Nàng Bạch Tuyết: Sự dại dột của Disney hay sự dại dột của chúng ta?
"Đó là một câu chuyện hoàn hảo. Nó có những chú lùn biết cảm thông, bạn thấy không? Nó có sự kịch tính. Nó có hoàng tử và thiếu nữ. Sự lãng mạn. Nó đơn giản là một câu chuyện hoàn hảo", cậu nghĩ. Nhiều năm sau, cậu bé ngày nào khi này đã là chủ một studio hoạt hình tiếng tăm với thành công tuyệt đối của chuột Mickey quyết định đầu tư một canh bạc lớn: làm một bộ phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn của riêng mình, cũng là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên của Hollywood. Gia đình và đồng nghiệp nhảy vào can ngăn khi nhìn con số đầu tư cao chót vót. Người trong giới thì hoài nghi đặt cho dự án này cái tên "Trò dại dột của Disney".
Tranh minh họa nàng Bạch Tuyết. |
Trò dại dột của Walt Disney cuối cùng đã trở thành một tác phẩm khuôn mẫu cho thể loại phim hoạt hình cho đến tận hôm nay. Sergei Eisenstein, nhà làm phim lớn người Nga, gọi nó là bộ phim vĩ đại nhất từng được làm ra. Và 55 năm sau khi Walt Disney từ giã cõi đời, những người kế tục di sản của ông chuẩn bị đưa nàng Bạch Tuyết một lần nữa lên màn ảnh rộng, lần này là một bản phim người đóng, và dù mới chỉ giới thiệu dàn diễn viên, dự án đã lại có nguy cơ bị gọi là "trò dại dột của Disney" một lần nữa (lần này Disney là cả hãng phim), khi ê-kip sản xuất mời một nữ diễn viên da màu vào vai nàng công chúa "da trắng như tuyết, môi đỏ như son, tóc đen như gỗ mun".
Vậy thì, có lý do nào để nàng Bạch Tuyết nên do một nữ diễn viên da trắng thủ vai không? Trắng, đỏ và đen - ba màu sắc này được những nhà phê bình cho rằng có ý nghĩa của riêng chúng. Màu trắng đại diện cho sự thuần khiết, màu đó là khao khát, tình yêu, cuộc sống, còn màu đen nghĩa là cái chết. Chúng còn xuất hiện lần nữa trong ba món đồ mà hoàng hậu phù thủy dùng để hãm hại nàng Bạch Tuyết: chiếc khăn lụa, chiếc lược gỗ và trái táo. Nhưng gượm đã, đó là trong nguyên tác của Grimm, còn bản phim hoạt hình của Walt Disney đã lược bỏ chi tiết khăn lụa và lược gỗ, điều cũng tước bỏ luôn ý nghĩa biểu tượng của nhóm màu này. Chuyện ấy nói lên gì? Phải chăng, hình như chúng ta đang quan tâm sai chỗ, bởi có những sự thay đổi từ xa xưa của Walt Disney vốn dĩ còn đáng lưu tâm hơn chuyện nàng Bạch Tuyết có nước da trắng hay nâu?
Sự thực thì, tuy làm một bộ phim cho thiếu nhi, nhưng Walt Disney đã xem những bộ phim rùng rợn trường phái Biểu hiện của điện ảnh Đức để lấy cảm hứng. Ngôi nhà cũ kỹ quái đản của một nhà khoa học điên rồ trong Metropolis của Fritz Lang là nguyên mẫu cho ngôi nhà của bảy chú lùn. Bầu không khí gothic rùng rợn trong phim ma cà rồng “Nosferatu” của F. W. Murnau được đan cài cho phim Bạch Tuyết. Dẫu vậy, nếu so với tác phẩm gốc của Grimm thì câu chuyện của Disney vẫn đầy thiện tính. Ít ra thì bà hoàng hậu của Disney đã tự chuốc lấy quả báo khi đuổi bắt Bạch Tuyết và rơi xuống vực chứ không bị hoàng tử trả thù và bị ép đi đôi giày bằng sắt nung bỏng và nhảy múa cho đến chết như anh em nhà Grimm đã kể. Ít ra thì trong phim của Disney không có cảnh bà ta ăn gan phổi của một lợn rừng mà ngỡ là gan phổi của đứa con ghẻ. Vì sao, đơn giản, Disney bán những giấc mơ.
"Mọi giấc mơ của ta có thể thành hiện thực nếu như ta có can đảm nắm bắt chúng", Disney nói, và điều khiến Disney khác biệt với tất cả những kẻ còn lại nói ra câu sáo rỗng này là ở chỗ ông thực sự làm được điều đó. Disney đã tạo nên một tôn giáo của riêng ông. Disney Kẻ Mơ Mộng là Chúa trong miền đất thần kỳ của cổ tích. Ông đã bán giấc mơ cho những cô bé da trắng rằng họ sẽ tìm được một tình yêu đích thực và hạnh phúc viên mãn. Và cái mà những người kế thừa ông đang bán giờ đây là giấc mơ rằng, người da màu có thể là bất cứ ai, kể cả là Nàng Bạch Tuyết. Những nàng công chúa da trắng đã đạt được giấc mơ của mình rồi và chẳng còn gì để bán cho họ nữa, vậy thì hãy chuyển sang bán giấc mơ cho những người cần đến nó. Ta có thể trách cứ Disney vì đã bán món hàng khan hiếm ấy ư?
Chưa kể, chúng ta thường có xu hướng cho rằng nàng Bạch Tuyết nguyên bản là của người Đức, của anh em nhà Grimm, nhưng có thật thế không? Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu liệt kê được có khoảng 400 dị bản của câu chuyện này trong hệ cổ tích - thần thoại của nhiều nền văn hóa khác. Người Nam Phi có một câu chuyện kể về một cô gái xinh đẹp rơi vào tình trạng đờ đẫn sau khi đi đôi giày mà bà mẹ đố kỵ tặng cho mình. Trong phiên bản của người Hà Lan, không có bà mẹ kế nào cả, người muốn giết cô gái là mẹ đẻ của cô, người bị một con quỷ đầu nhện dụ dỗ rằng nếu giết được con gái thì bà ta sẽ trở nên xinh đẹp.
Nhưng hoảng hốt nhất chắc là phiên bản của người Thụy Sỹ, trong đó một cô bé mồ côi xin ở nhờ nhà bảy chú lùn, nhưng một ngày nọ, một bà già gõ cửa xin được ngủ lại, cô bé không đồng ý, và kết cục cô bị bà ta nguyền rủa phải ngủ với cả bảy chú lùn! Nghe thật toát mồ hôi và rõ ràng đây không phải truyện dành cho trẻ nhỏ, mà thực ra ngay kể cả Grimm cũng không thật sự dành cho trẻ nhỏ. Truyện cổ Grimm chất đầy những chi tiết ghê rợn về ăn thịt người, loạn luân, hãm hiếp, tra tấn và những tội ác khủng khiếp khác. Chúng khám phá những chủ đề cấm kỵ và bước vào những hang sâu trong tận cùng bản chất con người, khác với cuộc sống qua một lớp kính lọc trong các bộ phim hoạt hình Disney.
Walt Disney bên những bức tượng chú lùn. |
Joseph Campbell, một trong những nhà nghiên cứu thần thoại so sánh có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, từng xây dựng một lý thuyết về hành trình của người hùng và chứng minh rằng khi ta đọc những thần thoại, tích tôn giáo và truyện cổ trên thế giới, "ta vẫn luôn bắt gặp cùng câu chuyện ấy, luôn thay hình đổi lốt nhưng lại bất biến diệu kỳ": người hùng ra khỏi nhà, dấn bước vào một thế giới bí ẩn, trải qua những thách thức và giành được chiến lợi phẩm. Nếu vận dụng lý thuyết của Campbell, ta sẽ thấy chuyến phiêu lưu của Bạch Tuyết mang những chi tiết mang tính "cổ mẫu" như chi tiết hồi sinh, một chi tiết ta có thể tìm thấy trong câu chuyện nữ thần Mặt Trời Amaterasu trốn trong hang của thần thoại Nhật Bản, câu chuyện nữ thần Inanna trở về từ địa ngục của người Sumer cổ, hay chuyện Jesus sống dậy sau ba ngày hoặc Jonah chui ra từ bụng cá voi trong Kinh Thánh. Và cũng không nên hiểu "chiến lợi phẩm" mà Bạch Tuyết nhận được đơn giản là một cuộc hôn nhân xứng lứa vừa đôi và giấc mơ "một ngày nào đó hoàng tử của tôi sẽ đến", mà về bản chất, nó là "ân huệ tình yêu, là chính cuộc sống được vui hưởng như cái vỏ bọc chứa vĩnh cửu", và "là sự mở rộng ý thức và sự mở rộng hiện hữu".
Câu chuyện của Bạch Tuyết là ẩn dụ về sự bước chân vào thế giới người lớn, và để trở thành một phiên bản hoàn chỉnh hơn của mình, nàng buộc phải tách khỏi gia đình, đối mặt với thế giới thực đầy hiểm họa cũng như loại bỏ cái tôi cũ lấy chỗ cho một sự hiểu biết trọn vẹn (tuy bản phim của Disney khác biệt và được làm ra với mục đích khác so với truyện gốc nhưng nó cũng vẫn có thể khơi gợi một số điều tương tự). So với những chủ đề này thì chủng tộc của nàng Bạch Tuyết chỉ là chuyện vặt vãnh.
Có giai thoại kể rằng, một bà mẹ tìm đến nhà bác học Einstein để hỏi xin ý kiến nên đọc sách gì cho con nếu muốn sau này con thành một nhà khoa học. Einstein đáp: "Truyện cổ tích". "Rồi sao nữa ạ?", người mẹ hỏi. "Đọc thêm truyện cổ tích", Einstein trả lời. "Rồi tiếp sau ạ?", người mẹ gặng hỏi tiếp. "Đọc nhiều truyện cổ tích hơn nữa", nhà bác học vừa vung vẩy cái tẩu vừa nói, như đang kể lại một kết thúc có hậu cho một hành trình dài.
Nếu như Einstein đã tin tưởng đến thế vào sức mạnh của truyện cổ tích thì hẳn là, ta có thể vỡ lẽ nhiều điều hơn sau khi đọc và xem Nàng Bạch Tuyết, thay vì chỉ thu thập được điều duy nhất là, nàng không thể mang nước da nâu. Sẽ dại dột biết bao khi bàn tiệc của những hiền giả đã bày ra nhưng ta lại chỉ ngửi hương hoa mà không động đũa.