Nhạc sỹ Quốc Bảo: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Thứ Hai, 06/09/2010, 11:05
Quốc Bảo không nhận mình là người làm nhạc cao cấp và khá ngần ngại khi nói về đẳng cấp của mình. Quốc Bảo viết nhạc và viết báo, thường nói về những tinh hoa hoặc ít nhất là những trào lưu mới. Nhưng chính anh cũng thẳng thắn: "Phải hỏi xem liệu có nhà phê bình không đã chứ. Chúng ta thiếu hoàn toàn mà. Chúng ta chỉ thừa các thông tín viên kháo chuyện cô này bỏ chồng, anh kia mặc đồ hiệu thôi".

- Thưa anh, câu chuyện đẳng cấp hay "chiếu trên, chiếu dưới" thường là thứ khó tách bạch theo kiểu 1+1=2. Nhưng, theo quan điểm của anh, thì thế nào là đẳng cấp trong nghệ thuật?

- Tôi không hiểu lắm nội hàm khái niệm anh đang nói đến. Có thể mỗi người có một cách hiểu. Tôi thì làm âm nhạc đại chúng, ai cũng mặc nhiên cho rằng nó thuộc "cấp dưới" của âm nhạc kinh viện rồi. Thế thì chia nhỏ cái chiếu dưới này thành dưới - trên, dưới - dưới để làm gì? Mà âm nhạc cũng không như bên võ thuật hay quân đội, có đai cao đai thấp hay cấp bậc trên dưới. Thú thật với anh là tôi chưa hề nghĩ về việc phân cấp này.

- Có hay không những tác phẩm nghệ thuật đẳng cấp tại Việt Nam?

- Nếu anh hàm ý chúng ta có tác phẩm tốt không, thì tôi nói có. Tất nhiên không nhiều.

- Có người cho rằng, vì xuất phát từ những bộ môn nghệ thuật dân dã, nên nghệ thuật Việt Nam thường nhỏ bé và rất khó đạt đẳng cấp cao so với mặt bằng chung của nghệ thuật thế giới. Anh đánh giá thế nào về điều này?

- Nền nghệ thuật bác học nào cũng khởi thủy từ dân gian, rồi người ta mới phát triển thành các quy tắc học thuật. Chẳng có nền nghệ thuật nào, kể cả sáng giá như Đức hay Anh, lại do các ông học giả ngồi bàn giấy chế ra hết. Nền nghệ thuật nhỏ hay lớn là do có đủ các cá nhân tài năng hay không.

- Bây giờ đọc báo, anh sẽ thấy rất nhiều tuyên ngôn "choáng váng": Tôi làm nghệ thuật đẳng cấp, nghệ thuật cho số ít người. Theo anh, có phải đẳng cấp thì đồng nghĩa với ít người hiểu? Và đẳng cấp thì không dành cho số đông?

- Tôi không để ý. Chắc người ta nói vậy để dễ đoạt giải... cống hiến hơn chăng? Con đường khó đâu nhất thiết là con đường hay. Có thể có người thích tìm lối đoạn trường mà đi cho nó... sang, hay là nếu đi loạng quạng cũng ít bị chê trách.

- Hình như bây giờ, ở Việt Nam, chẳng có gì để làm quy chuẩn, nên những kẻ… mạnh miệng vẫn thắng thế. Dù thực chất, anh ta chẳng tạo ra được giá trị gì đáng kể cho đời sống nghệ thuật. Anh có cho rằng đó là sự… nhiễu nhương?

- Thời bây giờ quả thực hơi ồn ào một chút. Thôi thì ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, học cụ Nguyễn Công Trứ vậy.

- Chúng ta đang chứng kiến một thực tế, chẳng hạn những ca sỹ nhạc sến, hát nhạc chợ và cũng đầy sân si của thị trường bát nháo, nhưng luôn miệng nói mình đẳng cấp hơn người, làm nghệ thuật cao cấp… Nhưng ít ai phản bác lại họ. Ngay cả như anh, cũng ít khi nói về những điều đó. Vì những người có tự trọng thì ngại đụng chạm? Hay chúng ta đang làm cư dân làng Vũ Đại, tránh mặt Chí Phèo?

- Không hẳn là ngại như anh nghĩ. Chỉ là tôi ít thì giờ. Mình làm việc mình còn chưa xong, vươn cổ ra tranh cãi thắng ích lợi gì.

- Đẳng cấp trong nghệ thuật, xét cho cùng không phải ở lời nói mà phải trong chính tác phẩm của người nghệ sỹ. Và những gì là tinh hoa thì sẽ không bao giờ nhiều. Những nghệ sỹ đẳng cấp thì cũng sẽ kiệm lời. Phải chăng vì thế mà những giá trị thực sự hiện đang bị chìm khuất trong bề bộn những thứ chợ búa của nghệ thuật?

- Về điều này, tôi đồng ý hoàn toàn với anh.

- Anh cũng từng bị búa rìu khá nhiều khi dám nói thẳng về những hiện tượng thiếu lành mạnh trong âm nhạc. Và rồi anh đã im lặng khá dài. Có người nói, anh giả bộ mình làm nhạc cao cấp để phê phán những người viết nhạc thị trường là rẻ tiền. Có phải?

- Ồ, tôi làm nhạc dễ nghe dễ cảm lắm, không có cao cấp đâu. Còn nhạc tôi có đắt tiền thì xin hiểu theo nghĩa đen: tôi trả thù lao (không phải trả thù - cười) cho ban nhạc cao mà lại hay làm đi làm lại, không ưng lại bỏ nên tốn tiền.

- Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã thiếu nền tảng trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, nên nói đến đẳng cấp là chuyện xa vời. Nhưng chúng ta cũng đang thiếu đi những nhà phê bình nghệ thuật có tầm ảnh hưởng để dẫn dắt người thưởng thức. Anh có đồng tình với những điều này không? Hay chẳng qua vì môi trường ở Việt Nam không tạo thuận lợi cho nhà phê bình làm việc?

- Phải hỏi xem liệu có nhà phê bình không đã chứ. Chúng ta thiếu hoàn toàn mà. Chúng ta chỉ thừa các thông tín viên kháo chuyện cô này bỏ chồng, anh kia mặc đồ hiệu thôi

Hoài Phố (thực hiện)
.
.
.