Bỏ tổng cục – phải kiên quyết
Nhiều tổng cục trực thuộc các bộ đang được nghiên cứu, triển khai bãi bỏ, chuyển thành cấp cục theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Điều đáng nói, trong khi nhiều bộ, ngành kiên quyết thực hiện thì có tổng cục vẫn “án binh bất động”, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sắp xếp, chuyển thành cấp cục. Điều này khiến sự “ngó nghiêng”, so sánh là không thể tránh khỏi bởi nơi quyết làm, nơi thì lại lấy vô vàn lý do để giữ lại tổng cục, trái với chủ trương nghị quyết mà Đảng đã đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 56/2022/NĐ[1]CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông - Vận tải. Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Bộ giảm từ 27 xuống còn 23 đầu mối trực thuộc bộ. Hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường; giải thể Vụ An toàn giao thông và chuyển nhiệm vụ an toàn giao thông liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng về Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; chuyển nhiệm vụ liên quan đến vận tải về Vụ Vận tải. Sáp nhập Vụ Đối tác công - tư (PPP) vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
Đặc biệt, theo Nghị định 56, sẽ bỏ Tổng cục Đường bộ, tách thành 2 cục là Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam. Thực tế, khi soạn thảo đề án, nhiều ý kiến cho rằng, khi bỏ tổng cục, chỉ cần một cục duy nhất là Cục Đường bộ chứ không phải “đẻ” thêm bên đường bộ cao tốc, bên đường bộ thường. Việc quản lý nhà nước đối với đường bộ là thống nhất, xuyên suốt, dù cao tốc hay thường thì cũng cần đảm bảo một đầu mối. Tuy nhiên, Nghị định đã “chốt” theo phương án chuyển thành hai cục, xóa cấp tổng cục.
Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ thống nhất về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ gồm tổng số 27 đầu mối, trong đó có 21 tổ chức hành chính, 6 đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với 4 tổng cục gồm: Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai thực hiện phương án sắp xếp lại theo hướng bỏ cấp tổng cục, chuyển thành các cục. Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức lại thành 2 cục gồm: Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm; Tổng cục Thủy sản thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư; Tổng cục Thủy lợi thành Cục Thủy lợi; Tổng cục Phòng, chống thiên tai thành Cục Phòng, chống thiên tai. Hợp nhất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Cục Quản lý chất lượng, chế biến và thị trường nông sản.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH[1]TT&DL) cũng đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ. Theo đó, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) và Tổng cục Du lịch sẽ chuyển xuống thành cấp cục.
Việc bỏ cấp tổng cục - khâu trung gian luôn là vấn đề khó trong bất kỳ bộ máy tổ chức nào. Xưa nay, ai cũng thích nâng lên chứ đâu muốn hạ xuống, chẳng giải thích nhiều thì người ta đều hiểu vị trí, quyền lợi tổng cục trưởng khác hẳn với cục trưởng. Thế nên, bao nhiêu cuộc hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến, chẳng có tổng cục nào tự mình đề xuất hạ xuống thành cục mà ngược lại, các ý kiến của người trong cuộc đều đưa ra rất nhiều lý do để “xin” được giữ lại như cũ. Với lý do phổ biến nhất là việc nhiều, nặng nề, tình hình phức tạp, địa bàn, đối tượng quản lý rộng, rồi thì tính chất đặc thù, đặc biệt... Theo các cách tiếp cận như vậy, nếu ghi biên bản các cuộc họp ở các tổng cục, rõ ràng thật khó để xóa bỏ.
Trong cuộc sắp xếp này, cũng có những ngành, tổng cục “truân chuyên” qua nhiều thời kỳ. Như Tổng cục Du lịch, ngày trước thảo luận trước Quốc hội còn có ý kiến đề nghị nâng và tách hẳn thành Bộ Du lịch, dưới là các sở du lịch. Lý do đưa ra là ngành “công nghiệp không khói” đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, là ngành đưa lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Hay Tổng cục TDTT cũng vậy, lịch sử hình thành, phát triển qua bao biến động. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Tổng cục TDTT từ cơ quan quản lý nhà nước trên miền Bắc trở thành cơ quan lãnh đạo TDTT trên toàn quốc.
Từ tháng 3-1990 đến tháng 10-1992, Cục TDTT lại đưa về là một trong các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Tổng cục TDTT được thành lập lại trong giai đoạn từ tháng 10-1992 đến tháng 9-1997. Trong giai đoạn từ tháng 9- 1997 đến tháng 8-2007, Tổng cục TDTT đã chuyển thành Ủy ban TDTT (cơ quan ngang bộ). Từ tháng 8-2007, Ủy ban TDTT được sáp nhập vào bộ và sau đó thành Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ VH[1]TT&DL từ tháng 3-2008 đến nay. Và nay, Tổng cục TDTT đang được nghiên cứu để chuyển thành cấp cục.
Khi thảo luận, sự nuối tiếc quá khứ (cấp ủy ban, cơ quan ngang bộ) là tâm trạng khó tránh khỏi. Trong các văn bản kiến nghị gửi Bộ VH-TT&DL từ năm 2019 đến nay, Tổng cục TDTT từng nhiều lần khẳng định việc duy trì mô hình tổng cục như hiện nay là phù hợp với sự phát triển của thể thao Việt Nam, hội nhập quốc tế. Họ cho rằng, nếu vị trí pháp lý của Tổng cục TDTT ở cấp độ thấp hơn sẽ không phát huy được thế mạnh này, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động TDTT ngày càng đa dạng, đòi hỏi cần tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới phương thức hoạt động...
Như vậy, việc bỏ tổng cục, sắp xếp lại thành các cục chức năng, nếu xét quan điểm, ý kiến của người trong ngành thì hầu như đều muốn giữ lại. Đó là tâm lý dễ hiểu, dễ chia sẻ. Chẳng ai muốn dời từ biệt thự sang nhà liền kề, từ liền kề thành nhà trong ngõ! Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy hành chính là phải trên cách nhìn toàn cục, vì lợi ích quốc gia, xã hội. Một bộ máy nhà nước phát triển thì không thể cồng kềnh như cỗ xe, cứ xe này kéo xe khác. Bộ máy cồng kềnh thì chỉ những người ngồi trên cỗ máy đó hưởng lợi vì dù nhanh hay chậm, họ cũng được kéo đi còn cái hại là làm chậm và nghẽn cả lộ trình, khiến những người đóng thuế nuôi cỗ xe càng thêm vất vả. Chưa kể, khi những người ngồi trên cỗ xe cồng kềnh ấy, vì quá đông, quá nhiều tầng nấc nên rất dễ việc họ lợi dụng các vị trí để “tháo vít, hút dầu” trục lợi cá nhân, làm tình trạng tham nhũng, quan liêu càng thêm trầm trọng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã chỉ rõ: Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định... Do đó, việc bãi bỏ, sắp xếp lại các tổng cục ở các bộ là yêu cầu tất yếu, khách quan.
Điểm nữa, việc sắp xếp phải đồng bộ. Điều ngạc nhiên là cho đến nay, trong khi các bộ đang rốt ráo thực hiện việc bỏ tổng cục thì có một tổng cục lại “đẻ” ra đúng trong giai đoạn cả hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII. Đó là Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT). Trước đây, QLTT là cấp cục, ở các tỉnh là chi cục. Thế nhưng, năm 2018, Cục QLTT bất ngờ được nâng lên thành tổng cục.
Theo đó, trong Tổng cục QLTT có các vụ, cục và các cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cục QLTT liên tỉnh, thành phố. Việc “đẻ” thêm các cục trong Tổng cục QLTT cho thấy sự rối rắm, phức tạp, cồng kềnh, trái với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII. Khi thành lập cấp tổng cục, lý do được đưa ra rất nhiều, trong đó có việc QLTT địa bàn rộng, dân số đông, tình hình phức tạp, đặc thù... Nhìn chung, các lý do đó cũng không khác gì với các tổng cục khác khi muốn giữ lại như Tổng cục Du lịch, Tổng cục TDTT.
Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc phải làm kiên quyết, triệt để. Đã xác định phải bỏ mô hình cấp tổng cục, xóa trung gian ở các bộ thì không được hình thành ngoại lệ, với bất cứ lý do nào.
Nói về khó khăn, ở bộ, ngành nào cũng gặp khó. Vấn đề là cần người “cầm cân” đủ tầm, bản lĩnh để thực hiện. Cần thấy rằng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII đã ban hành lâu và nhiều bộ đã tiên phong thực hiện nghị quyết đó một cách quyết liệt, hiệu quả, điển hình là Bộ Công an.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII ra đời chưa được 1 năm, Bộ Công an đã nhanh chóng thực hiện bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục, sáp nhập 20 sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào công an tỉnh, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Cần thấy rằng, nói về truyền thống, về đặc thù, đặc biệt thì các tổng cục thuộc Bộ Công an đều đặc thù, đặc biệt. Nhưng, vì mục tiêu cải cách hành chính, theo đúng chủ trương của Đảng nên việc sắp xếp, bỏ tổng cục được Bộ Công an thực hiện quyết liệt, khẩn trương.
Đánh giá về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng bộ Công an Trung ương là một trongnhững đảng bộ gương mẫu, đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, sớm nghiên cứu, xây dựng, thực hiện Đề án 106 một cách bài bản, khoa học, khách quan, bước đầu đạt được những kết quả cụ thể, rất quan trọng.