Không gian đô thị

Thứ Tư, 14/04/2021, 08:55
LTS: Đô thị hóa là một nhu cầu của phát triển. Nhưng, đô thị hóa như thế nào lại là câu chuyện rất đáng bàn bởi nó đã và đang để lại những tranh cãi lớn sau nhiều “vết thương” quy hoạch...


Đô thị của ai?

Khi Vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra Đại La vào năm 1010, ông có viết trong “Chiếu dời đô” về vùng đất mới thế này: “Tiện nghi núi sau, sông trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”.

Một trong những mong muốn của vị vua đã mở đầu cho hơn 200 năm tồn tại của nhà Lý này có lẽ là phát triển nông nghiệp, vốn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thời ấy: đất đai màu mỡ được phù sa bồi đắp, địa hình bằng phẳng, thế đất cao, ít bị ngập úng.

Cơ sở của tầm nhìn này là hệ thống những con sông giới hạn quanh kinh thành: sông Hồng phía Đông, sông Tô phía Bắc và sông Kim Ngưu phía Nam. Sông Hồng, con sông chính gắn liền với Hà Nội, bắt đầu từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào mùa lũ có màu đỏ - hồng (cũng là nguồn gốc của tên sông) do lượng phù sa rất lớn nó mang theo.

Hà Nội ngày nay nhìn từ vệ tinh là di sản kết hợp của những viên gạch quy hoạch đầu tiên từ hơn một ngàn năm trước của nhà Lý (“tam trùng thành quách” và “trong thành ngoài thị”), rồi biến động qua 4 triều đại phong kiến khác nhau, những thay đổi dưới thời Pháp thuộc và tất nhiên là cả những dấu ấn lâu dài từ cấu tạo đặc biệt của các con sông (bản thân tên gọi Hà Nội cũng có nghĩa là nằm trong sông) như thế. Đấy là kết quả của nhiều thế kỷ “cộng tác” giữa đất đai, sông núi lẫn con người.

Nhưng, nhìn chung, đây không phải là cách chúng ta thường hình dung về không gian đô thị. Thành thị dường như là một lời nói dối mà chúng ta tự nói với chính mình. Điểm mấu chốt của lời nói dối này là chúng ta có thể tách cuộc sống con người ra khỏi tự nhiên (và tái tạo nó bằng những không gian tự nhiên kiểu... nhân tạo), sử dụng bê tông cốt thép, bản đồ và tất nhiên là cả quy hoạch để tạo ra một không gian tách biệt.

Dịch bệnh, bụi bẩn, động vật hoang dã, các vùng hoang dã, đất nông nghiệp và nông thôn đều được tưởng tượng là không thuộc về không gian đô thị. Ý tưởng này được duy trì thông qua việc dụng công vào những cơ sở hạ tầng “đồng phục”, tự hình dung ra các khả năng mới cho đô thị và tất nhiên, bao gồm việc chặt cây thô bạo, lẫn lấp các con sông. Khảo sát trên bản đồ cho thấy, trong 50 năm qua, 80-90% diện tích mặt nước sông hồ ở Hà Nội đã bị san lấp, bao gồm cả ruộng trũng và diện tích bán ngập. 

Tất nhiên, việc này nằm trong câu chuyện chúng ta tự kể về quá trình hiện đại hóa đô thị dường như không thể cưỡng lại được, rằng thành phố cần nhiều không gian được thắp sáng đèn điện và bê tông hóa hơn, mà trong đó, các di sản tự nhiên đã bị đánh giá thấp, thậm chí bị lờ hẳn đi so với ý chí con người. Sự duy ý chí này dẫn đến những cuộc sửa sai dựa trên việc “tự hình dung ra các khả năng mới cho đô thị”. Cuối tháng 3 vừa rồi, một bản quy hoạch nội đô lịch sử Hà Nội đã được công bố, có thể dẫn đến việc phải di dời 215 ngàn dân. Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội có đến 7 lần nỗ lực quy hoạch ven sông nhưng chưa thành. Chúng ta đang ở thế khó đến mức để thực hiện được quy hoạch này, thành phố phải bố trí tái định cư cho gần một triệu người đang sinh sống ở khu vực bờ sông.

Trong một thời gian rất dài, việc suy nghĩ về không gian đô thị như một sản phẩm thuần túy của năng lực cải tạo từ con người đã để lại những di chứng: chúng ta đang phải cố sửa lại những sai lầm quá khứ, bằng một cách khó tương đương với việc đảo ngược thời gian, mà xáo trộn cuộc sống của chính con người đô thị lại trở thành phương pháp duy nhất và cũng nặng nề nhất.

Nếu chúng ta (với nghĩa rộng nhất của từ này, là tất cả các lực lượng đã tham gia vào quá trình tạo nên Hà Nội từ ban đầu) hiểu rằng các con sông là một phần quan trọng tương đương với việc chúng ta nghĩ về những đóng góp của con người, có thể các cuộc quy hoạch sửa sai sẽ không ảnh hưởng đến số phận nhiều người như thế.

Cần nhận thức mới

Về mặt thể lý, các thành phố có những ranh giới xung quanh chúng mà ai cũng có thể nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên, tất cả các đô thị đều phụ thuộc vào một lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều, vượt xa những mốc ranh giới này. Một số hoặc tất cả những thứ sau đây cần được đưa từ bên ngoài vào để cung cấp cho trung tâm đô thị: thực phẩm, nước uống, vật liệu xây dựng, công nhân, thương nhân và hàng hóa của họ, nguyên liệu sản xuất thô, năng lượng. Không một đô thị nào có thể tự cung cấp chừng này thứ.

Đô thị hóa, một tập hợp phức tạp của các quá trình mà cuộc sống đô thị được khai sinh và hỗ trợ, liên quan đến một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với chính đô thị đó. Nhưng, suy nghĩ phổ biến về đô thị lại là một khu vực mà ở đó con người có thể “phô diễn” hết sự văn minh của mình, tạo ra một ngôi nhà tách biệt với những không gian hoang dã khác.

Sản phẩm của lối suy nghĩ bỏ qua các lực lượng tự nhiên trong quá trình hình thành đô thị này thường tạo ra sự bối rối: chúng ta không thể phân biệt được không gian đô thị nào là để sống và không gian nào để phục vụ cho việc bảo tồn di sản. Một ví dụ: các khu nhà tập thể cũ vẫn còn rất nhiều ở Hà Nội, dù đa số chúng đã xuống cấp gây nguy hiểm cho chính con người sống trong đó. Để lưu giữ chúng như một di sản quá khứ thì có lẽ chỉ cần một cái tiêu biểu tồn tại là đủ.

Nhưng, chúng vẫn sống và được cải tạo liên tục theo từng năm để phù hợp với không gian đô thị tăng trưởng. Trong khu tập thể ở chỗ ngã 3 Tạ Hiện - Hàng Buồm, rất nhiều căn hộ không có nhà vệ sinh đã tự cơi nới ra để có không gian phục vụ cho sự bài tiết riêng tư. Vì tồn tại như một di sản của con người nên, đến giờ, một cái nhà vệ sinh chung của khu tập thể ở đó vẫn bốc mùi dù không ai dùng nhưng vẫn tồn tại bền bỉ.

Trong khi đó, các không gian tự nhiên của thành phố này vẫn đang từ từ chết đi, không chỉ là những con sông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo không gian đô thị của chúng ta ngày hôm nay. Nếu đã hiểu các đô thị của chúng ta là một phần của các quá trình tự nhiên tương tự như những biu-đinh (building) và công viên của chúng ta, thì ta nên học một nhận thức mới về cách thức hoạt động của các mối quan hệ này.

Bằng việc học cách nhìn thấy đất, nước, khi hậu, các dạng sống khác đã tạo nên đô thị bên cạnh con người, chúng ta có thể bắt đầu hiểu cách sống tốt hơn ở đô thị là như thế nào. Bắt đầu suy nghĩ theo cách này, chúng ta sẽ tránh được những cuộc quy hoạch sửa sai có thể làm xáo trộn cuộc sống của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người, trong nhiều năm sau. Như những gì đang diễn ra, ngay lúc này.

Phạm An

Điểm trung bình

Khoảng thời gian này, 3 năm trước, trên mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông có khá nhiều ý kiến xoay quanh việc dỡ bỏ rạp Hòa Bình ở Đà Lạt. Với nhiều người Đà Lạt nói riêng và yêu Đà Lạt nói chung, rạp Hòa Bình được xem là “một trong những biểu tượng của Đà Lạt một phần vì nó gắn bó với đời sống tinh thần, văn hóa của người dân Đà Lạt” (NV). Việc dỡ bỏ rạp Hòa Bình chắc chắn sẽ khiến họ hụt hẫng, bởi với riêng họ, nó là một phần ký ức không thể tách rời.

Nhưng, giữa đông đảo những ý kiến tiếc nuối, thậm chí là thỉnh nguyện giữ lại rạp Hòa Bình kia, có bao giờ khách quan chúng ta cố gắng kiếm tìm những ý kiến ngược chiều hay không? Những ý kiến đồng thuận với việc dỡ bỏ rạp Hòa Bình có thể ít ỏi, thậm chí hiếm hoi nhưng không có nghĩa là nó không có giá trị hoặc chỉ là thiểu số không đáng lưu tâm. Thực tế chứng minh, có nhiều người mang quan điềm khác nhưng không muốn công khai thành ra khách quan luôn có cảm giác rằng không có những quan điểm như vậy tồn tại. Dân chủ là một tiến trình đòi hỏi lắng nghe rất kỹ lưỡng, kể cả lắng nghe những thứ nghịch nhĩ với mình. Và, nếu như có một người trẻ lên tiếng với câu hỏi rằng: “Vâng, giữa ký ức của các bạn với tương lai của chúng tôi, cái nào quan trọng hơn?” thì chắc chắn, câu hỏi ấy hóc búa vô cùng.

Tóm lại, rạp Hòa Bình đã quá cũ kỹ, xuống cấp, công năng không còn đủ đáp ứng nhu cầu hiện đại thì việc dỡ bỏ nó là có lý. Hơn nữa, về giá trị kiến trúc, nó không có gì quá đặc sắc đến mức độ cần phải bảo tồn. Điều quan trọng nhất, đáng bàn bạc nhất chính là dỡ bỏ nó đi thì sẽ thay thế bằng công trình gì, vóc dáng như thế nào, diện mạo ra sao... lại hiếm người nói tới.

Nhắc lại chuyện cũ về rạp Hòa Bình ở Đà Lạt thì cũng nên nói luôn tới các công trình nhà dân xoay quanh khu vực này. Phải thừa nhận là bao năm qua, những kêu ca về chuyện “Đà Lạt bị phá nát bởi các công trình mới” đã trở nên quá quen thuộc với những ai yêu thành phố cao nguyên xinh đẹp ấy. Nhưng, nếu nhìn vào các công trình nhà dân quanh rạp Hòa Bình, ta mới hiểu không chỉ lực lượng đầu tư mới phá vỡ cảnh quan Đà Lạt. Những hộ dân cũng vẫn thản nhiên làm điều đó chỉ vì lợi ích cho sinh hoạt của gia đình mình. Sức phá hủy trở nên tàn bạo bởi chính vì một quá trình đô thị hóa vô tổ chức mà mỗi cá nhân chúng ta đều phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ một đơn vị, một cơ quan nào.

Cách đây khoảng nửa tháng, tôi có dịp về Hoài Nhơn - Bình Định tham dự lễ kỷ niệm nhận danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới của địa phương. Phải thừa nhận, Hoài Nhơn quá đẹp với không gian vẫn có nét hiện đại mà lại giữ được sự gần gũi với thiên nhiên. Một doanh nhân đi cùng tôi chuyến đó, vốn là dân địa phương, đã chia sẻ rất nhiều với tôi về khát vọng được góp một phần vào việc xây dựng Hoài Nhơn đẹp đẽ hơn nữa, khang trang hơn nữa, sầm uất hơn nữa nhưng luôn bám chắc vào nền tảng môi trường cảnh quan gần với thiên nhiên, môi sinh trong lành và không có các công trình cao tầng bê tông ngộp thở. Đó là một khát vọng chính đáng và văn minh. Tôi cũng ủng hộ ý kiến ấy của anh. Thậm chí, chúng tôi còn đi thăm thú rất nhiều thôn, xã trong vùng và cùng nhau đưa ra những ý tưởng phát triển để làm sao người dân có thể sung túc hơn mà vẫn giữ được màu sắc bản địa đậm nét.

Nhưng, cũng trong chuyến đi ấy, tôi được nghe những khát vọng khác. Có những người dân mong mỏi Hoài Nhơn phải hiện đại như những đô thị khác, phải có nhà cao tầng, phải có trung tâm thương mại v.v và v.v... Và khi tôi thấy họ hồ hởi: “Trời ơi, lần đầu tiên thấy Bồng Sơn kẹt xe” khi kể về đêm hội nhận danh hiệu Anh hùng. Cái hồ hởi xen lẫn tự hào đó cũng thể hiện mong mỏi của một bộ phận người dân về không gian hiện đại hơn khi đã sống quá lâu trong môi trường cũ.

Đối với chúng ta, thứ gì có thể mô tả diện mạo đô thị một cách nhanh nhất, xác thực nhất? Có thể, nhiều người sẽ chung quan điểm là: nhà cao tầng (chọc trời), kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn, bảng hiệu quảng cáo đèn LED, đường sá rộng rãi, trung tâm thương mại... Chắc không ít người thuộc thế hệ từ 40 tuổi trở lên còn nhớ thuở nhỏ vẫn hay hãnh diện hỏi nhau cái câu: “Ở chỗ bạn, nhà cao nhất là bao nhiêu tầng?”. Số tầng của một tòa nhà chọc trời đã được xem như là một tiêu chuẩn của đô thị hiện đại và văn minh. Khát vọng được sống trong đô thị văn minh cũng là một khát vọng chung của số đông rất cần được tôn trọng.

Rõ ràng, các câu chuyện kể trên đều chỉ ra một thứ hiển nhiên: mâu thuẫn trong khát vọng. Một cá nhân sống quá lâu trong đô thị ồn ào, xô bồ và ô nhiễm sẽ luôn hướng tới không gian tự nhiên càng hoang sơ càng tốt. Thế nên, hiện tại mới nảy sinh nhu cầu nhà vườn ở nông thôn của rất nhiều trung lưu và thượng lưu thành thị. Từ nhu cầu được thoát ra khỏi ồn ào đó, chúng ta rất dễ xúc động khi hay tin một địa phương nào đó bị phá vỡ cảnh quan tự nhiên xưa cũ và thay thế bằng những công trình bê tông ngột ngạt. Chúng ta trân trọng cảm xúc ấy của mình, trân trọng nhu cầu gần gũi thiên nhiên của mình nhưng chúng ta có xét đến các nhu cầu của những cá nhân ở phía ngược lại hay không?

Người dân ở các địa phương thèm muốn cái không gian tiện lợi của đô thị hiện đại bởi họ dễ bị choáng ngợp vì nó. Hơn thế nữa, công cuộc đô thị hóa mạnh mẽ có thể khiến họ có cơ hội đổi đời nhờ bán đất. Mảnh vườn ở một địa phương hẻo lánh sẽ chỉ có giá vài chục ngàn đồng một mét nhưng giả sử có quy hoạch đô thị ném vào đó thôi, nó sẽ đội giá lên trời. Chẳng có cách đổi đời nào nhanh bằng bán đất cả. Bởi thế, thèm muốn ấy cũng là chính đáng thôi. Tất nhiên, ở đây chỉ nói đổi đời trong một khoảng thời gian ngắn chứ không bàn đến “hậu thiên đường” ấy là gì.

Với những nhu cầu, khát vọng xung đột nhau như thế, việc quy hoạch tổng thể một vùng dân cư đòi hỏi phải dung hòa được tất cả chứ không chỉ chiều lòng một phía nào. Nói thẳng ra, quy hoạch cần phải tìm được một điểm trung bình giữa nhu cầu của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng và cả nhu cầu phát triển lâu dài của quốc gia và địa phương. Điều đó cho thấy, quy hoạch rất cần những con người có lương tri theo đúng nghĩa của từ này. Tri thức để nhận biết mọi đòi hỏi và tìm ra điểm trung bình kia. Lương tâm để phục vụ cái chung, cái bền vững và những giá trị cần bảo tồn.

Song, công tác quy hoạch hiện nay dường như đang được phó mặc nhiều hơn. Nhà dân xây cất vượt quá quy định cho phép là tình trạng phổ biến mà ở mỗi địa phương đều có. Các công trình lớn được giao cho các nhà đầu tư trúng thầu đấu giá cũng đều được tạo nên từ ý chí chủ quan của nhà đầu tư ấy, người vốn dĩ coi trọng lợi nhuận hơn. Hãy nhìn vào các tòa nhà chọc trời ở các thành phố lớn, chúng ta sẽ hiểu. Gần như không có tòa nhà nào có đặt một công trình điêu khắc đạt tầm vóc mỹ thuật ở phía bên ngoài để tạo điểm nhấn. Không ai quan tâm tới nó bởi tấc đất tấc vàng. Họ đều quên mất một điều cơ bản: văn hóa của một đô thị được tạo nên từ tổng hòa rất nhiều thứ, mà trong đó, các tác phẩm điêu khắc ngoài trời góp phần khá quan trọng.

Nếu có dịp đi dọc đường Nguyến Hữu Thọ, TP Hồ Chí Minh từ ngã tư Nguyễn Văn Linh xuống tận khu công nghiệp Hiệp Phước, chúng ta sẽ thấy không hề có một cầu vượt đi bộ nào tồn tại bất chấp hai bên đường là các khu dân cư quy hoạch, các tòa chung cư khang trang. Mà con đường ấy ngày ngày xe bồn, xe container, xe tải chạy với tốc độ và mật độ chóng mặt. Không một quy hoạch nào quan tâm tới an toàn dân cư cả? Phải chăng, vì nhiều nhà đầu tư cho nhiều dự án. hai bên đường nên chẳng nhà đầu tư nào chịu trách nhiệm? Vậy thì đơn vị cấp phép đầu tư có nên chịu trách nhiệm hay không? Chỉ một chi tiết ấy thôi đủ để chúng ta hiểu trách nhiệm quy hoạch nếu giao phó vào tay nhà đầu tư sẽ mang lại kết quả gì.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, quy hoạch là một việc cực khó. Không có tri thức, không có lương tâm, không thể làm nổi. Bàn về quy hoạch thì dễ nhưng làm thì phải là người có chuyên môn, có năng lực. Nhưng, nếu không nói ra các tồn đọng, chúng ta sẽ không chỉ chứng kiến các đô thị ngày càng nhếch nhác hơn với các kiến trúc, cấu trúc không ăn nhập với tổng thể mà còn phải chứng kiến thêm cả những nông thôn mới được thành thị hóa như những bản sao nhếch nhác không kém.

Hãy nhớ, tầm nhìn của mỗi người trong một không gian sống cũng là một loại hàng hóa công. Và thứ hàng hóa công ấy đang bị phung phí vô tội vạ cho những kế hoạch phát triển thiếu kiên nhẫn, không đồng bộ và thậm chí, có thể là có trục lợi của một vài nhóm tư bản thân hữu nào đó đang lộng hành.

Hà Quang Minh

Những sườn núi lổn nhổn nhà lô

Bạn đã bao giờ tận mắt nhìn thấy người ta đập nát một di sản chưa? Đó có thể không phải là một di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể đã được UNESCO công nhận; nhưng bạn biết rõ trong lòng - bằng tất cả sự yêu mến truyền thống dân tộc - rằng đó là di sản. Và người ta hăng hái đập nát nó trước mắt bạn.

Bạn có thể sẽ trải qua cảnh đó ở một vùng núi Đông và Tây Bắc. Trước mắt bạn, một gia đình đồng bào người Mông, người Hà Nhì đang hăng hái đập bỏ căn nhà trình tường.

Những căn nhà trình tường, đã tồn tại nhiều thế kỷ qua khắp các vùng núi phía Bắc nước ta, được xây bằng kỹ thuật nén đất thành những khối tường dày. Chúng trở thành khung cảnh mà hầu hết du khách đến vùng này đều muốn “check-in”: dưới mái hiên lợp ngói âm dương, bạn chụp ảnh trước một bức tường vàng, có những vết dọc ngang, lồi lõm của thiên nhiên và đã bạc màu thời gian, phía trên là dây ngô đang phơi, bên cạnh là đống củi và đám nông cụ cũng phủ màu lao động. Bạn quả quyết rằng đó là “di sản”. Và đó là một khung cảnh làm bạn ngỡ ngàng, đau xót. Bạn chỉ muốn chạy tới giằng chiếc xà beng trên tay người Mông kia.

Nhưng, nhà trình tường đang trong một lộ trình bị xóa bỏ. Rất đơn giản, chúng không phù hợp với tiêu chí “nông thôn mới” với công trình nhà ở được Bộ Xây dựng ban hành.

Một căn nhà nông thôn mới phải có “3 cứng”: tường cứng, nền cứng, mái cứng. Và, tường đất thì không được xem là tường cứng. Chúng sẽ được khuyến khích đập đi, để thay bằng một loại gạch nào đó. Nhiều gia đình cũng chẳng có tiền dùng gạch đất nung đỏ và trát theo kiểu cách nhà dưới xuôi: họ sử dụng thứ gạch ba banh rẻ tiền đúc bằng xỉ, vốn thường được để xây tường. Một căn nhà màu xám thế vào chỗ căn nhà màu vàng.

Đập bỏ nhà trình tường để xây dựng nông thôn mới là một nghịch lý đã được nhận thức gần một thập niên qua. Nhưng, gần đây nghịch lý này xuất hiện thêm nghịch cảnh mới. Một số kiến trúc sư đã sử dụng kỹ thuật trình tường để xây dựng lên những căn nhà đầy kiểu cách tại các đô thị. Chúng được thán phục vì độ độc đáo, trở thành quán cà phê, nhà nghỉ dưỡng. Và ở đây, nghịch lý thay, chúng đáp ứng đủ các quy chuẩn để được cấp phép xây dựng.

Hẳn bạn đã nhận ra rằng, số phận tương tự cũng diễn ra với nhà sàn của nhiều vùng dân tộc thiểu số. Những kết cấu gỗ này tất nhiên không phù hợp với tiến trình xây dựng “nông thôn mới” và trên đường bị thay thế bằng các kết cấu “cứng” khác (bất chấp giá trị văn hóa và thẩm mỹ của thứ “cứng” này có thảm hại tới cỡ nào).

Bất chấp những quan ngại hàng thập niên, văn hóa vẫn chưa được tính đến đầy đủ trong nỗ lực phát triển. Các quy chuẩn xây dựng được ban hành tạo ra những tiêu chuẩn khá cứng nhắc.

Trên các tiêu chuẩn “cứng” này, không chỉ có nhà dân, mà cả nhà văn hóa, chợ,... hay bất kỳ công trình nào cũng đều có nguy cơ biến dạng so với phổ văn hóa bản địa. Ví dụ, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp các thiết kế nhà văn hóa có sân cầu lông tại các vùng núi. Cầu lông hẳn nhiên là môn dễ chơi, dễ khuyến khích phong trào. Nhưng, câu hỏi đặt ra là ngay tại cộng đồng đó cũng có môn thể thao, môn chơi đặc trưng của họ kia mà? Họ đã bao đời đánh con quay, bao đời múa khèn, bao đời bắn nỏ? Nếu đã mất tiền xây tại sao không thể là không gian cho những thứ này. Câu trả lời có lẽ là “tiện”. Thiết kế đó, có sân cầu lông, đã được xây ở đâu đó, để đạt chuẩn “nông thôn mới”, ta cứ xây luôn. Nếu thiết kế riêng không gian khuyến khích môn tù lu (đánh con quay) của người Mông thì lại tốn công quá.

Tức là chúng ta đang có một quá trình phủ nhận sạch trơn các giá trị văn hóa bản địa; bằng những chính sách rất cứng nhắc nhưng lại không hề có nỗ lực bù đắp cho nó. Không có cơ quan nghiên cứu chính sách nào nghĩ về việc làm sao giữ được nếp nhà xưa nhưng vẫn đảm bảo được các quy chuẩn đời sống hôm nay, làm sao vừa đảm bảo chất lượng sống mới, vừa giữ được văn hóa truyền thống. Cái cũ trở thành cái sai. Còn cái mới thì tiện đâu đắp đó.

Tiện. Đồng bào đã bị phủ nhận giá trị cũ rồi. Giá trị mới thì không ai thiết kế. Thế là họ nhặt ngay những thiết kế trong tầm mắt. Các triền núi lổn nhổn những thiết kế nhà của đồng bằng, những nhà lô, nhà ống, sơn vàng sơn xanh, mái tôn đỏ, có phào chỉ nhái Pháp và có cả con dơi ngậm xâu tiền (dù nhiều gia đình không thiếu đất để xây nhà thấp tầng rộng rãi, có lẽ trong tầm mắt, người ta thấy cái này là sang). Lổn nhổn cả những chợ, trụ sở, nhà văn hóa hay cả trường học với triết lý thiết kế là “tiện”. Cứ làm sao đảm bảo quy chuẩn thì thôi.

Điều này có thể khuất mắt trông coi trong nhiều thập niên, coi như tiến trình phát triển tất yếu của một quốc gia nghèo. Nếu vùng nào cũng đòi nghiên cứu thiết kế riêng để vừa giữ gìn bản sắc, vừa phát triển thì ngân sách đâu ra. Quy chuẩn chỉ có thế. Dân thấy tiện thế nào thì dân xây. Nhưng, trong một thời đại mới, nơi mà văn hóa lại là tư liệu sản xuất, văn hóa bản địa là một phần của ngành du lịch trị giá hàng chục tỷ USD - một mũi nhọn của nền kinh tế - thì có lẽ đã đặt được câu hỏi về trách nhiệm.

Nghĩ về một ngày, khi chương trình “nông thôn mới” hoàn thành nhưng người Việt Nam bỗng nhận ra rằng “nông thôn cũ” là một khối di sản trị giá hàng chục tỷ USD đã bị khai tử. Và trên hết, là những ký ức không thể đo được bằng tiền bạc, là một phần máu thịt tạo nên người Việt. Cảm giác thật kỳ quái.

Đức Hoàng

Phạm An - Hà Quang Minh - Đức Hoàng
.
.
.