Hoa khôi bóng chuyền Phạm Kim Huệ: Trở lại sau những thăng trầm

Thứ Ba, 05/10/2010, 16:00
Đã nhiều lần tôi nhìn thấy tuyển thủ bóng chuyền mang áo số 5 Phạm Kim Huệ chơi hết mình ở các VTV Cup được truyền hình trực tiếp trong mùa giải các đội mạnh. Không hiểu do thần thái của chị lúc ấy bỗng trở nên cuốn hút lạ thường, hay bởi ông trời phú cho chị một gương mặt quyến rũ, mà cho dù ở góc quay nào, khi chị hả hê vì ghi điểm hay tức giận vì rớt điểm... tôi vẫn thấy gương mặt Huệ luôn tự nhiên, tươi sáng và đầy đam mê.

Gương mặt ấy chẳng thua kém gì một "hot girl" chân dài nào trên sàn catwalk. Gương mặt đã mang về không ít vinh quang cho đội tuyển bóng chuyền Việt Nam cũng như đội tuyển Bộ Tư lệnh Thông tin, nơi mà chị đã gắn bó từ ngày đầu tiên bước vào nghề.

Tôi gặp Kim Huệ ngay vừa lúc chị đi thi đấu ở tỉnh xa trở về đến Hà Nội. Trong bộ quần áo thể thao khỏe khoắn, trông dáng vóc của bà mẹ một con từng được khán giả hâm mộ gọi bằng một cái tên đầy quý mến "người đẹp thể thao" không hề thay đổi. Vẫn đôi mắt với ánh nhìn biết nói, nụ cười duyên dáng, không ra vẻ lạnh lùng nhưng cũng không quá cởi mở khi gặp ai đó lần đầu...

Đặc biệt khi Kim Huệ cười, ở chiếc răng khểnh của chị lộ ra một hạt đá lấp lánh như ánh sao. Đây là một món quà mà cô em chồng đã tặng cho Huệ, khiến cho vẻ đẹp của "gái một con" như được tăng lên bởi cái dáng vẻ trẻ trung, tinh nghịch.

Câu chuyện giữa hai chúng tôi không phải như nhiều năm trước đây, sẽ bắt đầu từ quả bóng, mà bắt đầu từ việc... khoe con! Cô con gái gần 4 tuổi của Huệ trông cao ráo, trắng trẻo và giống hệt bố. Dường như, chiếc điện thoại IPhone đắt tiền của cô chỉ dùng để chụp và lưu giữ ảnh của chồng, của con, của bà và cháu cũng như nhiều những bức ảnh gia đình mà Huệ rất trân trọng.

Huệ nói bằng tình cảm của một người mẹ như bao bà mẹ khác: "Tôi giữ nhiều ảnh của con để những lúc xa con mở ra xem cho đỡ nhớ. Bởi vì dù đã lập gia đình và sinh con rồi nhưng bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm con dâu tôi vẫn chưa thực hiện được nhiều. Khi trở lại sân bóng, có nghĩa là tôi phải chấp nhận những chuyến xa nhà triền miên, một tháng, tôi vắng nhà chừng 20 ngày để đi thi đấu là chuyện bình thường. Dù biết xa con, xa nhà là nhớ không chịu nổi và cũng vô tình, mình đang tự tước đi quyền làm mẹ của mình, không được ở cạnh con thường xuyên để nhìn con lớn khôn, ngoan ngoãn. Nhưng là một vận động viên thì tôi vẫn phải hoàn thành tốt công việc của mình, một điều mà bao nhiêu năm nay tôi đã làm, đã cống hiến".

Có thâm niên 15 năm gắn bó với quả bóng trên tay, song, nhắc về những ngày đầu bước chân đến với thể thao, giọng Huệ bỗng chốc vẫn trầm lắng, xa xăm như để ký ức vọng về những điều chưa bao giờ cũ. Cái thời cô nữ sinh Phạm Kim Huệ mới học lớp 6 Trường An Dương (Tây Hồ) cao kều (1m68) luôn ngại ngần với chiều cao của mình khi đi cùng chúng bạn.

Và, như một mối duyên định sẵn, bóng chuyền là một giải pháp đối với cuộc đời Huệ để cô được phát huy thế mạnh, trước hết là chiều cao của mình. Mặc dù hồi đó, môn thể thao mà Huệ thực sự muốn mình tham gia là điền kinh, nhưng chị lại lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển bóng chuyền của Câu lạc bộ Bộ Tư lệnh Thông tin.

Năm ấy, Huệ là thí sinh cuối cùng trong số 100 người dự thi để chọn ra 30 vận động viên. Ba năm sau, 30 người ấy chỉ còn lại 9 được chơi trong đội trẻ của Bộ Tư lệnh Thông tin. Đến nay, trong số 9 người đồng đội ngày ấy, chỉ còn duy nhất Huệ đi theo con đường chuyên nghiệp. Trúng tuyển vào môi trường quân đội, Huệ đã được huấn luyện để trở thành một quân nhân chơi thể thao.

Cái hồi mới chân ướt chân ráo chơi bóng chuyền, Huệ tập ở sân đất, sân ngoài trời không có mái che mấy năm trời, nắng nóng hay đông lạnh gì cũng phải tập. Từ sân đất đến sân xi-măng rồi bây giờ là sàn gỗ mái che mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu, nhiều điều đã khác xưa nhưng tình yêu, nỗi đam mê với bóng chuyền của chị vẫn không thay đổi.

Huệ bảo rằng, ngày ấy, vật chất và điều kiện tập luyện khó khăn nhưng tình cảm ở đội bóng lúc nào cũng như trong một gia đình. Có khi sống ở Câu lạc bộ, Huệ còn được các thầy cô Huấn luyện viên chăm sóc kỹ hơn cả bố mẹ chăm sóc mình ở nhà, từ bữa ăn giấc ngủ, cả những lúc ốm đau, mệt mỏi, khó khăn, các huấn luyện viên đã như những người mẹ, người cha thứ hai chăm sóc các con mình, dạy cho các con không chỉ chuyên môn mà cả những bài học ứng xử của cuộc sống.

Dường như, mỗi con người sinh ra đều đã khoác trên mình một thân phận, một sứ mệnh đã được định sẵn. Với Kim Huệ, điều mà số phận đã ban cho chị là một nhan sắc thể thao hiếm có cùng một tính cách mạnh mẽ và quyết đoán đối với cuộc đời mình.

Hồi đang ở thời kỳ đỉnh cao, thấy chị có một ngoại hình lý tưởng của một người mẫu, đã có nhiều người mời Huệ tham gia sân chơi của những "cô gái chân dài", bước đi đầy kiêu hãnh trong ánh đèn sân khấu xanh đỏ, với môi son, má phấn và những ánh hào quang bóng loáng của váy áo xênh xang cùng tiếng vỗ tay rộn rã của nhiều đại gia, thiếu gia, cùng nhiều tay phó nháy săn lùng.

Huệ cũng đã thử một lần đến với sàn catwalk, đó là lần chị được nhà tạo mẫu Minh Hạnh mời tham gia trình diễn trong tuần lễ thời trang Việt - Ý. Khi được trang điểm bởi các chuyên gia, khi được khoác lên mình những bộ xiêm y lộng lẫy cùng một gương mặt ăn ảnh, Huệ cũng đã khiến cho bao ánh mắt như bị hút hồn trong từng bước đi, điệu đứng...

Thánh đường của ánh sáng, âm thanh có thể đã đến với chị, rộng mở đón chị... Nhưng Huệ đã chối từ nó để trở về giản dị quần đùi, áo phông, giày thể thao với những bước nhảy cao vút trên sân bóng. Huệ bảo rằng, có hàng trăm, hàng nghìn người trên trái đất này cũng có chiều cao lý tưởng, ngoại hình bắt mắt, nhưng không phải tất cả họ đều đi làm người mẫu, hoa hậu hay một điều gì tương tự.

Và chị, chị thuộc về sân bóng trong tư thế luôn sẵn sàng chiến đấu, lăn xả để tranh bóng, đập bóng, người nhễ nhại mồ hôi, thậm chí, trong cao trào tập luyện chị lả đi vì đói, vì căn bệnh huyết áp thấp... chứ chị sinh ra không phải để trở thành một dáng mai dịu dàng, yểu điệu trên sân khấu đẹp đẽ kia. Điều đó, số phận đã an bài. Huệ là người thật thà, chân thành. Nói đúng hơn, chị là một con người thẳng thắn.

Cũng chính bởi điều này, chị được nhiều người quý mến nhưng cũng gặp không ít tai bay vạ gió. Có một thời, người ta đồn đại chị có đại gia sau lưng nâng đỡ.

Cũng có một thời, hồi còn trẻ, chị dốc lòng trang trải nỗi niềm của mình về một mối tình đầu với những ước mơ bay bổng... để rồi sau đó, là những đêm khóc thầm trong tủi hờn, đơn độc vì bị dư luận quan tâm quá mức, bị đồng nghiệp nghi kỵ, thị phi, bị người yêu ghen tuông, phản bội... Rồi một cú vấp sau những vinh quang, là chị bị rạn xương ống chân, phải đi mổ và nằm viện mất nhiều tháng trời...

Lúc đó, Huệ nghĩ rằng, thể thao, ở một khía cạnh nào đó đối với phụ nữ, là một nghề bạc bẽo. Khi còn khỏe, còn trẻ thì còn được trọng dụng, khi ốm đau, bệnh tật là bị vùi vào quên lãng như một chiếc áo đã cũ, đã lỗi thời. Đấy là chưa kể, những đồng lương ít ỏi mà chị kiếm được chẳng đủ để chị đóng góp phần nào giúp bố mẹ chị trang trải đời sống công chức trong thời buổi kinh tế thị trường.

Đã có một thời kỳ tâm trạng của Huệ thực sự xuống dốc. Chị đã nghĩ đến việc giải nghệ đi tìm một công việc phù hợp hơn với mình hoặc kinh doanh một thứ gì đó để kiếm tiền lo cho đời sống... Hồi ấy, những lúc buồn bã, cô đơn, chị cùng cô bạn thân thường đến các quán bar để đắm chìm trong tiếng nhạc rộn ràng, để có thể xả stress. Và, cũng ở đó, chị đã gặp được người bạn đời lý tưởng của mình.

Một người đàn ông sống rất ga-lăng, có trách nhiệm, hiểu và thông cảm với nghề nghiệp của Huệ. Anh đã là một bờ vai tin cậy và vững chãi giúp Huệ vượt qua những khó khăn, bất trắc. Người đàn ông ấy, không phải là một đại gia, anh đơn giản là một người cũng từng lăn lộn, nếm trải trong cuộc đời, cũng từng va vấp... Hai tâm hồn của họ đã thuộc về nhau như duyên nợ của đất trời.

Một năm sau họ làm đám cưới. Huệ tạm chia tay trái bóng để làm tròn thiên chức của người phụ nữ. Chị ở nhà chăm con, học nấu ăn từ người mẹ chồng đảm đang, tần tảo. Gần một năm sau, chị được gọi lại đội tuyển, một phần vì chị nhớ nghề, một phần vì đội tuyển cần chị để dự giải các đội mạnh VTV Cup, vì không thể có ai thay thế được vai trò của chiếc áo số 5, là chị, trên sân thi đấu.

Sự trở lại của Huệ đã làm cho bao khán giả chờ đợi và tin tưởng vào thành công của đội tuyển bóng chuyền nữ nước nhà. Ngược lại, Huệ buộc phải lựa chọn giữa công việc gia đình. Thật khó để bất kỳ người đàn ông nào chấp nhận sự vắng nhà thường xuyên của vợ.

Điều may mắn của Huệ là chị có một người mẹ chồng thật tuyệt vời. Bà là người phụ nữ giỏi giang, làm nghề buôn bán đồ cổ nhưng chính sự giỏi giang ấy cũng khiến bà gặp không ít những trắc trở trong cuộc đời. Sau những đổ vỡ của hạnh phúc, một tay bà phải vừa làm bố để gây dựng cơ ngơi mà cũng phải vừa làm mẹ để lo cho các con từng bữa ăn ngon, từng giấc ngủ và nuôi các con khôn lớn. Bà nói với con dâu: "Con cứ làm công việc của mình để cháu ở nhà mẹ trông nom".

Huệ bảo rằng, có lẽ, niềm hạnh phúc lớn trong đời của chị là có được một người mẹ chồng hiểu và thông cảm cho mình. Bà thương chị như những người con bà đứt ruột sinh ra và chị biết ơn bà vì điều đó. Huệ bảo rằng, gia đình, đó là hậu phương vững chắc, một tổ ấm bình yên mà mỗi lúc trở về, sau những vinh quang, thành bại, sau những tràng vỗ tay khen ngợi hay những giọt nước mắt sẻ chia, chị thấy cuộc sống của mình trở nên yên bình và có ý nghĩa…

Vừa qua, giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Ferroli Cup 2010 đã diễn ra, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, một lần nữa, đã vô địch trong tiếng vỗ tay khen ngợi của khán giả trong nước và quốc tế. Có lẽ, đã quen với những chiến thắng, và cũng gánh trên vai cả sứ mạng của dân tộc, cho nên, đằng sau mỗi giải thi đấu, những "cô gái chân dài" ấy không nghỉ ngơi, họ tiếp tục ra sân để luyện tập hoặc đi tập huấn.

Nhiều cô gái ở xa, dù nỗi nhớ nhà luôn thường trực nhưng họ vẫn không có đủ thời gian để về thăm gia đình. Tôi tới gặp các nữ tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam sau giờ tập để chuẩn bị cho một mùa giải mới, mới thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của họ rất lớn, chứ không đơn giản chỉ là những cú nhảy, những cú đập bóng, những tiếng hét hò trên sân đấu...

Họ, dẫu sao cũng là phái nữ, cho dù hầu hết họ hiện nay tuổi đời còn rất trẻ, song, trước sau, họ cũng phải già đi, yếu hơn, sức khỏe của họ không còn dẻo dai để lăn lộn cùng những tháng ngày tập luyện, thi đấu gian khổ. Có nhiều người đi trước, cũng vì niềm đam mê bóng chuyền mà phải chấp nhận một cuộc đời đơn lẻ, có người mãi mãi không có khả năng sinh con hoặc khi đã lập gia đình thì cuộc đời cũng gặp nhiều sóng gió...

Tất cả những điều đó, họ không cho là hệ lụy, bởi khi đã chấp nhận sinh nghề tử nghiệp, là họ đã biết trước những bất hạnh có thể sẽ ập đến trên đầu mình. Các nữ vận động viên bóng chuyền hoàn toàn biết được sự khắc nghiệt của nghề nghiệp, bởi đến một độ tuổi nhất định, họ sẽ phải rời sân đấu để trở về làm một công việc bình thường, một công chức bình thường, họ chỉ xem con số mình đã khoác trên người suốt bao nhiêu năm như một kỷ vật đẹp và đáng ghi nhớ.

Cũng có người rời khỏi sân đấu sẽ được làm một công việc mình yêu thích, có người không. Có người chấp nhận trở về đời thường và xem những ngày vang bóng chỉ là một chặng đường mình đã sống, đã cống hiến. Nhưng, cũng có những người không thể nguôi nỗi thèm muốn được vào sân, được cầm lại trái bóng mà mình đã gắn bó từ năm mười ba, mười lăm tuổi, nên, trong khả năng của mình, họ trở lại làm huấn luyện viên, để lại được dìu dắt một thế hệ tiếp nối...

Nhìn những gương mặt rạng rỡ của các chị, tôi vẫn tin rằng, cho dù các cô gái bóng chuyền Việt Nam biết rằng đằng sau những vinh quang, đằng sau nụ cười chiến thắng là những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi nhọc nhằn, song, họ thật sự hạnh phúc vì đã đi đến tận cùng với niềm đam mê mà mình đã lựa chọn.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.