Bàn tay nhám trong làng giải trí Việt

Nhạc sĩ Quốc Trung: Chữ tài liền với chữ tai…

Thứ Tư, 18/04/2012, 10:15
"Xin nói lại là, tài năng thật sự không hề dễ dàng, vì vậy môi trường cần phải khắt khe hơn để nghệ sĩ ý thức được việc phấn đấu. Tránh những việc tâng bốc và thành công một cách quá dễ dãi", nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.

- Minh Hằng “mượn” giọng Lan Anh tại cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ”, sự việc đang làm sốc nhiều người làm nghệ thuật chân chính và khán giả! Một người bạn đồng nghiệp của tôi nói vui: mụ phù thủy trong truyện cổ tích Andersen khi xưa muốn có giọng hát của nàng tiên cá còn biết hỏi xin tử tế và đổi chác bằng đôi chân người, nay Minh Hằng tùy tiện “mượn” giọng Lan Anh mà không buồn xin phép, thế ra Minh Hằng không bằng cả mụ phù thủy. Anh thấy phép tam đoạn luận này có đúng không?

- Tôi thấy không nên quá trách Minh Hằng vì Hằng là ca sĩ trẻ. Tham gia một chương trình truyền hình thực tế với đội ngũ hùng hậu, một công ty sản xuất chương trình tên tuổi bậc nhất như thế thì nên trách ê-kíp thực hiện chương trình, những người lớn tuổi, có kinh nghiệm và kiến thức đã dàn dựng tiết mục cho Hằng như vậy.

Có quá nhiều chương trình trực tiếp trên truyền hình mà đa số đều chung một vấn đề là thiếu thời gian tập luyện, kinh phí sản xuất và thiếu cả lòng tự trọng nghề nghiệp nữa mà vẫn muốn đảm bảo chất lượng thì sẽ vẫn còn nhiều vụ như vậy thôi.

- Giả dụ anh phát hiện một đoạn nhạc của mình bị nhạc sĩ nào đó “cầm nhầm”, phản ứng của anh sẽ như thế nào?

- Nghệ sĩ chúng tôi đều rất ngại nói về việc này. Chúng tôi thường lên tiếng với mong muốn tránh cho những nghệ sĩ trẻ khỏi những lệch lạc và làm cho đời sống âm nhạc được lành mạnh hơn.

- Showbiz Việt ngày nay tràn ngập scandal, mà tiếc thay những scandal đó đa phần lại là thật. Rộ lên nhiều nhất là những scandal “đạo” nhạc, kịch bản, ý tưởng, trang phục, phong cách… thậm chí thứ mà không ai nghĩ tới là giọng hát, cũng bị “đạo”. Việc “cầm nhầm” phủ khắp mọi lãnh vực từ ca nhạc, phim ảnh, cho tới thời trang. Đáng buồn là đã từng có những nghệ sĩ kỳ cựu cũng không thoát khỏi “dịch-đạo” (ở đây tôi không tiện nhắc lại tên tuổi họ). Vậy theo anh, giới nghệ sĩ Việt kém cỏi thực sự hay họ lười tư duy, sáng tạo để phát huy tài năng của bản thân mình?

- Trước hết, tôi muốn nói việc tràn ngập scandal là do truyền thông thích scandal, chứ tôi nghĩ showbiz Việt vẫn có nhiều điều đẹp đẽ lắm. Trong thời đại bùng nổ thông tin và Internet thì việc giao thoa, ảnh hưởng giữa các nền văn hoá là rất mạnh và không tránh khỏi. Tuy nhiên việc đánh giá thẩm định về việc “đạo” cần hết sức thận trọng, không nên vội vàng mà cần sự thẩm định của những người có chuyên môn. Nhưng những người làm văn hóa, nhất là người Việt Nam lại ngại va chạm nên thường tránh nói thẳng về những việc như vậy. Dẫn đến người “đạo” thật thì vẫn tiếp tục “đạo” và lại làm ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tạo của những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. Xin nói lại là, tài năng thật sự không hề dễ dàng, vì vậy môi trường cần phải khắt khe hơn để nghệ sĩ ý thức được việc phấn đấu. Tránh những việc tâng bốc và thành công một cách quá dễ dãi.

- Internet vào Việt Nam đã 15 năm, nhờ công cụ này mà công chúng có thể tiếp cận sâu sắc những loại hình nghệ thuật mà họ quan tâm. Nói cách khác, công chúng ngày nay đã trở nên rất thông minh và am hiểu xu hướng nghệ thuật quốc tế. Đừng mong lòe được công chúng! Chính họ, chứ không phải vị quan chức văn hóa nào khác, phát hiện ra những vụ đạo nhạc, vay mượn thiết kế phục trang, sao chép kịch bản phim, v.v... Câu hỏi đặt ra là, tại sao những “nghệ sĩ đạo chích” kia vẫn có thể sống tốt? 

- Không thể phủ nhận việc sao chép, “đạo”... có rất nhiều trong đời sống nghệ thuật, nhưng như tôi đã nói, thẩm định việc đó cần có kiến thức của những người am hiểu chuyên môn và có kinh nghiệm. Còn việc tại sao họ vẫn tồn tại và hoạt động thì ngay việc nguy hiểm đến tính mạng như an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, hàng giả đầy ra đấy nhưng vẫn tồn tại và phát triển bao nhiêu năm nay đấy thôi.

- Nghệ sĩ khi bị công kích là “đạo” lại từ người khác thường chọn giải pháp im lặng hoặc cho đó là sơ suất, ít khi xin lỗi khán giả, bản thân họ cũng không xem đó là bài học để sửa chữa. Nghệ sĩ không ai phải chịu một hình thức kỷ luật nào. Theo anh, chúng ta nên có quy chế nghiêm ngặt nào để thanh lọc không khí showbiz Việt?

- Trong đời sống nghệ thuật chẳng có hình thức kỷ luật nào kinh khủng bằng sự quay lưng của khán giả. Hãy tạo ra một môi trường nghệ thuật lành mạnh thì tự khắc nó sẽ đào thải những hàng rởm, hàng nhái đó thôi. Chỉ tiếc rằng rất nhiều người vì lợi nhuận trước mắt mà hậu thuẫn, dung túng cho những hành vi đó

Thực hiện: Hoàng Thụy Yên - Nguyệt Lãng
.
.
.