bay còn chưa nhiều, chưa được nâng cấp, mở rộng; tuyến bay, chuyến bay thưa thớt.

Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó phố xá cũng chưa được cải thiện, đầu tư mấy. Hầu như chưa có cao ốc, ngoài mấy tòa cao tầng từ thời chế độ cũ để lại. Đường phố xuống cấp. Hầu hết người dân đi lại bằng xe đạp, xích lô, xe đò, xe lambro... Nhiều xóm lao động nghèo dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn nhếch nhác, hôi hám. Các huyện ngoại thành vẫn rậm rạp, hoang hóa...

Tôi may mắn được chứng kiến Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh vào đúng ngày 30/4 sau 20 năm giải phóng. Thành phố đỏ rực cờ hoa với dòng người đông nghẹt diễu hành. Những công dân sống trong chiến tranh, của thời chế độ cũ, giờ đây đã trở thành công dân của thành phố mới. Tôi có nhiều học trò báo chí ở các tỉnh phía Nam thời điểm đó. Phần lớn họ đều là con em gia đình lao động nghèo nhưng có chí học hành. Có em, thời chiến gia đình ly tán, nửa làm việc cho chính quyền chế độ cũ, nửa đi theo kháng chiến. Đất nước thống nhất, gia đình được đoàn tụ, nhưng vẫn tự ti khi kê khai lý lịch học tập, làm việc... Sau này, nhiều người đã thành đạt, có tên tuổi trong “làng” báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều em trở thành lãnh đạo các cơ quan báo, đài ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương miền Trung, miền Nam.

4. Năm 2005, đúng dịp 30/4 của 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi lại có dịp vào Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh công tác. Chỉ khác 10 năm trước, thay vì đi bằng tàu hỏa, tôi chọn tàu bay.

Ngành đường sắt đã cải thiện, nâng cấp đường ray, đầu máy, toa xe, đặc biệt là rút ngắn giờ chạy tàu từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh xuống còn 32 giờ. Tôi bỗng ngại đi tàu, vì ngán cảnh ngồi tàu mấy chục tiếng, có khi đi về cả tháng sau vẫn chưa hết cái cảm giác bồng bềnh, khục khặc tiếng tàu trong tâm trí.

Ngành hàng không lúc này phát triển mạnh. Cảng hàng không T1, T2 Nội Bài được mở rộng, đón, đưa cả trăm chuyến bay quốc tế, trong nước mỗi ngày.

Lúc này, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác ở phía Nam đã bỏ hẳn xe xích lô. Tỉ lệ xe đạp còn rất ít. Xe máy bùng nổ. Đường phố thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông ở những "nút thắt cổ chai". Ngã tư Hàng Xanh hồi thành phố 20 năm tuổi, người qua lại thưa thớt, chủ yếu đi bằng xe đạp, thì lúc này cứ giờ cao điểm là kẹt xe... Ngay cái xa lộ Hà Nội nối nội đô thành phố đi Biên Hòa (Đồng Nai), Vũng Tàu hồi 20 năm giải phóng, cảm giác nó rộng mênh mông, thi thoảng mới có vài chiếc xe khách, xe tải chạy. 30 năm sau, cứ giờ thông tuyến, xe container và các phương tiện cá nhân khác chạy vun vút đến chóng mặt.

Cảm nhận 30/4 -0
Một góc thành phố Đà Nẵng hôm nay.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh từ phía bờ Nam sông Bến Hải trở vào, sau 30 năm giải phóng đã hồi sinh nhanh chóng, phát triển nhanh. Đà Nẵng trở thành "thành phố đáng sống" với những cây cầu bắc qua sông Hàn tuyệt đẹp. Bên sông Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), nhiều khách sạn sang trọng, tòa cao ốc mọc lên cao vút trời xanh. Thành phố trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế

5.40 năm sau ngày 30/4/1975, tôi lại may mắn được đi dọc chiều dài đất nước. Thế hệ anh cả của tôi đã sang bóng xế chiều. Họ không may mắn như tôi luôn được đi dọc chiều dài của đất nước để chứng kiến sự đổi thay, phát triển.

30/4 của 40 năm sau ngày giải phóng (2015), những miền đất, những tỉnh, thành dọc Bắc Trung bộ, miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông, Tây Nam bộ phát triển đến ngỡ ngàng. Thành phố Đà Nẵng 40 năm sau ngày giải phóng đẹp lung linh bên bờ sông Hàn, trở thành điểm đến của du khách và là nơi được chọn tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế... Tôi có nhiều người bạn quê ở miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Họ đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, bởi nơi đây thật đúng với cái tên ví von "thành phố đáng sống".

Thành phố Hồ Chí Minh của 40 năm sau ngày toàn thắng, sầm uất, nhộn nhịp. Sau 40 năm phát triển không còn sự phân biệt vùng miền. Văn hóa Bắc - Trung - Nam hòa quyện trong ẩm thực, phong cách sống, giọng nói. Nhiều người miền Bắc, miền Trung vốn cần kiệm, Nhiều học trò nghèo của tôi ở các tỉnh phía Nam, cách đây 30 năm, bây giờ họ đã trở thành những nhà báo giỏi ở nơi "đất báo" Sài thành. Nhiều kiều bào ở nước ngoài sau đợt di tản 1975 và ra nước ngoài định cư theo diện HO đã chọn Việt Nam, chọn thành phố Hồ Chí Minh để hồi hương, được sống nốt phần đời tốt đẹp trên đất mẹ.

30/4 sang năm, đất nước tròn 50 năm Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà. Thế hệ những người như bố, mẹ của tôi nay đều tuổi trên dưới 100. Người còn, người đã về với tiên tổ. Một thế hệ đã nén nước mắt, niềm đau vào trong, tiễn chồng, tiễn con ra trận để đất nước có ngày toàn thắng, hòa bình, thống nhất.

Thế hệ những người như anh cả của tôi bây giờ cũng đã xế chiều... 30/4 mỗi năm là dịp để anh và những người bạn cựu chiến binh ngồi lại với nhau, nhắc nhớ lại những kỷ niệm gian khó, hy sinh trong chiến trường miền Trung, miền Nam mưa bom, bão đạn năm nào... Những ngày 30/4 này, có nhiều cựu chiến binh đang thực hiện được ước mơ trở lại chiến trường xưa.

Sẽ còn mãi mãi ngày 30/4...

Hà Vũ

.
.
.