Nhìn lại một mùa văn học:

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng Viện Văn học: Đã có những khởi sắc

Thứ Hai, 11/01/2010, 16:35
"Đúng là trong vài chục năm qua, chúng ta chưa có những đỉnh cao nghệ thuật như người đọc mong đợi. Nhưng nếu nhìn một cách khách quan hơn sẽ thấy văn học từ 1975 đến nay, nhất là văn học thời kỳ đổi mới đã có nhiều cách tân nghệ thuật đáng chú ý.", PGS - TS Nguyễn Đăng Điệp bày tỏ.

- Thưa PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học, ông đánh giá thế nào về tình hình văn học thời gian qua?

- Văn học Việt Nam đương đại là một bức tranh phong phú, nhiều màu sắc. Vì thế, để đánh giá nó một cách thật chính xác không phải là chuyện dễ dàng. Tôi nghĩ, những khó khăn ấy xuất phát từ ba lý do cơ bản: một, chúng ta chưa có độ lùi cần thiết để kiểm chứng giá trị đích thực của tác phẩm; hai, chưa có những điều tra xã hội học sâu rộng để đánh giá khách quan; ba, trình độ và thị hiếu của người đọc hiện nay rất khác nhau... Người bi quan thì bảo văn học thời gian qua chưa có gì mới. Người lạc quan thì khẳng định văn học Việt Nam đang có những khởi sắc đáng mừng.

Tuy nhiên, như nhiều người nhận thấy, đúng là trong vài chục năm qua, chúng ta chưa có những đỉnh cao nghệ thuật như người đọc mong đợi. Nhưng nếu nhìn một cách khách quan hơn sẽ thấy văn học từ 1975 đến nay, nhất là văn học thời kỳ đổi mới đã có nhiều cách tân nghệ thuật đáng chú ý. Tôi cam đoan là nếu bây giờ một nhà văn nào đó viết như văn học thời kỳ trước 1975 thì anh ta sẽ khó mà đánh thức được hứng thú của người đọc. Đơn giản, không gian văn hóa giờ đây đã khác trước. Vả lại, không ai tắm hai lần trên một dòng sông bao giờ.

- Ông có thể nói rõ hơn về những cách tân nghệ thuật trong văn học đương đại?

- Tôi nghĩ có nhiều điều để nói về sự đổi mới trong văn học. Nhưng về cơ bản có ba vấn đề chính như sau: Thứ nhất, đó là sự thay đổi về tư duy nghệ thuật và ý thức cầm bút của nghệ sĩ. Tư tưởng đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI khởi xướng và tinh thần dân chủ của thời đại ngày nay cho phép nhà văn có quyền tiếp cận và tái hiện đời sống trong tính đa dạng và sinh động của nó. Không còn chuyện phân biệt đề tài ưu tiên và đề tài không ưu tiên, đề tài chính và đề tài phụ. Nhà văn có thể miêu tả cả những mặt trái của đời sống, những mặt khuất kín của con người vì "tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi" (Marx).

Thứ hai, tư duy đối thoại đã thấm sâu vào đời sống văn học. Nhà văn không phải là người răn dạy, giáo huấn về đạo đức mà anh ta thực hiện cuộc đối thoại với người đọc thông qua các văn bản nghệ thuật của mình. Đó phải là những văn bản nghệ thuật đa nghĩa, giàu sức gợi và giàu tính nhân văn.

Thứ ba, chưa bao giờ văn học Việt Nam lại phong phú như thế về cách thức biểu hiện và giọng điệu nghệ thuật. Hiện nay chủ yếu có hai hướng đổi mới: đổi mới trên nền truyền thống và đổi mới theo kiểu hiện đại phương Tây. Cả hai hướng đều được chấp nhận, miễn sao tác phẩm của nhà văn phải hay, phải được người đọc chú ý. Tiếc rằng, tác phẩm hay trong văn học ta chưa nhiều nếu không muốn nói là hơi... bị ít. Người đọc vẫn mong mỏi được đọc những tác phẩm như “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Thân phận của tình yêu”, “Bến không chồng”, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp... dù sự đánh giá của họ về các tác phẩm này có thể còn khác nhau.

- Hằng năm Hội Nhà văn vẫn có những tổng kết, đánh giá, trao giải thưởng cho các tác phẩm tiêu biểu. Theo ông, liệu các tác phẩm đoạt giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn đã tiêu biểu cho văn học Việt Nam đương đại?

- Vấn đề này có lẽ chị nên hỏi chính Hội Nhà văn thì đúng hơn. Nhưng tôi nghĩ, cũng có những tác phẩm đã được chọn khá chính xác (tất nhiên là trong mặt bằng năm ấy). Tuy nhiên, giống như nhiều người, tôi thích nhất là Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991.

- Trong mấy năm gần đây xuất hiện một số giải thưởng tư nhân, thu hút khá nhiều cây viết tham gia, ông nghĩ sao về các giải thưởng này?

- Sự có mặt của các giải thưởng văn học tư nhân là một điều đáng mừng, ít nhất, nó cho thấy người ta có quyền đánh giá văn học từ nhiều góc độ khác nhau. Đó cũng là một bằng chứng về sự đa dạng của văn học hiện nay, nó góp phần kích thích sự phát triển của văn học, làm cho văn học có nhiều đất diễn hơn, nhất là trong thời đại văn hóa đọc đang bị thu hẹp trước sự lấn át của các phương tiện thông tin đại chúng.

- Dường như thời gian qua, có quá nhiều nhà văn chạy theo những đề tài "hot" như sex, đồng tính hay phơi trải những chuyện riêng tư?

- Điều ấy có phần đúng. Một số cây bút có thiên hướng khai thác loại đề tài này. Thực ra, nhà văn có quyền viết về đồng tính, về sex hay những chuyện riêng tư khác. Điều đáng nói là anh ta phải làm cho người đọc nhìn những chuyện nhạy cảm ấy bằng cái nhìn văn hóa. Nếu chỉ coi sex hay đồng tính như một chiêu câu khách thuần túy thì trước sau tác phẩm của họ cũng bị quên lãng, dù thoạt đầu, có khá nhiều người tìm đến nó để thỏa mãn sự...  tò mò, giải trí!

- Gần đây ý kiến về văn học mạng rất khác nhau. Ông nghĩ thế nào về loại hình văn học này?

-Dù tranh cãi thế nào thì văn học mạng đã tồn tại như một thực tế. Nó là loại hình văn học mới bên cạnh văn học truyền miệng và văn học viết vốn đã quá quen thuộc. Hiện nay có hai hướng gần như ngược nhau: thứ nhất, tập hợp các bài viết, sáng tác trên mạng rồi xuất bản (in); thứ hai, tung những tác phẩm đã in (giấy) lên mạng. Theo tôi, điều này có lợi cho người đọc vì lượng người truy cập internet hiện nay khá lớn, lại nhanh và rẻ. Tuy nhiên, công bằng mà nói, nhiều tác phẩm viết trên mạng chất lượng chưa cao, thậm chí, đó chỉ mới là những suy nghĩ thoáng qua, những cảm xúc của các bloger tìm cách chia sẻ tâm trạng của mình...Vì thế, nếu tìm trong văn học mạng những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao thì rất khó. Nhưng rất có thể, khi tất cả mọi người cầm bút đều quen với internet, coi viết văn trên mạng là một thói quen và một niềm thích thú thì lúc ấy tình hình sẽ khác. Vả lại, nếu cả hai loại hình văn học viết và văn học mạng cùng tồn tại và phát triển thì xem ra vẫn hay hơn là chỉ có một loại chứ nhỉ?

- Được biết ông khá quan tâm đến văn trẻ. Ông suy nghĩ gì về đội ngũ các nhà văn trẻ hiện nay?

- Thành tựu của một nền văn học phải là kết quả chung sức của nhiều thế hệ nhà văn. Những nhà văn tài danh lớn tuổi hôm nay cũng đã có một thời là nhà văn trẻ. Vì thế, tôi luôn quý trọng đội ngũ cầm bút trẻ. Họ là tương lai của văn học dân tộc. Trong số các cây bút trẻ, nhiều người đã khẳng định được vị trí của mình như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Duy Nghĩa, Phong Điệp...(văn); Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Lê Vĩnh Tài...(thơ). Ngoài ra, còn nhiều cây bút trẻ khác mà tôi không có điều kiện kể tên ở đây.

Nhìn chung, ưu thế của các cây bút trẻ là thông minh, nhạy cảm, đam mê, thích mới lạ...Nhưng dường như ở họ vẫn cần đến chiều sâu trải nghiệm và vốn văn hóa thật dày dặn vì con đường phía trước còn rất xa, cần đến ở họ sự trường sức, bền bỉ và bản lĩnh. Đã có những cây bút sau vài chớp lóe ban đầu rồi vụt tắt. Hy vọng các nhà văn trẻ của chúng ta sẽ cháy hết mình trong sáng tạo để đem đến cho văn học nước nhà những tác phẩm hay, mới, lạ, cao về tư tưởng, sâu về nghệ thuật.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này

Việt Hà
.
.
.