Trong đôi mắt nhân dân

Thương đôi mắt dân

Thứ Tư, 26/04/2017, 16:12
...các quan phải biết sợ, phải biết thương cho đôi mắt nhân dân mà tránh làm gì khiến hình ảnh mình bị xấu xí đi!

Trong đôi mắt của nhân dân bao giờ đúng sai cũng minh bạch, rõ ràng. Đôi mắt công bằng, chưa bao giờ thiên kiến.

1. Nhiều bạn tôi trong giới nghệ sĩ đã đặt tiêu chí xây dựng và giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt công chúng một cách rất nghiêm túc, họ xem đó như đó là sự sống còn của bản thân với nghề vậy.

Tôi thân với anh ca sĩ - diễn viên Nguyễn Phi Hùng, và có lẽ anh là người giữ hình ảnh một cách nguyên tắc nhất nhì trong showbiz này. Trong mắt mọi người, anh là người hiền lành, tính tình ôn hòa, ăn nói hòa nhã, bề ngoài luôn tươm tất, chỉn chu. Điều này không chỉ là cách anh xây dựng hình ảnh mình trong mắt công chúng mà nó còn là bản chất con người anh. Và anh muốn giữ gìn hình ảnh này ngay cả trong vai diễn của mình.

Nhiều lần ngồi cà phê với anh, nghe đạo diễn gọi anh đóng phim mà anh từ chối, lý do: vai đó dữ quá, không phù hợp với hình ảnh em; em sợ đóng rồi bị khán giả hiểu lầm với nhân vật rồi bị ghét...

Rồi nhiều nhân vật nổi tiếng khác, họ giữ hình ảnh của mình trong từng chi tiết nhỏ. Từ trang phục, mọi cữ chỉ nơi công cộng và cả lời ăn tiếng nói hay từng câu chữ họ viết trên trang cá nhân,... 

Trong hoạt động nghề, họ cũng tránh làm những việc có thể sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, họ sẵn sàng từ chối tham gia những show dù nhiều tiền nhưng không phù hợp với hình ảnh mà họ xây dựng. Như có những người mẫu không bao giờ đi diễn bar, không bao giờ chụp hình đồ lót; những nữ diễn viên từ chối “cảnh nóng”...

Nghệ sĩ là người nổi tiếng, người của công chúng, ngoài danh tiếng, họ sống bằng tình thương, sự ái mộ của khán giả; ý thức điều đó nên chuyện giữ gìn hình ảnh của mình sao cho luôn đẹp trong lòng công chúng là chuyện hết sức cần thiết và phải có...

Mượn chuyện giữ gìn hình ảnh của nghệ sĩ để nói về câu chuyện hôm nay, câu chuyện về hình ảnh của cán bộ công chức. Cán bộ không phải “người nổi tiếng” theo kiểu người nghệ sĩ, song quan trọng hơn, họ là những người đại diện cho bộ máy chính quyền, cho lẽ phải, là bộ mặt đại diện cho nhà nước này, cho nên chuyện giữ gìn hình ảnh trong mắt nhân dân càng phải đặt lên hàng đầu. 

Hình ảnh một cán bộ được xây dựng và giữ gìn từ sự mẫn cán trong công việc chuyên môn cho đến đạo đức, lối sống chuẩn mực bên ngoài. Một cán bộ gương mẫu, tức là cán bộ đẹp trong mắt dân thì luôn được nhân dân tin tưởng, kính trọng.

Minh họa: Lê Phương.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường hay nghe các ban ngành bàn về chuyện “xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt nhân dân”. Cảnh sát giao thông thì phải nghiêm túc, phải đúng điều lệnh khi dừng xe vi phạm; thậm chí để xây dựng hình ảnh đẹp của cảnh sát giao thông trong mắt dân, những chiến sĩ bụng to cũng không được ra đường làm nhiệm vụ; cán bộ phường xã thì phải niềm nở, ân cần, lắng nghe khi tiếp dân... Tất cả để xây dựng một hình ảnh đẹp của người cán bộ trong mắt nhân dân, không chỉ qua hình thức mà còn qua hành động.

Thời xưa, người ta ví quan chức là cha mẹ của nhân dân bằng cách gọi “dân chi phụ mẫu”. Tức quan phải quan tâm, lo lắng, giúp đỡ nhân dân. Nói chung, quan phải là một tấm gương thật sự, gương hỏng, dân biết soi vào đâu! Tuy ngày nay không còn quan niệm phổ biến về cán bộ như thế, song, dẫu cán bộ là “công bộc của dân” thì họ cũng phải là một tấm gương sáng để từ đó, nhân dân thấy được những niềm tin.

2. Nhưng rất tiếc là thời gian gần đây, hình ảnh một số cán bộ công chức trong mắt nhân dân trở nên vô cùng thảm hại bởi những bê bối. Giữa tháng 4 vừa qua, hai “sếp” của Sở Tài nguyên môi trường Kon Tum choảng nhau tới tấp trên xe khi đi công tác về dẫn đến đổ máu mũi; chưa dừng lại ở đó, sau khi về nhà, một “sếp” còn kéo người lạ đến nhà “sếp” kia quậy phá, dọa chém giết. Lý do ở đây nghe rất buồn cười, xuất phát từ việc cãi nhau vì “cụng ly bia”.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà hai ông quan choảng nhau, những trường hợp tương tự choảng nhau trong quán karaoke hay quán cà phê... đã từng xảy ra làm đau lòng nhân dân!

Khi nào thì hai người ẩu đả nhau? Có thể do say rượu, có thể do va chạm giao thông trên đường,... dẫn đến cự cãi và choảng nhau. Song, đó là hành động thường thấy của những kẻ thất phu nát rượu. 

Còn trường hợp kể trên thì không phải, họ là những người ít nhiều uy tín trong ngành Tài nguyên môi trường Kon Tum, một người là Trưởng Phòng Tài nguyên nước, người kia là Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai. Cả hai cùng trong đoàn công tác của Sở Tài nguyên môi trường Kon Tum, họ vừa vui vẻ kết thúc chuyến công tác và trên đường về ghé giao lưu cùng đồng nghiệp tình Gia Lai.

Tuy đã có uống rượu bia, song chỉ vì chuyện cụng ly với ai mà họ đã quên đi thân phận mình để dùng nắm đấm giải quyết, sau đó lại còn kéo người lạ đến “nói chuyện”, hệt những gã trai mới lớn bốc đồng, nông nổi. 

Không biết dân Kon Tum và đặc biệt là những đồng nghiệp, cấp dưới sẽ nhìn hai “sếp” bằng cái nhìn thế nào và họ sẽ làm việc với hai sếp đó ra sao sau vụ việc? Nhưng có một điều chắc chắn là sự tôn nghiêm và hình ảnh của hai “sếp” này đã hoàn toàn đổ vỡ trong mắt họ!

Và gần đây, nhiều vụ việc khác khiến hình ảnh cán bộ trong mắt dân trở nên xấu xí. Đó là đội trưởng đội an ninh sân bay Đà Nẵng “quên” trả lại tiền cho khách để quên, một phó giám đốc sở ở Gia Lai bị vợ tố mang 4 tỷ mua nhà cho bồ nhí, rồi cả những vụ việc cán bộ địa phương có những sai phạm liên quan đến đất đai...

Vẫn biết, cán bộ cũng là con người, vẫn có hỉ nộ ái ố bi lạc dục, cũng phải lo toan “cơm áo gạo tiền”... Nhưng khi giữ vị trí cán bộ, hẳn là ai cũng hiểu rằng bản thân là phương diện nhà nước, là một phần của bộ mặt quốc gia nên lối sống và làm việc không chỉ cho riêng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả tập thể, xã hội. 

Ngày xưa có câu dành cho các quan là: “Quan trên trông xuống, người ta trông vào” để nhắc nhở về ý thức giữ gìn tôn nghiêm của các quan.

Thật vậy, tôn nghiêm bản thân quan mà mất đi thì vô cùng nguy hiểm, bởi nó không chỉ làm xấu bản thân, gia đình quan mà còn làm mất niềm tin của nhân dân về đội ngũ quan quyền. Và đó là con đường ngắn nhất hủy hoại niềm tin của nhân vào thể chế. Mà sự tồn vong của một thể chế, bao giờ cũng vậy, đều dựa vào niềm tin của nhân dân sống trong thể chế đó.

Vậy thì các quan phải biết sợ, phải biết thương cho đôi mắt nhân dân mà tránh làm gì khiến hình ảnh mình bị xấu xí đi!

Hoàng Lãm
.
.
.