Học phí đại học Việt Nam đắt hay rẻ?

Chủ Nhật, 21/06/2020, 14:45
Sự kiện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đột ngột tăng học phí từ 13 triệu đồng/năm trong năm học 2019-2020 lên tới 50, 55, thậm chí 70 triệu đồng/năm tại một số chương trình đào tạo trong năm học 2020-2021 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Một số cho rằng mức học phí trên là quá đắt, một số lại cho rằng mức học phí trên là hợp lý, thậm chí là rẻ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích về chủ đề trên.

Đắt

Nếu so với mức học phí của trường năm ngoái (13 triệu đồng) thì mức học phí kể trên là đắt. Ngược lại thời gian 5 năm trước đó (năm học 2014-2015) khi mức học phí tương ứng vào khoảng 8 triệu đồng thì mức học phí mới là rất đắt. Còn lui lại thêm khoảng 15 năm nữa (năm học 2000-2001), khi mức học phí tương ứng vào khoảng gần 2 triệu đồng thì mức học phí năm nay có thể xem là rất rất đắt. Và kể cả khi đã tính đến trượt giá thì những nhận định trên vẫn đúng.

Một người bạn của tôi hiện nay là bác sĩ tại một bệnh viện công khi biết tin về mức học phí mới đã phải thốt lên: “Vậy con nhà nghèo sẽ không được học ngành y nữa”. Lấy ví dụ từ chính bản thân mình, vị bác sĩ này cho rằng cũng nhờ chính sách học phí rẻ trước kia thì anh mới có cơ hội học trường y và làm bác sĩ như hiện nay. Hẳn nhiên, anh phản đối chính sách học phí mới của các đồng nghiệp từ Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Rẻ

Nếu nhìn ở góc độ khác thì ta lại thấy mức học phí trên là không  quá đắt hoặc có thể là rẻ. Thực tế, mức học phí khoảng 50-70 triệu/năm đã được áp dụng tại nhiều trường đại học tư thục từ lâu (ví dụ Đại học FPT, Đại học Hoa sen...). Và nếu nhìn sang các chương trình đại học quốc tế như RMIT (Australia) hay Đại học Anh quốc Việt Nam thì mức 50-70 triệu/năm có khi chỉ đủ đóng cho một học kỳ.

Cần nhớ, với các đại học kể trên, mức học phí tương đương hoặc đắt hơn so với mức học phí 50-70 triệu đồng, chủ yếu lại dành cho các chương trình ít phải đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất như quản trị kinh doanh hay công nghệ thông tin. Nói cách khác, với mức học phí 50-70 triệu đồng/năm có khi lại là rất rẻ. Nhìn xa ra khỏi biên giới Việt Nam, tôi thử lên mạng và tìm kiếm thông tin về các chương trình đào tạo y, dược trên thế giới.

Kết quả sơ bộ cho thấy, trung bình ở Anh, một sinh viên ngành y, dược phải đóng khoảng 38.000 bảng. Con số tương ứng tại trường Y Harvard là khoảng 65.000 USD, ở Singapore là khoảng 47.000 SGD, ở Australia là khoảng 70.000 AUD. Đây đều là các con số gấp hàng chục lần so với mức học phí dự kiến của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Nhìn rộng hơn: chính sách tài chính của giáo dục đại học Việt Nam

Câu chuyện đắt-rẻ kể trên có lẽ sẽ còn gây nhiều tranh cãi không có hồi kết. Và nếu muốn có một cái nhìn thấu đáo về việc này, có lẽ chúng ta phải xem xét câu chuyện học phí này ở một góc nhìn rộng hơn. Cụ thể, để hiểu rõ về chủ đề này, chúng ta cần xem toàn bộ các vấn đề liên quan đến tài chính của giáo dục đại học Việt Nam trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, bao gồm các vấn đề liên quan đến xã hội hóa, cấp ngân sách, giá thành (hoặc chi phí đơn vị) trong giáo dục đại học... Các vấn đề này có liên hệ mật thiết với nhau và tất nhiên cũng liên hệ mật thiết đến vấn đề học phí. Vì vậy, khi nói về học phí không thể tách rời khỏi các vấn đề kể trên.

Xin bắt đầu từ vấn đề “Xã hội hóa giáo dục đại học”. Chúng ta đều biết, xã hội hóa là một chính sách được Nhà nước bắt đầu áp dụng trong toàn bộ các đơn vị sự nghiệp (bao gồm y tế, giáo dục, nghiên cứu, báo chí, thể thao...) từ giữa những năm 1990 chứ không chỉ riêng với giáo dục đại học (Nghị quyết 90-CP năm 1997). Về khía cạnh tài chính trong giáo dục đại học, chính sách xã hội hóa, về cơ bản xoay quanh mấy ý tưởng chính như sau:

1. Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư chủ đạo cho giáo dục đại học. 

2. Cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập thu học phí nhưng cần tính toán đến khả năng chi trả của người học. Nhà nước kiểm soát mức trần học phí tại các trường đại học công.

Sau hơn 20 năm nhìn lại, sòng phẳng mà nói, một số kết quả về xã hội hóa giáo dục đại học không phải lúc nào cũng đi đúng dự kiến ban đầu. Xin đưa ra một số ví dụ.

Thứ nhất, một điều hiển nhiên là mức đầu tư cho giáo dục đại học công lập (tính theo từng sinh viên) đang có xu hướng giảm dần. Sau khi Nghị quyết 90-CP về xã hội hóa ra đời năm 1997, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một mức đầu tư/sinh viên căn cứ theo ngành học/bậc học. Ví dụ, theo quy định tại văn bản số 562/TC năm 1998 của Bộ Tài chính, một sinh viên ngành y sẽ được Nhà nước cấp trung bình 6 triệu đồng/năm, con số tương ứng với ngành văn hóa/du lịch là 5,4 triệu đồng, ngành nông/lâm/thủy sản là 5,9 triệu đồng.

Phần học phí do sinh viên đóng góp trong giai đoạn này, như trình bày ở trên khoảng 2 triệu đồng/sinh viên/năm, chỉ có ý nghĩa góp phần (khoảng 25%) vào tổng chi phí đào tạo chung của sinh viên trong một năm (theo ngôn ngữ chuyên môn, chúng tôi gọi là chi giá thành đào tạo hoặc chi phí đơn vị)

Mặc dù vậy, từ khoảng năm 2005, giáo dục đại học ở nước ta bắt đầu có những biến chuyển sâu sắc, số lượng trường đại học (đặc biệt là trường công) được mở mới hoặc nâng cấp từ cao đẳng quá nhiều. Điều này dẫn đến việc Chính phủ không còn đủ sức đầu tư như trước đây nữa. Từ cơ chế cấp ngân sách theo đầu sinh viên, Chính phủ chuyển sang cơ chế “khoán” ngân sách.

Theo đó, các trường đại học công sẽ chỉ được nhận một khoản ngân sách ổn định (có tăng hằng năm theo tỷ giá lạm phát). Với cơ chế đó, khi trường đại học tuyển được nhiều sinh viên thì mức đầu tư nhà nước/đầu sinh viên sẽ giảm xuống. Theo ước tính của chúng tôi, đến khoảng những năm 2015-2017, mức đầu tư trên đầu sinh viên đại học công ở Việt Nam chỉ còn khoảng 2-4 triệu/năm, tương đương khoảng 30-60% so với mức tương ứng trong giai đoạn 1998-2005.

Trong bối cảnh đó, học phí của người học ngày càng tăng, trở nên có vai trò quan trọng. Ví dụ, với mức thu học phí của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm ngoái là 13 triệu và mức đầu tư Nhà nước tạm tính là 3 triệu thì tỷ lệ học phí/tổng chi phí đào tạo (hay giá thành hay chi phí đơn vị) là 13/16, tương đương 80% (cao gần gấp 4 lần con số tương ứng 25% trong năm 2000).

Đặc biệt, từ năm 2014, Chính phủ lại ban hành một chính sách mới có tên gọi là “tự chủ đại học”, theo đó tinh thần chính là các trường đại học công, nếu không nhận ngân sách nhà nước nữa sẽ được trao quyền tự quyết trong nhiều hoạt động, trong đó có cả quyền nâng mức học phí ngoài mức trần quy định. Trong giai đoạn 2014-2020, đã có 23 trường thực hiện theo chính sách này.

Và theo tôi hiểu, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh là trường mới nhất tham gia vào các trường tự chủ kể trên. Mức học mới từ 50-70 triệu thực tế cũng chính là toàn bộ chi phí đào tạo bởi Nhà nước rõ ràng đã không còn đầu tư như trước đây nữa.

Học phí Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh là đắt hay rẻ?

Quay trở lại với câu hỏi từ đầu bài. Vậy học phí Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh là đắt hay rẻ? Hay nói rộng hơn, nếu Việt Nam tiếp tục chính sách tự chủ tài chính như đã phân tích ở trên thì có được không. Một mặt tôi nghĩ, chúng ta cần phải chấp nhận thực tế là Nhà nước sẽ không thể đầu tư phần lớn chi phí đào tạo như trước đây nữa, việc nâng học phí đối với các trường công là điều buộc phải làm, nhất là khi chúng ta muốn có một nền giáo dục đại học có chất lượng tốt hơn.

Nhưng, mặt khác, tôi lại nghĩ, riêng với ngành y, dược, là một ngành đặc biệt, khác với những ngành thuần túy đáp ứng nhu cầu thị trường như du lịch, kinh doanh hay công nghệ thông tin. Tỷ lệ nhân lực ngành y ở nước ta hiện chỉ vào khoảng 0,8 người/1.000 dân, khá thấp so với thế giới, khoảng 1,6 người/1.000 dân. Nhà nước rõ ràng cần một chính sách khuyến khích người dân đi học ngành này (thông qua một chương trình học cấp quốc gia chẳng hạn).

Nhà nước có thể tiết kiệm được một chút kinh phí trước mắt khi cắt ngân sách các đại học về y, dược hoặc không cấp học bổng cho sinh viên ngành y, dược. Nhưng, trong tương lai, có thể Nhà nước sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu như số lượng bác sĩ trên tổng dân số không những không được rút ngắn so với thế giới mà còn lại bị thấp đi, chỉ vì chính sách tiết kiệm ngày hôm nay.

Phạm Hiệp
.
.
.