Bầu cử tổng thống Mỹ: Quanh những cuộc khẩu chiến cuối cùng

Chủ Nhật, 13/10/2024, 21:44

"Nếu tôi là người lãnh đạo, ngày 7/10/2023 sẽ không bao giờ xảy ra (cuộc chiến Hamas - Israel), cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra, cuộc rút quân thảm hại khỏi Afghanistan sẽ không xảy ra và lạm phát sẽ không xảy ra. Nếu tôi thắng, chúng ta sẽ có hòa bình trên thế giới một lần nữa. Nếu bà Kamala có thêm 4 năm, thế giới sẽ chìm trong khói lửa", cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như thế, ngay sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa tấn công Israel, theo Reuters.

Cùng ngày 1/10 ấy, hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ - JD Vance của đảng Cộng hòa và Tim Walz của đảng Dân chủ - đối diện nhau trên Kênh truyền hình CBS, trong một cuộc tranh luận trực tiếp hiếm hoi, nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận đến vậy.

Phó tướng lên đài

Hiếm khi các cuộc tranh luận của những ứng viên phó tổng thống có thể thay đổi cục diện cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, lần này hoàn toàn có thể là một ngoại lệ, bởi lần "đấu khẩu" này giữa ông Tim Walz và ông JD Vance cũng có khả năng trở thành cuộc tranh luận cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2024, do ông Donald Trump từ chối tiến hành cuộc tranh luận thứ hai với bà Kamala Harris.

Bầu cử tổng thống Mỹ  Quanh những cuộc  khẩu chiến cuối cùng  -0
Hiếm có cuộc tranh luận trực tiếp nào của các ứng viên Phó Tổng thống Mỹ lại thu hút nhiều sự chú ý đến vậy.

Vì thế, cuộc đối đầu Tim Walz - JD Vance lại có thể mang nhiều ý nghĩa hơn, trong bối cảnh so kè sít sao giữa hai đảng như hiện tại. Theo giới quan sát, đây là cơ hội để hai "phó tướng" giới thiệu bản thân, bảo đảm sự hậu thuẫn cho hai ứng cử viên chính, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ truyền thống của một ứng cử viên đồng hành là tấn công đối thủ. Cả hai ông sẽ cùng nỗ lực làm bệ đỡ cho ứng cử viên chính, nhằm nhấn mạnh: Liên danh tranh cử của mình mới chính là lựa chọn hợp lý nhất dành cho các cử tri.

Các kết quả thăm dò dư luận của AP/NORC, The New York Times/Đại học Sienna được tiến hành ngay trước tranh luận cho thấy Thống đốc Walz được lòng cử tri hơn so với Thượng nghị sĩ Vance, với tỷ lệ tín nhiệm lần lượt là 40% và 25%. Đáng chú ý, ông Walz có uy tín cao hơn ông Vance đối với cả cử tri nữ và nam. Đây là tín hiệu tích cực đối với phe Dân chủ, vì trong hai ứng cử viên tổng thống, ông Trump được xem là có lợi thế hơn trong việc huy động lá phiếu từ cử tri nam nói chung.

Các nhà phân tích chờ đợi Thống đốc Walz sẽ tìm cách khắc sâu thêm hình ảnh "vụng về", "kỳ quặc" của Thượng nghị sĩ Vance trong mắt các cử tri trẻ tuổi, đồng thời tập trung khai thác những phát ngôn "bài Trump" của ông Vance trong quá khứ để làm nổi bật mâu thuẫn trong nội bộ phe Cộng hòa. Ở chiều ngược lại, ông Vance công kích lập trường chính sách "cực tả" của cá nhân ông Walz và liên danh Harris-Walz nói chung.

Cả hai người đều từ vùng Trung Tây và đều có xu hướng dân túy về kinh tế, với nhiệm vụ cố gắng thuyết phục những cử tri chưa quyết định trong cuộc đua gay cấn này. Tuy vậy, quan điểm của họ lại vô cùng khác biệt. 

Tại Minnesota, việc ông Walz ủng hộ tăng chi tiêu, quy định chặt chẽ hơn và tăng thuế đối với người giàu cũng như các công ty đã giúp ông nhận được lời khen ngợi từ các nghiệp đoàn và các nhóm cấp tiến khác, những người cho rằng các chính sách của ông khiến Minnesota trở thành nơi tốt hơn để sống và làm việc. Trong khi đó, đảng Cộng hòa và các nhóm doanh nghiệp cho rằng những kế hoạch ấy cản trở tăng trưởng kinh tế. Ông Walz cũng ủng hộ giải quyết cho một số người nhập cư không có giấy tờ trở thành công dân Mỹ và đã ký một số dự luật bảo vệ quyền sinh sản.

Về phía mình, ông Vance đang ủng hộ một loạt đề xuất thuế của cựu Tổng thống Donald Trump. Để chi trả cho các đề xuất này, ông Trump đã cam kết áp dụng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu và thậm chí đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Ông Vance cũng ủng hộ các biện pháp nhập cư cứng rắn của ông Trump, chẳng hạn như tuyên bố sẽ trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp. Ông còn mô tả những người ủng hộ quyền phá thai là "bệnh hoạn".

Như CBS News cho biết trước khi sự kiện - được truyền hình trực tiếp trên "khung giờ vàng" của CNN, CNBC, NBC News và nhiều kênh truyền thông khác - diễn ra, họ "có quyền" tắt micro của ứng cử viên và sẽ không có khán giả trong trường quay, tương tự như cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống. Cuộc tranh luận được điều hành bởi người dẫn chương trình "CBS Evening News" Norah O'Donnell, cùng người dẫn chương trình "Face the Nation" Margaret Brennan.

Sau cái bắt tay xã giao, cuộc "khẩu chiến" ấy đã lập tức bắt đầu, trong "sặc mùi khói súng", nhưng vẫn được đánh giá là giữ được sự ôn hòa và có kết quả khá tích cực.

Bầu cử tổng thống Mỹ  Quanh những cuộc  khẩu chiến cuối cùng  -0
Cuối cùng, đây vẫn là một cuộc "khẩu chiến" hòa nhã và lịch thiệp giữa hai "phó tướng".

Mọi con đường đều dẫn đến... Tehran

Đúng như dự đoán, hai ông đã tranh luận gay gắt về các vấn đề mà họ quan tâm nhất: Kinh tế, người nhập cư và quyền nạo phá thai. Theo bình luận từ một số chuyên gia, hai ứng cử viên phó tổng thống thậm chí còn "đào bới" sâu hơn vào các chi tiết của chính sách, so với các ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Kamala Harris đã làm trong cuộc tranh luận hồi tháng 9. Dù vậy, điều này cũng dẫn tới một hệ quả thú vị: Họ tập trung công kích "chủ tướng" của bên kia thay vì công kích lẫn nhau và thể hiện năng lực bản thân.

Theo một khảo sát của CNN sau cuộc tranh luận, 51% người xem cho biết ông Vance đã làm tốt hơn và 49% còn lại nghiêng về ông Walz. Tuy nhiên, không có cử tri nào xem cuộc tranh luận là lý do để thay đổi lá phiếu của mình.

Ngay từ đầu, ông Walz đã chỉ trích ông Vance về vấn đề nhập cư - một trong những chủ đề quan trọng đối với cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới - vì đã lan truyền những câu chuyện sai sự thật về người di cư Haiti. Đáp lại, ông Vance nhấn mạnh: "Những người mà tôi lo lắng nhất ở Springfield, Ohio, là các công dân Mỹ đã bị chính sách biên giới của bà Kamala Harris hủy hoại cuộc sống".  "Bằng cách đứng về phía ông Donald Trump và không hợp tác để tìm ra giải pháp, vấn đề nhập cư trở thành một điểm nhấn tranh luận", ông Walz trả đòn. Nhưng, nhìn chung, cả hai ứng cử viên đều tỏ ra khá thận trọng, tránh "vạ miệng" vì khinh suất.

Về vấn đề quyền nạo phá thai, ông Vance cáo buộc đảng Dân chủ có lập trường ủng hộ phá thai cực đoan. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: "Tôi muốn đảng Cộng hòa thật sự ủng hộ các gia đình Mỹ. Tôi muốn chúng ta giúp đỡ để các bà mẹ cảm thấy việc có con trở nên dễ thở hơn. Có rất nhiều việc đảng Cộng hòa cần làm trên phương diện chính sách công để đem lại các sự lựa chọn đa dạng cho phụ nữ". Trong khi đó, ông Walz "phòng ngự và phản công" một cách đơn giản: "Chúng tôi ủng hộ phụ nữ. Chúng tôi ủng hộ quyền tự do lựa chọn của các bạn".

Về cuộc khủng hoảng giá nhà ở đang diễn ra, ông Vance cho rằng: "Rất nhiều người Mỹ đang cần nhà. Chúng ta nên trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp đang tranh giành những ngôi nhà đó và chúng ta nên xây dựng nhiều ngôi nhà hơn cho công dân Mỹ", nghĩa là kín đáo công kích chính sách hiện hành của đảng Dân chủ. Ngược lại, với ông Walz, các kế hoạch của bà Harris là nhằm giúp giá nhà ở hợp túi tiền hơn cho người Mỹ. Cụ thể, kế hoạch này gồm xây thêm 3 triệu nhà ở và ban hành cơ chế trả góp.

Về vấn đề bạo lực súng đạn, ông Vance đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden với chính sách "biên giới mở" đã tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng vũ khí nóng. Ông cũng tin rằng một phần lớn vấn đề bạo lực súng đạn ở Mỹ là do "cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần". Tuy nhiên, ông Walz phản bác ý kiến này và cho rằng vấn đề chính là cơ chế sở hữu súng đạn cần phải được siết chặt kiểm soát.

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ứng viên Dân chủ Walz đề cập lại kế hoạch chính sách của ứng viên tổng thống Kamala Harris rằng những người giàu có nhất "sẽ phải đóng góp công bằng". Ông chỉ trích chính sách của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump dành ưu đãi thuế cho giới giàu có. Ông cáo buộc ông Trump không đóng thuế liên bang suốt 15 năm qua và khẳng định: Bà Harris đã giải quyết hậu quả mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump để lại. Ở phía bên kia, ông Vance nói: "Khi mọi người nói rằng kế hoạch kinh tế của Donald Trump không có ý nghĩa gì, hãy nhìn vào thành tích mà ông ấy đã làm được".

Thật ra, mọi phát biểu của cả hai ứng viên đều đã được dự báo. Và, cuối cùng, điều thật sự thu hút chú ý lại là câu hỏi đầu tiên dành cho hai ứng viên, ngay từ đầu cuộc tranh luận, rằng họ sẽ ủng hộ hay phản đối một cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào Iran? Nó xuất phát từ một sự kiện nóng hổi vừa xảy ra trong thực tế và từ một thứ áp lực không nhỏ: Những lá phiếu của các cử tri gốc Phi hay Arab hoàn toàn đủ khả năng tác động đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.

Rõ ràng, cả hai "phó tướng" đều đã chuẩn bị tâm lý cho câu hỏi này, nhưng lại chưa đủ cơ sở để đưa ra những câu trả lời cụ thể. Với ông Vance, "Chúng ta nên ủng hộ các đồng minh của mình bất kể họ ở đâu khi họ chiến đấu với những kẻ xấu" và ông tin rằng ở cương vị tổng thống, ông Donald Trump "luôn khiến thế giới an toàn hơn". Ngược lại, ông Walz chỉ trích hồ sơ chính sách đối ngoại của ông Trump, đề cập đến việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Tuy nhiên, vào buổi sáng ngày 1/10 ấy, chính bà Kamala Harris cũng tuyên bố: "Cam kết của tôi đối với an ninh của Israel là không bao giờ lay chuyển. Và, hãy rõ ràng, Iran không chỉ là mối đe dọa đối với Israel, mà còn là mối đe dọa đối với các nhân viên Mỹ trong khu vực, các lợi ích của Mỹ và những người dân vô tội khắp khu vực... Chúng tôi sẽ không bao giờ do dự thực hiện bất cứ hành động nào cần thiết để bảo vệ lực lượng và lợi ích của Mỹ trước Iran".

Nghĩa là, về vấn đề Iran - Israel cũng như Trung Đông, có một sự thống nhất sâu thẳm và không thể khác, xoay quanh lợi ích, trong lập trường của cả hai phe Dân chủ lẫn Cộng hòa.

Mây Linh
.
.
.