Libya: Khi xung đột vượt ra ngoài khuôn khổ

Chủ Nhật, 02/08/2020, 17:15
Cuộc chiến dai dẳng ở Libya đứng trước nguy cơ bước sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn, khi có sự tham chiến của các lực lượng nước ngoài.

Tham vọng của Ankara

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya - đất nước Bắc Phi từng vô cùng thịnh vượng ấy - chưa bao giờ được hưởng một ngày yên bình. Bao chính phủ đã được dựng lên rồi lại đổ xuống trong những cuộc chiến tranh giành quyền lực dai dẳng. Cộng đồng quốc tế từng muốn đứng lên bảo trợ cho một nền hòa bình tại đây cũng chán nản buông xuôi.

Tình hình tưởng như đã tìm được lối thoát khi đầu năm 2019, ở miền Đông Libya, Tướng Khalifa Haftar thành lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Chỉ vài tháng, LNA đã làm chủ phần lớn đất nước và bắt đầu tiến về thủ đô Tripoli cho mục tiêu cuối cùng.

Mối quan hệ thân thiết với tướng Hafta khiến ông El Sisi không thể đứng ngoài.

Khi đó, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở Tripoli quá yếu ớt và gần như không thể chống lại. Dù được Liên Hợp quốc (LHQ) công nhận nhưng bởi năng lực yếu kém, chính phủ này nhanh chóng rơi vào thế bị cô lập, thất bại liên tiếp trên chiến trường và đứng trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Cho đến khi có một tay chơi mới nhảy vào làm đảo lộn tất cả, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự lớn mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm qua được thể hiện bằng các hành động cứng rắn của nước này trong nhiều vấn đề quốc tế. Tổng thống Tayyip Erdogan luôn theo đuổi tham vọng biến Thổ Nhĩ Kỳ thành “cường quốc khu vực”. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục có những hành động vươn tầm ảnh hưởng bằng cách can thiệp vào Syria, Iraq, Somalia,... và lần này là Libya. Đứng lên bảo vệ một chính quyền được LHQ công nhận, trở thành người bảo trợ cho nền hòa bình mới, ông Erdogan cần một hành trang như thế để bước vào cuộc bầu cử năm 2023 tới đây.

Bản thân LNA là một lực lượng được Ai Cập, cùng Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) ủng hộ. Đây là những quốc gia đối đầu với Ankara trong thế giới Hồi giáo. Nếu LNA giành thắng lợi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị bao vây bởi một loạt các quốc gia không thân thiện với mình. Thêm vào đó, những lợi ích kinh tế có được từ Libya đủ để chính quyền Ankara dấn thân vào vùng đất sa mạc này. Một nghị quyết được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua vào ngày 6-1 năm nay đã cho phép Tổng thống Erdogan đưa quân đội tới Libya, đồng thời cung cấp vũ khí cho chính quyền GNA để tiến hành những cuộc phản kích.

Kết cục, cuộc tấn công Tripoli của LNA đã thất bại. Thế chủ động trên chiến trường chuyển từ LNA về tay GNA. Từ chỗ chặn đứng cuộc tấn công kéo dài 14 tháng vào Tripoli của tướng Haftar cho đến củng cố lại được quyền kiểm soát ở Tây Libya, ngày 18-7 vừa qua, các chỉ huy quân sự của GNA đã điều động lực lượng tiến sát Sirte, cửa ngõ tiến vào các cơ sở dầu mỏ chính của Libya ở phía Đông, đồng thời cũng chính là cứ điểm quan trọng nhất của phe LNA. Cuộc chiến ở Libya đang chuyển sang một bước ngoặt mới.

Lá chắn của Cairo

Thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào cuộc chiến tại Libya, đã có rất nhiều quốc gia lên tiếng phản đối. Những tiếng nói đó đến từ cả EU, LHQ, Nga và nhiều quốc gia trong khu vực nhưng chỉ có một quốc gia đã thẳng thừng tuyên bố: chúng tôi cũng sẽ không đứng ngoài. Đó là Ai Cập.

Có một mối liên kết mạnh mẽ giữa tướng Haftar với chính quyền quân sự hiện tại của Ai Cập, khi người đứng đầu lực lượng LNA hiện nay từng trực tiếp cầm súng bên cạnh những người lính Ai Cập trong cuộc chiến với Israel vào năm 1973. Miền Đông Libya giáp với Ai Cập, vừa là lá chắn, vừa là bước đệm với chính quyền ở Tripoli vốn không ưa gì chính quyền hiện tại của Cairo. Chính vì thế, Cairo đã sớm khẳng định họ sẽ đứng bên cạnh người bạn cũ của mình, tướng Haftar.

Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Pháp hôm 30-5 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Fattah El Sisi đã khẳng định muốn "chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Libya", thứ mà theo ông vốn sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình hỗn loạn tại quốc gia này đồng thời đe dọa đến an ninh của cả khu vực Trung Đông và vùng Địa Trung Hải. Một tuyên bố rõ ràng là nhắm thẳng vào chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, khi mà những hoạt động của quân đội nước này trên chiến trường Libya ngày một quyết liệt.

Sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya làm cho tình hình hết sức căng thẳng.

Tới lúc trên thực địa, GNA với sự hỗ trợ của các lực lượng đánh thuê do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bắt đầu tiến về phía Đông, Ai Cập thấy rằng mình cần phải hành động. Một liên minh 5 nước Địa Trung Hải được thành lập để làm đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ trong những vấn đề khu vực, những chiếc xe tăng T-72 được gửi tới miền Đông Libya cho tướng Haftar, một hợp đồng 500 chiếc tăng T-90 MS khác được ký gấp gáp với Nga và một cuộc diễn tập quy mô lớn ngay sát biên giới Libya được thông báo. Ranh giới đỏ Sirte-Jufra ở Libya mà ông El Sisi đã nói tới hôm 20-6 vừa qua rõ ràng không phải là một trò đùa. Vào lúc này, khi mà GNA đang rầm rộ chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Sirte như đã nói thì đồng thời có hàng nghìn lính Ai Cập cũng được tăng cường tới sát biên giới. Cairo đã sẵn sàng “động binh”?

Chưa biết diễn biến ở miền Đông Libya những ngày tới sẽ như thế nào nhưng rõ ràng tình hình đang đứng trước một bước ngoặt lớn. GNA có lính đánh thuê và vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mạnh hơn LNA của tướng Haftar. Nhưng, Ai Cập khi đã chống lưng phía sau thì cũng sẽ nhất định không để đồng minh của mình bị sụp đổ. Khi đó, một cuộc đối đầu trực diện giữa hai bên là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa máy bay chiến đấu, máy bay không người lái cùng nhiều vũ khí hiện đại tới Libya trong thời gian qua. Một thông tin mới đây cho hay Ankara và GNA đã đạt được thỏa thuận về việc đặt căn cứ quân sự tại Al-Watiya, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể lắp đặt cả hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 - thứ vũ khí nhắm thẳng vào lực lượng không quân Ai Cập. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể được trang bị hiện đại hơn nhưng lại ở xa chiến trường tới 3.000 km, còn Ai Cập - cái tên quen thuộc trong những cuộc xung đột ở vùng Sahara này - sẽ có lợi thế nhất định để thúc đẩy một cuộc chiến toàn diện. Cả hai bên đều không có dấu hiệu nhường bước.

Khi mà các cường quốc trên thế giới đều còn đang ngập trong những rắc rối riêng, một cuộc xung đột khu vực lúc này rất dễ bị bỏ quên. Thời gian qua, rất ít tiếng nói quốc tế nhằm xoa dịu những căng thẳng ở Libya. Sự bàng quan của Nga, Mỹ và cả EU đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có điều kiện can thiệp sâu hơn vào tình hình ở đất nước này. Từ một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên chiến trường Libya, nguy cơ về cuộc giao chiến trực tiếp giữa hai quốc gia sở hữu tiềm lực quân sự lớn đã hiện lên rõ mồn một, thực sự khiến thế giới phải lo lắng.

Việc các quốc gia trong một khu vực có thể dễ dàng tự quyết định việc đưa quân tham chiến ở một quốc gia khác như vậy là hết sức nguy hiểm. Những cuộc xung đột nhỏ sẽ dễ bùng phát thành xung đột lớn hơn và tác động tới nhiều quốc gia hơn nữa. Khi mà cuộc chiến ở Libya vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc nội chiến, chắc chắn nó sẽ kéo theo nhiều đất nước vào vòng xoáy. Đó rõ ràng là một tín hiệu xấu đối với nền hòa bình ở cả trên thế giới lẫn Bắc Phi.

Tử Uyên
.
.
.